Mục lục bài viết
“Đây là một công trình dân cư vô cùng tốn kém. Tất nhiên, đối với con trai của Tăng Khánh Hồng, nguyên Phó chủ tịch nước Trung Quốc, điều này không có gì khó hiểu”…
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng quý vị đến với “Trăm Năm Chân Tướng”!
Tăng Khánh Hồng, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Phó Chủ tịch nước Trung Quốc có một cậu quý tứ tên là Tăng Vĩ. Người này từng trở thành nhân vật tiêu điểm của truyền thông Australia và thậm chí cả giới truyền thông chính thống quốc tế vì đã vung một khoản tiền khổng lồ để mua những bất động sản sang trọng ở Australia. Hôm nay, tôi muốn kể với các bạn về việc Tăng Vĩ đã tiêu nhiều tiền như thế nào và số tiền khổng lồ của anh ta đến từ đâu.
Vợ chồng Tăng Vĩ vung tiền mua bất động sản sang trọng ở Australia
Vào ngày 24 tháng 4 năm 2010, tờ Sydney Morning Herald đưa tin rằng Tăng Vĩ và vợ là Tương Mai đã di cư đến Úc từ năm 2007 đến năm 2008. Sau đó, họ đã trả toàn bộ 32,4 triệu đô la cho biệt thự Craig-y-Mor ở khu Point Piper của Sydney.
Point Piper là một trong những khu dân cư sang trọng nhất Sydney. Giá căn biệt thự của Tăng Vĩ được cho là đắt thứ ba trong lịch sử giao dịch bất động sản của Australia. Nó nằm ở lưng chừng núi và có diện tích khoảng 1.100 mét vuông. Căn biệt thự có tầm nhìn hướng ra nhà hát Sydney Opera và cầu Sydney, có thể hình dung được cảnh sắc.
Để giảm sự chú ý khi đó, chỉ có Tương Mai được viết ở tên người mua. Nhưng vào thời điểm nó được đăng ký với Văn phòng Quyền sở hữu Đất đai NSW vào năm 2009, tên của Tăng Vĩ đã được thêm vào.
Tăng Vĩ mua dinh thự sang trọng đó, tiền ở đâu ra? Có hai giả thuyết: một là Đái Vĩnh Cách, ông chủ của tập đoàn Nhân Hòa đã trả tiền thay cho anh ta; hai là Tưởng Khiết Mẫn, nguyên chủ tịch của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc, đã móc tiền cho anh ta. Nhưng dù là ai đưa tiền đi chăng nữa thì có một điều khẳng định rằng, số tiền này không phải do Tăng Vĩ đường đường chính chính, minh minh bạch bạch mà kiếm được.
Vào tháng 4 năm 2010, cơ quan truyền thông Fairfax của Úc xác nhận rằng Tăng Vĩ đã nhập cư vào Úc với thân phận là một nhà đầu tư, và có được quy chế thường trú nhân của Úc vào năm 2009.
Vung một khoản tiền lớn để cải tạo dinh thự
Sau khi mua căn biệt thự, Tăng Vĩ và vợ đã hai lần đề xuất với chính quyền thành phố (Hội đồng Woollahra) ở quận phía đông của Sydney, chi khoảng 5 triệu đô la Úc để phá bỏ nó và xây dựng lại.
Do kế hoạch cải tạo không phù hợp yêu cầu quy cách kiến trúc khu dân cư ở nhiều nơi, đặc biệt là việc xây dựng mới liên quan đến đào đá sa thạch sâu đến lớp đá móng, cần đào tới 2.600m3 đất đá, là vi phạm quy định về xây dựng, nên cả hai lần yêu cầu đều bị chính quyền địa phương từ chối.
Tháng 10 năm 2010, Tăng Vĩ và vợ nộp đơn lên Chính quyền thành phố Wallala lần thứ ba, và lần thứ ba bị từ chối. Ngay sau khi tin tức được đưa ra, nó đã gây chấn động toàn nước Úc, và tin tức này đứng đầu về tỷ lệ nhấp chuột của The Sydney Morning Post, The Melbourne Times và The Brisbane Times; Washington Post ở Mỹ cũng đăng một báo cáo dài.
Theo báo cáo của “Sydney Morning News”, vào đêm Giáng sinh năm 2010, kế hoạch cải tạo của Tăng Vĩ và vợ cuối cùng đã được thông qua sau những điều chỉnh nhỏ.
Một người Úc không muốn nêu tên nhận xét: “Đây là một công trình dân cư vô cùng tốn kém. Tất nhiên, đối với con trai của Tăng Khánh Hồng, nguyên Phó chủ tịch nước Trung Quốc, điều này không có gì khó hiểu.”
Ông nói: “Trong một quốc gia chuyên chế cực quyền, lợi ích quốc gia bị chuyển thành tài sản riêng của các quan chức chính phủ, và sau đó người nhà được thụ ích, là hoàn toàn có khả năng. Không có gì là lạ khi cặp đôi này có thực lực kinh tế hùng hậu đến vậy.” “Phương thức đầu tư kiểu này rất giống chuyển di tư bản, tôi nghe nói không ít chuyện như vậy. Kiếm được tiền [phi pháp] từ Trung Quốc, cần tìm ra phương thức chuyển di, mua dinh thự và rửa tiền đen tại sòng bạc đều là xuất phát từ mục đích như vậy.”
“Không thủ sáo bạch lang” – Găng tay trắng săn sói trắng
Vào ngày 8 tháng 1 năm 2007, tạp chí Tài Kinh của Trung Quốc đã đăng một phóng sự điều tra “Lỗ Năng của ai”, tiết lộ rằng doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Sơn Đông, Tập đoàn Lỗ Năng, với giá trị sổ sách ròng là 73,8 tỷ nhân dân tệ và giá trị thực tế là 110 tỷ nhân dân tệ, đã bị một thương nhân bí ẩn mua lại với giá siêu thấp chỉ 3,73 tỷ nhân dân tệ một cách vô cùng hắc ám. Thương vụ này khiến tài sản nhà nước bị mất ít nhất 70 tỷ nhân dân tệ.
Báo cáo của Tài Kinh không đề cập trực tiếp đến tên của doanh nhân bí ẩn, nhưng đề cập đến một vị “công tử họ Tăng”. Có người thông qua giải thích chi tiết của các báo cáo liên quan, nhận định rằng những người thực tế đã thâu tóm Tập đoàn Lỗ Năng là Tăng Vĩ và bạn của anh ta, Triệu Quân Sĩ.
Nhà bình luận chính trị nổi tiếng Lâm Bảo Hoa trên tờ “Thời báo Tự do” của Đài Loan đã trực tiếp điểm danh rằng: “Người chủ chốt đầu tiên tham gia vào quá trình chuyển đổi của tập đoàn Lỗ Năng là Tăng Vĩ, con trai của Tăng Khánh Hồng.”
Thời điểm Tập đoàn Lỗ Năng được tư hữu hóa là vào năm 2006, khi đó bí thư tỉnh ủy Sơn Đông là Trương Cao Lệ. Một số người cho rằng Trương Cao Lệ cũng đã giúp một tay cho trót lọt thương vụ này, lấy lòng Tăng Khánh Hồng.
New York Times và các phương tiện truyền thông khác cũng tiết lộ rằng khi Tăng Vĩ nuốt chửng Tập đoàn Lỗ Năng, thì Tiêu Kiến Hoa, người sáng lập Tập đoàn Minh Thiên, cũng là nhà đầu tư. Thương vụ thâu tóm này cũng là án lệ đầu tiên Tập đoàn Minh Thiên thực sự lọt vào tầm ngắm của đại chúng.
Tiêu Kiến Hoa được coi là “Găng tay trắng” của Tăng Vĩ, một kẻ “lừa đảo chiếm đoạt tiền” trên thị trường tài chính.
Việc kinh doanh của Tăng Vĩ
Vào tháng 10 năm 2014, cuốn sách “Thẩm Băng tự thuật” được xuất bản tại Hồng Kông, cuốn sách này cũng giới thiệu một số tình huống của Tăng Vĩ.
Thẩm Băng nguyên là một người dẫn chương trình nổi tiếng của CCTV, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, sau đó đã bị thẩm tra vì mối quan hệ đặc biệt với Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Rất khó để đoán định cuốn sách này có phải do Thẩm Băng viết hay không, nhưng không ít nhân sĩ Hoa lục tinh thông tin tức, bao gồm cả một số quan chức, tin rằng ngay cả khi nội dung trong cuốn sách không hoàn toàn là sự thật, thì đại bộ phận nội dung đều đáng tin cậy, bởi vì những chi tiết đó, chỉ có người thâm nhập liễu giải chính trị của ĐCSTQ và sinh sống trong nhóm những lãnh đạo ĐCSTQ mới có thể cung cấp.
Cuốn “Thẩm Băng tự thuật” cho biết: “Sáng nghiệp của Tăng Vĩ có thể nói là muốn gió được gió, muốn mưa được mưa”, và rằng Tăng Vĩ khởi nghiệp chính là trong thời gian Tăng Khánh Hồng đang giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và Phó chủ tịch nước.
Theo cáo buộc, Tăng Vĩ ngoài việc thò tay vào Volkswagen Thượng Hải, China Eastern Airlines, Beijing Hyundai Motor và các công ty khác để nhận được khoản hoa hồng khổng lồ, còn thiết lập một công ty quỹ ở Bắc Kinh để giúp các công ty khác lên sàn chứng khoán; anh ta thông qua các kênh nội bộ tìm hiểu về những công ty muốn lên sàn, sau đó “giúp đỡ” họ, từ đó mà nhận được “cổ phần gốc”, nắm giữ lợi nhuận khổng lồ.
Công ty của anh ta tuyên bố, có thể bao mọi sự phê duyệt của chính phủ đối với việc phát hành cổ phiếu của một công ty, với điều kiện là được mua cổ phiếu nguyên thủy của công ty sắp lên sàn. Ví dụ, đối với 20 triệu cổ phiếu, mỗi cổ phiếu nguyên thủy giá một nhân dân tệ, Tăng Vĩ chỉ cần trả 20 triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, một khi công ty được niêm yết và phát hành với mức phí bảo hiểm, nếu mỗi cổ phiếu được tính là 10 nhân dân tệ, thì cổ phiếu nguyên thủy của Tăng Vĩ sẽ nhanh chóng tăng lên 200 triệu nhân dân tệ trong một khoảng thời gian ngắn.
Vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, đài VOA đã đăng bài “Các ‘thái tử đảng’ của ĐCSTQ kiếm tiền như thế nào?” cũng đề cập: “Điều mà nhiều người không biết là Tăng Vĩ đã từng là một đại gia trong ngành dầu mỏ của Trung Quốc, và các hoạt động kinh tế của anh ta liên quan đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc.”
Tăng Vĩ hốt bạc tứ phương, vợ anh ta cũng không thua kém
Tương Mai tốt nghiệp Học viện Múa Bắc Kinh năm 1991 và gia nhập Đoàn múa Ba lê Quốc gia Trung Quốc cùng năm với vai trò diễn viên chính. Sau khi gia nhập CCTV vào năm 1996, cô ta là người dẫn chương trình của một số chuyên mục như “Ảnh thị đồng kỳ thanh”, và cũng xuất hiện trong một số phim truyền hình như “Hắc Long Giang tam bộ khúc”, cũng như vở ballet “Hồ đào giáp tử”, ” Hồ thiên nga” và “Giselle”.
Cuối năm 2002, Tương Mai biến mất khỏi tầm mắt của khán giả chỉ sau một đêm. Sau đó người ta phát hiện ra rằng cô ta đang làm việc cho “Tập đoàn Nhân Hòa”.
Theo ghi chép trên trang web của Tập đoàn Nhân Hòa: Tương Mai gia nhập Nhân Hòa vào năm 2002 và chịu trách nhiệm hỗ trợ giám đốc điều hành trong việc xây dựng chiến lược của Tập đoàn; lần lượt đảm nhiệm chức vụ giám đốc của Nhân Hòa Thế kỷ, Nhân Hòa Quảng Châu và Nhân Hòa Trịnh Châu.
Vào ngày 6 tháng 5 năm 2016, báo “Người quan sát kinh tế” đưa tin rằng kể từ khi Tương Mai gia nhập Tập đoàn Nhân Hòa, hoạt động kinh doanh của Renhe Underground Mall bắt đầu chuyển từ Cáp Nhĩ Tân ra toàn quốc và nhanh chóng mở rộng. Tương Mai trở thành giám đốc phi chấp hành của Tập đoàn Nhân Hòa.
Tập đoàn Nhân Hòa là nhà phát triển và điều hành trung tâm mua sắm ngầm đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó trở thành nhà điều hành chợ bán buôn nông sản hàng đầu tại Trung Quốc. Hiện nay Tập đoàn Nhân Hòa đã đổi tên thành Tập đoàn Địa Lợi (Dili Group).
Tuy nhiên, các công ty mẹ để phân phối những lợi ích thương mại của Nhân Hòa đều đặt tại Úc, và một trong những công ty vỏ bọc có tên là “Fruit Master International Co., Ltd.”, trong đó các chủ sở hữu gồm một phụ nữ có tên Tương Mai, chủ sở hữu Tập đoàn Nhân Hòa Đái Vĩnh Cách; và một phụ nữ họ Vương là cổ đông lớn.
Trước khi Nhân Hòa lên sàn chứng khoán, quyền lợi kinh doanh của Tương Mai trong tập đoàn chiếm khoảng 40%.
Tựa cây đại thụ, ngồi mát ăn bát vàng
Lý do khiến Tăng Vĩ và Tương Mai có thể “tài nguyên dồi dào” và vung tiền ở Australia là vì Tăng Vĩ có một “cây đa cây đề” như Tăng Khánh Hồng.
Cha của Tăng Khánh Hồng, Tăng Sơn, là cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ ĐCSTQ, và mẹ của ông ta, Đặng Lục Kim, là viện trưởng viện giáo dục mẫu giáo của cơ quan Cục Hoa Đông thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, chăm sóc hàng trăm con cái của các quan chức cấp cao. Tăng Khánh Hồng nhờ quan hệ của cha mẹ mà có mối quan hệ rộng rãi với các thái tử đảng. Ông ta cũng mở rộng nhiều tập đoàn lợi ích như băng đảng Dầu khí, băng đảng Thượng Hải, băng đảng Giang Tây và băng đảng Hồng Kông.
Tăng Khánh Hồng từng là thư ký của Dư Thu Lý, chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Sau đó, Dư Thu Lý đã lợi dụng mối quan hệ của mình với tư cách là Bộ trưởng Bộ Dầu khí, bố trí Tăng Khánh Hồng đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc với tư cách là Phó Giám đốc Ban Liên lạc, và không lâu sau đó là Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại của Bộ Dầu mỏ. Nhờ vậy, ông ta đã phát triển được nhiều mối quan hệ trong hệ thống xăng dầu.
Năm 1984, Tăng Khánh Hồng được chuyển đến Thượng Hải công tác, giữ chức Bộ trưởng tổ chức Thành ủy Thượng Hải, Tổng thư ký Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy. Ông ta cũng là một thành viên trọng yếu của “Băng đảng Thượng Hải”.
Tăng Khánh Hồng sinh ra ở Cát An, Giang Tây, là lãnh đạo của “Băng đảng Giang Tây” của ĐCSTQ; ông ta cũng đã phụ trách các vấn đề của Hồng Kông trong một thời gian dài và là thủ lĩnh của “Băng đảng Hồng Kông”.
Năm 1989, sau khi Giang Trạch Dân trở thành người đứng đầu ĐCSTQ, đã điều Tăng Khánh Hồng làm Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, sau đó thăng nhiệm lên Bộ trưởng Tổ chức Trung ương, bí thư ban Bí thư Trung ương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Trường đảng trung ương, và Trưởng nhóm lãnh đạo trung ương về Công tác Hồng Kông và Macao, trở thành nhân vật thứ hai của phe Giang.
Rốt cuộc, chính quyền lực của Tăng Khánh Hồng mới là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của Tăng Vĩ.
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch