Có thể nói, bạn bè có một sức ảnh hưởng to lớn đến đạo đức và nhân cách của mỗi con người. Ai đó từng nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người như thế nào”. Muốn hiểu một ai đó, hãy nhìn vào bạn bè của họ. 

Thế nhưng, bạn bè cũng chia làm 2 loại, tốt và xấu. Bạn tốt có thể giúp ta nâng cao giá trị bản thân, ngược lại bạn xấu sẽ dẫn dụ ta đến những con đường lầm lạc, làm hỏng nhân cách và phẩm hạnh của bản thân.

Vậy đâu là những người bạn nên kết giao và không nên kết giao?

Khổng Tử cho rằng bạn bè là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến con đường tu dưỡng của một con người. Vì vậy ông dạy các học trò của mình chỉ nên kết giao với những người có đạo đức và tránh xa kẻ gian tà.

3 kiểu bạn nên kết giao

Khổng Tử nói: “Bạn ngay thẳng, bạn tín nghĩa, bạn nghe nhiều học rộng ấy là bạn có ích cho mình”. 

Bạn ngay thẳng: Ngay thẳng ở đây là chính trực, thiện lương và công bình. Người ngay thẳng thì luôn chân thành và hào hiệp, họ hiểu rõ giá trị của bản thân vì thế không bao giờ có tính nịnh nọt, bợ đỡ. Tính cách của họ có ảnh hưởng tốt đến người khác. Họ sẽ mang đến cho bạn lòng quả cảm khi bạn sợ hãi, sự quyết đoán và kiên định khi bạn do dự.

Bạn tín nghĩa: Đây là những người có đức tính trung thành và đáng tin. Họ luôn chân thành và tử tế trong cách cư xử với người khác, không bao giờ giả dối. Kết giao với họ ta sẽ luôn thấy dễ chịu và an tâm. Họ sẽ giúp bạn thanh lọc tâm hồn và nâng cao giá trị tinh thần của bản thân. 

Bạn nghe nhiều học rộng: Ấy là những người có trí tuệ rộng lớn và tấm lòng rộng mở, do cần cù tu dưỡng mà phẩm hạnh tròn đầy, do học nhiều hiểu rộng mà thấu tỏ đúng sai. Gần họ bạn sẽ học hỏi được nhiều điều. Kiến thức và kinh nghiệm của họ sẽ là tham khảo rất tốt cho các vấn đề khó khăn và nan giải của chính bạn.

(Ảnh minh họa: oyla.xyz)

3 loại người không nên gần

Khổng Tử nói: “Bạn giả dối, bạn khéo chiều chuộng, bạn hay xảo mị ấy là bạn có hại cho mình”.

Bạn khéo chiều chuộng: Là những người có tính nịnh hót và a dua. Họ sẽ luôn muốn lấy lòng người khác bằng những lời nói tán dương và hoa mỹ. Khi bạn nói gì đó, họ sẽ tán dương: “Thông minh quá!”, khi bạn làm gì đó họ sẽ ca tụng: “Thật xuất sắc!”. Họ sẽ không bao giờ nói không với bạn, trái lại sẽ đi theo và a dua với bạn, tán dương và đưa ra những lời ca tụng. Những người này sẽ luôn nương theo chiều gió để cố gắng không làm phật ý bất kỳ ai. Họ là những người trái ngược với loại bạn ngay thẳng. Con người họ không chân thật, không quan tâm đến đúng sai, mục tiêu của họ chỉ là lấy lòng người khác.

Ở gần những người bạn như thế có thể sẽ khiến chúng ta cảm thấy vui sướng, tự mãn và phóng túng, dần dần đánh mất đi phẩm hạnh của mình, thậm chí là trở thành những người không ngay thẳng giống như họ. Khổng Tử cho rằng kết giao với những người này là cực kỳ nguy hiểm, vì sau khi được nghe những lời muốn nghe, được phỉnh nịnh đến mức cực độ, những lời ve vuốt ấy sẽ bắt đầu đi vào trong đầu của bạn như một thói quen.

Bản ngã của bạn sẽ phình to và mất kiểm soát, bạn sẽ ngày càng tự cao tự đại một cách mù quáng, chẳng biết đến ai ngoài chính mình. Bạn sẽ đánh mất đi năng lực cơ bản nhất là tự biết mình và không lâu sau đó bạn sẽ phải chuốc lấy tai ương từ sự mù quáng này. Loại bạn khéo chiều chuộng là độc dược ngấm từ từ và âm thầm giết chết bạn một cách êm ái và dễ nghe.

Bạn giả dối hay người hai mặt: Họ trông vui vẻ và chân thành, khi đứng trước mặt bạn họ ca tụng và nói những lời đạo nghĩa nhưng sau lưng bạn, họ sẽ gieo rắc những tin đồn và những lời vu khống ác ý.

Chúng ta thường nghe nhiều người phàn nàn kiểu như thế này: Bạn thân của tôi rất tử tế và đáng mến, lời nói anh ta hoà nhã, hành vi rất chín chắn, tôi tin anh ta là người bạn thân thiết nhất, gần gũi nhất của mình. Tôi thật lòng đối đãi và giúp đỡ anh ta, tôi cũng thật lòng trút hết tâm tư, nói cho anh nghe những bí mật của tôi. Nhưng anh ta lại phản bội tôi, lạm dụng lòng tin của tôi cho các mục đích cá nhân. Anh ta bắt đầu đàm tiếu ác ý về tôi, phá hoại thanh danh của tôi, lan truyền các bí mật riêng tư của tôi. Và dù làm tất cả những điều tồi tệ như thế, khi gặp mặt tôi, anh ta trở tráo phủ nhận tất cả với vẻ mặt ngây thơ vô tội. 

Đây là biểu hiện của loại người giả dối, đạo đức giả, nó trái ngược hoàn toàn với kiểu bạn tín nghĩa. Những người như vậy, bản chất chỉ là một kẻ tiểu nhân với lòng dạ đen tối nhưng họ thường khéo che đậy và ẩn mình với chiếc mặt nạ người tốt. Để che đậy bản chất con người mình, họ thường cố tỏ ra là người quân tử, thậm chí có thể tử tế với bạn gấp nhiều lần người khác. Vì thế, nếu bạn không lý trí mà để những người như thế tiếp cận, thì bạn đã tự chiêu mời rắc rối vào mình. Bạn sẽ rất khó nhận ra và thoát khỏi họ khi chưa phải trả một cái giá rất đắt nào đó. 

Đây quả thực là một thử thách cho khả năng phán đoán và nhìn người của bạn.

(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Bạn xảo mị: Ý nói những kẻ khoe khoang khoác lác, hay ba hoa. Những người này thường hay có những lập luận u mị, dễ cuốn hút người khác rơi vào những cái bẫy, khiến chúng ta không còn phân biệt được thị phi. Họ muốn bạn tin những gì họ nói đều là sự thật nhưng thực tế ngoài tài ăn nói liến thoắng ra họ không có gì khác. 

Có một khoảng cách khá xa giữa những người này với những người có trí tuệ uyên bác, ấy là năng lực của họ không nhiều bằng những gì họ nói. Một người hay xảo mị là người bên ngoài hay liến thoắng nhưng bên trong lại rỗng tuếch. Khổng Tử tin rằng một người quân tử phải nói ít làm nhiều. Ông cho rằng giá trị của một con người không phải ở việc anh ta nói cái gì, mà là ở việc anh ta làm được bao nhiêu.

Những lời dạy này của Khổng Tử dù đã trải qua hơn 2500 năm lịch sử, nhưng ngẫm lại cho đến nay thấy dường như vẫn đúng đắn phi thường. 

Bạn bè là vốn quý của đời người, hãy trân trọng mối nhân duyên quý giá ấy. Cũng như nhân duyên vợ chồng, hay nhân duyên cha mẹ – con cái, có thể các bạn đã phải tu nhiều kiếp, nhiều đời cho đến bây giờ mới làm tri kỷ của nhau. Hãy đối xử tốt với những người bạn của mình, đừng vì chút lợi ích nhỏ nhoi mà bán rẻ người khác, làm người khác phải chịu tổn thương. Hãy đối đãi với bằng hữu như Lý Bạch cả nghìn năm trước, trước khi lên thuyền rời đi còn làm bài thơ tặng người bạn Uông Luân của mình. Bài thơ thật hay, thật đằm thắm, trở thành một trong những bài thơ kinh điển về tình bạn. Xin đọc lại để quý vị nghe: 

Lý Bạch thừa chu tương dục hành
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh
Đào hoa đàm thuỷ thâm thiên xích
Bất cập Uông Luân tống ngã tình

(Tặng Uông Luân – Lý Bạch)

Bản dịch thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:

Sắp đi Lý Bạch ngồi thuyền
Trên bờ chân giậm, nghe liền tiếng ca
Nước đầm nghìn thước Đào Hoa
Uông Luân, tình bác tiễn ta sâu nhiều

Dương Anh

Từ Khóa: