Nhà văn Bernard Shaw từng nói: “Nhà là nơi duy nhất trên thế giới này che giấu những khuyết điểm, thất bại của mỗi người, và nó cũng là nơi chứa đựng tình yêu thương ngọt ngào của người ấy”.

Một người nếu xây dựng được mối quan hệ gia đình tốt đẹp thì cá nhân ấy dễ dàng cảm thụ được hạnh phúc và vui vẻ nhờ mối quan hệ tốt đẹp đó; còn nếu trong nhà cứ mâu thuẫn không thôi, thì gia cảnh dù có sung túc hơn, bản thân cũng sẽ cảm thấy cuộc sống nhạt nhẽo vô vị, không có tình cảm để duy trì.

Xây dựng một gia đình hạnh phúc đòi hỏi sự phó xuất và trí tuệ của mỗi người. Phong thủy tốt nhất của một gia đình thường được quyết định bởi 2 yếu tố: Làm phiền nhau và cảm ơn nhau.

‘Làm phiền’ nhau là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình

Trên mạng có một câu hỏi như vậy: “Tâm lý ngại làm phiền người khác có phải là tâm thái  rất tốt hay không?”.

Câu trả lời được ủng hộ nhiều nhất là: “Trong quá trình yêu cầu sự giúp đỡ, nó không chỉ đơn giản là yêu cầu người khác một điều gì đó. Người xin sự giúp đỡ phải phóng hạ lòng tự trọng và đặt niềm tin vào đối phương; người giúp đỡ cũng không phải chỉ là sự phó xuất đơn thuần, mà anh ta còn có được tôn nghiêm và cảm giác được tin tưởng”.

Đúng vậy, làm phiền nhau, mới sẽ “có qua có lại”, một mối quan hệ tốt mới có thể được thiết lập; còn như hai bên không làm phiền nhau, dường như độc lập, mối quan hệ cũng sẽ không thể bền chặt.

Người nhà với nhau một khi đã mất đi sự tương tác trong một thời gian dài, tình cảm cũng sẽ theo đó mà phai nhạt đi, những kỷ niệm đẹp sẽ bị hiện thực cuộc sống bào mòn, quan hệ tình thân cũng dần trở nên xa cách.

Tôi có một đứa em họ tên Quân, cậu ấy rất ngại làm phiền người khác. Từ nhỏ Quân đã rất tự lập, từ giặt giũ, nấu nướng cho đến chuyển nhà, tìm việc, cậu ấy trước giờ đều không chủ động mở miệng nhờ gia đình giúp đỡ. Nhờ đức tính cần cù chịu khó, Quân đã có được sự nghiệp vững chắc, và luôn là niềm tự hào của người nhà chúng tôi.

Tôi và Quân ở cùng một thành phố, có lần tôi tình cờ đi ngang qua nhà nên nhân tiện ghé chơi, đi nơi mới biết cậu ấy đã chuyển đi rồi. Gọi điện hỏi han hồi lâu, cậu ấy mới ngập ngừng nói với tôi rằng giờ cậu ấy giờ đang  thất nghiệp và đã chuyển ra ngoại thành. Nguyên nhân là bởi dịch bệnh khiến công ty Quân không vận hành được, cuối cùng phải đóng cửa.

Quân có gia đình, hàng tháng cần một khoản chi tiêu rất lớn. Cậu thất nghiệp đã mấy tháng nay, không có tiền để trả tiền nhà, bản thân lại sĩ diện, không nói với ai trong gia đình, chỉ một mình cố gắng chống chọi. Tôi không nói gì thêm, chuyển cho cậu một khoản tiền, nói rằng không cần trả vội. Tôi còn nói thêm rằng, sau này nếu có khó khăn thì cũng đừng im lặng, mà hãy nói với tôi càng sớm càng tốt.

Cậu ấy nắm lấy tay tôi, một người đàn ông cao lớn, trông mạnh mẽ thế, vậy mà nước mắt lại lăn dài ngay trước mặt tôi.

Hiện giờ, Quân đã tìm được công việc ưng ý, thu nhập tuy không cao như trước nhưng nhờ vào số tiền quay vòng đó của tôi, mà cậu ấy đã mau chóng lấy lại tinh thần, sống cuộc sống êm ấm bên vợ con. Quan trọng hơn, cậu ấy đã giao lưu với tôi nhiều hơn trước. Mỗi khi tôi gặp chuyện gì đó cũng sẽ nhờ cậu ấy giúp đỡ, và cậu ấy cũng sẽ cố hết sức đưa ra lời khuyên tốt nhất cho tôi.

Nhà văn Hemingway trong cuốn “chuông nguyện hồn ai” có viết rằng: “Không có ai là hòn đảo đơn độc, một mình trơ trọi giữa đại dương mênh mông; mỗi người đều giống như một đống đất nhỏ, nối liền với nhau trở thành toàn bộ lục địa”.

Cuộc sống luôn tồn tại những điều bất ngờ không lường trước được. Ý nghĩa của nhà là xây dựng một cảng tránh gió an toàn cho chúng ta mỗi khi giông bão kéo đến.

Khi bệnh tật ập đến bất ngờ, những lúc suy sụp tuyệt vọng, một mình một ngựa sẽ chỉ làm nhiều công nhỏ, còn sự hỗ trợ từ tình yêu thương của các thành viên trong gia đình có thể khiến chúng ta lấy lại phong độ khi xưa, đánh đâu thắng đó.

Tìm kiếm sự giúp đỡ đúng lúc từ người thân, cùng nhau khích lệ tinh thần, mang lại hơi ấm cho nhau, khó khăn dù lớn đến đâu cũng sẽ không quá gai góc, khó khăn dù lớn đến đâu cũng sẽ có bước chuyển ngoặt.

Tôi phiền bạn một chút, bạn phiền tôi một chút, trong khi giúp đỡ nhau thì tình cảm cũng sâu đậm hơn. Mối quan hệ gia đình tốt nhất không phải là mỗi người đều xuất sắc, mà là có sự giao thoa. Có duyên có nợ, nhớ nghĩ đến nhau thì mối quan hệ mới bền lâu được.

Ảnh: Freepik.

Cảm kích ân tình của nhau giúp thắt chặt thêm tình yêu thương

Có một thuật ngữ trong tâm lý học được gọi là “Định luật Bebo”, ý tứ là: “Sau khi mọi người trải qua kích thích mãnh liệt, kích thích cho thêm vào sẽ trở nên tầm thường nhỏ bé”.

Mối quan hệ gia đình tốt đẹp là cả hai đều biết cảm kích ân tình của nhau, chứ không phải một bên suốt ngày bị làm phiền, còn bên kia chỉ biết đòi hỏi không thôi.

Trong bộ phim “Gia đình rắc rối” của đạo diễn Huỳnh Lỗi, cụ ông Văn Miên Huy được người vợ là Phan Tố chăm sóc cả đời. Mỗi ngày, Phan Tố đều bưng nước rửa chân, chuẩn bị khăn lau chân cho ông, dù là việc lớn hay việc nhỏ, bà đều chăm lo chu đáo cho ông. Nhưng ông lại không có chút cảm kích nào cả, nhưng coi hết thảy đều là chuyện đương nhiên.

Mãi cho đến khi một lần sinh nhật sắp đến, món quà mà Phan Tố muốn được chồng tặng lại là muốn ông ký vào đơn ly hôn, lúc đó ông mới nhận ra rằng trước giờ ông luôn coi sự hy sinh của vợ là điều đương nhiên, và ông chưa bao giờ nói “cảm ơn” vợ lần nào.

Tình yêu dù có vô tư đến đâu cũng sẽ tan biến trong sự im lặng và coi nhẹ trong một thời gian dài. Không biết cảm ân là khối u ác tính trong các mối quan hệ gia đình. Nó có thể không đau thấu tim can như bị phản bội, cũng không khiến người ta bi phẫn tột cùng như bạo lực gia đình, nhưng nó giống như hàng nghìn hàng vạn con kiến gặm xương, nước chảy đá mòn, cuối cùng dần dần hao mòn hết tất cả tình yêu và sự nhiệt tình của đối phương.

Mối quan hệ gia đình tốt đẹp không bao giờ là một sớm một chiều, mà nó phải là một quá trình tương tác, có lòng biết ơn và giúp đỡ lẫn nhau thì tình cảm ấm áp giữa hai bên mới có thể lâu dài.

Đầu năm nay, bộ phim “Thế gian con người” (A Lifelong Journey) của nhà văn Lương Hiểu Thanh, sau khi lên sóng đã nhận được vô số lời khen.

Khi tiếp nhận phỏng vấn của ký giả, Lương Hiểu Sinh không ngừng nhắc đến lòng biết ơn của mình đối với vợ là Tiêu Đan: “Trong cuộc đời sáng tác mấy chục năm qua, chính tình yêu thương chân thành của vợ đã khiến tôi cảm động, cảm kích và cảm khái vô hạn, điều đó đã ảnh hưởng đến việc sáng tác, ảnh hưởng đến cuộc đời và tất cả mọi thứ của tôi”.

Tháng 7 năm 1981, Lương Hiểu Sinh và Tiêu Đan quen biết nhau dưới sự giới thiệu của một người bạn. Thời điểm đó, Lương Hiểu Sinh vẫn là một chàng trai nghèo, không có gì trong tay, sức khỏe cũng không được tốt lắm. 

Lần đầu gặp mặt, Lương Hiểu Sinh đã thẳng thắn thổ lộ với Tiêu Đan về hoàn cảnh gia đình khó khăn của mình. Nhà anh có đông anh chị em, ăn không no, mặc không ấm, còn có một người anh bị thần kinh, đời sống rất khó khăn. Không ngờ, Tiêu Đan không những không không chê bai anh, mà còn rơi xuống những giọt nước mắt cảm thông.

Hơn thời gian chục năm sau khi kết hôn, Tiêu Đan chủ động đảm nhận mọi công việc nhà. Cô tận tâm nuôi dạy con cái, chăm sóc chu đáo cho cả bố mẹ hai bên, còn đưa người anh chồng bị bệnh về Bắc Kinh sinh sống. Việc trong việc ngoài trong nhà, cô đều thu xếp rất chu đáo và ổn thỏa. Nhờ vậy mà Lương Hiểu Thanh không phải bận tâm chi cả, ông cứ ru rú trong nhà, đặt hết thân tâm vào việc sáng tác. Cuối cùng, vào năm 1984, mấy cuốn tiểu thuyết do anh sáng tác đều giành được giải thưởng quốc gia.

Lương Hiểu Thanh công khai nói với Tiêu Đan rằng: “Tận đáy lòng mình, mỗi ngày còn lại trong cuộc đời anh đều phải nói lời cảm ơn em”.

Trong cuộc sống, chúng ta thường mắc phải những sai lầm như vậy: Đối với những người xa lạ, dù chỉ giúp đỡ chúng ta một chút, chúng ta đều sẽ rất biết ơn; nhưng đối với những người thân của mình, chúng ta lại cho rằng mọi sự hy sinh của họ đều là đương nhiên.

Thực tế, bất kỳ một mối quan hệ nào cũng cần sự cảm kích và đền đáp, đừng vì tình cảm sâu nặng hay quan hệ huyết thống mà bỏ qua lòng biết ơn. Khi hai người ở cùng nhau, quá trình trân trọng và phó xuất mới là nền tảng thăng hoa mối quan hệ; có thể đó là mọi lúc đều nhớ nghĩ đến nhau, khi đối phương gặp khó khăn thì kịp thời đưa ra giúp đỡ; có thể đó là một lời cảm ơn chân thành, như vậy cũng đủ làm ấm trái tim của nhau.

Ngoài tình yêu thương, các thành viên trong gia đình còn có tình nghĩa đối đãi chân thành với nhau, một sự thấu hiểu ngầm không bao giờ rời xa và ân tình khắc cốt ghi tâm, có vậy tình cảm mới càng thêm thuần hậu.

Như câu nói: “Cây cao vạn trượng chẳng quên gốc, người khi vinh hiển chẳng quên ân”. Mối quan hệ gia đình tốt nhất là: Khi tôi gặp khó khăn bạn đứng ra giúp đỡ, và khi bạn gặp khó khăn tôi sẽ không bao giờ vắng mặt. Biết cảm ân nhau, có qua có lại, như vậy mối quan hệ mới có thể tồn tại lâu dài.

Sự gắn bó trong gia đình, nói đến cùng, là sự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, sự chân thành và bao dung lẫn nhau: Lúc khó khăn có người thấu hiểu, khi đang trong nghịch cảnh có người quan tâm, trong lúc tuyệt vọng có người nguyện ý giúp đỡ.

Chỉ cần gia đình có thể làm phiền nhau và cảm ân nhau, dù có mệt mỏi hơn đều thuận lợi xua tan, vấn đề dù lớn đến đâu cũng sẽ được giải quyết êm đẹp, ngày tháng sau này của chúng ta tự nhiên cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch