Phương Hiếu Nhụ – vốn được biết đến như một văn học gia nổi tiếng vào triều Minh, từng là học trò của bậc đại nho giả Tống Liêm, ông nhận được tôn sùng kính trọng của nhiều lớp người cùng thế hệ, thậm chí một số học giả trưởng bối cũng tự than thở thừa nhận rằng không thể so sánh với ông. Trong những năm Minh Thái Tổ tại vị, đã triệu kiến Phương Hiếu Nhụ, nhận thấy phong thái, cách cư xử đoan chính, lễ độ, học thức uyên bác nên vô cùng tán thưởng, liền ra chỉ thị mời ông đến giảng dạy ở phủ Hán Trung Thiểm Tây. Sau này người con trai của Thái Tổ – Thục Vương Chu Xuân ngay khi biết đến danh tiếng, tài năng đức hạnh của Phương Hiếu Nhụ, cũng lập tức thỉnh mời ông về phủ làm thầy giáo của thế tử. Kiến Văn Đế sau khi lên ngôi kế vị đã triệu kiến Phương Hiếu Nhụ vào kinh đô để giao phó trọng trách, đồng thời nhất nhất mọi việc đều tham khảo cao kiến cũng như đề xuất góp ý của ông. Có thể nói, đối với Phương Hiếu Nhụ, Kiến Văn Đế là người mang ân tri ngộ.

Trong chiến dịch Tĩnh Nan, Phương Hiếu Nhụ từng nhiều lần đề xuất với Kiến Văn Đế về phương án, đối sách nhằm dốc tâm gắng sức tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Yến Vương Chu Đệ. Trải qua suốt khoảng thời gian bốn năm trường kỳ chinh chiến, cuối cùng phụng theo thiên mệnh Chu Đệ dẫn quân tiến vào thủ phủ Minh triều – Nam Kinh. Khi đó các cựu thần của Kiến Văn Đế, bên cạnh một số ít trường hợp tự vẫn, tháo chạy khỏi kinh thành hay không chịu đầu hàng khuất phục, thì phần lớn đã quyết định thuận theo Chu Đệ, và Phương Hiếu Nhụ là một trong số ít những người từ chối quy hàng đó. Trong giai đoạn lịch sử đương thời, Phương Hiếu Nhụ được biết đến với tư cách là đệ nhất nho giả vang danh thiên hạ, với học thức phẩm đức được người người ca tụng tán dương. Thời điểm Chu Đệ tiến hành khởi binh, Đạo Diễn – vị cận thần thân tín nhất từng nói với ông ấy rằng: “Ngày mà lũy thành sụp đổ, kinh đô thất thủ thì Phương Hiếu Nhụ cũng nhất quyết không chịu đầu hàng quy phục, tuy nhiên tuyệt đối không thể xuống tay với ông ta, nếu không sẽ triệt tiêu hết thảy những hạt mầm kinh thư học giả trong thiên hạ”. Chu Đệ khi đó đã gật đầu chấp thuận.

Bức ảnh  chân  dung Minh Thành Tổ Chu Đệ trong bộ lễ phục long bào (Tranh vẽ: Wiki)

Sau khi tiến vào Nam Kinh, Chu Đệ trước tiên đề cao việc dùng lễ nghĩa trong cách cư xử đối đãi, hạ lệnh dụng nhân bắt đầu từ Phương Hiếu Nhụ, liền giao trọng trách soạn thảo chiếu thư đăng cơ hoàng đế cho ông ta, tuy nhiên Phương Hiếu Nhụ quyết không phụng lệnh, khoác trên mình chiếc áo choàng để tang lên Điện, vừa than khóc vừa trách móc chửi rủa, kích động khiến Chu Đệ vô cùng phẫn nộ, liền lập tức hạ lệnh xử trảm ông ta cùng với một số cựu thần không khuất phục quy thuận khác của Kiến Văn Đế, và hành quyết họ hàng gia tộc của họ. “Lịch sử Minh triều” ghi chép lại rằng: “Đinh Sửu, xử tử Tề Thái, Hoàng Tử Trừng, Phương Hiếu Nhụ, đồng thời tiến hành tru di gia tộc”. Tề Thái, Hoàng Tử Trừng chính là những đại thần đã khởi xướng phát động chủ trương diệt phiên vào thời Kiến Văn Đế. Còn đối với sự việc “tru di gia tộc”, có một luồng quan điểm ý kiến được lưu truyền đến tận ngày nay cho rằng Phương Hiếu Nhụ bị tru di thập tộc, bao gồm cả môn đệ của ông ta.

Bức ảnh Phương Hiếu Nhụ trong “Tốn Chí Trai Tập của tiên sinh Phương Chinh Học” (Lĩnh vực công hữu)

Đối với hành vi thái độ sống của Phương Hiếu Nhụ, có quan điểm cho rằng ông là người nhất mực trung thành với quân vương, dù nhận lấy kết cục bị xử tử, xong đây vẫn là một cái chết giàu ý nghĩa và vô cùng xứng đáng; Trên một góc độ nhìn nhận khác lại đánh giá đây là hành vi của kẻ trung thần ngu muội, bởi vì Kiến Văn Đế yếu nhược vô mưu, không có năng lực, cũng không có thành tựu vẻ vang; Lấy cái chết của riêng bản thân mình đã đủ để cảm tạ cố chúa, không nhất thiết phải chọc giận Yến Vương, dẫn đến thảm kịch gia tộc tiêu vong. Hơn nữa nhất triều thiên tử nhất triều thần, thiên tượng biến hóa đổi dời, thần tử tiền triều mà không quy thuận tân quân, thì cũng chỉ có thể nhận lấy một kết cục không mấy khả quan tốt đẹp.

Một nghi vấn được đặt ra là: Phương Hiếu Nhụ có thật sự đã bị tru di thập tộc hay không? Trong “Tứ khố” bản “Biên niên sử Minh Triều” đã tự thuật như sau: “Đinh Sửu, triệu mời Phương Hiếu Nhụ soạn bản thảo chiếu thư đăng cơ kế vị, Hiếu Nhụ gạt phăng chiếc bút, vừa than khóc vừa la mắng chửi rủa. Hoàng đế vô cùng tức giận; Tề Thái, Tử Trừng cũng ra sức biện hộ không chịu khuất phục. Nên cuối cùng đã nhận lấy kết cục giống như Hiếu Nhụ, Hoàng Đế ra chỉ lệnh hành hình xé xác phanh thây, gia tộc họ hàng thân thích cũng bị tiêu diệt”.  

Bất luận là “Lịch sử Minh triều” bản gốc hay “Lịch sử Minh triều” trong phiên bản Tứ Khố, đều không có ghi chép về việc Chu Đệ ra lệnh tru di thập tộc của Phương Hiếu Nhụ. Trong tác phẩm “Ngọc Đường Tùng Ngữ” của Tiêu Hồng Chiêu vào thời Đại Minh cũng chỉ viết rằng Phương Hiếu Nhụ “quyết không khuất phục trước cái chết”. Còn đối với câu chuyện Chu Đệ uy hiếp tru di thập tộc của Phương Hiếu Nhụ thì quả thật cũng chưa có ai từng được mắt thấy tai nghe. “Lịch sử Minh triều” còn ghi chép về sự việc Phương Hiếu Nhụ cùng bị xử tử với người em trai là Phương Hiếu Hữu, sau đó thê tử của Phương Hiếu Nhụ – Trịnh Thị và hai trong bốn người con trai là Phương Trung Hiến và Phương Trung Dũ cũng thắt cổ tự sát, hai người con gái cũng reo mình xuống sông Tần Hoài quyên sinh, trên phương diện khách quan mà nhận định thì những sự việc này hoàn toàn không thể được gọi là bị Chu Đệ “tru di gia tộc”

Mặc dù nội dung trong cuốn “Lịch sử Minh triều” có đề cập đến thông tin thân quyến bổn tộc của Phương Hiếu Nhụ bị hành quyết, song không hề nhắc đến bất kỳ một tình tiết nào về việc họ hàng của mẫu thân hay gia tộc nhà thê tử của Phương Hiếu Nhụ phải gánh chịu hình phạt liên lụy. Đặc biệt một điểm đáng lưu ý nhất là, trong “Lịch sử Minh triều” còn di lưu lại những thông tin về đời thứ 10, chính là những môn đồ và bằng hữu của Phương Hiếu Nhụ: “Trong những năm Vĩnh Lạc, những người cố tình cất giữ văn chương của Hiếu Nhụ sẽ chịu hình phạt đền tội đến chết. Một người học trò của ông là Vương Đồ đã bí mật sao lục cuốn “Hầu Thành Tập”, cuốn sách này sau đó đã được lưu truyền lại cho hậu thế.”

Bên cạnh đó, Tống Đoan Nghi cũng viết các cuốn sách về đời sống trung thần của Kiến Văn Đế vào những năm Minh Thành tại vị, đơn cử như “Lập Trai Nhàn Lục”, “Khai trừ sao lục”, vv…; Trong đó cũng chỉ nhắc đến việc “tru di gia tộc” chứ không hề đề cập đến nội dung “tru di thập tộc”. Phần sau cuốn sách “Lập Trai Nhàn Lục” còn đính kèm biểu liệt kê danh tính “sao trát 847 nhân khẩu”, cơ bản toàn bộ đều thuộc huyết thống phụ hệ Phương Gia, còn nhân khẩu bên mẫu hệ và thê hệ thì hoàn toàn không tìm thấy danh sách thống kê. Rất dễ nhận thấy rằng, Tống Đoan Nghi hoàn toàn không có bất kỳ động cơ hay lý do nào để phải dồn hết tâm sức lấp liếm che giấu danh sách những người bị hại bên mẫu hệ và thê hệ của Phương Gia. Hơn nữa còn một tình tiết cần đặc biệt chú ý chính là toàn bộ những người họ hàng thân quyến trong danh sách đều chỉ bị “sao trát”, tức là thanh tra, kê biên và tịch thu tài sản, không hề nhắc đến việc họ bị xử tử. Điểm này cũng tương tự như dã sử thời Kiến Văn Đế, cũng hoàn toàn không có bất cứ ghi chép nào về sự việc  liên quan đến Phương Hiếu Nhụ bị tru di thập tộc.

Sau khi con trai của Minh Thành Tổ Chu Đệ – Minh Nhân Tông Chu Cao Sí lên ngôi kế vị, liền lập tức tiến hành đính chính, khắc phục, đưa ra những chiếu dụ thỏa đáng hơn trong vụ án về cựu thần của Kiến Văn Đế – Phương Hiếu Nhụ trước đây, đã hạ lệnh tìm kiếm và đặc xá cho người anh em họ trong Phương Gia là Phương Hiếu Phục. Đến tháng 3 năm Vạn Lịch thứ mười ba, Hoàng đế Vạn Lịch còn ra chỉ thị phóng thích toàn bộ thế hệ con cháu hậu duệ Phương Gia hiện đang cố thủ ở biên cương do trước đây chịu nhận hình phạt liên đới đến Phương Hiếu Nhụ, trong lần ly tán này đã lưu vong đến Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông, Tứ Xuyên và nhiều địa phương khác, với số lượng lên tới hơn 1.300 người. Điều này cho thấy mặc dù Phương Hiếu Nhụ cùng một số thành viên trong gia tộc đã bị xử tử, song hoàn toàn không đến mức độ “tru di gia tộc”, rất có khả năng nhiều người trong số họ chỉ bị kê biên tịch thu tài sản, lưu đày, quả thật nếu không có sự việc như vậy thì không thể giải thích được lệnh ân xá của Minh Nhân Tông trong những năm Vạn Lịch.

Vậy rốt cuộc tại sao luồng quan điểm ý kiến về Phương Hiếu Nhụ bị “tru di thập tộc” lại xuất hiện? Trong thời kỳ cận đại đã có nhiều người tiến hành nghiên cứu giải thích, sớm nhất phải kể đến cuốn “Dã sử” của Chúc Chi Sơn ra đời vào thời kỳ Minh Chính Đức, đây là tập sách đầu tiên ghi chép lại sự việc Phương Hiếu Nhụ bị tru di thập tộc, mà nguồn gốc khởi phát của những tin tức này chính là từ những mảnh ghép hồi ức thuở thiếu thời khi nghe những bậc trưởng bối nói chuyện, do đó điều này hoàn toàn không đủ căn cứ xác thực. Vào năm đầu tiên của triều đại Nhà Thanh, trong cuốn “Quốc Dác” mà các nhà lịch sử học lưu truyền trong dân gian cũng không hề nhắc đến nội dung “Tru di thập tộc”. Mãi cho đến thời điểm sau này, khi Đại Thanh thống nhất được thiên hạ, thì đề tài “Tru di thập tộc” lại tiếp tục xuất hiện trong các cuốn sách như “Ký sự Minh sử” của Cốc Ưng Thái hay “Hai mươi hai ghi chép lịch sử” của Triệu Dực, vv… Rồi theo đó từng bước từng bước được lưu truyền và phổ biến rộng rãi.

Ngoài ra, trong mục đầu tiên của cuốn “Phả hệ Phương Hà” cũng ghi lại: Phương Hiếu Nhụ giữ chức vị Hàn Lâm thị giảng. Sau khi phụ thân bị xử tử, người con trai út Thánh Công từ Đài Châu Triết Giang dời đến huyện Hấp – An Huy và sinh được 4 người con, trưởng tử Thông Công sau khi chuyển đến Lư Giang, An Huy đã đổi sang họ Hà. Dòng họ Hà Thị sau này phát triển trở thành một đại tộc bề thế, đều có người làm quan trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh.

Trên mọi phương diện đều xuất hiện những bằng chứng cho thấy, quan điểm về việc Phương Hiếu Nhụ bị “tru di thập tộc” được xác nhận là do ngôn từ khoa trương phóng đại, lối diễn đạt thổi phồng thêu dệt, quả thực về điểm này Chu Đệ đã chịu điều tiếng oan uổng suốt mấy trăm năm rồi.

Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch