Trong xã hội hiện đại, khi nói về chính trị thì ‘Lễ’ và ‘Nhạc’ thường không được đề cập tới, nhưng trong xã hội cổ đại, đây là 2 khái niệm rất quan trọng. Khi chính trị xã hội của một thời đại nào đó mà không còn được nữa, người ta miêu bằng câu ‘Lễ băng nhạc hoại’. 

Vậy ‘Lễ’ – ‘Nhạc’ được hiểu như thế nào? 

Trong bài “Nho gia mạn đàm (1): Trăm thiện, hiếu đứng đầu”, người viết có đề cập đến việc sau khi khai quốc, nhà Chu thực hiện chế độ ‘phân đất phong hầu’ (phân phong – 分封) và ‘chế độ thừa kế dành cho con trai trưởng của vợ cả’ (chế độ phân chia theo tông pháp).

+ Con trai trưởng của Thiên tử vẫn là Thiên tử. Những người con khác được phong Chư hầu. 

+ Con trai trưởng của Chư hầu vẫn là Chư hầu. Những người con khác được phong Đại phu. 

+ Con trai trưởng của Đại phu vẫn là Đại phu. Những người con khác sẽ là Sĩ. 

Do đó giữa Thiên tử và Chư hầu là một gia đình, giữa Chư hầu và Đại phu, Đại phu và Sĩ cũng là một gia đình. Giữa 4 giai tầng quý tộc: Thiên tử, Chư hầu, Đại phu, Sĩ là một ‘gia đình lớn’ (có quan hệ họ hàng).

Tranh vẽ các quan viên đang yết kiến nhà vua. (Nguồn: Wikipedia)

Chế độ phân chia theo tông pháp đã xác định chế độ phân chia đẳng cấp (thứ bậc) thời nhà Chu. Thiên tử là ‘đại gia trưởng’ (người lớn nhất) trong nhà, còn trong quân đội là ‘đại nguyên soái’, khi tế tự lại là ‘đại tư tế’.

Ứng với cách sắp xếp như vậy, lúc này ‘Lễ’ khởi tác dụng phân biệt tôn – ti.

Chúng ta biết rằng, Chư hầu được phong đất nên phải phụ trách việc cai trị tiểu quốc, cho nên rất ít được gặp Thiên tử. Vậy thì khi nào được gặp? Chính là mỗi năm khi thờ cúng tổ tiên, Chư hầu mới được gặp mặt Thiên tử. 

Khi đến triều kiến, Chư hầu sẽ mang theo ‘đồ cúng tế’ (tế phẩm) cùng với Thiên tử tế tự tổ tiên. Dưới tình huống như vậy phải giảng ‘Lễ’ tức là phải giảng trên – dưới. Chúng ta để ý kỹ sẽ thấy, ‘Lễ’ thực chất xuất phát từ mối quan hệ trong gia đình, vì khi tế tự là có phân biệt tôn – ti, cao – thấp. Đây được gọi là ‘Lễ’.

Sau khi tế tự thì có yến tiệc, mọi người cùng nhau ăn uống, lúc này phải có tấu ‘Nhạc’. ‘Gia đình lớn’ cùng xem nhạc, cùng nói chuyện vui vẻ với nhau. ‘Nhạc’ đã khởi tác dụng làm tăng thêm tình cảm gắn bó giữa những người trong gia đình, cũng là mối quan hệ quân – thần. 

Như vậy, khi tế tự là ‘Lễ’, còn sau đó là ‘Nhạc’. ‘Lễ’ là phân chia tôn – ti, còn ‘nhạc’ là để hoà hợp trên dưới. Do đó trong ‘Sử ký – Nhạc thư’ mới viết rằng: “Lễ, triển hiện trật tự của Trời đất; Nhạc, triển hiện sự hoà hợp của Thiên địa”.

Nếu một quốc gia chỉ giảng ‘Lễ’ mà không giảng ‘Nhạc’ thì sẽ như thế nào? Vì ‘Lễ’ giảng ‘tôn ti trật tự’ (trật tự trên dưới) cho nên quốc gia đó sẽ có những người có đẳng cấp khác nhau. Vì chú trọng về đẳng cấp nên đẳng cấp này sẽ không giao lưu với đẳng cấp kia, như thế sẽ khiến xã hội bị ‘chia tách’.

Các đẳng cấp khác nhau nếu muốn giao lưu phải làm như thế nào? Chính là phải thông qua ‘nhạc’, mọi người nghe và xem nhạc, ngồi với nhau mới có giao lưu với nhau. Cho nên ‘lễ’ và ‘nhạc’ là một cặp đi đôi với nhau, giống như ở bài trước “Nho gia mạn đàm (2): Nhớ câu ‘Kiến nghĩa bất vi’ – Làm người thế ấy cũng phi anh hùng!”, ‘Nghĩa’ và ‘Tri Thiên mệnh’ là một cặp đi với nhau vậy (‘Nghĩa’ là việc nên làm, còn thành công hay không là do ‘Thiên mệnh’).

Một bức tranh tường từ lăng mộ ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, vào năm 571 sau Công nguyên trong thời Bắc Tề, cho thấy các nam nhạc công chơi nhạc cụ dây, đàn liuqin hoặc pipa, và một phụ nữ chơi đàn konghou (đàn hạc). (Nguồn: Wikipedia)

Lễ – Nhạc còn có một tác dụng đối với sức khoẻ của con người. Tác dụng chủ yếu của ‘lễ’ là ước thúc dục vọng của con người. Nhưng khi ức chế được dục vọng nhưng tâm tình (cảm xúc) lại quá mức, ví như trong Trung y hoặc sách ‘Tam tự kinh chọn lọc bài 9‘: “Rằng thủy hỏa, mộc kim thổ; Ngũ hành đó, theo lý số” có giảng: vui hại tim, giận hại gan, sợ hại thận v.v.. đến lúc này thì âm nhạc có tác dụng gỡ bỏ những cảm xúc tích tụ của con người. Trong một clip, đoàn nghệ thuật Thần Vận đã phân tích mối quan hệ giữa ‘nhạc’ (樂) và ‘dược’ (藥: thuốc), cũng chính là nói âm nhạc có tác dụng chữa bệnh.

Nhưng đối với âm nhạc cũng có một yêu cầu là “vui không quá mức, buồn không quá bi ai” (Trích ‘Luận ngữ – Bát dật’).

Khổng Tử nỗ lực khôi phục Lễ – Nhạc triều Chu. Trong ‘Luận ngữ – Nhan Uyên’, Uyên hỏi về ‘nhân’ (仁, nhân trong nhân nghĩa), Khổng Tử đáp: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”: Tức là, khắc chế dục vọng bản thân (khắc kỷ) mà trở về Lễ là Nhân. Từng ngày ‘khắc kỷ’, thiên hạ sẽ quy về Nhân. Ở đây ta thấy rằng Khổng Tử khôi phục Lễ – Nhạc chính là là muốn khôi phục Nhân. 

Vậy Nhân (仁) là gì? Kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo…

Mạn Vũ

Từ Khóa: