Mục lục bài viết
Trong bài thơ “Hảo liễu ca chú” của Hồng Lâu Mộng có viết mấy câu thế này:
Loạn hồng hồng nhĩ phương xướng bãi ngã đăng trường
Phản nhận tha hương thị cố hương
Thậm hoang đường
Đáo đầu lai đô thị vi tha nhân tác giá y thường
Dịch thơ:
Ầm ầm trên chốn vũ đài,
Người kia vừa xuống thì người này lên.
Thực là dại dại điên điên,
Quê ai mà nhận là miền làng ta.
Quay đầu giờ mới tỉnh ra,
May quần áo cưới đều là vì ai!
Nhĩ phương xướng bãi ngã đăng trường (ngươi vừa hát xong ta lên liền), câu này thường được dùng để ám chỉ sự thay thế quyền lực, là câu nói đầy tính trớ trêu. Nhưng có khi nào bạn từng nghĩ rằng, trong bất cứ một kịch bản nào, mỗi người đều là vai chính, và cũng là vai phụ của người khác không?
Nhìn chung đời người thực sự rất giống một vở kịch, kịch bản đã có sẵn rồi, chỉ là anh diễn vai của anh, tôi diễn vai của tôi, diễn viên mặc lên trang phục kịch, trang bị xong đạo cụ là bước ra sân khấu thôi.
Bạn đã từng nghe nói đến, Nhạc Phi chính là tái sinh của Trương Phi, trung thành chính nghĩa, ngàn năm không đổi. Lần một tái sinh thành Trương Tuần, đổi tên không đổi họ, lần hai tái sinh thành Nhạc Phi, đổi họ không đổi tên. Tuy cha con chết oan, nhưng con cháu nhiều đời phú quý, của cải sung túc.

Trong “Dụ Thế Minh Ngôn” của Phùng Mộng Long thời nhà Minh có kể về một cuộc gặp gỡ kỳ lạ liên quan đến một người oán trách ông trời bất công. Sự tái sinh của Trương Phi là một trong những bí mật mà Diêm vương nói cho ông biết, ông còn may mắn đi đến một nơi ở địa ngục mà rất ít người biết đến.
Tú tài đọc sử truyện thấy người trung nghĩa không có kết cục tốt đẹp, uống say làm thơ oán trách thiên lý bất công
Những năm đầu của năm Chí Nguyên thời vua Nguyên Thuận Tông (1320 – 1370), trong Cẩm Thành có một tú tài, họ Hồ Mẫu, tên Địch. Ông là người ngay thẳng công chính, thường hay nói: “Nếu một ngày nào đó ta gặp cơ may, chắc chắn sẽ giúp đỡ người tốt, diệt trừ gian tà, khiến triều chính minh bạch, thì ta mới toại nguyện”. Tuy ông có hoài bão phò tá xã tắc, nhưng đáng tiếc thi cử không đỗ đạt, vì vậy mà ẩn cư trong núi, đọc sách trồng trọt mà sống.
Một hôm, ông vô tình có được cuốn “Tần Cối đông song truyện”, còn chưa đọc hết đã tức giận, cơn giận sôi sùng sục, luôn miệng chửi mắng gian thần. Rồi ông lại lấy một cuốn sách khác ra xem, thì ra là cuốn “Văn Sơn thừa tướng di cảo” nói về trung thần Văn Thiên Tường không đầu hàng nhà Nguyên. Hồ Mẫu Địch xem xong, đập bàn quát mắng: “Người trung nghĩa như vậy, mà lại để chết không có con nối dõi, ông trời! Ông trời, thật không công bằng!”.
Vì quá tức giận, ông đã uống rượu giải sầu. Khi rượu đã ngấm, ông viết lên hai cuốn sách mỗi cuốn một bài thơ, một bài chửi mắng Tần Cối hại chết Nhạc phi, một bài ca tụng Văn Thiên Tường. Sau khi viết xong, tự cảm thấy vẫn còn nhã hứng, vì thế lại viết thêm:
“Cối tặc gian tà đắc thiện chung
Tiện tha tôn tử hiển vinh đồng
Văn Sơn khốc tử kiêm vô hậu
Thiên đạo hà tằng thích nịnh trung?”
Nghĩa là, Tần Cối gian ác chết yên vui, con cháu đều cùng hưởng vinh quang. Văn Sơn (tức Văn Thiên Tường) chết thảm lại tuyệt hậu, thiên lý nào có biết gian trung? Viết xong, ông liền ngủ thiếp đi.
Trong mơ Hồ Mẫu Địch bị đưa đến âm phủ, sau khi được diêm vương giải thích về thiên lý báo ứng không chút sai lệch mới hiểu ra tất cả
Trong mơ, Hồ Mẫu Địch nhìn thấy hai hắc y sứ bước đến nói: “Diêm vương sai chúng tôi đến mời ông, diêm vương cho gọi là phải đi ngay”. Thế là Hồ Mậu Địch bị đưa đến “Phong Đô” tức là âm phủ. Sau khi diêm vương hỏi rõ thân phận, biết ông chính là Hồ Mẫu Địch, giận dữ quát: “Ngươi là một nho sĩ, học chữ học lễ nghĩa, tại sao lại oán trời oán đất, phỉ báng quỷ thần?”. Hồ Mẫu Địch trả lời: “Tôi chỉ là một hậu bối, từ nhỏ đã học tập đạo thánh hiền của các tiền bối, an phận thủ thường, thuận theo đạo lý mà tu thân, chứ không có chuyện oán trời oán người”.
Diêm vương nói: “Ngươi nói ‘thiên đạo hà tằng thích nịnh trung’, chẳng lẽ không phải lời lẽ phỉ báng, oán trời trách đất hay sao?”. Lúc này Hồ Mẫu Địch mới vỡ lẽ ra là Diêm vương đang nói đến chuyện ông say rượu viết thơ, ông liền nhận lỗi: “Tiểu nhân say rượu, chưa thể tỉnh táo, ngẫu nhiên đọc được các câu chuyện về trung thần và gian thần, vì vậy mà thốt ra những lời tức giận, xin Diêm vương tha thứ”.
Diêm vương nói: “Vậy ngươi nói ý của ngươi xem, tại sao nói đạo trời không biết phân biệt trung thần với gian thần?”. Hồ Mẫu Dịch đáp: “Tần Cối bán nước chủ trương nghị hòa, giết hại trung lương, cả đời phú quý đến lúc chết vẫn vinh quang. Con trai hắn là Tần Hy đỗ trạng nguyên cập đệ, cháu trai Tần Huân là học sĩ viện Hàn lâm, ba đời đều làm ở sử quán. Nhạc Phi tinh trung báo quốc, cha con bị giết. Văn Thiên Tường, đệ nhất trung thần của Tống triều, ba người con trai đều chết do lưu lạc, dẫn đến tuyệt hậu. Phúc thiện họa dâm, thiên đạo ở đâu? Vì vậy trong lòng tiểu nhân nảy sinh nghi ngờ, hy vọng diêm vương khai thị nguyên nhân trong đó”.

Diêm vương nghe xong cười hả hê: “Người là một nho sĩ phàm tục ở hạ giới, ý trời tinh tế thâm sâu, ngươi làm sao có thể biết được chứ?”, và nói cho ông biết nguyên do trong đó. Tống Cao Tông vốn là tái sinh của người con trai thứ ba của Ngô Việt Vương Tiền Lưu, vì giành được cố thổ, cho nên ở lại Nam Độ, không có ý muốn chiếm Trung Nguyên. Tần Cối chủ trì nghị hòa, đó là ý trời, nhưng đáng lẽ hắn không nên vu oan trung thần, vì vậy hắn phải chịu cảnh đoạn tử tuyệt tôn. Tần Hy không phải con trai ruột của hắn, mà là con trai của anh vợ Vương Hoán, vì vậy không bị gánh nghiệp này. Nhạc Phi là tái sinh của Trương Phi thời kỳ Tam Quốc, tuy cha con chết oan, nhưng con cháu nhiều đời sau phú quý giàu sang. Cha con và vợ chồng Văn Thiên Tường, cả nhà trung hiếu tiết nghĩa, lưu truyền thiên cổ. Cháu trai của Văn Thiên Tường nối dõi tông đường, tiếp nối di huấn của tổ tiên, còn làm quan công chính liêm minh.
Diêm vương còn nói với Hồ Mẫu Địch rằng: “Thiên đạo báo ứng, hoặc trong lúc còn sống, hoặc là sau khi chết, là phúc thì không phải họa, là họa thì không phải phúc. Cần phải xem xét toàn diện từ xưa đến nay, từ dương gian đến âm phủ thì mới biết được là không chút sai lệch. Ngươi chỉ căn cứ vào cái trước mắt mà muốn nhìn thấu bầu trời qua ống tre, đủ để thấy ngươi không biết tự lượng sức rồi”.
Hồ Mẫu Địch nghe xong, mới đột nhiên hiểu ra nói rằng: “Nhờ có diêm vương chỉ giáo, khai thị cho kẻ mù mờ, như vén mây thấy mặt trời, thật vô cùng may mắn. Nhưng kẻ ngu muội vô tri chỉ biết đến niềm vui và đau khổ lúc còn sống, làm sao biết được quả báo phía sau chứ? Với những chuyện không thể nhìn thấy như vậy, muốn con người hướng thiện mà tránh làm việc ác, cũng giống như âm thanh của gió và mặt trăng trong nước, không chút kiêng kỵ. Đương nhiên kẻ ác thì nhiều, mà người tốt lại ít. Tiểu nhân bất tài, hy vọng có thể dạo quanh địa ngục, nhìn hết các ác báo để về nói cho nhân gian biết, biết để cảnh giác và khiếp sợ, mà tự tu thân, không biết ngài có đồng ý không?”.
Diêm vương gật đầu đồng ý, gọi lục y sứ dẫn Hồ Mẫu Địch đi tham quan địa ngục, nhìn xem báo ứng dưới âm tào địa phủ.
Hồ Mẫu Địch được phép tham quan địa ngục, nhìn thấy khắp nơi đều là cảnh tượng kẻ ác chịu báo ứng vô cùng thảm thiết
Ông nhìn thấy vợ chồng Tần Cối, cha con Thái Kinh, Giả Tự Đạo và những kẻ độc ác tàn hại trung lương của các triều đại đang chịu các cực hình như sét giật, gió thổi, thả nước sôi… Ngục sứ nói với ông, những người này sau khi chịu hình phạt ở địa ngục ba năm, còn phải tái sinh làm trâu, dê, chó, heo… cho người ta chém giết, lột da ăn thịt. Họ đã tái sinh đi tái sinh lại như vậy hơn năm mươi lần rồi. Trừ phi trời đất tái thiết lập lần nữa, thì bọn họ mới được giải trừ nghiệp tội, có thể thấy được là nghiệp của họ rất lớn.
Tại “nhà ngục gian hồi”, Hồ Mẫu Địch nhìn thấy thừa tướng của triều đại như Lương Ký, Đổng Trác, Lư Kỷ, Lý Lâm Phủ cũng đang chịu cực hình, bởi vì bọn họ nham hiểm xảo trá, khi quân đoạt ngôi, hại nước hại dân. Họ chịu hình phạt ba năm, sau đó cũng phải biến thành súc sinh. Còn các quan đại thần của các triều đại như Triệu Cao của nhà Tần, Thập Thường Thị của nhà Hán, Lý Phụ Quốc, Cừu Sĩ Lương, Tống Đồng Quán của nhà Đường thì đang bị nhốt ở “nhà ngục nội thần bất trung” chịu hình phạt. Tội của bọn họ là lừa dối chủ nhân, ganh ghét hãm hại trung thần, gây rối loạn trong nước.
Ngoài ra, những kẻ lúc sống làm quan tham lam coi thường vương pháp, máu lạnh hại người, và những kẻ bất hiếu bất hữu, lừa thầy phản bạn, bất nhân bất nghĩa, dâm đãng, đố kỵ, tạo phản, ác độc… đều bị nhốt ở những chỗ khác nhau để chịu hình phạt. Sau khi Hồ Mẫu Địch nhìn thấy những cảnh tượng này, mới hiểu ra chuyện quả báo thật sự là có tồn tại.
Ở đây chúng ta sẽ không miêu tả chi tiết về những cảnh tượng thê thảm này, chỉ muốn nhắn nhủ với hậ thế rằng “nguyên thần bất diệt” gần như là một kiến thức phổ biến trong văn hóa truyền thống. Những người bị thuyết vô Thần, thuyết tiến hóa tẩy não sẽ nói rằng: “Tôi không tin vào những điều này”, nhưng chẳng lẽ không tin thì không tồn tại hay sao? Giống như ở trong mơ, con người vốn dĩ không thể nào làm chủ chính mình, cũng không thể nào trốn thoát, bị đưa đi đâu còn không thể tự mình quyết định, cảm giác gì cũng có, bạn nghĩ như vậy là chết hay sống? Nói trắng ra, khi một người ở lại trong giấc mơ không quay về nữa, những người sống trên đời nhìn vào thì cho là đã chết rồi.
Các trung thần nghĩa sĩ ở tạm “thiên tước chi phủ” dưới minh giới, tương lai sinh làm người được làm đại thần quyền quý, hưởng thụ niềm vui cõi trời
Sau khi tham quan địa ngục xong, Hồ Mẫu Địch lại thỉnh cầu diêm vương cho ông đi gặp những trung thần nghĩa sĩ. Diêm vương nghiêng đầu suy nghĩ, rất lâu mới nói: “Các vị ấy đều sẽ sinh về cõi người, làm đại thần quyền quý, hưởng thụ lộc trời. Khi hết thọ mạng, vẫn ở yên đó, chờ đợi nhân duyên cơ may, rồi mới tái sinh. Nếu ngươi muốn gặp, ta sẽ đích thân đưa ngươi đi”.
Diêm vương lên kiệu đi ở phía trước, căn dặn tùy tụng đưa Hồ Mẫu Địch đi theo phía sau. Đi khoảng năm dặm, thì thấy “cung điện nguy nga, cột ngói lộng lẫy, biển ngọc chữ vàng, đề chữ “Thiên Tước Chi Phủ”, đi vào trong, có vài trăm tiên đồng, đều mặc y phục tơ lụa, đeo ngọc bội trên người, tay cầm tràng phan sặc sỡ, lọng che cờ hoa. Hơi nước phủ kín khắp nơi, hoa trời tung bay, rồng ca phượng hát, nhạc cụ huyên náo, mùi hương thơm nồng, bám vào người là không tan. Phía trên cung điện có hơn một trăm người đang ngồi đó, đầu đội chiếc mũ thông thiên, người mặc y phục vân cẩm, chân đi giày cầu vồng, ngọc bội lộng lẫy, ánh sáng chiếu khắp người. Có hơn năm trăm giáng tiêu ngọc nữ, hoặc cầm quạt ngũ minh, hoặc bưng chén bát bảo, hầu hạ bên cạnh.
Diêm vương nói với Hồ Mẫu Địch: “Những vị trung nghĩa này, ở dương gian thì lưu danh sử sách, ở âm phủ thì hưởng thụ niềm vui cõi trời. Mỗi khi gặp minh quân trị thế thì mới tái sinh làm vương hầu thừa tướng hoặc tướng quân, phò tá giang sơn, góp sức cho xã tắc”. Hồ Mẫu Địch ngay lúc đó liền trình lên bốn câu thơ:
“Thời tùng song hạ duyệt di biên
Mỗi hận trung lương phúc bất toàn
Mục kích minh ti thiên tước quý
Hoàng thiên đoan bất phụ danh hiền”
Tạm dịch là: Khi đọc truyện dưới khung cửa, thấy hận trung lương không toàn phúc. Mắt thấy thiên tước dưới âm ti, ông trời quả không phụ hiền tài.
Diêm vương nói: “Ngươi thấy đó, thiện ác báo ứng, gian trung phân biệt không sai lệch chút nào. Giả sử cho ông làm Diêm La, sợ là cũng không thể làm tốt hơn”. Hồ Mẫu Địch cúi lạy tạ tội, rồi lại xin diêm vương khai thị một vấn đề: “Tôi từ nhỏ khổ chí đọc sách, không phạm lỗi lớn, tại sao cả đời không được đỗ đạt? Chẳng lẽ là vì nghiệp của kiếp trước?”.
Diêm vương nói: “Hiện nay là thế giới của Hồ Nguyên (nhà Nguyên), thiên địa đảo lộn, bản tính ngươi cương trực, định sẵn không duyên với Di Địch (chỉ bộ tộc đông bắc), không nên làm thần tử của nhà Nguyên. Kỳ hạn nhậm chức của ta ở minh giới sắp hết rồi, thấy ngươi tán tụng thiện hạnh, căm ghét ác hạnh, có thể đảm nhận được chức vị này. Ta sẽ tấu lên thiên đình, tiến cử ngươi thay thế ta. Ngươi tạm thời quay về dương gian, sống hết những năm tháng còn lại, đợi thêm mười mấy năm nữa, sẽ có sứ giả đến nghênh đón”. Sau nói Diêm vương ra lệnh cho hai hồng y sứ đưa Hồ Mẫu Địch quay về.
Từ đó, Hồ Mẫu Địch không còn mong cầu làm quan nữa, chỉ một lòng tu thân tu đạo, và viết ra những gì mình đã trải qua để nhắc nhở người đời. Khi ông 66 tuổi, vào một buổi chiều tối, Hồ Mẫu Địch đột nhiên nhìn thấy minh sứ cầm án điệp đến, nghênh đón ông về nhậm chức. Xe ngựa tùy tùng chờ sẵn, trang trọng như nghênh đón một vị vua. Ngay đêm hôm đó, Hồ Mẫu Địch qua đời.
***
Nếu nhìn thấu suốt là sẽ hiểu thôi, đời người giống như đang nhìn vào một kịch bản để diễn kịch, nhưng vai chính diện và phản diện trong đó có lẽ đều được ý trời sắp đặt sẵn như vậy, nhưng mỗi cá nhân trong đó có muốn mưu cầu tư lợi, mà làm chuyện trái với lương tâm, dẫn đến làm hại người trung thành chính trực và lương thiện hay không, thì lại hoàn toàn là sự lựa chọn của cá nhân đó.
Cuối cùng thì người tốt liệu có được báo đáp hay không và kẻ xấu liệu có mãi cứ dửng dưng hưởng phúc chăng? Có lẽ tự bạn đã có câu trả lời…
Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch