Khi bị bệnh tật giày vò, hoặc khi vận khí đen đủi chìm sâu đáy vực, con người thường cảm thấy vô cùng bất lực. Đại sư Tâm học Vương Dương Minh cho rằng, tu tâm có thể khiến bách bệnh không xâm nhập, tu tâm có thể xoay chuyển vận mệnh.

Vương Dương Minh nói: “Đánh giặc trong núi dễ, đánh giặc trong tâm khó”.

Nếu bạn cảm thấy mọi việc đều không thuận lợi, mệt mỏi không chịu nổi, thân thể càng ngày càng kém mà thành tích thì quá ư nhỏ bé, có lẽ là lúc bạn nên đưa tầm mắt hướng vào nội tâm mình, tìm những thói xấu của nội tâm, vượt qua cái ngưỡng trong tâm mình. Nếu đánh tan được giặc trong tâm mình thì học hành, gia nghiệp, sự nghiệp sẽ cải biến, các vấn đề cuộc đời có thể rút củi đáy nồi dần dần được xử lý hết.

Tu tâm có thể khiến bách bệnh không xâm nhập được

Khi ở Kiền Châu, Trần Cửu Xuyên đổ bệnh. Vương Dương Minh nói: “Về chuyện bệnh tật này, chống chọi cũng rất khó khăn, ông cảm thấy như thế nào?”.

Trần Cửu Châu nói: “Công phu thực sự rất khó”.

Vương Dương Minh nói: “Luôn giữ được tâm tình vui vẻ, lạc quan tức là công phu”.

Có thể trong cuộc sống thường ngày mọi người thấy những trường hợp như thế này: Hai người cùng mắc bệnh như nhau, một người tính cách cởi mở vui vẻ, còn một người tính cách u uất. Người tính cách cởi mở vui vẻ kia là người có thể dùng tâm thái lạc quan đối xử với bệnh tật, nhất định họ sẽ mau chóng khỏi bệnh hơn người có tính cách u uất, gặp chuyện thường bi quan.

Y học hiện đại cũng đã chứng minh, đối với cùng một sự việc, nếu tâm tình của con người khác nhau thì sẽ sinh ra ảnh hưởng hoàn toàn khác nhau đối với sức khỏe bản thân.

Mặc dù gặp những sự việc rất khó khăn, chỉ cần có tâm thái tích cực, việc gì cũng nhìn thấy mặt tươi sáng của sự việc, lòng đầy ý nghĩ lạc quan, đại não sẽ ở trạng thái hài hòa, sẽ tiết ra kích thích tố có lợi cho cơ thể. Trái lại, nếu tâm tình u uất bi quan, cả ngày thở ngắn than dài, ở trong trạng thái khổ đau phiền muộn, oán hận phẫn nộ, đại não chịu sự kích thích xấu này sẽ tiết ra những vật chất có hại cho cơ thể.

Do đó, nếu có thể tu dưỡng cái tâm mình, bất kể sự việc gì cũng giữ được tâm thái lạc quan vui vẻ thì có thể thúc đẩy thân tâm ở trạng thái cân bằng âm dương, từ đó giữ được thân thể khỏe mạnh và tinh thần trẻ trung.

(Ảnh minh họa: nnews.eu)

Trong thời gian bị giáng đày ở Long Trường, Vương Dương Minh đã viết “Ế lữ văn” được truyền tụng ngàn năm, trong đó có ghi chép lại sự kiện sau:

Ngày mồng 3 tháng 7 mùa thu năm Chính Đức thứ 4, có một viên quan nhỏ từ kinh sư đến, có đem theo một người con trai và một người hầu, đi qua Long Trường để đến nhậm chức. Trời tối đen mưa gió âm u, họ tá túc ở nhà một người dân tộc Miêu (người Mèo). Không ngờ trưa hôm sau, có người đi qua con đường ấy nói rằng viên quan nhỏ đó đã chết trên đường rồi. Buổi chiều thì đứa con trai ông ấy cũng chết. Đến ngày thứ 3 thì cả người hầu cũng chết trên dốc núi.

Nghe được tin này, Vương Dương Minh vô cùng đau buồn, lệnh cho 2 tiểu đồng đi đưa 3 thi thể đó đi chôn, đồng thời cảm khái nói:

Tôi đã sớm biết rằng ông nhất định sẽ chết, bởi vì hai hôm trước tôi nhìn qua hàng rào thấy gương mặt ông đầy vẻ khổ sở ưu sầu, một dáng vẻ lo lắng đau đáu. Nếu ông thực sự tham luyến cái chức quan bổng lộc 5 đấu gạo này thì phải vui mừng đi nhậm chức mới phải, vậy tại sao lại buồn rầu lo lắng như vậy?

Nên biết rằng, trên con đường xa xôi thăm thẳm, ăn gió nằm sương, vượt qua vách núi cao, đi trên đỉnh những dãy núi hoang cao vút, thường xuyên phải chịu đói khát mệt mỏi, gân cốt mệt mỏi khôn thấu. Hơn nữa lại còn chướng khí ác nghiệt luôn luôn xâm nhập cơ thể, nếu lúc đó lại còn u uất ưu sầu tích tụ trong tâm thì nội ngoại giáp công, lẽ nào mà không chết?

Còn tôi rời xa quê hương đến nơi này cũng đã 2 năm, cũng trải qua chướng khí ác nghiệt như vậy xâm hại nhưng vẫn bình an vô sự. Đó chính là tôi đã luôn luôn giữ được cái tâm vui vẻ khoáng đạt, không có một ngày nào tôi bi thiết u uất đau buồn như ông thế này.

Chính vì Vương Dương Minh luôn giữ được tâm tình vui vẻ vào bất kỳ hoàn cảnh nào, nên khi bị giáng đày đến Long Trường là nơi có hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, trong khi những người hầu đi cùng ông đều bị ngã bệnh thì duy chỉ có một mình Vương Dương Minh là bình yên vô sự. Việc này đã chứng minh tầm quan trọng của việc giữ được tâm tình tốt.

Văn Thiên Trường, anh hùng, thừa tướng triều Nam Tống có trải nghiệm giống Vương Dương Minh một cách kinh ngạc. Sau khi bị quân Nguyên bắt, ông sống cuộc sống tù đày phi nhân tính, nhưng vẫn trước sau kiên nghị bất khuất. Ông đã viết “Chính khí ca” lưu truyền ngàn năm, trong đó có đoạn viết rằng:

Tôi bị giam trong nhà tù tối tăm ẩm ướt, cho dù là mùa xuân nắng vàng rực rỡ thì bên trong vẫn tối đen như ban đêm vậy. Cả trâu ngựa cũng nhốt chung ở trong phòng. Tôi ăn những thứ xấu tệ như đồ cho gà cho chim ăn. Mỗi khi trời mưa hay thời tiết có sương là nhà tù lại dột nước khắp nơi, nền nhà là những rãnh nước lồi lõm gồ ghề.

Trong hoàn cảnh ác liệt như thế này, hè qua đông lại, mà cũng lạ tôi lại chẳng mắc bệnh tật gì. Ở đây làm gì có kỹ xảo gì, chỉ là thân tôi có chính khí hạo nhiên, các loại bệnh tà sao có thể xâm nhập vào thân tâm tôi được.

Có thể thấy tâm cảnh ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với con người, có lúc thậm chí quyết định đến sống chết. Do đó, muốn có một cuộc đời mạnh khỏe vui vẻ thì mấu chốt là ở chỗ làm thế nào dẫn dắt và nắm bắt được tâm cảnh của mình.

(Ảnh: sohu.com)

Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, cạnh tranh quyết liệt chưa từng thấy, nội tâm của mọi người dường như đều chịu xâm nhập quấy nhiễu của các loại áp lực. Áp lực lớn đến một mức độ nhất định thì sẽ tạo thành tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của thân và tâm con người. Trong tình hình này thì chúng ta cần kịp thời điều chỉnh trạng thái thân và tâm của mình.

Tu tâm có thể xoay chuyển vận mệnh

Vương Dương Minh đã từng nói về việc luyện tập thư pháp: “Người xưa mọi lúc mọi nơi chỉ để tâm vào học tập, cái tâm này tinh tế sáng suốt, viết chữ đẹp cũng nằm trong đó”.

Người xưa bất kể làm việc gì thì lúc nào cũng để tâm vào học tập, cho đến khi cái tâm tinh tế sáng suốt, thấu triệt rồi thì chữ tự nhiên sẽ viết đẹp. Phương pháp này được ông tổng kết lại thành 8 chữ: “Ngưng tư tĩnh lự, nghĩ hình ư tâm”, nghĩa là “Dừng suy nghĩ, tĩnh tâm lại, nghĩ hình dạng chữ ở trong tâm”.

Câu nói này đã bật mí cho chúng ta một bí mật: Những điều chúng ta suy nghĩ trong tâm sẽ hình thành hình ảnh tâm lý, sẽ hấp dẫn những sự vật tương ứng đến.

Nhìn lại cả cuộc đời Vương Dương Minh, tuy vô số trắc trở, trải qua nhiều ma nạn, nhưng khiến người ta kinh ngạc chính là mỗi thời khắc then chốt đối diện với nguy cơ thì luôn luôn có quý nhân xuất hiện, cơ hội cũng luôn luôn đến vào lúc xem ra đã vô vọng. Một trong những nguyên nhân quan trọng trong đó là ông đã luôn luôn vô ý hoặc hữu ý áp dụng phương pháp này.

Vương Dương Minh. (Ảnh: sina.com)

Cho dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào thì Vương Dương Minh đều có thể nhanh chóng điều chỉnh tâm cảnh bản thân, ra sức giữ trạng thái nhẹ nhàng, yên định, vui vẻ. Trong trạng thái này, những hình ảnh tâm lý hiện ra trong tâm ông tất nhiên là tích cực vươn lên. Đó là truy cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống, là kỳ vọng đầy nhiệt huyết đối với sự nghiệp. Tinh thần chuyên tâm vào cảnh giới tốt đẹp và sáng sủa như thế này thì tự nhiên sẽ hấp dẫn những thứ tốt đẹp và sáng sủa đến.

Giả sử một người chú ý quá nhiều đến những sự vật tiêu cực thì sẽ lưu giữ những nhân tố tiêu cực đó trong tâm, thậm chí còn in sâu vào tiềm thức. Lúc đó, những kỳ vọng đối với bản thân trong lòng họ sẽ vô tình hay hữu ý dừng lại ở trên tầng diện tiêu cực kia.

Ví dụ, mượn người khác một món tiền, người này luôn luôn nghĩ rằng: “Cuộc sống thật khó khăn, không biết đến lúc nào mình mới có thể kiếm được số tiền này để sớm trả lại người ta?”. Trong tâm người này luôn có suy nghĩ lo lắng, sốt ruột. Như thế thì trong não sẽ nảy sinh hình ảnh tâm lý cuộc sống khó khăn, tiền rất khó kiếm. Đại bộ phận sự tập trung và năng lượng sinh mệnh của người này đều tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực này, tự nhiên sẽ hấp dẫn những thứ tương ứng đến.

Thế nên, chúng ta muốn có được hạnh phúc trong cuộc sống thì phải “ngưng tư tĩnh lự, nghĩ hình ư tâm”, để nội tâm chúng ta tĩnh lại, trong não luôn nghĩ những sự tình tốt đẹp, hạnh phúc mà chúng ta mong muốn, khiến nó hình thành hình ảnh tâm lý ổn định, sinh động, phát huy tác dụng chủ đạo. Tập trung tinh lực ở những sự tình có giá trị này thì mới có thể đạt được thành công.

Tâm này quang minh thì cuộc đời mới sáng sủa. 

Thanh Bình
Theo secretchina.com

Bạn đang đọc bài viết: “Người nội tâm quang minh chính đại thì bách bệnh không xâm nhập được” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||b6864a7ef__

Từ Khóa: