Tất cả chúng ta chắc hẳn đều đã quen thuộc với những lời nói bông đùa nghe được từ cha mẹ khi còn bé. Ở thời điểm chúng ta mới bập bõm tìm hiểu về thế giới, cha mẹ dặn chúng ta rằng: Không được nuốt hạt dưa hấu vào bụng, nếu không chúng sẽ bén rễ và nảy mầm trong bụng, rồi sinh ra một quả dưa hấu to và làm bụng của chúng ta nứt ra. Chúng ta tin điều đó là thật, nên mỗi lần ăn dưa hấu chúng ta đều cẩn thận bỏ tất cả hạt dưa hấu ra, thậm chí có người còn ghét dưa hấu và chẳng bao giờ ăn nó nữa.

Gần đây, video về một đứa trẻ ăn bánh sôcôla được lan truyền phổ biến trên mạng. Trong video, bé trai đang đón sinh nhật. Bé được mẹ chuẩn bị cho bánh sôcôla nên rất hào hứng, ngoan ngoãn ngồi trước bàn ăn chờ mẹ tới đút. Thế nhưng, người mẹ lại chợt muốn trêu đùa bé. Cô lấy nĩa xiên một miếng bánh đưa đến bên miệng cậu bé và bảo cậu bé rằng bánh này là ra một thứ rất bẩn làm ra.

Em bé nghe xong, liền lập tức nhổ miếng bánh sôcôla trong miệng ra ngoài và òa khóc nức nở. Người mẹ nhanh chóng dỗ dành khi thấy phản ứng của con, nhưng bé vẫn khóc mãi không ngừng. Cư dân mạng đều bị phản ứng này của đứa bé làm cho phì cười, nhưng đồng thời họ cũng nhìn lại để suy nghĩ về một vấn đề: Liệu cha mẹ có nên đùa với con mình hay không? Những trò đùa nào là không thể đùa được?

Cha mẹ vì sao lại thích trêu đùa con trẻ?

Vì rất yêu con

Những đứa trẻ là món quà mà các thiên sứ mang đến tặng cho cha mẹ. Có những bậc cha mẹ thực sự quá yêu con của mình, đến mức không biết làm thế nào để biểu đạt tình cảm đó. Thế nên đôi lúc, họ cũng sẽ sử dụng phương thức trêu chọc, đùa giỡn con của mình như một cách thể hiện sự yêu quý.

Ảnh: Freepik.

Coi đó như một thú vui

Có những bậc cha mẹ cảm thấy con của họ quá đáng yêu. Mỗi một cử chỉ và lời nói của bé đều vô cùng ngây thơ, vậy nên họ nhịn không được muốn đùa với các bé, muốn xem thêm nhiều phản ứng đáng yêu khác của con mình. Mỗi lần những đứa trẻ thể hiện ra phản ứng mạnh mẽ trước các trò đùa của cha mẹ đều sẽ khiến cho cha mẹ của bé cảm thấy cực kỳ thú vị. Dần dần, việc trêu đùa bé trở thành một loại trò chơi và thú vui của cha mẹ, hơn nữa còn khiến cha mẹ các bé chơi hoài không chán. 

Tự luyến 

Có những bậc cha mẹ thích phương thức sử dụng những trò đùa giỡn với con cái để tìm kiếm cảm giác tồn tại cho bản thân. Ví dụ như, có những người cố tình trốn trong trung tâm thương mại để đứa trẻ không nhìn thấy mình, rồi quan sát đứa bé trở nên hoảng sợ và tìm kiếm họ. Như vậy, họ sẽ cảm thấy rằng họ cần thiết, và những đứa trẻ không thể tách rời khỏi họ.

Hậu quả tiêu cực của những trò đùa không phù hợp là gì?

Dẫn dắt trẻ sai hướng 

Trẻ còn nhỏ, trí não chưa phát triển hoàn thiện, chưa có khả năng logic và tư duy phân biệt tốt. Thế nên, trẻ không thể phân biệt được lời nào của cha mẹ là nói đùa, lời nào là nói thật. Đứa trẻ sẽ cho rằng tất cả những gì cha mẹ nói đều là sự thật. Vì vậy, khi cha mẹ nói đùa với con cái, đứa trẻ sẽ tin là thật và làm theo lời cha mẹ.

Điều này sẽ dẫn đến việc: Nếu cha mẹ thường xuyên trêu đùa trẻ, rất có thể nó sẽ khiến cho đứa bé sản sinh ra những nhận định sai lệch, cực đoan. Cha mẹ nói rằng bên ngoài rất đáng sợ, có ông ngoáo ộp chuyên bắt cóc và ăn thịt trẻ con. Thế là, những đứa trẻ liền nghĩ rằng ngoài ngôi nhà của mình ra thì chỗ nào cũng đều không an toàn. Thời gian lâu, chúng sẽ không muốn ra khỏi nhà nữa, thậm chí trở nên nhát gan và yếu đuối, hoàn toàn ỷ lại vào cha mẹ.

Làm tăng thêm sự lo lắng ở trẻ em

Những đứa trẻ ngây thơ sẽ coi mọi lời cha mẹ nói đều là sự thật, và đôi khi một câu nói đùa của cha mẹ có thể dễ dàng khiến đứa trẻ rơi vào trạng thái lo lắng, không biết phải làm gì. Khi đứa trẻ cuối cùng cũng có được một viên kẹo nhờ vào nỗ lực của chính mình, cha mẹ lại đùa bé rằng: “Con có thể đưa kẹo cho mẹ ăn không?” Đứa trẻ không muốn và cảm thấy rất bối rối. Cha mẹ thấy thế, vô cùng thích thú, tiếp tục trêu bé: “Đừng keo kiệt như vậy mà, mẹ cũng rất muốn ăn”. Cuối cùng, đứa trẻ bị chọc cho lúng túng đến mức òa lên khóc, dỗ thế nào cũng không được. 

Cha mẹ nên học cách cảm thông, suy nghĩ sự việc dưới góc độ của con trẻ, không nên để trẻ em phải sống trong lo lắng bất an, thậm chí là tự trách chỉ vì một câu nói đùa.

Làm nảy sinh cảm giác thất bại và tâm lý tự ti

Tò mò là bản tính của trẻ nhỏ, rất nhiều đứa trẻ từng hỏi cha mẹ những câu tương tự như thế này: “Mẹ ơi, con là từ đâu tới vậy?” Cha mẹ không biết giải thích ra sao, thế là lại trêu chọc qua loa lấy lệ với đứa trẻ rằng: “Con là do mẹ nhặt từ thùng rác về”. Mỗi lần đùa như vậy, đứa trẻ lại buồn bã khóc nức nở, còn cha mẹ thì không nhịn được cười.

Kiểu đùa này sẽ phá vỡ mối quan hệ thân thiết giữa trẻ và cha mẹ, đồng thời khiến trẻ nghĩ rằng mình thực sự không phải là con ruột của cha mẹ. Nó sẽ khiến đứa trẻ lo lắng và thất vọng sâu sắc, thậm chí từ đó cảm thấy tự ti và không muốn giao lưu, gần gũi với cha mẹ nữa.

Những trò đùa nào cha mẹ không nên làm?

Những trò đùa phù hợp có thể rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, giúp không khí gia đình thoải mái và thú vị hơn, nhưng có một số trò đùa không thể đùa được vì nó sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Những trò đùa thô tục 

Một số cha mẹ cố tình nói một vài câu đùa giỡn thô tục, thậm chí có mang theo ám chỉ về tình dục với con cái của họ, lấy cơ thể của bé ra làm chủ đề pha trò. Đối với những đứa trẻ còn nhỏ tuổi mà nói, chúng đang ở giai đoạn học ‘vỡ lòng’ quan trọng nên cần có sự hướng dẫn chính xác từ cha mẹ và những người thân trong gia đình. Những trò đùa đồi trụy dung tục sẽ có tác động xấu đến trẻ, không có lợi cho sức khỏe tinh thần và sự phát triển của trẻ.

Cha mẹ không những không được đùa cợt thô tục với con, mà còn cần ngăn cản các thành viên khác trong gia đình hoặc những người thân thích dùng những trò đùa thô tục để trêu chọc con trẻ. Cha mẹ nên nghiêm túc từ chối những trò đùa mang tính chất như vậy, không thể bỏ qua mặc kệ.

Những trò đùa lừa dối và làm trẻ em sợ hãi

Ảnh: Freepik.

Một số cha mẹ rất thích dọa nạt con cái của mình, khi thấy dáng vẻ sợ hãi của con, họ sẽ phì cười vì cảm thấy nó rất đáng yêu và thú vị. Đôi khi, để trẻ ngoan ngoãn nghe lời và không ồn ào nữa, cha mẹ cũng sẽ nói những lời khiến trẻ lo sợ, chẳng hạn như: “Nếu con còn khóc nữa, thì sẽ để lũ quái vật đến bắt con đi”, v.v… Những trò đùa và lời nói này có thể khiến trẻ rất lo lắng, khiến trẻ cảm thấy bất an, thậm chí sợ ra ngoài và không muốn tiếp xúc với người khác.

Cũng có những bậc cha mẹ thường hay nói dối con cái, luôn hứa hẹn những điều mà bản thân không cách nào thực hiện được, ví dụ như: đáp ứng cho con tới khu trò chơi vào cuối tuần nhưng bản thân lại không làm. Đến lúc con hỏi đến thì ậm ừ qua loa cho xong chuyện. Lâu dần, điều này dễ khiến con cái nghi ngờ cha mẹ, mất lòng tin vào cha mẹ và bắt đầu xa lánh cha mẹ. Nó sẽ gây bất lợi cho việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa cha mẹ và con cái.

Những trò đùa ảnh hưởng đến việc thiết lập tam quan đúng đắn cho trẻ

Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra rằng: Đôi khi, chỉ một câu cha mẹ thuận miệng nói ra sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành tam quan đúng đắn cho trẻ. Ví dụ, một số cha mẹ dọa con rằng: “Nếu con gây ồn ào nữa, cảnh sát sẽ bắt con đi!” Những lời nói kiểu này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng cảnh sát là người xấu, cảnh sát sẽ làm hại mình. Như thế sau này khi gặp phải nguy hiểm, đứa trẻ sẽ không biết tìm đến cảnh sát nhờ giúp đỡ, cuối cùng rất có thể sẽ làm lỡ mất thời cơ tốt nhất để cứu viện, từ đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Còn có một số bậc cha mẹ trêu con gái của họ rằng: “Con có muốn lấy một người đàn ông giàu có khi con lớn lên để có được một cuộc sống sung sướng không?” Kiểu đùa này sẽ khiến trẻ cảm thấy cuộc sống không cần thiết phải phấn đấu hay tự lập, chỉ cần lấy được chồng giàu là đã có thể thoải mái qua ngày rồi.

Loại lời nói này sẽ làm lệch lạc tam quan của đứa trẻ một cách trầm trọng. Nó gây ảnh hưởng đến việc hình thành các giá trị quan, nhân sinh quan, thế giới quan đúng đắn của trẻ. Nó thậm chí còn có thể tác động và làm thay đổi cả cuộc đời của chúng. 

Bởi vậy, cha mẹ cần thận trọng trong những lời nói đùa của mình với con cái. Những lời nói tích cực có thể mang lại hiệu quả vô cùng tốt đẹp, nhưng những lời tiêu cực cũng sẽ đem đến sức phá hoại cực kỳ to lớn, thậm chí gây ảnh hưởng đến cả tương lai sau này.  

Theo Sina
Trường Lạc biên dịch

*Tam quan: quan điểm về thế giới, đời sống nhân sinh, và các giá trị trong cuộc sống.

Từ Khóa: