Có người nói rằng: “Nguyên tắc là nền móng của thành sự”, nguyên tắc của một người cũng cho biết khá nhiều điều về bản thân họ.

Một người có giữ vững được nguyên tắc và giới hạn của mình hay không, đôi khi cũng là một trong những thông tin để dựa vào đó có thể phán đoán nhân phẩm người ta là tốt hay xấu.

Những người có nguyên tắc và giới hạn, biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, làm việc không có lỗi với bản thân mình cũng không có lỗi với người khác. Những người như thế, nhân phẩm không quá tồi.

Nguyên tắc của bạn ở đâu, lương tri ở đó

Một người dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, cũng phải giữ vững nguyên tắc của mình, không làm những việc trái với lương tri.

Có câu chuyện thế này:

Gia đình cô Lý thuộc diện có thu nhập thấp, cô bị bệnh nặng, chồng cô cũng bị bệnh nặng và không thể làm những công việc nặng nhọc trong nhiều năm liền. Hai vợ chồng sống dựa vào một sạp hàng rộng hơn một mét vuông, bán trứng, đồ khô, mì và những loại thức ăn khác. Từ sáng sớm đến tối mịt, cực khổ cả ngày cũng chỉ thu được chưa đến 100 nghìn. Con họ cũng vừa tốt nghiệp đại học, ở trong nhà chờ tìm việc.

Một ngày nọ, cô Lý thu dọn sạp hàng sớm hơn mọi ngày thì nhặt được một ví tiền ở cách sạp hàng nhà mình không xa. Mở ví thì thấy trong đó có vài triệu tiền mặt, thẻ ngân hàng và cả chứng minh thư nữa, cô nhanh chóng tìm cách liên lạc với chủ nhân của chiếc ví.

Người mất nhận lại được chiếc ví, biết được gia cảnh nghèo khó của cô Lý, ngay lập tức tặng cô một ít tiền để cảm ơn nhưng cô nhất định từ chối: “Đây chỉ là chuyện nhỏ thôi, có đáng gì đâu. Hơn nữa, nếu muốn tiền của anh, vậy thì tôi còn tìm anh trả ví làm gì. Vì thế số tiền này tôi không cần đâu, cầm tiền của cậu, tôi cảm thấy có lỗi với bản thân mình”.

Những câu nói giản đơn này cũng đủ đến khiến người mất ví cảm động.

Mọi người ai cũng rất thán phục cô Lý, cô sống trong một hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn bảo vệ nguyên tắc của mình, hành động này đáng được người khác tán dương.

“Ngẩng mặt không thẹn với Trời, cúi đầu không ngại với người” – Mạnh Tử

Phán đoán một người là tốt hay xấu, không phải xem người đó làm bao nhiêu chuyện tốt mà xem khi họ làm việc có giữ vững nguyên tắc và có làm những chuyện thẹn với lương tri của mình hay không.

Khi một người đang ở trên đỉnh cao, giữ vững nguyên tắc thì đó có lẽ là vì danh dự, nhưng khi anh ta thất bại hoặc ở trong cảnh bất đắc chí mà vẫn giữ vững nguyên tắc thì đó là lương thiện chân chính.

Làm việc quang minh chính đại, mới không thẹn với lòng. Giữ vững nguyên tắc mới có được trái tim yên bình.

Nguyên tắc là cao độ cuộc sống của bạn

Thành tựu của một người không liên quan đến thân phận và thành tích của người đó, mà đôi khi nó chỉ liên quan đến việc giữ vững nguyên tắc và giới hạn hay không mà thôi.

Thái độ với việc giữ gìn nguyên tắc quyết định cao độ cuộc sống của một người. Người có nguyên tắc, càng ngày càng có cuộc sống tốt, người không có nguyên tắc, trong cuộc sống sẽ tự chiêu mời nhiều rắc rối, phiền hà.

Anh Trương và ông Lâm đều là nhân viên thu mua của một công ty, ông Lâm có nhiều hơn anh Trương vài năm kinh nghiệm, nên làm việc cũng nhanh và được tin tưởng hơn.

Một lần, công ty muốn mua một vài nguyên liệu sản xuất, do lượng dùng rất nhiều, nên phải phân cho anh Trương và ông Lâm cùng nhau tìm mua thì mới kịp cho sản xuất. Khi ông Lâm mua hàng sẽ xem xét xem nhà cung cấp nào có hối lộ mới ưu tiên mua trước, còn Trương thì khác, anh ta không nhận hối lộ của bất cứ nhà cung cấp nào cả, so sánh từng nhà từng nhà rồi mới đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Vài ngày sau, công ty quyết định nhà cung cấp cuối cùng. Giá của các nhà cung cấp của anh Trương đưa ra thấp hơn rất nhiều so với ông Lâm, cấp trên liền cảm thấy ở đây có điều gì đó bất thường, lúc đó anh Trương liền đứng ra đảm bảo về chất lượng của các nhà cung cấp. Cuối cùng cấp trên quyết định cả hai người đều mua một lượng nhỏ nguyên vật liệu về sản xuất thử.

Những sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu anh Trương mua đều không bị trả lại hàng, khách hàng còn giới thiệu khách hàng mới cho công ty. Trong khi sản phẩm được làm ra từ những nguyên liệu mà ông Lâm mua thì liên tục bị trả hàng vì chất lượng quá kém, thậm chí còn bị đòi bồi thường, cũng vì điều này mà ông Lâm bị cấp trên phạt và giao dự án này cho anh Trương.

Đối mặt với danh lợi, những người phá vỡ nguyên tắc của bản thân khiến cho con đường đi càng ngày càng chật hẹp. Những người luôn giữ vững nguyên tắc của bản thân, con đường đi mới càng ngày càng rộng mở.

Khi đối mặt với lợi ích, các nguyên tắc của bạn sẽ phản ánh các giá trị của bạn và cũng sẽ quyết định cuộc sống tương lai của bạn, phá bỏ nguyên tắc thì dù có trèo cao đến thế nào cũng rơi xuống.

Những người giữ vững nguyên tắc mới có thể đi càng xa, lên càng cao.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Nguyên tắc của bạn, chính là nhân phẩm của bạn

Muốn đánh giá phẩm chất tốt xấu của một người, phải xem mức độ tuân thủ các nguyên tắc của anh ta.

Nếu một người dễ dàng từ bỏ nguyên tắc của bản thân, chứng minh rằng người đó rất không có trách nhiệm với bản thân mình, vậy thì anh ta làm sao có trách nhiệm với người khác.

Như nhà văn nổi tiếng người Nhật, Haruki Murakami từng nói: “Người làm trái với quy tắc mà bản thân tự đặt ra dù chỉ một lần, sau này sẽ càng có nhiều lần là trái với quy tắc của mình”.

Chỉ có người luôn tuân theo nguyên tắc của bản thân mới đáng được tin tưởng.

Thời nhà Tống, có một chàng trai trẻ tuổi đến kinh thành đi thi, trên phố anh ta gặp một người mở sạp bán tranh. Người trẻ tuổi có nghiên cứu rất sâu về thư họa, liền tiến đến xem, chỉ đáng tiếc đó không phải là một bức tranh hay, anh ta chỉ xem một chút rồi định rời đi. Khi chuẩn bị rời bước thì người bán tranh gọi anh ta lại hỏi: “Người trẻ tuổi, cậu cảm thấy, bức tranh này của tôi đáng giá bao nhiêu tiền?”.

Anh ta nói: “Ông chủ, đừng trách tôi nói thẳng, chỉ đáng giá 1, 2 lượng bạc”, rồi liền bỏ đi.

Sau đó, chàng trai trẻ tuổi thi đỗ đầu bảng trong kỳ thi, lên triều gặp gỡ hoàng đế, anh ta kinh ngạc phát hiện, hoàng đế chính là người bán tranh trên phố.

Hoàng đế cũng nhận ra anh ta, quyết định thử anh ta thêm một lần nữa, liền lấy bức tranh lần trước ra hỏi anh ta: “Ngươi cho rằng bức tranh này bao nhiêu tiền?”.

Lúc này, chàng trai trẻ tuổi lặng người một lúc, trước đây chỉ đáng 1, 2 lượng bạc, bây giờ vẫn nói 1, 2 lượng bạc, chỉ sợ là đại nghịch bất đạo. Nhưng nếu phạm vào nguyên tắc của bản thân, nói những lời giả dối, chỉ vì lấy lòng hoàng đế, mà phủ nhận chính mình, thì lòng lại không chịu đựng được.

Một lúc sau anh ta liền nói: “Nếu bức tranh này ngài ban cho thần thì đó là bảo vật vô giá. Nếu bức tranh này đem đi bán thì chỉ đáng đáng 1, 2 lượng bạc”.

Hoàng đế nghe xong không những không tức giận mà còn rất vui vẻ, bởi vì người trẻ tuổi không vì quyền thế mà đi ngược lại nguyên tắc của mình, như thế mới đáng được tín nhiệm.

Sau này, người trẻ tuổi cũng nhận được trọng dụng của hoàng đế.

Một người luôn giữ vững nguyên tắc của mình, nhân phẩm chắc chắn không tệ. Những lời anh ta nói rất đáng tin, làm chuyện gì cũng có độ tin cậy cao.

Những người có nguyên tắc sẽ không cố làm hài lòng người khác, cũng không vì mềm lòng mà từ bỏ đúng sai. Trong tim luôn có nguyên tắc và giới hạn, đối với bản thân cũng như người khác đều có trách nhiệm.

Mạnh Tử xưa từng nói: “Giàu sang mà không phóng đãng, nghèo hèn mà không dời đổi, uy lực không khuất phục được” (Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất).

Sự kiên trì này là thể hiện nhân phẩm của con người.

Một người có nguyên tắc và giới hạn mới gìn giữ bản tính của bản thân, sống một cách tự tại.

Nguyên tắc là sức mạnh từ trong ra ngoài, là một loại sức mạnh khắc chế chính mình và không bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, một loại sức mạnh xuất phát từ lương tri của con người.

Nguyên tắc chính là lớp nền nhân phẩm, nhân cách của một người.

Bảo vệ nguyên tắc trong nội tâm, gìn giữ nhân cách lương thiện, mới có thể tạo nên sự nghiệp cho chính bản thân mình.

Ngọc Linh
Theo Secretchina

Video: Một câu nói ác ý có thể làm hao tổn phúc báo cả đời người

videoinfo__video3.dkn.tv||ab2e68952__