Thời gian vừa rồi rộ lên tin tức về mâu thuẫn giữa một siêu sao bóng đá và câu lạc bộ của anh ấy, nội tình đằng sau sự việc chúng ta khó lòng biết được, nên cũng không thể phán xét đúng-sai. Thế nhưng, sự việc này lại khiến tôi liên tưởng tới đạo vợ chồng và học hỏi được đôi điều hữu ích, mạn phép chia sẻ giao lưu cùng quý vị độc giả.
Đôi khi, những người có tài năng lớn và/hoặc cống hiến lớn cho tập thể (ở đây là nói chung chứ không ám chỉ cầu thủ trong câu chuyện trên) cảm thấy mình đã làm rất nhiều, vất vả rất nhiều, cho đi rất nhiều mà không nhận lại đủ sự công nhận và tôn trọng xứng đáng. Vì sao vậy?
Nếu như bóng đá là môn thể thao đồng đội, một cá nhân đơn lẻ khó làm nên điều gì, vai trò của đồng đội và câu lạc bộ rất quan trọng nhưng không hiển lộ rõ ràng, thì trong hầu hết những thành tựu khác của con người, chứ không riêng gì bóng đá, điều này cũng đúng.
Ví dụ nói: một người phụ nữ cảm thấy mình đã rất vất vả mang nặng đẻ đau, thức khuya dậy sớm nuôi dạy con cái… và thực sự cho rằng công lao của mình là rất lớn, đứa con này chủ yếu là thành công của bản thân mình. Là một người phụ nữ, tôi thấu hiểu nỗi vất vả và cảm giác thường tình ấy. Vậy nên, khi người chồng hoặc gia đình chồng vô tình hay hữu ý mà nói những lời thiếu tôn trọng, xem nhẹ cống hiến của người vợ, thậm chí là trách móc và chỉ trích cô ấy, thì cô ấy sẽ khó lòng chịu đựng nổi. Bao nhiêu khó nhọc tích tụ lâu ngày, phẫn uất sẽ từ đó bùng lên, và kết quả có thể là “dứt áo ra đi”.
Cổ ngữ có câu rằng: “Vợ chồng nhẫn nhịn nhau/ Con cái khỏi bơ vơ”. Đức Nhẫn của những người vợ thật đáng tuyên dương – để có được gia đình toàn vẹn cho những đứa con, họ đã phải kiên cường vượt qua những cảm giác đau lòng như thế.
Đổi góc độ mà nói, nếu một người phụ nữ có thể như một ngôi sao bóng đá, cố gắng nhìn nhiều hơn vào sự trợ giúp mà đồng đội và câu lạc bộ – cũng như chồng và gia đình chồng – mang đến cho mình, thì có lẽ rằng cô ấy sẽ dễ dàng tha thứ hơn cho những lời nói gây tổn thương, dùng lòng biết ơn những điều nhỏ nhặt nhất để nuôi lớn thành đức khiêm nhường, vị tha, bao dung, độ lượng. Khi ấy, sự “Nhẫn” của chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở cái nhẫn nhục bề mặt mà trong tâm uỷ khuất, “Nhẫn” sẽ thăng hoa đến một cảnh giới an nhiên tự tại, chịu thiệt thòi vẫn thoải mái, vô tư.
Trong một video chia sẻ về vũ đạo , Angelia Wang, vũ công chính của đoàn Nghệ Thuật Shen Yun, đã kể lại cảm ngộ của cô ấy khi vào vai Vương Bảo Xuyến, người phụ nữ quý tộc đã buông bỏ địa vị của mình để cưới một thư sinh nghèo và chờ đợi chàng 18 năm trong tịch mịch. Khi Tiết Nhân Quý giã biệt nàng ra trận, Bảo Xuyến rất muốn gọi tên chàng, níu giữ chàng, nhưng nàng đã không làm thế. Nàng biết, vì nghĩa lớn với quốc gia, nàng cần gác lại một bên cái tư tình. Nếu Vương Bảo Xuyến không thể nhẫn khổ, thì quân đội có thể đã mất đi một vị tướng giỏi, triều đình mất đi một trụ cột quốc gia. Angelia Wang cho rằng nhẫn chịu mà không than phiền là một phẩm chất quý báu của phụ nữ truyền thống. Khi chúng ta có thể khiêm nhường, không coi bản thân là trung tâm, thì trái tim ta sẽ ngập tràn lòng biết ơn, và chỉ một nụ cười của người khác cũng đủ khiến lòng ta hạnh phúc. Ngược lại, nếu ta nhấn mạnh tầm quan trọng của cá nhân mình, truy cầu nhiều hơn từ những người xung quanh, thì khi không nhận được điều mong đợi, ta sẽ thấy oán hận và thống khổ.
Hạnh phúc từ đâu đến? Khi được chồng yêu quý, tôn trọng và nói những lời ngọt ngào, người vợ cảm thấy “hạnh phúc”, nhưng thứ “hạnh phúc” ấy quá mong manh. Bởi vì nó có điều kiện, nó phụ thuộc vào ngoại cảnh, nên nó không bền vững và không chân thật. Trong video nói trên, Angelia Wang đã trích dẫn câu cổ ngữ: “Biết đủ thường vui”. Khi ta ít ham muốn, ít truy cầu từ những người xung quanh, thì trái tim ta sẽ được thanh thản bình yên, không bị vùi lên dập xuống bởi những thay đổi thất thường nơi ngoại cảnh. Niềm vui và hạnh phúc thực sự đến từ một tâm hồn thanh tịnh.
Khi thật lòng sám hối tu tâm, mỗi một việc nhỏ xảy ra xung quanh cũng dường như dạy tôi một bài học đạo lý. Từ những sai lầm, vấp ngã, đau khổ của người khác, chúng ta có thể nhìn thấy thiếu sót của chính mình và cải thiện bản thân. Từ những câu chuyện về mỹ đức của người xưa, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui khi chân chính bước đi trên con đường tu luyện.
Thanh Ngọc