“Bậc Đế Vương vì nhẫn mà được thiên hạ, tướng lĩnh vì nhẫn mà được lâu dài, thương nhân vì nhẫn mà được giàu sang phú quý, người thường vì nhẫn mà có được tri kỷ”. Nhẫn nhịn luôn là một đức tính truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay của con người. Nhìn lại lịch sử Trung Hoa, có nhiều câu chuyện mang đậm chữ “nhẫn” trong nội hàm ý nghĩa.

Nhẫn là khoan dung, tha thứ

Trong “Thượng thư”, Chu Thành Vương khuyên bảo quân rằng: “Tất hữu nhẫn, kỳ nãi hữu tể; hữu dung, đức nãi đại.” (Tạm dịch: Nhất định phải nhẫn nhịn mới có thể thành công, có thể khoan dung với người thì đạo đức tu dưỡng mới có thể nâng cao lên). Khổng Tử nói: “tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Tạm dịch: Không nhịn được điều nhỏ nhặt, sẽ làm hỏng chuyện đại sự) “quân tử vô sở tranh” (Tạm dịch: Người quân tử không tranh gì cả)…

Nhẫn là bài học tất yếu của mỗi người, có thể tinh lọc nhân tâm, hóa giải xung đột. Khoan dung, độ lượng trong cuộc sống là một loại biểu hiện của “Nhẫn”. Có thể nhẫn mới có thể thành tựu việc lớn, hóa giải sự thù hận.

Trong sử ký “Liêm Pha Lận Tương Như liệt truyện” có ghi lại câu chuyện “Chịu đòn nhận tội”. Lận Tương Như bởi vì có công “đem ngọc trả lại vua Triệu “ mà được phong làm Thượng Khanh. Địa vị của Lận Tương Như đột nhiên cao hơn của Liêm Pha (một vị tướng giỏi của nhà Triệu). Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp mặt Tương Như sẽ làm nhục ông. Sau khi Lận Tương Như biết được, ông đã cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha. Mỗi lần đến lúc vào triều, Lận Tương Như thường cáo ốm vì không muốn tranh giành chức vị với Liêm Pha. Không lâu sau, lúc Tương Như ở thành Hàm Đan, khi đoàn xe của ông từ xa xa đã nhìn thấy đoàn xe của Liêm Pha, ông đã ra lệnh cho đoàn xe của mình rẽ vào một con hẻm để cho đoàn xe của Liêm Pha đi trước, tránh hai bên xảy ra xung đột.

Lận Tương Như vì suy nghĩ cho xã tắc, nhiều lần nhượng bộ, không tranh giành, làm cảm động Liêm Pha (Ảnh: Internet)
Lận Tương Như vì suy nghĩ cho xã tắc, nhiều lần nhượng bộ, không tranh giành, làm cảm động Liêm Pha (Ảnh: Internet)

Môn khách của Lận Tương Như thấy ông xử sự như vậy, liền cho rằng ông sợ, nên đã nói: “Chúng tôi rời bỏ người thân gia đình đến hầu hạ ngài là vì ngưỡng mộ tiết nghĩa cao thượng của ngài. Bây giờ chức vị của ngài cũng tương đương với của Liêm Pha tướng quân. Tướng quân Liêm Pha mở miệng ra là nói lời ác, vậy mà ngài lại trốn tránh ông ta. Ngài quá sợ ông ta. Dù là người thường gặp phải cũng cảm thấy bị sỉ nhục, huống hồ là tướng quân như ngài! Chúng tôi, những người không có tiền đồ, xin ngài cho chúng tôi được cáo từ!”.

Lận Tương Như kiên quyết giữ họ lại và nói: “Các vị thử nghĩ xem, Liêm tướng quân và Tần Vương ai lợi hại hơn?” Mọi người trả lời: “Liêm Tướng Quân không bằng được Tần Vương” Tương Như lại nói: “Với uy thế của Tần Vương, mà ta còn dám nói lý, quát mắng ông ta ngay trước triều thần nước Tần. Ta, Lận Tương Như mặc dù tài hèn, nhưng lẽ nào lại sợ Liêm Pha? Điều ta nghĩ đến là nước Tần lớn mạnh sở dĩ không dám xâm lược nước Triệu chúng ta, là bởi vì nước Triệu có ta và Liêm tướng quân! Hiện giờ nếu hai hổ đấu nhau, tất không thể cùng sinh tồn. Cho nên, ta nhẫn nhịn Liêm tướng quân như vậy, là vì luôn đặt sự an nguy quốc gia làm đầu mà để chuyện cá nhân ở phía sau!”

Khi những lời này của Lận Tương Như được truyền đến tai Liêm Pha tướng quân, bấy giờ Liêm Pha tướng quân mới bình tâm suy nghĩ cảm thấy mình vì tranh giành địa vị cá nhân mà không nghĩ đến quốc gia đại sự, thật là không phải. Thế là, Liêm tướng quân liền cởi áo bào, mang theo một cành mật gai đến gặp Lận Tương Như để chịu tội. Lận Tương Như thấy Liêm Tướng quân đến xin chịu tội, vội vàng đi ra nghênh đón. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt và đồng tâm hiệp lực bảo vệ nước Triệu.

Đại nhẫn là ở “Tâm”

Nhẫn không chỉ là thể hiện ở sự nhượng bộ, mà còn thể hiện ở chỗ khi bị lăng nhục vẫn có thể chịu nhận mà không động tâm. Chỉ riêng chữ Nhẫn (忍) đã biểu đạt được điều này. Bên trên của Nhẫn (忍) là chữ đao (刀) và còn thêm một điểm để biểu thị sự sắc bén của vết đao, bên dưới của Nhẫn (忍) lã chữ Tâm (心).

Ý tứ ở đây chỉ việc dùng một đao sắc bén đâm vào trái tim thì đương nhiên là đau. Người bình thường bị như vậy phải đau đớn quằn quại lăn qua lăn lại trên mặt đất. Nhưng chữ Tâm ở bên dưới chữ Nhẫn kia vẫn đứng vững yên tĩnh. Biểu hiện không động tâm này chính là hình ảnh lột tả được nội hàm của Nhẫn.

Chữ Nhẫn (Ảnh: internet)
Chữ Nhẫn (Ảnh: internet)

Câu chuyện về hòa thượng Đại Hưng

Hòa thượng Đại Hưng là một người độ lượng và từ bi. Cuộc đời của ông, đã trải qua nhiều gian khổ tủi nhục nhưng rất thành tâm trong tu Phật. Câu chuyện sau đây nói đến cái nhẫn phi thường của ông.

Tại chân núi Cửu Hoa, có một gia đình rất giàu có. Họ có một người con gái tên Tiểu Hội, cô có hôn ước với người con trai của một gia đình giàu có khác.

Ba năm trước khi chọn ngày hôn lễ, Tiểu Hội đã sinh một bé trai. Gia đình cô ta điên đảo lo sợ và thất vọng. Họ bắt cô phải khai ra sự thật. Cuối cùng Tiểu Hội đã nói với gia đình cô ta “Có một lần tôi đi chùa cúng phật tại Núi Cửu Hoa và bị hòa thượng Đại Hưng hãm hiếp. Sau đó tôi mang thai bé trai này.” Cha cô ta tức giận. Ông đem gia nhân của ông đến núi Cửu Hoa làm náo động cả ngôi chùa. Ông và gia nhân đánh đập, chửi bới nguyền rủa hòa thượng Đại Hưng về những tội ác đã làm kể trên. Cuối cùng ông ném thằng bé này cho hòa thượng Đại Hưng và bắt phải nuôi dưỡng nó. Hòa thượng Đại Hưng lặng lẽ nhận đứa bé và nói khẽ “A Di Đà Phật!”

Từ đó danh tiếng của hòa thượng sụp đổ hoàn toàn. Ông đã từng là một vị hòa thượng rất được kính nể, nhưng bây giờ đã bị nguyền rủa là một hòa thượng hiếp dâm phụ nữ. Nơi nào ông đến, đều bị thiên hạ khinh khi cười cợt, phỉ báng. Nhưng, ông không để ý đến. Hằng ngày ông xuống núi xin bố thí để mua sữa nuôi đứa bé. Được sự dưỡng dục chu đáo của ông, đứa trẻ trông rất khỏe mạnh và thông minh.

Ba năm trôi qua rất nhanh.

Tuy rằng cô bị hãm hiếp, những ngày lẽ cưới không thay đổi. Trong đêm tân hôn, người chồng muốn biết sự thật xuất xứ của đứa bé đó, cô ta vừa khóc vừa nói với ông tất cả. Ngay sáng hôm sau, người chồng nói sự thật với gia đình của anh ta là hai người đã lén lút gặp nhau và đó cũng là lý do tạ sao Tiểu Hội đã mang thai và sinh đứa bé ba năm qua. Đó cũng là lý do tại sao anh ta khăng khăng muốn đám cuới với Tiểu Hội dù rằng cô không còn trong trắng. Vì muốn giữ danh tiếng của chồng tương lai của cô, Tiểu Hội đã đổ tội cho hòa thượng Đại Hưng.

Ba ngày sau hôn lễ, Tiểu Hội về thăm gia đình của mình theo phong tục của người Trung Hoa. Cô đã nói với gia đình cha mẹ cô về sự thật đó. Gia đình cô vô cùng kinh ngạc, nhất là đứa bé con của cô ta. Họ rất hối hận là đã làm điều sai trái đối với vị hòa thượng và đã bỏ bê cháu của họ trong ba năm qua.

Hai gia đình gấp rút tới chùa. Họ quỳ trước mặt hòa thượng Đại Hưng, và thành tâm xin lỗi và mong được xin lại đứa cháu. Hòa thượng đã nuôi được một đứa bé khỏe mạnh, và luôn có nụ cười trên môi, Hòa Thượng với dáng bình yên thanh thản như chưa từng xảy ra chuyện gì, ông bế đứa bé trả lại cho Tiểu Hội một cách trang trọng, và nói với họ “Đem đứa bé này về! A di dà Phật!” Ông chấp hai tay trước ngực để ra dấu tạm biệt họ, và thản nhiên trở vào phòng thiền định.

Kể từ đó trở đi, tất cả hòa thượng trong chùa và mọi người càng kính trọng hòa thượng Đại Hưng hơn nữa.

(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

“Nhẫn” quyết không phải là nhu nhược

Nhẫn là một loại tu dưỡng và cảnh giới, tuyệt đối không phải là nhu nhược.

Thuở thiếu niên, Hàn Tín thân thể cường tráng, võ nghệ cao cường, vì là người luyện võ nên thường khoác bảo kiếm đi trên đường. Một hôm, có một kẻ vô lại hỏi Hàn Tín: “Ngươi khoác bảo kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Có can đảm thì giết ta đi!”

Hàn Tín thầm nghĩ: “Ta giết hắn là việc quá dễ dàng, nhưng sát nhân là phải đền mạng, hơn nữa cũng là việc không đáng.” Người kia liền cười to và nói: “Ngươi không dám giết ta, vậy ngươi phải chui háng ta đi nếu không đừng hòng đi qua!” Trong tiếng cười nhạo của cả đám đông bọn họ, Hàn Tín đã thực sự chui qua háng của kẻ vô lại.

Điển tích Hàn Tín chịu nhục chui háng (Ảnh: internet)
Điển tích Hàn Tín chịu nhục chui háng (Ảnh: internet)

Hàn Tín làm như vậy, không những không có người cho rằng ông nhu nhược mà nhiều người còn cho rằng ông có năng lực nhẫn nại và khả năng kiềm chế cao.

Trong “Lưu Hầu luận”, Tô Thức cho rằng: Thời xưa, người được xưng là dũng sĩ nhất định có tiết tháo hơn người, có thể độ lượng với cả những việc người thường không thể chịu đựng được. Người “hữu dũng vô mưu” khi bị vũ nhục, nhất định sẽ rút kiếm, đây không thể được gọi là dũng sĩ. Dũng sĩ thực sự trong thiên hạ, khi gặp những sự tình bất ngờ đều không bị kinh hoảng, khi vô cớ bị người khác vũ nhục, cũng thấy bình thường, không phẫn nộ. Đây thường là bởi vì họ có ý chí, khát vọng vô cùng lớn, chí hướng cao xa phi thường.

Không có “Dục vọng” chính là “Nhẫn”

Cốt lõi của nho gia là “Nhân”, “Nhân” với “Nhẫn” là cùng âm. Vậy thì, cái gì là Nhân? Khổng Tử nói: “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (Tạm dịch: Có thể theo “Lễ” thì là Nhân). Một người nếu muốn trở thành người hành xử theo “lễ” phải thường xuyên kiềm chế bản thân, ước thúc lời nói và hành vi của mình, khiến cho lời nói và hành vi của mình đều phù hợp với yêu cầu của “Lễ”.

Đây là một việc rất khó, kỳ thực trên đời này chiến thắng khó khăn nhất là chiến thắng bản thân mình chứ không phải chiến thắng người khác.

Con người đều có thất tình lục dục. Thất tình theo Nho gia là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ác, dục. Thất tình theo Phật giáo là: hỉ, nộ, ưu, cụ, ái, tăng, dục. Thất tình theo Trung y là:  hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh.

Con người khi chìm đắm trong tình và dục, vì mình, trước đủ loại hấp dẫn, trong lợi ích trước mặt, thì có thể nhẫn được không? Rất nhiều người khi mất đi “danh, lợi, tình” sẽ sản sinh ra một loại cảm giác thống khổ, cảm thấy khó có thể chịu đựng được. Kỳ thực, chỉ cần có thể bỏ đi dục vọng, thì sẽ không có loại cảm giác thống khổ này, Nhẫn lúc đó cũng đã thăng hoa.

Câu Tiễn nằm gai nếm mật (Ảnh: internet)
Câu Tiễn nằm gai nếm mật (Ảnh: internet)

Theo NTDTV chanhkien.org
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: