Mục lục bài viết
Nhà Hán sau khi trải qua hơn 400 năm, bị chia thành ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Chủ công của ba nước này có thể đứng vững một cõi cũng chính là nhờ sự giúp đỡ của những người có năng lực. Cũng giống như Lưu Bị của Thục Hán, bên cạnh có Quan Vũ, Gia Cát Lượng, Trương Phi và Bàng Thống,… những người này cùng Lưu Bị vào sinh ra tử, bày mưu tính kế cho ông, Lưu Bị nhờ vậy mới có thể làm được việc lớn.
Với những ai đã quen với bộ tiểu thuyết kinh điển “Tam Quốc diễn nghĩa”, đối với những nhân vật như Trương Phi và Quan Vũ đều có hiểu biết nhất định. Sau khi nước Thục diệt vong, cảnh ngộ gia tộc của Quan Vũ và Trương Phi lại hoàn toàn khác biệt, hai người này đều là đại tướng khai quốc, cùng với Lưu Bị đều là sinh tử chi giao, vậy vì sao số phận lại khác nhau lớn như vậy?
Một đời vinh quang nhưng con cháu không nhận được phúc phận
Quan Vũ có hai người con trai, một người là Quan Bình, một người là Quan Hưng. Quan Bình là anh cả, luôn đi theo Quan Vũ trấn thủ tại Kinh Châu. Trong trận Tương Phàn (Tương Dương – Phàn Thành), Quan Vũ và Quan Bình cùng gặp nạn, một nhánh của Quan Bình tới đây là hết, không có đời sau. Quan Hưng thì không sát cánh cùng cha, mà luôn đi theo Gia Cát Lượng, được Gia Cát Lượng hết mực thương yêu.
Về phía Quan Hưng, bởi Quan Hưng khi đó đã rút lui sớm, mai danh ẩn tích, cho nên vẫn còn sống sót, thậm chí còn có 2 đứa con. Quan Thống và Quan Di đều là máu mủ của Quan Hưng, họ trước sau kế thừa tước vị của Quan Vũ, nhưng cũng đều chết sớm, không có để lại hương hỏa. Cho nên nói, Quan Vũ không để lại hậu duệ, bây giờ nếu như bạn nghe ai nói rằng có ai đó là con cháu của Quan Vũ, thì đó đều là giả.
Trương Phi cũng có hai con trai là Trương Bào và Trương Thiệu. Trương Bào người này không hề đơn giản, rất được lòng dân, mang theo sự kỳ vọng của vô số người dân đối với việc chấn hưng Thục Hán. Có thể là trời ghen ghét những kẻ anh tài, người thanh niên rất có thể sẽ mang lại sinh cơ cho Thục Hán này cũng không thoát khỏi cái chết. Khi biết tin Trương Bào qua đời, Gia Cát Lượng càng đau buồn mãi không thôi, vì điều này mà ông đã ốm nặng một trận.
Con trai của Trương Bào cũng là một người gan dạ sáng suốt, phong thái khá giống cha mình, nhưng cuối cùng đã chết trong trận Miên Trúc do Đặng Ngải tấn công nước Thục. Trương Thiệu là một người con khác của Trương Phi, khi Thục Hán bị diệt, Lưu Thiện đầu hàng, Trương Thiệu phụng mệnh mang ngọc tỉ đi trước đầu hàng. Trương Thiệu không chỉ sống tốt mà hơn nữa còn được phong hầu. Trương Phi coi như là lưu lại được đời sau.
Nguyên nhân khiến kết cục hoàn toàn khác nhau
Vì sao kết cục sau cùng của hai người lại hoàn toàn khác nhau như vậy, tôi cho rằng bối cảnh đằng sau họ có quan hệ rất lớn.
Sau khi Thục Hán diệt vong, khu vực Ba Thục bắt đầu hỗn loạn không yên. Rất nhiều gia tộc đều bị liên lụy trong cuộc hỗn loạn này, trong đó gia tộc Quan Vũ bị tổn thất khá nghiêm trọng. Gia tộc Quan Vũ đã xuống dốc, chỉ có thể miễn cưỡng coi như là gia tộc quý tộc, cũng không có quan chức gì bên thân, sau lưng cũng không có “lão đại” nào có thể che chở cho họ. Cho dù sau này Thục Hán còn có hy vọng tiếp tục kéo dài, hậu duệ của Quan Vũ cũng chỉ có thể coi là bá tánh phổ thông có cuộc sống phú quý mà thôi, không thể tạo thành bất cứ uy hiếp gì.
Bàng Hội cũng không sợ rằng một gia tộc như vậy sẽ có khả năng trả thù mình trong tương lai, vì vậy, gia tộc Quan Vũ như cá nằm trên thớt, mặc cho người ta xẻ thịt, thậm chí không có cách nào đánh trả. Thiết nghĩ, nếu như gia tộc Quan Vũ đủ to lớn, có thể khiến Bàng Hội kiêng kỵ ba phần, thì cũng không đến nỗi bị chết trong tay của Bàng Hội.
Lưu Bị sau khi qua đời, Lưu Thiện kế vị. Vợ của Lưu Thiện chính là con gái của Trương Phi, cũng chính là hoàng hậu đương triều. Nếu gia tộc Trương Phi xảy ra bất kể vấn đề gì mà nói, người đời đương nhiên sẽ đổ lỗi cho Tư Mã Chiêu. Nếu gia tộc của hoàng hậu một nước mà cũng không được bình an, thì người dân đất Thúc làm sao có thể tin rằng mình cũng bình an vô sự được?
Thứ hai, cho dù Lưu Thiện là kẻ bất tài không phò trợ được, nhưng ông vẫn có một vị trí vô cùng quan trọng trong lòng dân chúng. Tư Mã Chiêu dù có quyền lực khuynh đảo triều đình, ông ta cũng có thể dễ dàng đối phó với với Lưu Thiện, nhưng vì muốn ổn định Ba Thục, vì để trấn an lòng dân, nên ông cũng sẽ không làm gì đối với Lưu Thiện.
Đương nhiên, Tư Mã Chiêu cũng cân nhắc đến một tầng này, dù ông ta có thèm khát quyền lợi đến đâu, thì cũng phải cân nhắc lợi hại, đến lúc đó nếu như người dân làm loạn, giang sơn bất ổn, thì cũng sẽ rất khó giải quyết. Vì để tránh phát sinh tình huống này, ông trước tiên phải đứng ra bảo đảm bình an cho gia tộc của hoàng hậu. Tư Mã Chiêu sẽ trừng trị nghiêm khắc bất kỳ ai có thể đe dọa gia tộc của Trương Phi.
Kỳ thực nói trắng ra, dù gia tộc họ Trương vì được sủng ái mà kiêu ngạo cũng không có vấn đề gì, cũng không tạo ra sóng gió gì, Tư Mã Chiêu sẽ hoàn toàn không coi gia tộc họ Trương là mối họa. Cho nên, Trương Phi được cây đại thụ Tư Mã Chiêu chiếu cố, tựa vào gốc cây mà hưởng bóng mát, tự nhiên sẽ không sợ hãi gì, dĩ nhiên, cũng không có người nào chán sống mà tìm đến Trương gia gây hấn, đó chẳng phải là không nể mặt Tư Mã Chiêu hay sao?
Ngoại trừ Tư Mã Chiêu bất đắc dĩ phải trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia tộc của Trương Phi ra, thì Trương Phi cùng với gia tộc Hạ Hầu gia bên Tào Ngụy cũng có quan hệ thông gia.
Trương Phi là người có vận khí rất tốt, bạn có thể tưởng tượng được một người khi đang trên đường chạy trốn lại có thể cướp được mỹ nhân không? Trương Phi chính là một người như vậy, trong lúc đang phải lưu lạc, nhìn thấy cô gái dung mạo xinh đẹp, vẫn là nhịn không được mà phải đi cướp. Không ngờ cô gái này có lai lịch không hề tầm thường, nàng vừa là cháu gái của Hạ Hầu Uyên, cũng là em gái họ của Hạ Hầu Bá.
Gia tộc Hạ Hầu là một gia đình quý tộc ở Tào Ngụy, thật trùng hợp, mối quan hệ của Hạ Hầu Uyên và Tào Tháo rất tốt, Trương Phi coi như là cướp được bảo bối. Hạ Hầu Thị trước sau sinh cho Trương Phi hai cô con gái, hơn nữa đều được Lưu Thiện lập làm hoàng hậu. Nếu có người đối phó với Trương gia, cũng tương đương đắc tội với Hạ Hầu gia. Người ta có thể không kiêng sợ Trương gia, nhưng lửa giận của Hạ Hầu gia cũng không phải người bình thường có thể hứng chịu được.
Hai người Quan Vũ và Trương Phi tính cách khác hẳn nhau
Quan Vũ có thể nói là một người khiến người ta vừa yêu vừa hận. Ông đặc biệt trung nghĩa, ngoại trừ Lưu Bị, ai cũng không lọt được vào tầm mắt của ông. Một khi đã theo Lưu Bị, ông ta tuyệt sẽ không làm việc cho người khác nữa. Quan Vũ cũng đặc biệt ưu tú, có năng lực, cho nên mới dưỡng thành tính cách kiêu ngạo, cũng không biết suy tính, khi nói chuyện cũng không cân nhắc đến cảm xúc của người khác, thành ra thường hay đắc tội với người. Vậy nên khi Quan Vũ xảy ra chuyện, không có ai nghĩ rằng sẽ liều mình đứng ra bảo vệ và nâng đỡ hậu duệ của ông.
Quan Vũ chinh chiến cả đời, đã giết rất nhiều người, những sự tích như rượu ấm trảm Hoa Hùng, qua Đông Lĩnh quan giết Khổng Tú; qua thành Lạc Dương giết Hàn Phúc, Mạnh Thản; qua Tị Thủy quan giết Biện Hỉ; qua Huỳnh Dương giết thái thú Vương Thực; qua bến Hoàng Hà giết Tần Kỳ,v.v… Những người bị ông giết này, nếu đặt vào thời đại bây giờ có thể gọi là những “liệt sĩ” của Tam Quốc, con cháu của họ tự nhiên sẽ được chiếu cố, con đường phát triển sự nghiệp cũng sẽ thuận buồm xuôi gió. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, nếu không gió xuân thổi nó lại mọc lên. Cho nên chờ khi Quan Vũ đã già, kẻ thù của ông cơ bản đều đã rất lớn mạnh.
Trương Phi tuy cũng có nhiều kẻ thù, tuy nhiên ông thường sẽ không lấy mạng người khác, phần nhiều là khiến người ta nếm mùi đau đớn về da thịt, nhiều nhất thì cũng đã giết viên đại tướng Dực Ninh mà thôi. Vậy nên Trương Phi tuy cũng đắc tội với người, nhưng cũng không đến nỗi là tội “tử thù”, có lúc giết rất nhiều người, nhưng đa phần đó đều là những người không có thực lực gì, không đáng để lo.
Trương Phi mặc dù cũng là người có tính khí nóng nảy, nhưng về phương diện đối nhân xử thế ông lại làm được rất tốt, biết chu toàn trước sau, nhìn mặt gửi lời, thuận lợi mọi bề.
Quan Vũ xem thường những người đạo mạo nghiêm trang, không thích đứng cùng hàng ngũ với họ, nhưng đối với thủ hạ rất tốt. Trương Phi lại trái ngược với Quan Vũ, ông rất biết lấy lòng cấp trên, nhưng lại rất hà khắc với cấp dưới. Theo quan điểm này, con đường công danh của Trương Phi chắc chắn là có thể đi được xa hơn Quan Vũ.
Nhìn thì như ngẫu nhiên, kỳ thực kết cục từ sớm đã được định sẵn
Như đã nói trước đó, Quan Vũ không có nhổ cỏ tận gốc. Một khi con cái của kẻ thù có đầy đủ thực lực rồi, chắc chắn ông sẽ phải chịu tai họa ngập đầu.
Năm Kiến An thứ 24, Quan Vũ dẫn quân tấn công Phàn Thành, Bàng Đức – cha của Bàng Hội – là mãnh tướng của Tào Tháo, lúc đó Tào Tháo phái 7 đạo quân đến ứng cứu, Bàng Đức cũng ở trong đó. Bàng Đức bị Quan Vũ bắt sống. Khi đó, Vu Cấm đã đầu hàng rồi, nhưng Bàng Đức không những không đầu hàng mà còn không ngớt mắng chửi Quan Vũ và Lưu Bị.
Kỳ thực, theo như tính tình của Quan Vũ, ông rất nể trọng những người như Bàng Đức. Có nghĩa khí, chính trực, là một người đàn ông, ngược lại, ông coi thường loại người như Vu Cấm. Trong phúc có họa, cũng chính bởi vì sự trung nghĩa của Bàng Đức, mới khiến ông không thể không chết. Dù là Quan Vũ không giết ông, đổi thành người khác, Bàng Đức cũng không thể không chết, chẳng qua là vận mệnh đã an bài, khiến Quan Vũ giết Bàng Đức mà thôi.
Bàng Hội luôn muốn báo thù cho cha, nhưng mãi vẫn chưa tìm thấy cơ hội, cuối cùng trong trận chiến Tương Phàn, Bàng Hội cũng tìm được cơ hội trả thù. Trong trận chiến Tương Phàn, Đông Ngô đã chớp lấy thời cơ, dẫn tới Quan Vũ thua trận, mất mạng vào tay Lã Mông. Năm 263, Bàng Hội thảo phạt Thục Hán, Lưu Thiện đầu hàng, Bàng Hội vẫn một lòng tìm cơ hội báo thù. Chỉ là lúc đó dòng họ Quan Vũ rất có danh vọng, Bàng Hội nhất thời còn chưa tìm được cơ hội để hạ thủ. Không ngờ rằng, ông trời lại rất nhanh trao cơ hội báo thù cho Bàng Hội.
Lúc đó đại tướng Thục Hán là Khương Duy trá hàng, khiến cho nước Ngụy điên cuồng trả thù, rất nhiều người vô tội bị chết thảm. Bàng Hội cũng nhân cơ hội này giết rất nhiều người của gia tộc Quan Vũ, coi như là đã báo được thù! Gia tộc Quan Vũ quả thực là vô tội, trong chuyện Quan Vũ và Bàng Đức, họ đều không có liên can, nhưng phải hứng chịu ngọn lửa thù hận của Bàng Hội.
Nếu khi đó Tôn Quyền bất ngờ dẫn quân ứng cứu, có lẽ kết cục sẽ khác, nhưng ông vì sao lại không làm như vậy? Cá nhân tôi cho rằng kỳ thực là do Tôn Quyền ghi hận Quan Vũ. Khi xưa, Tôn Quyền cũng rất thích Quan Vũ, ông thậm chí còn muốn được kết tình thông gia với Quan Vũ. Tôn Quyền đặc biệt cho người hỏi cưới con gái của Quan Vũ cho con trai của mình, nhưng Quan Vũ không những thẳng thừng từ chối, mà còn quát vào mặt sứ giả Đông Ngô rằng: “Con gái ta như loài hổ, lại thèm gả cho loài chó à”. Đường đường là vua chúa Đông Ngô, lại bị một người có thân phận dưới mình nhục mạ thậm tệ như vậy, trở thành trò cười cho thiên hạ, về việc này, Tôn Quyền vẫn luôn ghi hận trong lòng.
Tất cả những điều này đã khiến cho kết cục của Quan Vũ không mấy tốt đẹp. Ông sống trong thời đại mà lớp lớp nhân tài xuất hiện, nhưng hình tượng của ông lại không vì cái chết của ông, không vì sự đổi thay của thời gian mà bị lãng quên, mà còn được vua chúa các đời sau phong tước hiệu, được người dân lập miếu tôn thờ, khiến hình tượng ông càng thêm tỏa sáng, trường tồn mãi mãi trong cõi hồng trần này.
Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch