Ngu Mỹ Nhân là một khúc hát của giáo phường (phường hát) thời Đường, khúc hát về Ngu Cơ – mỹ nhân của Hạng Vũ. Sau này cũng là tên một loại từ khúc, nhiều văn nhân lấy cảm hứng sáng tác theo vần điệu khúc ca này.

Trong đó “Ngu Mỹ Nhân: Xuân hoa thu nguyệt” của Hậu chủ Lý Dục nước Nam Đường thời Ngũ Đại là bài xuất sắc, được nhiều người yêu thích nhất. Sau này được nữ danh ca đệ nhất châu Á Đặng Lệ Quân thể hiện đầy cảm xúc sâu lắng.

Ngu Mỹ Nhân – khúc hát ngợi ca một chuyện tình diễm lệ mà bi tráng

Hán Sở tương tranh, cuối cùng Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ binh bại, bị quân Hán do danh tướng Hàn Tín cầm quân bao vây ở Cai Hạ. Hạng Vũ thấy không thể đột phá vòng vây được, bèn uống rượu biệt ly với Ngu Cơ. Bỗng thấy tứ bề Sở ca, Hạng Vũ bi thương, khảng khái rút bảo kiếm, múa kiếm và hát câu ly biệt:

Nguyên văn:

Lực bạt sơn hề khí cái thế,
Thời bất lợi hề chuy bất thệ.
Chuy bất thệ hề khả nại hà?
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà?

Dịch thơ:

Bạt sơn cử đỉnh khí trùm đời
Ô Chuy dừng bước đã hết thời
Chuy dừng bước chừ biết làm sao?
Ngu Cơ nàng hỡi biết làm sao?

Ngu Cơ cũng thấy thời thế đã hết, tuôn dòng lệ rơi múa hát khúc “Họa Cai Hạ ca”:

Nguyên văn:

Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thanh
Đại Vương ý khí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh

Dịch thơ:

Quân Hán chiếm đất hết,
Bốn bề Sở ca bi
Đại Vương ý chí chết
Tiện thiếp sống làm chi.

Khi lời ca vừa dứt cũng là lúc Ngu Cơ chộp lấy thanh bảo kiếm Hạng Vũ đeo bên mình đâm vào cổ, máu nóng trào tuôn, ngọc nát hương tan, kết thúc một câu chuyện tình đẹp mà bi tráng.

Khi lời ca vừa dứt cũng là lúc Ngu Cơ chộp lấy thanh bảo kiếm Hạng Vũ đeo bên mình đâm vào cổ, máu nóng trào tuôn, ngọc nát hương tan. (Ảnh: youtube.com)

Sau này trên mộ Ngu Cơ có mọc lên một loài cỏ lạ, hình dáng như hoa mào gà, lá mọc đối, cọng mềm mại lá thon dài, không có gió cũng lắc lư như mỹ nhân đang múa thướt tha, yêu kiều diễm lệ. Dân gian tương truyền là Ngu Cơ hóa thành, do đó gọi là “Ngu Mỹ Nhân thảo”, và hoa của nó gọi là hoa “Ngu Mỹ Nhân”.

Hoa Ngu Mỹ Nhân đỏ tươi rực rỡ, tương truyền do máu tươi Ngu Cơ đã nhuộm hồng mà thành. Dường như Ngu Cơ vẫn tồn tại, biến thành Ngu Mỹ Nhân thảo, hàng năm vào cuối xuân đầu hạ khai hoa, vẫn trung trinh đợi chờ Bá Vương, vẫn như đang cười, đang múa, đang vui đùa cùng Bá Vương.

Ngu Mỹ Nhân: Xuân hoa thu nguyệt – Từ khúc nổi tiếng của một quân vương tài hoa mà bạc mệnh

Thời Ngũ Đại Thập Quốc, vua cuối cùng nước Nam Đường là Hậu chủ Lý Dục. Năm 975, Tống Thái Tổ đánh vào kinh đô Nam Đường là Kim Lăng, Lý Dục đầu hàng, Nam Đường diệt vong. Năm 978, Từ Huyền phụng mệnh Tống Thái Tông đến thăm dò Lý Dục, Lý Dục than với Từ Huyền rằng: “Năm xưa ta đã sai, giết nhầm Phan Hựu, Lý Bình, hối hận đã không kịp nữa rồi”. Sau đó ông có viết bài từ “Ngu Mỹ Nhân” trước khi bị đầu độc chết.

Nguyên văn:

Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu,
Vãng sự tri đa thiểu?
Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
Cố quốc bất kham hồi đầu nguyệt minh trung!

Điêu lan ngọc thế ưng do tại,
Chỉ thị chu nhan cải.
Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
Kháp như nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.

Dịch nghĩa:

Hoa xuân trăng thu (thời gian này) khi nào mới kết thúc,
Chuyện xưa biết được bao nhiêu?
Đêm qua trên gác nhỏ lại nổi trận gió xuân,
Trong ánh trăng sáng trắng, nhớ lại cố quốc đau lòng khôn xiết.

Lan can điêu khắc tinh xảo, bậc thềm lát ngọc có lẽ vẫn còn như cũ,
Chỉ dung nhan hồng nhan đã thay đổi (già đi).
Xin hỏi trong lòng ông có bao nhiêu ưu sầu,
Giống như dòng sông xuân bất tận đang cuồn cuộn chảy về đông.

Dịch thơ:

Xuân hoa thu nguyệt thời nào hết,
Chuyện xưa nhiều hay ít?
Đêm qua gác nhỏ lại gió xuân,
Cố quốc chẳng dám hồi tưởng dưới trăng ngần.

Hiên son thềm ngọc còn nguyên vậy,
Hồng nhan đã đổi thay.
Hỏi ông lòng này sầu bao nhiêu,
Như dòng sông xuân cuồn cuồn chảy về đông.

Cuộc đời như nước chảy mây trôi, nhớ lại quá khứ ngập chìm trong tửu sắc Hậu chủ Lý Dục không khỏi thở dài. (Ảnh: youtube.com)

Bài từ như bức họa, hình ảnh một vị quân vương bị giam lỏng nơi đất khách, hồi tưởng những ngày xưa yêu dấu, cuộc sống nhung lụa giàu sang của bậc quân vương xưa. Ngắm hoa thưởng nguyệt với mỹ nữ giai nhân, dường như vẫn hiển hiện trước mắt, nào lầu son gác tía, thềm ngọc hiên hoa, tất cả vẫn như xưa, chỉ mỹ nhân hồng nhan đã già đi. Phải chăng cũng như ông họ cũng đang nhớ về cuộc sống vui sướng khi xưa, giờ cũng ưu sầu khổ não, họ như hỏi ông trong lòng có bao nhiêu nỗi sầu. Sầu bao nhiêu? Sầu bao nhiêu? Nỗi sầu như dòng sông xuân bất tận đang cuồn cuộn chảy về đông.

Ngu Mỹ Nhân là khúc hát, từ khúc, gắn liền với tên tuổi 3 nhân vật lịch sử: Ngu Cơ – Hạng Vũ – Lý Dục. Ngu Cơ – hồng nhan bạc phận, như đóa phù dung sớm nở đã tàn. Một bậc giai nhân tuyệt sắc, tài hoa, tiết hạnh, trung trinh, lại được bậc quân vương anh hùng yêu chiều sủng ái, ngỡ là tột bậc của vinh hoa, phú quý, hạnh phúc, ai ngờ hát lên tiếng lòng, rồi tự sát:

Đại Vương ý chí chết,
Tiện thiếp sống làm chi.

Tiếng lòng ấy nói nên đức hạnh trung trinh tiết tháo của nàng. Nàng yêu thương cảm phục Bá Vương, vì khí phách anh hùng bạt sơn cử đỉnh, đội trời đạp đất, chứ không phải vương vị ngôi cao phú quý. Nàng thất vọng thấy người hùng của lòng mình đã hết chí anh hùng, nên quyết định tìm đến cái chết.

Tiếc thay cho một đời khí phách anh hùng bạt sơn cử đỉnh, đội trời đạp đất. (Ảnh: youtube.com)

Bá Vương Hạng Vũ, anh hùng cái thế, dũng mãnh như chiến Thần, xứng danh là bậc anh hùng đại trượng phu hiếm có trong lịch sử. Lý Bạch cũng rất tán thưởng Hạng Vương vũ dũng, ca ngợi qua bài thơ “Đăng Quảng Vũ cổ chiến trường hoài cổ” (Leo Quảng Vũ nhớ chiến trường xưa):

Hươu Tần chạy ngoài đồng,
Kẻ đuổi như phi bồng.

Hạng Vương khí cái thế,
Mắt rực sáng như Thần.

Hô vang tám ngàn quân,
Tung hoành miền Giang Đông.

Nhưng đáng tiếc cho bậc anh hùng cái thế, sau khi bá nghiệp đã thành, lại có được mỹ nhân Ngu Cơ có đủ sắc – tài – hạnh, thì Bá Vương lại mải mê ca múa uống rượu hưởng lạc. Dần dà vui thú hưởng lạc đã mài mòn ý chí anh hùng, khiến cho Bá Vương phải múa kiếm khóc trước Ngu Cơ. Thi nhân Trừ Tự Tông đời Đường cũng cảm khái tiếc thương cho người anh hùng bằng bài thơ “Cai Hạ”:

Nguyên văn:

Bách chiến vị ngôn phi
Cô quân kinh dạ vi
Sơn hà ý khí tận
Lệ tiễn mỹ nhân y.

Dịch thơ:

Trăm trận lẫy lừng chẳng từng thua,
Thế cô quân ít kinh động vua.
Giang sơn ý chí anh hùng kiệt,
Lệ rơi ướt đẫm áo Ngu Cơ

Trong dòng sông lịch sử, nhân vật Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ luôn được thi nhân đời sau cảm thán không nguôi. (Ảnh: youtube.com)

Hậu chủ Lý Dục, một văn nhân tài hoa, vừa là quân vương nước Nam Đường thời Nam Bắc triều loạn lạc. Ngôi vị cao sang phú quý và cuộc sống cung đình xa hoa lầu son gác tía, thềm ngọc hiên son, cùng với bao mỹ nhân mỹ nữ, ngày ngày vui vẻ ngắm hoa thưởng nguyệt, khác chi cõi thần tiên chốn nhân gian. Nhưng chim chết bởi miếng ăn, cá chết bởi miếng mồi, con người chết vì danh lợi. Với tài hoa của bậc tao nhân mặc khách, nếu biết thời hiểu thế, từ bỏ vinh hoa, thì với tài sản đó, với tài hoa đó, ông có thể ung dung an nhàn cả đời mà bầu bạn với xuân hoa, thu nguyệt, với thơ từ, và có thể cả hồng nhan.

***

Nhân sinh như mộng, mộng đẹp như hoa, nhưng mộng chóng tan, hoa đẹp cũng chóng tàn, đời người cũng chóng qua.

Hiểu nhân sinh, sớm tỉnh giấc mơ, thoát ra giấc mộng, thì có thể an nhiên tự tại, sống vui vẻ một đời.

Hành động theo thời, đổi thay theo thế, sống theo Đạo, thuận theo tự nhiên là sự lựa chọn trí tuệ nhất của sinh mệnh. Thuận theo Đạo ắt trường tồn, ngược với Đạo ắt tiêu vong.

Từ khúc Ngu Mỹ Nhân – Xuân Hoa Thu Nguyệt của Hậu chủ Lý Dục từng được thể hiện xuất sắc nhất qua giọng ca trầm lắng ngọt ngào của cố đệ nhất danh ca châu Á Đặng Lệ Quân.

Triêu Lộ