Vào cuối đời nhà Minh xuất hiện rất nhiều danh tướng tài giỏi. Tuy nhiên, họ sinh ra không gặp thời nên trở thành vật tế thần của vương triều. Dù vậy, họ thực sự vụt sáng như sao băng, để lại một bản anh hùng ca hào hùng và bi thương về đạo nghĩa của người quân tử. 

Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa, … gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lúc triều Minh gần diệt vong đã xuất hiện rất nhiều danh tướng tài ba như Lư Tượng Thăng, Tôn Thừa Tông, Lý Định Quốc, Viên Sùng Hoán, Tôn Truyền Đình, Hùng Đình Bật. Mỗi người trong số họ đều có thể lật ngược nguy cơ nhà Minh bị diệt vong, kéo dài thêm những ngày tháng huy hoàng của lịch sử. Nhưng rồi mỗi người chỉ lóe sáng rồi vụt tắt, mang theo tiếng thở dài thật sâu đối với số phận. Trong số họ, Tôn Truyền Đình là một nhân vật đặc biệt hơn cả. 

Tôn Truyền Đình là một nho sinh rất chăm chỉ học hành, 26 tuổi đã thi đậu tiến sĩ, được liệt vào danh sách những nhân tài để làm quan. Không ngờ vận mệnh trớ trêu, khi đó nho sinh mang trong mình đạo lý trị quốc đều bị liệt vào đối tượng hàng đầu bị “tiêu diệt”. Các tướng lĩnh khác không giống Tôn Truyền Đình, đời này qua đời khác đều là tướng võ, riêng Tôn Truyền Đình vốn lại là một quan văn, nhận lệnh dấn thân chỗ nguy hiểm, trở thành thủ lĩnh bị “tiêu diệt”, đây cũng là vận mệnh bất đắc dĩ dành cho ông. 

Tôn Truyền Đình sinh vào thời Vạn Lịch. Khi đó Trương Cư Chính quyết đoán thực hiện cải cách, khởi lên được hy vọng về cái gọi là “khí tượng phục hưng”. Nhưng sau khi Trương Cự Chính qua đời, vận mệnh quốc gia một lần nữa rơi vào màn đêm u ám. Tôn Truyền Đình cố gắng bám trụ trong quan trường rối ren đến năm Sùng Trinh thứ 8, nhà Minh bắt đầu vào thời kỳ sóng gió. Quân sĩ khắp nơi nổi dậy như nấm sau mưa, vị vua trẻ tuổi khi đó đứng ngồi không yên trong Kim Loan điện. 

Lúc ấy, Tôn Truyền Đình được đề bạt là Phủ thừa của Thuận Thiên Phủ, ngồi chưa ấm chỗ đã nhận được chiếu của triều đình. Trong chiếu ghi, mong Tôn Truyền Đình có thể đảm nhận chức vụ tổng chỉ huy quân đội dẹp loạn quân thổ phỉ ở vùng Thiểm Tây. Khi đó người chỉ huy ở Thiểm Tây là kẻ bất tài, không có khả năng dẹp loạn, quân tạo phản ngày một mạnh làm cho dân chúng Thiểm Tây không có một ngày bình yên.

Tôn Truyền Đình vội vàng đến Thiểm Tây, đối mặt với quân tạo phản ông vô cùng bình tĩnh, chỉ huy quân đội chiến đấu oanh liệt, thể hiện hết tài năng quân sự thiên bẩm của mình. Thủ lĩnh của phản quân cố thủ tại Thương Lạc bị ông chém đầu, sau đó triều đình đã ban thưởng cho ông.

Bản đồ vị trí lãnh thổ nhà Minh.( Ảnh theo: vi.wikipedia.org)

Tuy nhiên, khí số của Đại Minh đã tận, vừa dẹp loạn xong ở Thương Lạc, quân khởi nghĩa ở Quan Trung lại nổi dậy. Tôn Truyền Đình lại bị phái đi Quan Trung tiêu diệt phản tặc. Quân khởi nghĩa ngày càng đông, dẹp xong phía đông, phía tây lại mọc ra khiến cho Tôn Truyền Đình chống đỡ rất vất vả. Nhưng triều đình Đại Minh không ổn định, Sùng Trinh muốn khống chế quần thần, đối với danh tướng chiến đấu bên ngoài thì một mặt ban thưởng, một mặt đàn áp, còn sai người đi giám sát gây cản trở, như vậy danh tướng đều rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Theo chiến sự tiếp diễn, áp lực lên Tôn Truyền Đình ngày càng lớn, chiến tranh không thể ngừng, ở quan ngoại Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã trở thành thế lực mạnh trực tiếp uy hiếp kinh đô. Tôn Truyền Đình ý thức được thế cục, biết rõ Nỗ Nhĩ Cáp Xích muốn chiến đoạt kinh đô, do đó ông đẩy nhanh chiến dịch chống nổi dậy, đích thân dẫn quân nghênh địch, còn liên lạc với quân Minh ở Hà Nam để hình thành thế bao vây. Nhưng không ngờ quân khởi nghĩa ở Hà Nam lại nổi lên khiến Tôn Truyền Đình vô cùng khó khăn, chật vật.

Vào thời khắc quyết định này, Tôn Truyền Đình trở thành “tu bổ tượng” (thợ sửa chữa) của Đại Minh, vừa tu bổ xong thành Đông lại tu bổ tường Tây, khiến cho ông tổn thương nguyên khí. Nhân lúc hỗn loạn này, bộ tộc Nữ Chân ở phương Bắc nóng lòng muốn cướp lấy kinh đô. Trong tình thế khó khăn như vậy, Tôn Truyền Đình vẫn quét sạch quân khởi nghĩa ở Quan Trung và Hà Nam, lập đại công cho Đại Minh.

Thấy cơ nghiệp Đại Minh mấy trăm năm đang lung lay sắp đổ, các nghĩa quân nổi lên như châu chấu, càng diệt càng nhiều. Năm 1638, Đa Nhĩ Cổn cầm đầu quân Thanh tiến đánh thẳng thành Bắc Kinh. Vạn Lý Trường Thành cũng không phải là bất khả xâm phạm, bất lực ngăn cản kỵ binh của họ.

Kỵ binh của bộ tộc Nữ Chân tiến vào quan nội, quân đội triều Minh không thể chống đỡ. (Ảnh: Internet)

Lúc này, triều đình nhà Minh nhanh chóng kêu gọi các tướng lĩnh cần vương về hộ giá. Lư Tượng Thăng là một nho tướng, hơn nữa rất có tài năng, bởi vì lập nhiều chiến công hiển hách mà bị Sùng Trinh nghi kỵ. Hoàng đế Sùng Trinh dùng mọi cách kiêng dè khiến ông không phát huy hết tài năng, cuối cùng hy sinh vì nước ở trận Cự Lộc.

Tôn Truyền Đình nhận nhiệm vụ đối mặt với hiểm nguy, ở kinh thành chiến đấu với Đa Nhĩ Cổn. Trong tình huống này, triều đình có rất nhiều quan lại thuyết phục “nghị hòa”. Môt mặt, Sùng Trinh nghi kỵ Tôn Truyền Đình, sợ ông mưu phản, mặt khác do dự không biết nên hòa hay đánh. Tôn Truyền Đình không được hoàng đế ủng hộ và tín nhiệm.

Sau đó, Tôn Truyền Đình bị nhốt vào ngục giam, Sùng Trinh tiếp tục đùa bỡn quyền mưu, dùng “ân uy kết hợp” đối với thần tử lại không để ý cơ nghiệp Đại Minh sắp bị phá hủy. Lư Tượng Thăng và Viên Sùng Hoán đã chết, bây giờ chỉ có một mình Tôn Truyền Đình có thể chống lại được quân địch. Hoàng đế và quần thần cũng hiểu rõ điều này, do đó Tôn Truyền Đình rất nhanh được thả ra, triều đình dùng ông để trấn áp Lý Tự Thành.

Lý Tự Thành là một nhân vật anh hùng rất can đảm, không phải là đối tượng dễ trấn áp. Tôn Truyền Đình khẩn cấp tiến hành chiến đấu, còn đặt ra chính sách “hữu hảo với dân chúng”, hy vọng có thể cứu vãn được lòng dân, đồng thời vạch kế hoạch tử thủ Đồng Quan. Nhưng triều đình ban lệnh khiến ông rất buồn rầu, muốn ông phải tử chiến đến cùng với quân tạo phản. Tôn Truyền Đình gánh vác trách nhiệm nhưng không được tín nhiệm, một thân khí phách hào hùng chống địch và chết tại trận Đồng Quan.

Tranh minh họa hoàng đế triều Minh. (Ảnh theo: tinhhoa.net)

Rất nhiều quan văn võ không hiểu một đạo lý, tuy nói rằng triều đình vì phúc lợi của dân nhưng chỉ là thiên hạ của họ Chu. Làm một ngoại thần, bạn không làm được người ta không trọng dụng, bạn làm quá thành công người ta lại đề phòng, cảm thấy bạn không có ý tốt. Không chỉ có Sùng Trinh, nhiều hoàng đế các triều đại đều như thế, chỉ có điều Sùng Trinh lòng dạ hẹp hòi hơn mà thôi. Thật không may, Tôn Truyền Đình là một nhân vật trụ cột, ôm nỗi tiếc nuối thật sâu xẹt qua màn đêm Đại Minh. Không lâu sau Tôn Truyền Đình chết, triều đại nhà Minh sụp đổ. 

Trong các triều đại tại Trung Quốc, nhà Minh giống ngôi sao lóe sáng trên bầu trời, nó giàu có và đông đúc, tiết khí, mạnh mẽ và truyền kỳ. Không có một triều đại nào như triều Minh cho phép con người có cảm xúc buồn vui cùng tồn tại, có thể đứng dậy, có thể xem, có thể tụ họp, có thể oán hận. Cũng không có triều đại nào có thể làm cho người dân sôi nổi thảo luận, hoặc giúp đỡ hoặc phá hoại như thế. Nhà Minh thật là làm cho lòng người tiếc nuối. Nó diệt vong cũng đột nhiên như khi xuất hiện. 

Cùng trong thời gian này, Đại Việt (tức Việt Nam) cũng đang trải qua một thời kỳ biến loạn, phân tranh dữ dội. Chỉ trên một dải đất chữ S cùng lúc xuất hiện 4 tập đoàn cát cứ: Nhà Mạc ở Cao Bằng, vua Lê – chúa Trịnh ở Bắc Hà và chúa Nguyễn ở Thuận Hoá (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Trong suốt thế kỷ 17 đã diễn ra những cuộc chiến tranh liên miên giữa hai họ nắm quyền ở Đàng Ngoài (họ Trịnh) và Đàng Trong (họ Nguyễn). Thông thường, khi Đại Việt đại loạn, các vương triều phương Bắc đều sẽ nhòm ngó, động binh. Tuy nhiên, thế kỷ 17 lại là thời điểm nhà Minh bước vào thời kỳ suy yếu, vận nước lụi tàn. Các hoàng đế nhà Minh phải lo đối phó với các cuộc khởi nghĩa, nổi dậy trong nước cũng như mối hoạ xâm lăng từ bộ tộc Nữ Chân từ phía Bắc, do đó hoàn toàn không đủ sức quan tâm đến mặt phía nam, cụ thể là Đại Việt.

Mãi cho đến cuối thế kỷ 18, Đại Việt mới lại một lần nữa được thống nhất. Người đặt nền móng cho sự thống nhất này là Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung sau này). Khi ấy, nhà Minh đã diệt vong từ lâu. Nhà Thanh, vương triều kế tục nhà Minh, sau khi dẹp yên bờ cõi, cũng động binh với Đại Việt. Dù vậy, 29 vạn quân Thanh đại bại chỉ trong một trận Đống Đa – Ngọc Hồi trong tay Quang Trung Nguyễn Huệ. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị phải tháo chạy thục mạng. Đó cũng là lần cuối cùng các vương triều phương Bắc mang quân xâm phạm bờ cõi nước Nam. 

Lời bàn: 

Số phận của Tôn Truyền Đình có gì đó rất tương đồng với Nhạc Phi thời Nam Tống. Nhạc Phi cũng là danh tướng nổi danh, tài năng, trung nghĩa nhưng cuối cùng lại bị Tần Cối gièm pha, chết trong oan uổng. Tôn Truyền Đình trung nghĩa có thừa, can đảm, dũng khí, một tay chống giữ sơn hà triều Minh nhưng đáng tiếc lại sinh nhầm thời. Sinh nhầm thời, lại còn thờ nhầm chủ (Sùng Trinh là một ông vua quá đa nghi), số phận của Tôn Truyền Đình khó mà khác được. Tuy nhiên, tấm lòng trung trinh, son sắt của ông cũng lưu lại một dấu khuyên son trong lịch sử. Trước thế giặc lớn, trước kẻ thù nguy hiểm như người Nữ Chân, họ Tôn không chút kinh sợ, vẫn thể hiện đủ khí phách của một bậc anh hùng. Khí chất đó, nào phải ai cũng dễ mà có được? 

Theo ntdtv.com
Huy Hoàng biên dịch

Xem thêm: