Những phát minh, phát hiện của thời cổ đại vẫn luôn là bí ẩn và thách thức đối với con người hiện tại. Bởi mỗi nền văn minh đều mang trong nó những thành tựu sáng ngời mà người đời sau không thể nào giải mã.

Vào thế kỷ 11, khi lính Thập tự chinh tiến vào Trung Đông, họ đã phát hiện ra những thanh kiếm bằng kim loại có thể một nhát cắt ngang một mái tóc, khiến ngay cả những chiến binh dũng cảm và bền bỉ nhất cũng phải run sợ.

Tin tức về loại kim khí huyền thoại này lan truyền đi khắp Châu Âu với tên gọi Damascus, đặt theo tên của thủ phủ Syria. Đến thế kỷ 18, công thức làm nên thép Damascus đã bị thất truyền và cho đến ngày nay vẫn là bí mật của thiên cổ.

Những người lính thập tự chinh sử dụng binh khí rèn từ thép Damascus (Ảnh dẫn qua: Ancientpages)

Theo thời gian, những người thợ sản xuất binh khí dần dần không chia sẻ phương thức sản xuất với nhau nên công thức rèn thép Damascus chỉ còn một ít người biết đến.

Ngày nay, với kỹ thuật hiện đại, con người đang nỗ lực tái tạo lại loại thép này nhưng không ai có thể thành công hoàn hảo bởi sự khác nhau trong việc chọn nguyên liệu thô và kỹ thuật sản xuất.

Thép Damascus và những đặc điểm nổi bật

Từ khoảng thế kỷ 4 SCN, thép Damascus được sản xuất tại nhiều nơi quanh khu vực Trung Đông. Điều đặc biệt của một thanh kiếm được đúc từ thép Damascus là những chiếc lưỡi dao vẫn sắc và cứng dù kinh qua bao nhiêu trận chiến.

Thép Damascus mang trong mình nhiều huyền thoại, ví như là cắt đứt khẩu súng trường hay có thể làm đứt một sợi tóc vô tình rơi trúng lưỡi dao. Theo như tiến sĩ Helmut Nickel, giám tuyển của bộ phận Khiên và Vũ khí, Bảo tàng Nghệ thuật đô thị New York, có truyền thuyết cho rằng những lưỡi dao tốt nhất được luyện trong máu rồng.

Vào những năm giữa thế kỷ XIX, Persian Shamshir là thanh kiếm cong được làm từ thép damacuss với chữ khắc bằng tiếng Ả Rập. Thanh kiếm được mạ vàng và chạm khắc bằng bạc với hoa văn tinh tế, bao kiếm bằng gỗ và được phủ một lớp bạc lấp lánh sang trọng, dài 91 cm.

Thanh kiếm Persian Shamshir (Ảnh dẫn qua: Ancientpages)

Những thanh kiếm này dễ dàng được nhận ra bởi những họa tiết nhìn như những dòng nước hay còn gọi là “damask” trên lưỡi dao. Kiếm Damascus không chỉ là một thành tựu của kỹ thuật rèn kim khí mà còn mang cả vẽ đẹp thẩm mỹ.

Kim loại này có nguồn gốc từ wootz, một loại thép có bắt nguồn từ Ấn Độ, chứa nhiều carborn hơn các loại thép thông thường.

Dựa trên bằng chứng khảo cổ, người ta xác định được rằng loại thép này được sản xuất ở nơi gọi là Tamil Nadu ngày nay vào thời điểm trước khi bắt đầu Công Nguyên.

Người Ả Rập đã đưa thép wootz của Ấn Độ đến Damascus, nơi có ngành công nghiệp vũ khí phát triển. Từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 17, Ấn Độ đã vận chuyển các thỏi thép sang Trung Đông.

Công thức chế luyện thép Damascus bị thất truyền

Vào năm 1750, việc sản xuất kiếm Damascus bắt đầu giảm dần và công thức chế luyện bị rơi vào tay của các người thợ kim khí.

Lý do tại sao thanh kiếm không còn được sản xuất nữa vẫn là một bí ẩn. Có giả thuyết cho rằng đó là vì súng đã dần thay cho kiếm trên chiến trường nên việc sản xuất bị sút giảm. Lại có ý kiến cho rằng công thức chế luyện kiếm Damascus chỉ được lưu truyền trong một nhóm nhỏ và theo thời gian thì dần bị thất truyền. Và có lẽ họ đã thành công trong việc che giấu kỹ thuật này với các đối thủ cạnh tranh và cả hậu thế.

Cũng có thể do các tuyến giao thương chuyên cung cấp wootz từ Ấn Độ đã bị gián đoạn, hoặc nguồn cung cấp nguyên liệu không còn bảo đảm nguyên gốc như ban đầu.

Công thức chế luyện kiếm Damascus mãi mãi là một bí ẩn (Ảnh dẫn qua: Ancientpages)

Những nỗ lực của con người hiện đại trong việc chế tạo lại thép Damascus

Một vấn đề chính trong việc thực hiện các thí nghiệm khoa học đối với thép wootz Damascus là không có khả năng lấy mẫu để nghiên cứu. Nghiên cứu đòi hỏi phải có các lưỡi dao để phân tích và để kiểm tra bằng kính hiển vi và phân tích các thành phần hóa học.

Khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Dresden sử dụng tia X và kính hiển vi điện tử để kiểm tra thép Damascus, họ đã phát hiện các thành phần của dây nano cementit và ống nano cacbon. Nghiên cứu cho thấy những cấu trúc nano này là kết quả của quá trình rèn thép.

Jeffrey Wadsworth và Oleg D. Sherby, hai nhà luyện kim học tại Đại học Stanford nghĩ rằng họ có thể làm sáng tỏ được bí ẩn của thép Damascus. Theo Tiến sĩ Wadsworth, một điều cơ bản được đúc kết từ các nhà luyện kim lành nghề là trong thép Damascus có hàm lượng carbon rất cao.

Tiến sĩ Wadsworth và Tiến sĩ Sherby tin rằng lượng carbon trong thép Damascus là từ 1% đến 2%, so với một phần nhỏ của 1% trong thép bình thường. Một yếu tố quan trọng khác trong sản xuất kiếm Damascus chính là nhiệt độ rèn khá thấp – khoảng 1.700 độ Fahrenheit. Sau khi định hình thông qua rèn đập, các lưỡi kiếm được lại được làm nóng tới nhiệt độ trên, sau đó nhanh chóng làm lạnh bằng một loại chất lỏng, được gọi là “Máu rồng”.

Nhìn cận cảnh thanh kiếm Damascus vào thế kỉ 18 của Ba Tư (Ảnh dẫn qua: Ancientpages)

“Damascus hiện đại” được làm từ một số loại thép và sắt lát hàn để tạo thành một phôi, và hiện nay thuật ngữ “damascus”, mặc dù không chính xác về mặt kỹ thuật nhưng vẫn được chấp nhận rộng rãi để mô tả các miếng thép hàn hiện đại trong thương mại. Các mẫu khác nhau tùy thuộc vào cách thợ hàn xử lý với phôi. Phôi được rút ra và xếp lớp lại cho tới khi đạt được số lớp cần thiết. Để đạt được mức Bậc thầy rèn thép của Hiệp hội Thợ rèn Mỹ, thợ rèn phải làm được lưỡi dao damascus với tối thiểu là 300 lớp.

Chế tạo lại Damascus là một lĩnh vực của khảo cổ học thực nghiệm. Nhiều người đã cố gắng để phát hiện ra hoặc đảo ngược kỹ thuật quá trình sản xuất loại thép này, một số nhà nghiên cứu đã trải qua một chặng đường dài nghiên cứu, nhưng cho đến nay chưa ai có thể thành công trong việc này.

Thép Damascus chính thực là một nghệ thuật kim khí tuyệt vời và thể hiện một công nghệ tiên tiến, nhưng có thể sẽ mãi mãi là điều bí ẩn của toàn nhân loại.

Không chỉ thép Damascus mà rất nhiều phát minh, phát hiện của thời cổ đại vẫn luôn là bí ẩn và thách thức đối với con người hiện tại. Từ hàng trăm ngàn năm trước, con người đã có những kỹ thuật tiên tiến và trí tuệ sáng tạo đỉnh cao mà các nhà khoa học ngày nay vẫn chưa thể lý giải được.

Quả thực, mỗi thời kỳ văn minh đều mang trong nó những thành tựu sáng ngời, điều mà những thời kỳ văn minh sau đó mãi mãi không thể nào giải mã.

Theo Ancientpages
Đào Nguyên biên dịch

Xem thêm:

Từ Khóa: