Lịch sử Minh Triều khi luận bàn bình phẩm về thời kỳ tại vị của Minh Thành Tổ đã đưa ra những lời nhận xét như sau: “Mưu lược hùng vũ, đồng điệu tương hợp với Cao Tổ. Lục sư nhiều lần xuất chinh, thanh trừ Mạc Bắc”. Rõ ràng, Minh Thành Tổ trong suốt khoảng thời gian trị vì, đã năm lần ngự giá thân chinh thảo phạt Mạc Bắc, bảo vệ miền biên giới phía Bắc chính là một trong những công trạng và thành tích trọng yếu của ông. Trong cuốn “Tiểu sử Nhật Bản”, vị hán học gia nổi tiếng người Nhật Naka Tatsushi đã viết, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông ngày trước, mặc dù nhiều lần đã dẹp tan sự can nhiễu gây rối của các bộ tộc phương Bắc, song đều là phái cử các đại tướng điều quân chứ không hề đích thân ngự giá, Hán nhân Thiên Tử – người duy nhất trực tiếp viễn chinh đến vùng sa mạc hoang vu, chỉ có riêng Minh Thành Tổ.

Tình hình Mông Cổ vào thời kỳ Minh Thành Tổ

Trong năm Vĩnh Lạc đầu tiên, Mông Cổ bị phân tách thành hai đại bộ phận biệt lập, đó là bộ tộc Ngõa Lạt ở miền tây và dân tộc Tác-ta phân bố tại phía đông Mông Cổ, họ cấu kết liên hợp hình thành lên mối uy hiếp đe dọa tiềm ẩn đối với Minh Triều. Thành Tổ đã lựa chọn thi hành chiến lược chinh phục quân sự làm chủ đạo, kết hợp với sách lược chính trị ân cần, bảo hộ để phụ đạo. Khả Hãn của dân tộc Tác-ta là Quỷ Lực Xích, A Lỗ Đài là thuộc hạ dưới quyền của anh ta. Quỷ Lực Xích một lần nữa tiếp tục khước từ lời đề xuất mà Minh Thành Tổ đưa ra “Khả Hãn phái sứ thần qua lại giao hảo xây dựng mối quan hệ hữu nghị, trở thành người một nhà”, tuy nhiên A Lỗ Đài ngược lại đã nhiều lần bày tỏ “tâm quy phục lòng chân thành tin tưởng” của mình trước sứ thần nhà Minh.

Vào năm Vĩnh Lạc thứ sáu (1408), Quỷ Lực Xích bị A Lỗ Đài cùng một số người khác ám sát. Mùa đông năm đó, hậu duệ của Nguyên Thuận Đế – Bổn Nhã Thất Lí sau khi nhận được sự hậu thuẫn đã lên ngôi kế vị trở thành Đại Hãn Mông Cổ, A Lỗ Đài tiếp quản chức vị Thái sư. Dưới sự phò tá hỗ trợ của Thái sư A Lỗ Đài, dân tộc Tác-ta đã tập hợp được nguồn lực quân đội ngày càng lớn mạnh tại Mạc Bắc, hơn nữa đến năm Vĩnh Lạc thứ 7 còn điều binh xuôi xuống phía nam dấy khởi bạo loạn can nhiễu đến vùng lãnh thổ biên giới phía bắc Nhà Minh, thậm chí sát hại sứ thần Minh Triều  – người trước đây từng đến Mạc Bắc chiêu hàng. Trong khoảng thời gian này, Minh Thành Tổ về cơ bản đã củng cố vững chắc vương vị của bản thân, sau giai đoạn cùng nhân dân nghỉ ngơi dưỡng sức, kinh tế Triều Minh cũng dần được khôi phục và đạt đến sự phát triển, Minh Thành Tổ quyết định chủ động xuất kích điều quân, sử dụng vũ lực để chế ngự Mông Cổ, tiêu trừ triệt để mối uy hiếp đe dọa cận kề bờ cõi nơi biên ải.

Nhà Minh trước tiên đã phái sứ thần lan truyền thông điệp ngoại giao đến bộ tộc có lực lượng lớn mạnh bậc nhất Mông Cổ – Bộ tộc Ngõa Lạt, nhằm mục đích phân tách chia rẽ mối quan hệ giữa bộ tộc Ngõa Lạt với Bổn Nhã Thất Lí và A Lỗ Đài, đồng thời phong cho Thốc Bội La của bộ tộc Huy Đặc trở thành An Lạc Vương, ban tước Thuận Ninh Vương cho Mã Cáp Mộc thuộc Bộ tộc Xước La Tư, phong cho Thái Bình của Bộ tộc Khách Liệt Diệc Thích trở thành Hiền Nghĩa Vương, nhằm từng bước ổn định phía tây Mông Cổ. Năm Vĩnh Lạc thứ bảy ( Năm 1409), Thành Tổ lại tiếp tục tiến hành trao quan thiết trị trên những khu vực quần cư của dân tộc Mông Cổ, tại những nơi bố trí đồn vệ binh, trong mỗi bộ lạc đều thiết lập các cấp bậc quan viên như đô đốc, chỉ huy, thiên hộ trưởng, bách hộ trưởng và trấn phủ, vv, hết thảy mọi sự kiện lớn nhỏ trong các bộ lạc đều do Phong kiến chủ đảm nhiệm gánh vác. Bộ tộc Ngõa Lạt và Minh Triều quả thực đã chính thức gây dựng được một mối quan hệ Chư Thần – Thuộc Hạ.

Phân định khu vực hành chính Triều Minh vào thời kỳ Minh Thành Tổ (Năm 1402-1424) (Jason22/Wikipedia)

Năm lần ngự giá thân chinh

Để đánh bại dẹp yên bộ tộc Tác-ta Mông Cổ, kể từ năm Vĩnh Lạc thứ tám (Năm 1410), Thành Tổ đã năm lần ngự giá thân chinh, xuất binh tiến quân vào Mạc Bắc, kiên trì đến lần cuối cùng lâm bệnh qua đời tại Sông Du Mộc. Lịch sử Trung Quốc ghi nhận Minh Thành Tổ chính là vị hoàng đế có số lần ngự giá thân chinh nhiều nhất, đồng thời cũng là vị hoàng đế Hán tộc duy nhất đích thân ngự giá dẹp loạn. Qua nhiều lần thân chinh như vậy, chính là biểu hiện cụ thể phản ánh hình ảnh của một Minh Thành Tổ hùng tài đại lược.

Lần thứ nhất thân chinh. Mùa xuân năm Vĩnh Lạc thứ tám, Thành Tổ giao trọng trách cho Hoàng trưởng tôn trấn thủ Bắc Kinh, đích thân lãnh đạo đoàn đại quân năm mươi vạn binh, đánh dấu xuất phát điểm của cuộc tiến công chinh phạt Mạc Bắc lần đầu tiên. Triệt phá, hạ gục Khả hãn của dân tộc Tác-ta – Bổn Nhã Thất Lí bên bờ sông Oát Nan, khiến Bổn Nhã Thất Lí vẻn vẹn chỉ còn 7 kỵ binh thục mạng tháo chạy về phía tây. Quân đội nhà Minh tiếp tục quay trở lại men theo hướng đông đánh bại Thái sư bộ tộc Tác – ta, A Lỗ Đài trên dãy núi lớn Hưng An. Lúc đó Thành Tổ đích thân chỉ huy đội ngũ kỵ binh tinh nhuệ, hô vang hào khí phấn chấn, phát động tấn công, xuống tay xử trảm hơn một trăm địch quân. A Lỗ Đài dẫn theo người thân thích buộc phải tháo chạy bỏ trốn đến nơi biệt phương viễn xứ.

Khi đại quân tiến đến chân núi Cầm Hồ, Thành Tổ hạ lệnh trạm khắc dòng văn tự: “Sa mạc Gobi (sa mạc lớn thuộc Mông Cổ) là đốc kiếm, Thiên sơn là lưỡi dao, quét qua hoang mạc Hồ Trần, Vĩnh Thanh”. Lúc tiến vào suối Thanh Lưu lại hạ lệnh điêu khắc dòng chữ: “Làm suy yếu lục sư, diệt quân giặc đáng ghét. Núi cao nước trong vĩnh viễn ca tụng sự hùng vũ của chúng ta,” Hành động này đã phần nào hiển lộ rõ nét tâm hùng chí mạnh chinh phục Mạc Bắc của Minh Thành Tổ. Giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc Bắc chinh lần thứ nhất, Thành Tổ khải hoàn hùng tráng trở về kinh đô.

Đến tháng 12 năm 1411, A Lỗ Đài cử sứ giả đến bày tỏ lòng phục tùng quy thuận nhà Minh đồng thời dâng tặng cống phẩm ngựa quý, tuy nhiên trước yêu cầu được nắm quyền kiểm soát quản lý đối với dân tộc Thổ Phiên và các bộ lạc khác của ông ta, Thành Tổ hoàn toàn không đồng thuận.

Năm 1412, Mã Cáp Mộc – Thuận Ninh Vương của bộ tộc Ngõa Lạt đã thủ tiêu Bổn Nhã Thất Lí, nâng đỡ phò tá Đáp Lí Ba kế vị, tuy nhiên trên thực tế người nắm trong tay quyền lực vẫn là Mã Cáp Mộc. A Lỗ Đài thượng tấu lên Thành Tổ báo cáo sự việc này, thỉnh cầu triều đình nhà Minh cho phép ông ta được báo thù thay cho vị quân chủ trước đây. Minh Thành Tổ nhận thấy người này mặc dù đã quay đầu quy thuận nhưng đây cũng không phải là chủ tâm chủ ý thuở ban đầu, tuy vậy vẫn tiếp nhận cống phẩm, đồng thời phong cấp cho ông ta trở thành Hòa Ninh Vương. Kể từ đó, A Lỗ Đài hàng năm đều dâng cống phẩm một lần, hoặc một năm dâng tặng đến hai lần, cũng là chuyện thường thấy. Mã Cáp Mộc cũng vì lý do này mà không thực hiện việc triều cống.

Sơ đồ chiến thuật lần thứ nhất thân chinh Mạc Bắc của Minh Thành Tổ (Zhuwq/Wikipedia)

Lần thứ hai thân chinh. Vào tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ mười hai (Năm 1414), Minh Thành Tố dẫn đầu năm mươi vạn đại quân tiếp tục chinh phạt bộ tộc Ngõa Lạt, Hoàng thái tôn Chu Thiêm Cơ đi theo tháp tùng. Thành Tổ tâm sự với các quan đại thần rằng Trưởng tôn của mình là người “thông minh anh duệ, trí dũng xuất chúng”, cho cậu ta cùng ra chiến tuyến lần này cũng là để cậu ấy thấu hiểu nỗi lao khổ cực nhọc của các tướng sĩ, biết được công cuộc chinh phạt quả thực không hề dễ dàng. Đồng thời ra chỉ lệnh cho thủ hạ thị thần cùng các tướng lĩnh trong doanh trại tận dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi để giảng giải truyền thụ cho Hoàng thái tôn kiến thức về văn sự võ bị.

Đến tháng 6, quân đội nhà Minh bắt đầu giao chiến với ba vạn binh sĩ do Đáp Lí Ba và Mã Cáp Mộc cầm đầu, Thành Tổ đích thân khoác trên vai áo giáp trụ nghênh chiến. Quân Minh cật lực giao đấu khiến quân đội của bộ tộc Ngõa Lạt thất bại thảm hại, Mã Cáp Mộc buộc phải tháo chạy về phương bắc, quân Minh cũng gánh chịu phần tổn thất không nhỏ. Trên đường đi, A Lỗ Đài phái cử các quan viên dưới quyền thị tộc trưởng của mình đến cầu kiến Thành Tổ. Thành Tổ căn cứ theo cấp bậc của họ, ban thưởng năm mươi thạch gạo, cùng một số thịt khô, rượu lương khô, tơ lụa. Sau đó đại quân trở về kinh thành. 

Năm 1415, Mã Cáp Mộc cử sứ thần đến dâng nạp cống phẩm đồng thời bày tỏ tâm ý tạ lỗi. Tháng 3 năm 1416, A Lỗ Đài phái sứ dâng tấu chương bẩm báo bản thân đã đánh bại Mã Cáp Mộc và cống nạp tù binh. Thành Tổ liền ban tặng phẩm. Đến tháng 9, Mã Cáp Mộc cùng một số quan viên lên thượng triều, Thành Tổ cũng ban tặng gấm vóc tơ lụa tương tự như vậy.

Năm Vĩnh Lạc thứ mười chín (Năm 1421), A Lỗ Đài nổi dậy phản loạn, nhiều lần tiến vào vùng biên ải cướp bóc của cải những người đi đường. Minh Thành Tổ liền cảnh báo khuyên răn các sứ thần đến tiến cống nên bớt tùy tiện phóng túng, kiểm soát những hành vi đó, A Lỗ Đài không tiếp thu, cũng không còn muốn tiếp tục phục tùng quy thuận nhà Minh nữa, thể hiện thái độ thờ ơ lãnh đạm, không đón tiếp chu đáo đoàn sứ giả Minh Triều, không thực hiện lệ triều cống, hơn nữa còn tiến hành tổ chức một cuộc bao vây tấn công trên quy mô lớn toàn bộ thành Hưng Hòa, Đô Chỉ Huy Sứ tử trận.

Sơ đồ chiến thuật lần thứ hai thân chinh Mạc Bắc của Minh Thành Tổ (hàng rào tre / Wikipedia)

Lần thứ ba thân chinh. Năm Vĩnh Lạc thứ 20 (Năm 1422), Minh Thành Tổ đích thân lãnh đạo đoàn đại quân xuất chinh thu phục lực lượng A Lỗ Đài. Nghe ngóng được tin tức quân đội Minh Triều phát động cuộc thảo phạt, A Lỗ Đài cảm thấy vô cùng kinh sợ, mẫu thân và thê tử cũng trách móc hắn rằng: “Hoàng đế Đại Minh có điểm nào đắc tội với anh, mà anh lại nhất định phản bội ông ấy!” Cứ như vậy, A Lỗ Đài liền đem toàn bộ quân dụng vật tư, chiến mã gia súc ném bỏ bên cạnh biển Khoát Loan, chỉ dẫn theo thê tử nhi nữ di chuyển về hướng bắc. Quả nhiên, sự tôn nghiêm và uy quyền của bậc quân vương Minh Thành Tổ đã khiến A Lỗ Đài vừa “nghe hơi đã chạy”.

Sau đó, Minh Thành Tổ hạ lệnh tiêu hủy toàn bộ quân dụng vật tư của A Lỗ Đài, thu giữ số chiến mã gia súc mà hắn ta bỏ lại, đồng thời điều động quân đội hồi kinh.

Lần thứ tư thân chinh. Mùa thu năm Vĩnh Lạc thứ hai mươi mốt (Năm 1423), các tướng lĩnh vùng biên ải bẩm báo rằng A Lỗ Đài có ý định xâm lấn địa phận Minh Triều. Minh Thành Tổ nhận xét: “Hắn ta toan tính dự liệu rằng Trẫm nhất định sẽ không tiếp tục đích thân ngự giá chinh phạt nữa ư, Trẫm nên đi trước một bước điều động binh sĩ đóng quân ở những nơi địa thế hiểm yếu vùng biên ải để chờ đợi hắn ta.” Ngay sau đó Thành Tổ lên kế hoạch bố trí sắp xếp, phái Ninh Dương Hầu Trần Mậu tiên phong dẫn đoàn đại quân, khi đến núi Túc Ngôi không những không phát hiện thấy bóng dáng quân địch, lại gặp được vương tử của một bộ lạc khác – Dã Tiên Thổ Can, anh ta dẫn theo thê tử, nhi tử và bộ hạ thuộc nhân đến quy hàng. Minh Thành Tổ liền phong cho Dã Tiên Thổ Can giữ chức vị Trung Dũng Vương, ban tặng danh tính mới là Kim Trung cho anh ta. Trung Dũng Vương đến kinh đô, đã nhiều lần lên án A Lỗ Đài là kẻ diệt chủ tàn dân, liệt kê nhiều tội trạng về hành vi xâm phạm biên giới, vậy nên đã thỉnh cầu mong được xuất binh tiêu trừ kẻ địch, nguyện ý tận lực cống hiến, tuy nhiên Minh Thành Tổ đáp lời: “Tạm thời hãy chờ đợi thêm một khoảng thời gian nữa đã”.

Lần thứ năm thân chinh. Năm Vĩnh Lạc thứ 22 (Năm 1424), A Lỗ Đài dẫn quân tấn công Đại Đồng, Minh Thành Tổ lệnh cho thái tử giữ trọng trách giám quốc, tiếp tục một lần nữa ngự giá thân chinh, Kim Trung đảm nhận dẫn đầu đội quân tiên phong.

Thời điểm quân đội đóng quân tại sông Đáp Lan Nạp Mộc Nhi, đã bắt giữ được một tên gián điệp, qua nghe ngóng biết rằng A Lỗ Đài bởi vì quá sợ hãi đã đào tẩu cao chạy xa bay. Minh Thành Tổ lúc này cũng không còn hứng thú với việc binh biến chiến sự nữa, liền hạ chiếu thư công bố toàn bộ tội ác của A Lỗ Đài, về phần những thuộc hạ dưới quyền trước đây của A Lỗ Đài đã đồng ý quy phục đầu hàng, nhất định sẽ khoan nhượng dung thứ cho họ, tuyệt đối không sát hại. Minh Thành Tổ bước lên xe tứ mã trở về kinh thành, tuy nhiên trên đường đến sông Du Mộc, Ông băng hà.

Không lâu sau đó, A Lỗ Đài phái cử sứ giả đến cống nạp ngựa quý cho triều đình nhà Minh. Lúc này, Nhân Tông đã lên ngôi đăng cơ hoàng đế, hạ chiếu thu nạp tiếp nhận họ. Kể từ đó, họ lại giống như thời kỳ Vĩnh Lạc trước đây, đều đặn hàng năm đến tiến cống dâng nạp tặng phẩm cho triều đình.

Luận về ý nghĩa việc Minh Thành Tổ ngự giá thân chinh

Năm lần Bắc chinh của Minh Thành Tổ, không chỉ thể hiện tinh thần vũ dũng, gây chấn động đến nhiều bộ lạc Mông Cổ, mà còn mang sự uy nghiêm của Đại Minh lan truyền khắp sa mạc, khiến chư thần nguyện trung thành phụng mệnh, không những làm suy yếu mối đe dọa xâm lấn chiếm đoạt vùng biên cương phía bắc Trung Quốc. Mà trọng điểm hơn nữa chính là nâng tầm ảnh hưởng, đề cao uy quyền danh vọng của Minh Triều trước những quốc gia khác, dân tộc khác. Đây là bởi vì tuy rằng Minh Triều thay thế địa vị Triều Nguyên, song Mông Cổ dựa vào các cuộc viễn chinh Âu Á mà có được uy vọng cực cao trong rất nhiều các ngoại tộc phiên bang, bao quanh Triều Minh đã từng là những mối quan hệ thông gia hay quan hệ đồng minh liên bang của Triều Nguyên, sức ảnh hưởng đối ngoại của Mông Cổ suy yếu ra sao chính là một tiêu chí đánh giá, một cột mốc quyết định Minh Triều có thể thay thế địa vị của chính quyền Đại Nguyên một cách chân chính hay không? Về điểm này Minh Thành Tổ thông qua ân đức, uy nghiêm đồng thời vận dụng kết hợp đã đạt được, mà theo như lời tán dương của những bậc cao nhân quang minh chính đại thì chính là “Bắc thanh lọc sa mạc, Nam bình ổn giao chỉ, gia cường uy đức, không xa vượt Hán Cao chăng”. Vị thiếu sư của Thái Tử – Đạo Diễn cũng ngợi khen rằng “Thần công mạnh mẽ cương trực, thánh đức lồng lộng, sánh ngang với trời vậy”.

Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch