Một kiến trúc đồ sộ và giàu có về các phong cách xây dựng và trang trí, trải qua hơn 500 năm vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi, lộng lẫy. Đó chính là khu phức hợp nhà thờ – tu viện Jerónimos của Bồ Đào Nha.

Tu viện Jerónimos (Mosteiro dos Jerónimos), là một tu viện cổ xưa của Dòng Thánh Jerome gần sông Tagus ở giáo xứ Belém, thuộc thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha. Đây là một trong những ví dụ nổi bật nhất về phong cách kiến ​​trúc gothic muộn của người Bồ Đào Nha ở Lisbon, được nhận danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1983.

Ảnh: PlanetWare.

Việc xây dựng tu viện và nhà thờ là theo lệnh của Vua Manuel I (1469 -1521) vào năm 1495, và bắt đầu đã được tiến hành vào tháng 1 năm 1501 và hoàn thành chỉ 100 năm sau đó. Do có sự đảm bảo tài trợ từ đức Vua và những người giàu có, quy mô của công trình theo thiết kế rất đồ sộ.

Kiến trúc gothic mang phong cách Manuel, hòa trộn yếu tố Phục hưng

Tu viện được thiết kế theo cách mà sau này được biết đến với tên gọi là Manuel – một phong cách kiến ​​trúc trang trí công phu với các chủ đề điêu khắc tỉ mỉ, kết hợp các yếu tố hàng hải và các vật thể được phát hiện trong các cuộc thám hiểm hàng hải, được chạm khắc công phu từ đá vôi. Kiến ​​trúc sư Diogo de Boitaca – người tiên phong cho phong cách này khi xây dựng Tu viện Chúa Giêsu ở Setúbal – chịu trách nhiệm vẽ bản thiết kế và thực hiện hợp đồng xây dựng một phức hợp nhà thờ và tu viện. Ông đã sử dụng “calcário de lioz” – một loại đá vôi màu vàng được khai thác từ các địa điểm khác nhau như Ajuda, thung lũng Alcántara, Laveiras, Rio Seco và Tercena. Công việc của Boitaca được nối tiếp bởi kiến trúc sư người Tây Ban Nha Juan de Castilho, người tiếp nhận phụ trách công trình xây dựng vào khoảng năm 1517. Castilho đã dần chuyển đổi công trình từ phong cách của người Ý sang phong cách Plateresque của Tây Ban Nha, sử dụng kiểu trang trí với nét xa hoa, tương tự như trên các đồ bằng bạc. Việc xây dựng công trình đã bị đình trệ khi vua Manuel I qua đời năm 1521.

Ảnh: Tripwolf.

Một số nhà điêu khắc thời đó đã để lại dấu ấn của họ trên tòa nhà này. Ví dụ, Nicolau Chanterene đã thêm chiều sâu cùng các chủ đề Phục hưng, trong khi kiến ​​trúc sư Diogo de Torralva tiếp tục xây dựng tu viện vào năm 1550, đã thêm vào một nhà nguyện chính, dàn hợp xướng và hoàn thành hai tầng của tu viện, và chỉ sử dụng họa tiết Phục hưng. Công việc của Diogo de Torralva được tiếp nối vào năm 1571 bởi Jérôme de Rouen khi ông thêm vào một số yếu tố cổ điển. Việc xây dựng bị dừng lại một lần nữa vào năm 1580, do sự sáp nhập Tây Ban Nha với Bồ Đào Nha đã làm cho vốn được phân bổ cho tu viện chảy hết về tòa nhà Escorial ở Tây Ban Nha.

Đặc trưng nổi bật của phức hợp kiến trúc nhà thờ – tu viện

Về đặc trưng ngoại thất của nhà thờ Santa Maria, cổng phía nam là một lối vào tu viện được trang trí công phu, do Juan de Castilho thiết kế, và được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông đối với công trình. Tuy nhiên trên thực tế, đây không phải là lối vào chính của tòa nhà. Chiếc cổng giống như của một ngôi đền này rất lớn, cao 32 mét và rộng 12 mét, kéo dài suốt hai tầng. Các đặc điểm trang trí công phu của nó bao gồm rất nhiều đầu hồi và đỉnh nhọn, với nhiều hình chạm khắc.

Ảnh: Flickr.

Ô trên cửa, phía trên cánh cửa đôi, hiển thị một nửa dưới dạng phù điêu mô tả hai cảnh tượng trong cuộc đời của Thánh Jerome: ở bên trái là việc loại bỏ cái gai khỏi móng vuốt sư tử (biệt danh của Thánh Jerome), và ở bên phải là trải nghiệm của vị Thánh trên sa mạc. Trong phần mắt cửa giữa những cảnh này là huy hiệu của vua Manuel I, trong khi phần trang trí đắp nổi và mặt hồi được bao phủ bởi các biểu tượng và yếu tố của Manuel. Madonna – Thánh Maria của Belém – tọa trên một bệ đá trên đỉnh của phần đắp nổi, ở dưới tổng lãnh thiên thần Michael, còn phía trên cổng là một cây thánh giá của Dòng Chúa Kitô. Chiếc cổng được đặt hài hòa ở hai bên bởi các cửa sổ lớn với các đường gờ trang trí phong phú.

Cổng phía Nam (ảnh: Pinterest).

Cổng dọc trục mặc dù có kích thước nhỏ hơn cửa phía nam, lại là cánh cửa quan trọng nhất của tu viện Jerónimos, do trang trí đặc biệt và vị trí của nó ở phía trước bệ thờ chính. Cổng dọc trục ở phía tây này là một ví dụ tốt về sự chuyển đổi từ phong cách Gothic sang Phục hưng, được Nicolau Chanterene xây dựng vào năm 1517. Hiện nay nó được kéo dài bởi một tiền sảnh, được thêm vào từ thế kỷ 19, tạo thành một không gian chuyển tiếp giữa nhà thờ và lối đi.

Cổng phía Tây (ảnh: Wikipedia).

Trong ô trên cửa có những cảnh về sự ra đời của Chúa Kitô. Các mặt vát ở mỗi bên của cổng được bao phủ bởi các bức tượng, như tượng Vua Manuel I và Nữ hoàng Maria của Aragón, bên cạnh họ là những vị Thánh bảo trợ – Saint Jerome và Saint John the Baptist. Các đòn chìa hỗ trợ được trang trí bởi các thiên thần nhỏ cầm áo choàng. Bên cạnh nhà vua là một hỗn thiên nghi, còn bên cạnh nữ hoàng là ba cành hoa nở rộ. Các yếu tố thời Phục hưng bao gồm các thiên thần trong trang phục La Mã, các tiểu thiên sứ, chi tiết và tả thực các vị vua và hình tượng thân thể của Thánh Jerome.

Ảnh: The Travelling Squid.

Về mặt nội thất, kiến trúc sư đầu tiên – Diogo Boitac – đã đặt nền móng (cho nhà thờ ba lối đi này) để cho 5 gian nằm bên dưới một khung vòm duy nhất, một cung thờ ngang được đánh dấu rõ ràng nhưng chỉ hơi nhô lên và một dàn hợp xướng lớn ở trên. Bố trí hội trường nhà thờ bao gồm các lối đi và các gian giữa có chiều cao bằng nhau. Boitac còn xây dựng các bức tường của nhà thờ đến tận các mái đua, sau đó bắt đầu xây dựng một tu viện liền kề.

Ảnh: Pinterest.

Juan de Castilho là kiến ​​trúc sư và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha, tiếp tục xây dựng tu viện từ năm 1517. Ông đã hoàn thành các bức tường chống đỡ và hầm vòm với một nhịp duy nhất – một sự kết hợp của các khung vòm chính và trang trí hình mảng trải dài khắp ngôi nhà thờ rộng 19 mét. Mỗi bộ khung sườn trong khung vòm được giữ chắc bởi các cấu trúc lồi. Thiết kế khung vòm ngang táo bạo của ông vào năm 1522 khiến cho gian thờ ngang không có bất kỳ trụ hoặc cột nào, trong khi Boitac ban đầu đã đề xuất thiết kế 3 gian cho gian ngang này. Khung vòm không được hỗ trợ của gian ngang mang đến ấn tượng rằng nó lơ lửng trong không trung.

Ảnh: Portugal travel Guide.

Castilho cũng trang trí 6 chiếc cột hình bát giác cao 25 ​​mét thanh mảnh, có khớp nối, với các yếu tố lạ mắt và hoa văn tinh tế đặc trưng của phong cách Phục hưng. Việc xây dựng hội trường theo kiểu hậu kiến ​​trúc Gô-tích này là một kiệt tác về mặt thẩm mỹ và kiến ​​trúc, làm tăng thêm hiệu ứng không gian cho tòa nhà vốn đã rộng lớn này. Cột phía bắc gần gian thờ ngang có một chi tiết trang trí hình huy chương lớn, có thể được cố ý đưa vào như một lời khẳng định tên tuổi của Boitac hoặc Juan de Castilho.

Ảnh: JMConduru.

Ở cuối các lối đi bên cạnh và ở cả hai bên của dàn hợp xướng là các bệ thờ, cũng được xây theo phong cách Manuel, có niên đại từ thế kỷ 16 và 17. Chúng được trang trí bằng gỗ chạm khắc mạ màu vàng và xanh lá cây. Một trong số chúng nâng đỡ hình tượng của Thánh Jerome bằng đất nung tráng men nhiều màu.

Ảnh: Flickr.

Đó là về nhà thờ Santa Maria, còn về bản thân tu viện, đây là một cấu trúc hình vuông rộng lớn có kích thước mỗi chiều là 55m, được bắt đầu xây dựng bởi Boitac. Ông đã xây dựng khung vòm với các cung vòm và cửa sổ rộng, với các họa tiết hình mảng nằm trên các khung cửa sổ đúc tinh tế. Còn Juan de Castilho đã hoàn thành việc xây dựng bằng cách cho tầng dưới một lớp phủ cổ điển và xây dựng một tầng trên giật cấp vào trong. 

Ảnh: Culture Trip.

Cách xây dựng nhà thờ như vậy là một điều mới lạ vào thời điểm đó. Castilho còn thay đổi các cột tròn ban đầu của Boitac thành các hình chữ nhật, và tô điểm chúng bằng các trang trí theo phong cách Plateresque (chạm trổ). Mỗi cánh của tu viện có 6 gian với các khung vòm hoa văn. Bốn gian bên trong tựa trên các trụ lớn, tạo thành các cung vòm rộng. Các gian ở góc được liên kết bởi một cấu trúc cung vòm chéo và biểu lộ ra các cột góc được trang trí phong phú. Tu viện có chức năng tôn giáo cũng như chức năng đại diện, nhờ có sự trang trí cầu kỳ và các hình thức biểu tượng của triều đại, như hỗn thiên nghi (một biểu tượng thiên văn), phù điêu và thánh giá từ Dòng Chúa Kitô, cho thấy sức mạnh tầm cỡ thế giới đang phát triển của Bồ Đào Nha.

Ảnh: Pinterst.

Các bức tường bên trong của tu viện có vô số hình thức trang trí Manuel, với các yếu tố hàng hải bên cạnh các họa tiết châu Âu, Moorish và phương Đông. Các cung vòm hình tròn và cấu trúc ngang rất phù hợp với phong cách kiến ​​trúc Phục hưng, đồng thời cũng có mối quan hệ với kiến ​​trúc Tây Ban Nha. Các trang trí trên các bức tường bên ngoài của sân trong được Castilho thực hiện theo phong cách Plateresco (chạm trổ) như các cung điện, bao gồm các cung vòm trang trí họa tiết, mang lại cho công trình này một dáng vẻ lộng lẫy.

Ảnh: Discover Walks.

Trong các thế kỷ sau, khu phức hợp nhà thờ – tu viện này cũng trải qua nhiều lần sửa chữa, phục hồi và bảo tồn để có được tình trạng tốt và dáng vẻ tươi mới như hiện nay.

Ảnh: Dicas de Lisboa.

Theo Wikipedia

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||413d3383f__