Mục lục bài viết
(Tiếp nối phần trước) Sau khi nắm quyền trị vì thiên hạ, Thành Tổ tiến hành tuyển chọn một nhóm các đại thần thân tín “tập hợp tại Văn Uyên Các, trao đổi bàn bạc lên kế hoạch thực hiện công tác chính sự cơ mật”. Trong cách cư xử đối đãi với công thần và các tùy tùng, ông không áp dụng phương cách giống như Minh Thái Tổ, mà thiện đãi họ, hơn nữa chỉ cần là người bản thân đã lựa chọn thì quyết sử dụng mà không hề hoài nghi, ngờ vực. Ông từng chia sẻ với các đại thần rằng: “Giữa Quân – Thần không thể giữ trọn vẹn đạo nghĩa bổn phận, thường xuất phát từ nguyên nhân không tin tưởng lẫn nhau, nếu như không có sự tin tưởng thì phụ tử cũng trở thành Tần – Việt, huống hồ là mối quan hệ Quân – Thần! Ta đối với các chư vị công thần, báo đáp trọng hậu và cư xử chân thành, thường chú trọng mặt thiện, không nhìn điểm bất thiện, duy chỉ những bậc kỳ tài mới được giao phó trọng trách, dụng nhân cần bảo vệ đề cao những thành tựu cống hiến, như vậy mới có thể duy hộ được quyền lợi song phương”. Cũng giống như câu chuyện Ngự Sử Tăng tố cáo Tây Ninh hầu – Tống Thịnh chuyên quyền, độc đoán, tự ý quyết định các vấn đề mà không thông qua báo cáo, Thành Tổ từ tốn trả lời Ngự Sử rằng: “Người không có chuyên môn thì có thể đảm đương hoàn thành công tác hay không? Huống hồ đây là một vị đại tướng ngoài biên ải xa xôi, sao có thể yêu cầu ông ấy từng việc từng việc đều nhất nhất tuân thủ theo ý chỉ của triều đình được chứ?” Vì vậy sau sự việc này, Thành Tổ đã đặc biệt ban xuống một sắc lệnh, cho phép Tống Thịnh tùy cơ ứng biến.
Đối với các vị tướng sĩ vào sinh ra tử và những công thần từng dốc lòng phụ tá mình, Thành Tổ cũng tiến hành luận công ban thưởng. Ví như dinh thự phiên cũ của Khâu Phúc, người luôn xông pha tuyến đầu nơi chiến trường, lập nhiều chiến công nhưng lại không tranh công. Sau khi Chu Đệ lên ngôi đã đưa Khưu Phúc vào danh sách đệ nhất công thần, phong là Kỳ Quốc Công; Một thủ hạ khác của Chu Đệ là vị dũng tướng Chu Năng cũng được ban chức Thành Quốc Công, vv. Ngoài việc phong quan ban tước, ông còn tặng thưởng ngân lượng, vv.
Đối với công lao phi thường lớn của Đạo Diễn, Thành Tổ đã giao phó trọng trách quản lý Tăng Lục Tư Tả Thiện Thế, đến năm Vĩnh Lạc thứ hai, lại ban chức Tư Thiện đại phu, thái tử thiếu sư; Trong khi giao tiếp xưng hô với Đạo Diễn, Thành Tổ cũng không trực tiếp dùng tên họ, mà tôn trọng gọi là “thiếu sư”. Tuy vậy, những năm tháng sau này Đạo Diễn cũng không quay trở lại cuộc sống thế tục mà lui về ở ẩn vào năm Vĩnh Lạc thứ năm (năm 1407), đến năm Vĩnh Lạc thứ 16 ông viên tịch.

Trọng dụng quan viên cũ của Kiến Văn
Vào thời điểm đó, trong triều đình vẫn còn một số cựu thần của Kiến Văn Đế, họ mặc dù đã quy thuận Thành Tổ nhưng hành sự lại nơm nớp lo sợ, băn khoăn trăm bề. Để xua tan mối lo ngại, sợ hãi canh cánh trong lòng họ, Thành Tổ đã hạ lệnh cho Giải Tấn cùng một số thủ hạ khác thu dọn chỉnh lý lại toàn bộ tấu chương của các chư thần vào thời Kiến Văn Đế, chỉ lưu lại một số tài liệu liên quan đến quốc kế dân sinh, phần còn lại tiêu hủy hoàn toàn, ông cũng nói thêm rằng: “…Ta không phủ nhận những người từng dồn hết tâm huyết cho Kiến Văn Đế, chỉ là ghét bỏ những kẻ dẫn dụ lôi kéo Kiến Văn làm bại hoại quy pháp của tổ tông. Trước đây các khanh là đại thần của Kiến Văn thì nên trung thành với anh ta; Hôm nay đã phụ tá cho trẫm thì cũng nên hết lòng phụng sự trẫm, không cần khom lưng che giấu bản thân”.
Một số cựu thần tài năng của Kiến Văn Đế rất được ưu ái trọng dụng, bên cạnh Giải Tấn, còn có một vài nhân vật như Kiến Nghĩa hay Hạ Nguyên Cát. Bởi vì có lòng can đảm dám nói thẳng cho nên Kiến Nghĩa được thăng chức lên làm Tả thị lang, về sau được thăng lên làm Thượng Thư. Vào năm Vĩnh Lạc thứ bảy (1409), trong một dịp đi tuần tra săn bắn ở Bắc Kinh, Thành Tổ đã giao phó trọng trách phò tá Hoàng Thái Tử Giám Quốc cho Kiến Nghĩa. Vốn là người am hiểu thông thuộc quy chế pháp luật triều đình, lại nắm vững các phép tắc lễ nghi, vì vậy hết thảy đại sự quân chính quốc gia khi đó đều dựa vào sự lo liệu quán xuyến của ông ấy. Có được sự tín nhiệm nên Thành Tổ đã nhiều lần chỉ thị cho Kiến Nghĩa kiêm quản các bộ phận công tác khác, dù gánh vác nhiều chức trách song ông đều có thể ứng phó một cách thuần thục thông suốt. Hạ Nguyên Cát cũng là một vị đại thần tận tâm tận lực vì chính sự, công chính liêm minh, được Thành Tổ hết lòng đề cao trọng dụng.
Có người từng nói Hoàng Phúc là cựu thần thời Kiến Văn Đế thì không nên coi trọng, nhưng Thành Tổ lại cho rằng: “Quân – Thần ngày ngày tương trợ cận kề, cần lấy sự chân thành để đối đãi, không thể hoài nghi. Bậc đế vương có thể thật tâm trọng dụng thì quần thần cũng cảm thấy vui mừng mà dốc lòng tân lực, nếu như tồn tại sự ngờ vực thì đại thần chỉ miễn cưỡng gồng gánh trách nhiệm mà thôi, ai có thể tận tâm được chứ?
Toàn bộ là nhân tài
Thành Tổ cũng nhiều lần hạ lệnh nhắc nhở Lại Bộ Quan Viên (Cơ quan có chức năng bổ nhiệm và miễn nhiệm quan lại) cần tuyển chọn đề bạt nhân tài lên đảm nhiệm những vị trí xứng đáng, đồng thời ra chỉ thị nghiêm túc làm tốt vai trò “phát huy tối đa năng lực nhân tài”, tức là tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người bộc lộ được toàn bộ tài năng đặc biệt của bản thân. Không cho phép đại tài tiểu dụng, “dùng gáo vàng múc nước giếng bùn”, càng không thể tiểu tài trọng dụng. Bên cạnh đó, cũng cần đề cao chú trọng những người đức hạnh. Thành Tổ đã từng chia sẻ đôi lời khiến người người tỉnh ngộ: “Người quân tử can đảm trực ngôn thẳng thắn, không lo sợ mất chức bỏ mệnh, bởi vì anh ta dốc lòng lo toan gánh vác chính sự quốc gia; Kẻ tiểu nhân a dua xu nịnh, chỉ mưu cầu thăng quan phát tài, bởi vì anh ta chỉ chăm chăm theo đuổi danh vọng tư lợi cho riêng mình”.
Để tuyển chọn được các nhân tài trên khắp mọi miền đất nước, Chu Đệ ra chiếu lệnh tiến hành khảo sát đánh giá tất cả quan viên tại các châu huyện trên toàn quốc, lấy 9 năm làm mốc thời gian kết thúc của một khóa sát hạch trọn vẹn, đối với một số quan viên giành được nhiều thành tích chính trị xuất sắc trong suốt kỳ sát hạch thì ngoài việc được khen ngợi ban thưởng, sẽ được giữ lại kinh thành đến Lục Bộ nhậm chức.
Trọng đãi đại thần
Thành Tổ trong mối quan hệ với các đại thần thường đối đãi vô cùng trọng hậu, lễ nghĩa. Một dịp nọ, Thị độc học sĩ Hàn Lâm Viện – Vũ Chu Văn trước khi ra ngoài làm quan đã xin diện kiến cáo biệt hoàng thượng, Thành Tổ cho phép anh ta được ngồi để cùng trao đổi trò chuyện trong khoảng thời gian khá lâu, ngoài ra còn ban tặng rượu, bữa ăn, tư trang lộ phí. Thị độc Hồ Quảng kính bẩm: “Bệ hạ đối xử với các nho thần, ân huệ lễ nghĩa muộn mặt vẹn toàn vừa nhún nhường lại tôn nghiêm cứng rắn, nho đạo cảm thấy vô cùng vinh dự”. Thành Tổ vui vẻ đáp lời: “Trẫm dùng Nho đạo cai trị thiên hạ, sao có thể không trọng đãi học giả Nho gia? Muốn đến được nơi xa ắt phải trọng dụng một con ngựa tốt, từng hạt ngũ cốc ắt cũng coi trọng một nông dân tần tảo cần cù. Bởi vì mỗi người, mỗi vật đều có một tư chất, cũng đều có giá trị hữu dụng riêng biệt”.
Ngoài ra, thời tiết mùa đông ở phương Bắc giá lạnh, để tránh cho các quần thần không phải chịu cái giá rét căm căm trong hành cung Bắc Kinh, vào năm Vĩnh Lạc thứ bảy trong một dịp đi tuần tra khảo sát tại Bắc Kinh, Thành Tổ đã quyết định sớm kết thúc buổi thượng triều, các đại thần có thể nán lại biệt điện phía cửa bên phải, những quan viên có thư sớ sẽ lần lượt vào điện trình tấu, những quan viên còn lại có thể chủ động sắp xếp giải quyết các công việc chính trị khác.
Khoan hồng và nghiêm minh
Đối với những lỗi lầm và hành vi phạm tội của một số quan viên, Thành Tổ lại vô cùng khoan dung độ lượng. Về những sai sót trong cách sử dụng ngôn từ của các quan viên phụ trách văn thư, Thành Tổ cho rằng thể chất tinh thần của con người là hữu hạn, tài liệu văn kiện rườm rà rắc rối, khó tránh khỏi nhầm lẫn, miễn là không dối gạt bưng bít thì có thể miễn truy cứu. Lại thêm một trường hợp khác như việc phạm lỗi của đô đốc Trình Đạt, Thành Tổ phái anh ta đi theo hỗ trợ Hầu Tây Bình – Mộc Thành để có cơ hội lập công chuộc tội. Ông bày tỏ quan điểm với các đại thần rằng: “Đạo lý ứng xử đối đãi của người quân tử chính là tuyệt đối không khoan nhượng những kẻ tội ác tày trời, cũng tuyệt đối không xem nhẹ lơ là những việc thiện lương nhỏ bé. Làm người, ai mà chưa từng sơ suất kia chứ? Đặt nặng truy cứu mọi sai lầm nhỏ nhặt mà thờ ơ khinh suất đối với việc đại thiện, điều này sẽ khiến những người hiền lương buông lơi biếng nhác. Chỉ vì đề cao một chút tài năng mà bỏ qua những tội ác trầm trọng, điều đó sẽ khiến kẻ xấu càng thêm bội phần phóng túng. Vì vậy đối với những kẻ hung tợn mang tội ác khó dung thì không cần suy xét đến tài năng; còn với những người xứng đáng được trọng dụng thì có thể miễn truy cứu những sai lầm vụn vặt. Nếu làm được như vậy, thiện ác sẽ đi đúng hướng, tuyệt đối không chệch khỏi quỹ đạo vốn có”.
Thành Tổ cũng từng tổ chức một buổi đàm luận với các quần thần bàn về hình thức trừng phạt và khen thưởng, các cận thần chia sẻ: “Cổ nhân cho rằng dùng chức quan ban thưởng cũng không bằng lấy tiền tài để biểu dương”. Thành Tổ lại đưa ra một quan điểm khác, cả hai loại phương pháp đều không thể tận dụng triệt để cũng như không thể phát huy tối đa phương diện tốt đẹp thiện lương. Nếu là bậc quân vương một lòng yêu dân thì cần coi trọng cả hai điều này. Thật vậy, không thể phủ nhận rằng tài vật của cải đến từ sự cần lao khó nhọc của bách tính, nên nhất định không thể tùy tiện ban phát; cũng cần nhớ một điều rằng chức danh phẩm tước là được hình thành bồi dưỡng từ quần chúng nhân dân, nên tuyệt đối cũng không thể tùy ý phong tặng.
Minh Thành Tổ nắm trong tay quyền lực tối cao đã vô cùng thành công trong vai trò lãnh đạo, định hướng tác phong và uy tín của bộ máy quan lại, đội ngũ quan viên các cấp cốt lõi đều có năng lực quản lý tổ chức, siêng năng chỉnh lý chính sự, hiệu suất hoạt động của bộ máy hành chính cũng tương đối cao, điểm nổi bật nhất là bồi dưỡng được một nhóm các đại thần liêm khiết và hội tụ đầy đủ khả năng trị quốc, nhóm trợ thủ đắc lực này cũng chính là đòn bẩy trọng yếu giúp Minh Thành Tổ kiến dựng lên những thành tựu vẻ vang trên phương diện văn hóa – giáo dục – quân sự, mở ra thời kỳ thiên hạ thái bình phồn vinh thịnh thế.
Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch