Kinh kịch Hoàng Mai có nguồn gốc là một dạng kịch hát kết hợp với vũ điệu dân gian nông thôn, đã tồn tại trong 200 năm qua và có thể lâu hơn tại Trung Quốc, là một trong những loại ca kịch chính thống và nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Nghiêm Phụng Anh từng là bậc thầy biểu diễn Kinh kịch Hoàng Mai và là người đã đưa môn nghệ thuật truyền thống này từ sơn thôn thảo đài lên màn ảnh. Bà đã từng là ngôi sao Kinh kịch chói lọi trên sân khấu và là thần tượng trong lòng vô số người hâm mộ. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Văn hóa bất ngờ ập xuống, đã đánh gục Nghiêm Phụng Anh từ đỉnh cao sự nghiệp xuống tận đáy khốn cùng. Bà phải tìm đến cái chết khi đang còn rất trẻ vì không chịu nổi sự sỉ nhục, nhưng thậm chí sau khi chết, thân xác bà vẫn tiếp tục bị làm nhục, tình cảnh bi thảm khiến người ta không khỏi đau lòng. 

Xin chào các bạn và chào mừng các bạn đến với chủ đề “Trăm năm chân tướng”. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tiếp cận nhân vật Nghiêm Phụng Anh, nữ chính của vở Kinh kịch “Thiên Tiên phối” và hồi cố lại cuộc đời ngắn ngủi đã từng rực rỡ, nhưng rồi lại trắc trở và đầy khuất nhục của bậc thầy Kinh kịch Hoàng Mai này.

“Thụ thượng điểu nhi thành song đối, lục thủy thanh sơn đới tiếu nhan”, diễn nghĩa: Trên cành cổ thụ đôi chim hót, nước xanh núi biếc hồng nhan tươi – là một câu hát trong vở Kinh kịch “Thiên Tiên phối” từng được lưu truyền khắp vùng Giang Nam, là một trong năm vở đại Kinh kịch Hoàng Mai của Trung Quốc, và vở kịch cũng khiến người ta nhớ mãi về một vị “thất tiên nữ” hạ phàm — Nghiêm Phụng Anh.

Bén duyên với nghề hát kịch

Nghiêm Phụng Anh sinh ra vào năm 1930 ở Đồng Thành, An Huy, quê hương của Kinh kịch Hoàng Mai. Vào thời điểm đó, hầu như tất cả mọi người ở Đồng Thành đều biết hát một hoặc hai giai điệu kịch Hoàng Mai nhỏ, nên từ tấm bé Nghiêm Phụng Anh cũng đã thấm đẫm những giai điệu của Kinh kịch Hoàng Mai.

Nghiêm Phụng Anh sinh ra vào năm 1930 ở Đồng Thành, An Huy, quê hương của Kinh kịch Hoàng Mai.

Năm 13 tuổi, bà bắt đầu lén học hát Kinh kịch với nghệ nhân Nghiêm Vân Cao, một người đồng tộc. Với chất giọng thiên phú và lối biểu diễn sinh động, Nghiêm Phụng Anh nhanh chóng trở nên nổi bật trong đoàn kịch. Một màn kịch mà người khác phải diễn đi diễn lại ba lần mới được, thì bà diễn một lần đã thành công, nên học chưa đầy năm bà đã được đứng hát trên sân khấu. Tuy nhiên, Kinh kịch Hoàng Mai lúc bấy giờ chỉ là tiểu kịch địa phương, diễn trên sân khấu cỏ ở sơn thôn, ai kiếm sống bằng nghề ca xướng sẽ bị hàng xóm coi thường và bị gia tộc trừng phạt. Nghiêm Phụng Anh vì xúc phạm điều cấm kỵ của tông tộc mà suýt bị dìm chết ở Trầm Đường.

Để bảo toàn tính mạng, bà buộc phải ly hương, dấn thân vào con đường xướng ca mại nghệ, và phiêu bạt ở vùng Giang Hoài. Trong thời gian này, bà đã làm quen với Đinh Vĩnh Tuyền và các lão tiền bối danh tiếng khác của Kinh kịch Hoàng Mai. Khi các lão tiền bối biểu diễn trên sân khấu, Nghiêm Phụng Anh đều dụng tâm tìm hiểu thủ pháp và mô phỏng từng điển từng tích. Sự chỉ dẫn của danh sư cộng thêm thiên tính tinh tế vốn có của phụ nữ đã cho phép bà trở thành một đán giác xuất chúng.

Kinh kịch Hoàng Mai xưa nay có một thuyết là: “Nam phạ ‘hội mẫu’, nữ phạ ‘từ điếm’”, bởi vì “tiểu từ điếm” yêu cầu đán giác trên sân khấu ca xướng hơn 50 phút, khảo nghiệm công phu tối đa. Tuy nhiên, Nghiêm Phụng Anh 15 tuổi đã có thể dễ dàng chế ngự vai diễn chính Liễu Phụng Anh, vì vậy bà đã đổi tên nguyên lai của mình từ “Nghiêm Hồng Lục” thành “Nghiêm Phụng Anh”, khẳng định tên tuổi của mình trong làng Kinh kịch .

Sa chân vào ‘cảnh đoạn trường’!

Nhờ giọng ca trong sáng, thanh thoát, tròn vành rõ chữ và kỹ năng diễn xuất sinh động, bà đã hấp thụ một cách thiện nghệ những thế mạnh của nghệ thuật truyền thống như Kinh kịch, Việt kịch, dân ca; dần hình thành phong cách biểu diễn độc đáo của “Nghiêm phái”. Tuy nhiên, chính vào lúc Nghiêm Phụng Anh đang say đắm với sự nghiệp hí khúc, thì chính quyền ĐCSTQ được thành lập, và thế giới bên ngoài hí kịch đã phát sinh những biến hóa điên đảo.

Năm 1951, ĐCSTQ bắt đầu tiến hành giáo dục giới nghệ sĩ của “xã hội cũ” về cái gọi là “tư tưởng văn nghệ mới”. Nghiêm Phụng Anh, người đang biểu diễn tại “Hí trường quần nhạc” ở An Khánh, trở thành đối tượng bị giáo dục.

Do bị tẩy não, bà đã thấm nhuần tư tưởng “Xã hội cũ coi tôi như cỏ rác, xã hội mới coi tôi như báu vật”, do đó bà khắc họa “xã hội mới” một cách tràn đầy cảm kích. Ngoài việc biểu diễn các vở truyền thống như “Đả trư thảo”, “Náo hoa đăng”, Nghiêm Phụng Anh còn tích cực tham gia các vở kịch cải biên ca ngợi các cuộc vận động “Cải cách ruộng đất”, “Tam phản”, “Ngũ phản”, và sự nghiệp diễn xuất cũng có vẻ khởi sắc.

Năm 1953, Nghiêm Phụng Anh được chuyển đến Đoàn kinh kịch Hoàng Mai của tỉnh An Huy. Một năm sau bà tham gia hội diễn hí khúc khu vực Hoa Đông, và lần đầu thử sức trong vai đán giác tiên nữ thứ bảy của vở “Thiên Tiên phối” mới cải biên. Trong vở hí kịch truyền thống, “Thiên Tiên phối”, còn được gọi là “Bảy tiên nữ hạ phàm”, kể về tú tài Đổng Vĩnh, xuất thân từ gia cảnh bần hàn, sau khi chôn cất phụ thân, chàng đã bán mình làm nô bộc cho phó viên ngoại Phủ Thượng. Sự hành hiếu của chàng đã cảm động Thiên thượng, do đó Ngọc Đế lệnh cho nàng tiên thứ bảy hạ giá, ban cho chàng trăm ngày kết hôn. Thành hôn xong, nàng tiên thứ bảy dệt thành mười tấm gấm cho nhà phó phủ trong một đêm, khiến phó viên ngoại vui mừng khôn xiết, nhận Đổng Vĩnh làm con nuôi, đốt khế ước bán thân của chàng. Hết thời hạn trăm ngày, phó viên ngoại tặng Đổng Vĩnh hai lượng bạc để trở về nhà…

Ngày vui ngắn chẳng tày gang…

Tuy nhiên, một cốt truyện như vậy không phù hợp với chủ đề chính của “cuộc đấu tranh giai cấp” của ĐCSTQ. Trong phiên bản cải biên năm 1953 của “Thiên Tiên phối”, nàng tiên thứ bảy phụng chỉ Ngọc Đế hạ phàm bị biến thành lén lút hạ phàm vì tình, tú tài Đồng Vĩnh biến thành một nông dân, và phó viên ngoại, người chủ động đốt khế ước và tặng Đổng Vĩnh hai lạng bạc, bị biến thành ác bá luôn tìm cách hãm hại chàng nông dân….

Sau khi cải biên, những gì khán giả nhìn thấy là: Nàng tiên thứ bảy khao khát một cuộc sống nhân gian, cùng Đồng Vĩnh diễn một trường tự do luyến ái, rồi vị bị “phong kiến chuyên chế” áp bức mà phải chia tay. Những gì người ta nghe thấy là câu “Từ nay tôi sẽ không bao giờ chịu nỗi khổ bị nô dịch nữa”.

Năm 1955, Xưởng phim Thượng Hải dựng lại vở “Thiên Tiên phối” thành phim điện ảnh, đến năm 1956 mới ra rạp. Theo thống kê, đến cuối năm 1958, chỉ riêng khán giả ở Trung Quốc đại lục theo dõi bộ phim này đã đạt tới con số 140 triệu, là kỷ lục về phòng vé cao nhất lúc bấy giờ.

Với hiệu ứng kinh động của điện ảnh, Kinh kịch Hoàng Mai đã trở thành một vở đại kịch quốc gia, và hình tượng kinh điển về nàng tiên thứ bảy của Nghiêm Phụng Anh cũng đã được xác lập, đồng thời sự nghiệp diễn xuất của bà cũng đạt đến đỉnh cao. Tuy nhiên, vinh quang chẳng được bao lâu, năm 1966, Cách mạng Văn hóa bùng nổ, “xã hội mới” mà Nghiêm Phụng Anh khao khát đã khởi lên một cơn mưa máu gió tanh tàn khốc mà bà không cách nào chịu đựng nổi.

‘Gió tanh mưa máu’ thương tang hại người…

Nghiêm Phụng Anh nhanh chóng bị chụp lên các tội danh “tam danh tam cao”, “nhân vật hắc tuyến”, “quyền lực phản động”, “kẻ chuyên phóng độc” và những tội danh nhơ nhớp khác, theo đó là bị phê đấu, bị kiểm thảo, làm kiểm điểm, bị người khác làm nhục, chịu đủ mọi khuất nhục. Nhưng, khổ nạn lúc đó mới chỉ bắt đầu. Năm 1967, một tổ chức tạo phản được gọi là “Trạm liên lạc truy đả Nghiêm Phụng Anh” xuất hiện trong đoàn kịch Hoàng Mai của tỉnh An Huy, và một đại hội “nghiêm đấu” có tính xã hội được tổ chức vào cuối năm.

Tác gia Bạch Dong hồi ức lại trường cảnh khủng bố khi phê đấu Nghiêm Phụng Anh trong đại viện của Nhà hát Hoàng Mai. Ông viết: “Đêm hôm đó phái tạo phản diễu võ giương oai dựng đài đưa cả đoàn hý kịch Hoàng Mai, những ‘ngưu quỷ xà thần’ lớn nhỏ toàn bộ tập trung quỳ rạp trong sân, thắp đuốc phừng phừng và hô khẩu hiệu khản giọng”. Bốn phương tám hướng lão bách tính đều kéo đến xem, không phải vì họ có mối cừu hận khắc cốt gì đối với Nghiêm Phụng Anh, cũng không phải là ham xem đám náo nhiệt, mà là đến xem một vị danh ca thời đại. Nghiêm Phụng Anh lúc đó “bị giật tóc, đè đầu xuống, nhóm tạo phản phái hét đi hét lại những câu khẩu hiệu giống nhau chất vấn bà, nhưng bà chỉ lặng câm không nói một lời”.

Đến năm 1968, hình thế lại càng trở nên tồi tệ hơn. Vào tháng 3, Nghiêm Phụng Anh bị buộc tội “công kích các vở kịch cách mạng mẫu mực và chống lại Giang Thanh”. Vào ngày 5 tháng 4, tờ báo của cơ quan chính quyền địa phương “Hồng An Huy báo” đã đăng lại một bài xã luận, điểm danh bà tại một buổi thẩm thị tại hội diễn Kinh kịch ở Bắc Kinh bốn năm trước, là điên cuồng công phá vở Kinh kịch “Trí thủ uy hổ sơn” (dùng kế điệu hổ ly sơn), tuyên bố rằng “đây là một sự kiện phản cách mạng cực kỳ nghiêm trọng”.

Ngày hôm sau, nhóm tạo phản phái trường nghệ thuật bố trí đề thẩm riêng Nghiêm Phụng Anh, yêu cầu bà phải giao nộp thư nhận tội và tài liệu tố cáo người khác trong vòng hai ngày, nếu không sẽ đập nát cái “đầu chó” của bà. Người bạn hữu lâu năm của Nghiêm Phụng Anh, nam diễn viên Vương Thiểu Phang, người được phân diễn vai Đổng Vĩnh cũng giơ một tấm áp phích lớn, lớn tiếng phê đấu bà. Nghiêm Phụng Anh không cách nào chống đỡ nổi. Vào tối ngày 7 tháng 4, bà tìm đến một cán bộ Cục văn hóa, người đã cùng bà đến Bắc Kinh, hy vọng người đó có thể làm chứng cho mình, nhưng đã bị cự tuyệt. Trước khi tạm biệt, Nghiêm Phụng Anh lưu lại một câu nói: “Tôi đứng tất phải thẳng, làm tất phải chính, chỉ là trước mắt không thể nhẫn chịu nổi nữa rồi!”

Đêm hôm đó, chồng bà là Vương Quan Á bị đánh thức bởi tiếng khóc của Nghiêm Phụng Anh, phát hiện bà đã uống rất nhiều thuốc ngủ và lưu lại một lá thư tuyệt mệnh. Vương Quan Á lập tức kêu cậu con trai 14 tuổi nhờ bác sĩ trong bệnh xá đến cấp cứu, tự mình cầm theo lá thư tuyệt mệnh của vợ và cầu cứu Lưu Vạn Tuyền, đại biểu quân đội trong đoàn kịch. Ai ngờ, Lưu Vạn Tuyền chẳng những không cứu mạng người, còn đem mấy tên tạo phản phái xông thẳng vào nhà họ Vương, tiến hành phê đấu Nghiêm Phụng Anh – người mà thần trí không còn tỉnh táo – ngay trên giường bệnh.

Họ phẫn nộ bài xích Nghiêm Phụng Anh, nói rằng tự sát là “hành vi phản đảng”, “chống đối đại cách mạng văn hóa”, v.v. Lúc đầu, Nghiêm Phụng Anh còn khóc lóc van xin, dần dần bà mắt không thể mở, miệng không thể nói, cuối cùng bà hắt ra hơi thở, miệng sùi bọt mép. Mãi đến lúc đó, nhóm dã nhân này mới rời đi, sau khi lởn vởn ở đó hơn nửa giờ.

Sau đó, Vương Quan Á đã mượn được một chiếc xe gỗ để đưa Nghiêm Phụng Anh đến bệnh viện. Lúc đó, kẻ “phản cách mạng” tự sát, nếu không có giấy giới thiệu của đơn vị thì bệnh viện sẽ đồng loạt từ chối nhận, cho rằng “phản cách mạng chết một tên bớt một tên”.

Vương Quan Á nhiều lần cầu xin đều vô ích, chỉ có thể trở về đoàn kịch để xin thư giới thiệu, lúc này đồng tử của Nghiêm Phụng Anh đã giãn. Cuối cùng, Vương Quan Á đưa vợ đến khoa nội trú của bệnh viện, vì không có giường nên ông phải đặt Nghiêm Phụng Anh trên sàn bê tông ở hành lang khoa nội. Do không được cấp cứu kịp thời, Nghiêm Phụng Anh đã tắt thở vào lúc 5 giờ sáng ngày 8/4/1968, khi chỉ còn 5 ngày nữa là sinh nhật lần thứ 38 của bà.

Không ít bạn khi nghe tới đây, đều nén tiếng thở dài trước cái chết tức tưởi của bậc thầy Kinh kịch này, và cũng cảm thấy khó tin về những sự biến thái điên rồ của thời đại đó. Tuy nhiên, cái chết vẫn chưa phải là dấu chấm hết cho vở bi kịch nhân gian này. Chưa đầy một giờ sau khi Nghiêm Phụng Anh chết, các lãnh đạo đoàn kịch liền đến. Họ không đến chia buồn cùng gia quyến, cũng không vì thương tiếc người đã chết, mà tiếp tục tiến hành bức hại di thể của bà.

Đại biểu quân đội Lưu Vạn Tuyền nói: “Nghiêm Phụng Anh tự tuyệt với nhân dân, cái chết của cô ta có không ít nghi vấn, có người báo cáo cô ta là đặc vụ Quốc dân đảng, và đã tự sát theo mệnh lệnh của thượng cấp, do đó cần mổ xẻ nội tạng cô ta để kiểm tra công cụ của đặc vụ!” Dưới sự uy hiếp của Lưu Vạn Tuyền, một bác sĩ chưa từng học về giải phẫu học đã dùng một chiếc rìu sắt cắt cổ họng của Nghiêm Phụng Anh, chặt từng cái từng cái xương sườn của bà, sau đó lôi hết các cơ quan nội tạng của bà ra kiểm tra, lật tới lật lui tìm kiếm cái gọi là “công cụ gián điệp”, “hệ thống điều khiển”, nhưng họ chỉ tìm thấy hơn một trăm viên thuốc ngủ. 

Sau khi vụ việc xảy ra, Lưu Vạn Tuyền không những không phải chịu trách nhiệm mà ngược lại, hắn còn được mệnh danh là “phần tử tích cực học đi đôi với hành” và được điều động đi bảo hộ các tỉnh khác. Nghiêm Phụng Anh đã bị mổ phanh xác một cách tàn nhẫn, kẻ chịu tội phải chăng chỉ là Lưu Vạn Tuyền? Tố pháp của ĐCSTQ đã rõ ràng, Lưu Vạn Tuyền chẳng qua chỉ là một tên đao phủ của đảng.

Trong những cuộc vận động chính trị ngày càng leo thang, văn hóa truyền thống Trung Quốc bị phá hủy, các tiêu chuẩn đạo đức bị hủy hoại, cái ác trong nhân tính được phóng đại vô hạn. ĐCSTQ một tay tạo ra dòng xoáy đỏ, khiến vô số người bị cuốn vào đó, chủ động hoặc bị động làm hại lẫn nhau mà không tự biết. Cũng giống như Nghiêm Phụng Anh, không hề biết mình bị ĐCSTQ lợi dụng, tham gia vào nhiều vở kịch cải biên tuyên truyền tư tưởng “đấu tranh cách mạng”, tự nguyện trở thành một công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ; Cuối cùng, đến lượt bản thân bà trở thành đối tượng bị đấu tranh, bị bức hại cùng cực mà tuyệt lộ. Tấn thảm kịch mà Nghiêm Phụng Anh gặp phải chính là một mô hình thu nhỏ của thời đại đó.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch