Nút dây Trung Hoa hay Thắt dây Trung Hoa là một loại hình nghệ thuật thủ công dân gian truyền thống của Trung Quốc cổ xưa. Nó được xác định là xuất hiện từ thời văn minh tiền cổ, sau này được phổ biến rộng rãi ở thời nhà Đường, Minh. Nghệ thuật nút dây trải qua bề dày lịch sử, tiếp tục phát triển tới ngày nay với những nét đặc biệt độc đáo.

Trong năm ngàn năm lịch sử Trung Hoa, thắt nút dây được cho là cùng với sự xuất hiện của lịch sử loài người. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, nó có nguồn gốc từ thời cổ xưa, từ thời mà chưa có văn tự chữ viết.

Thuận theo sự phát triển của con người, thắt nút dây dần trở nên phổ biến và trở thành đồ trang trí thủ công dân gian ở Trung Quốc. Nó không chỉ là biểu hiện của trí tuệ con người thời cổ xưa dùng thắt nút dây với vai trò thay thế cho chữ viết, mà còn chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật và thẩm mĩ.

Nghệ thuật thắt nút dây. (Ảnh: MegaFun)

Ý nghĩa của việc thắt nút dây trong văn hóa truyền thống của người Trung Hoa cổ đại.

Trong tiếng Hán, cách phát âm của hai chữ “绳-Shéng: Có nghĩa là dây và “神 shén: có nghĩa là ‘Thần; gần giống nhau. Thời kì đầu của giai đoạn hình thành văn hóa của người Trung Quốc cổ đại, người ta rất coi trọng sợi dây. Trước tiên nó biểu tượng cho mối liên hệ mật thiết, sau đó người ta coi sợi dây như giống với con rồng uốn lượn.

Người Trung Quốc coi mình là con cháu của rồng. Có lẽ vì vậy mà thời kì tiền sử, người cổ đại rất sùng bái sợi dây, họ dùng nó như một dạng kí tự thay cho chữ viết để ghi nhớ sự việc.

Mặt khác cách phát âm của 2 từ: 结- jié có nghĩa là nút và 吉:jí nghĩa là cát gần giống nhau. Thể hiện cho sức mạnh và sự hài hòa, cho những cảm xúc thân mật và gần gũi giữa con người. Đồng thời mang theo hàm ý cho mong muốn hưng vượng, bình an, tài lộc và an khang.

Thắt nút dây là loại hình nghệ thuật chứa đựng nét tinh hoa phong phú. (Ảnh: Youtube.com)

Khi chưa có chữ viết người Trung Hoa cổ đại sử dụng thắt nút dây như thế nào?

Theo như ghi chép lịch sử từ Thập tam kinh chú sớ có ghi lại:

“Thời thượng cổ kết nút thừng để trị an, thánh nhân đời sau thay bằng thư khế, bách quan dùng đó để trị an, nhân dân dùng đó để làm luật cứ đối chiếu, từ đó mà quyết định các việc.”

Như vậy thắt nút dây của người Trung Hoa cổ đại bắt nguồn từ thời cổ xưa, ở thời mà chưa có văn tự chữ viết, để ghi nhớ sự việc, người ta thắt nút khác nhau trên sợi dây cho dễ nhớ, việc lớn thắt nút lớn, việc nhỏ thì thắt nút nhỏ.

Trong cuốn ‘‘Chu Dịch chính nghĩa” dẫn thuyết do Ngô Trịnh Cửu gia dịch”:

“Thời cổ không có văn tự, khi có việc ước thệ, việc lớn thắt nút thừng lớn, việc nhỏ thắt nút thừng nhỏ, sô lượng tuỳ theo sự việc nhiều ít, nhất nhất đều dựa vào đó để làm bằng cứ, cũng đủ để trị an”.

Trong truyền thuyết lịch sử của người Hy Lạp có đoạn: vua Ba Tư Darius đệ nhất khi thân chinh đánh Scythia đã nhờ người Ionia bảo vệ cầu và dùng thừng trên có thắt nút để tính thời gian. Ông đưa sợi thừng trên có 60 nút thắt cho người Ionia và dặn: “Hãy giữ sợi thừng này. Sau khi ta bắt đầu rời Danube hành quân tới Scythia, mỗi ngày hãy tháo bỏ một nút thắt. Ở lại đây và bảo vệ cầu cho tới khi nút thắt cuối cùng được tháo bỏ. Nếu tới thời điểm đó ta không trở về, phá cầu và chèo thuyền về.” Như vậy việc dùng thắt nút dây để biểu thị cho số đếm, phản ánh về số lượng và thời điểm là cách sử dụng của người tiền cổ.

Các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử đã tìm thấy trong các đồ hình vẽ lưới cổ do người nguyên thuỷ để lại, in trên các loại bình nước và các dụng cụ chế tác biểu thị việc kết lưới đánh cá thời cổ và đưa ra kết luận rằng con người thượng cổ sử dụng việc thắt nút dây ghi nhớ sự việc như một dạng văn tự của họ.

(Ảnh: Wikimedia.org)

Thắt nút dây trở thành một loại hình nghệ thuật.

Từ việc thắt nút dây để ghi nhớ sự việc khi chưa có chữ viết, sau đó con người tiếp tục trải qua hành trình phát triển cùng lịch sử, sáng tạo ra chữ viết. Có văn tự để sử dụng thay vì thắt nút dây. Lúc này người tiền sử đã dùng việc thắt nút dây làm khuy cài áo trên trang phục. Họ lấy xương thú làm kim. Dần dần sự sáng tạo từ đồ dùng thực dụng thuần túy như: kiệu, rèm, móc màn…trở thành đồ trang trí rồi sau người ta dùng nó làm biểu tượng cho điềm lành vào những ngày tết, hay những việc hỉ sự trọng đại.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dần dần việc thắt nút dây không đơn thuần như mục đích ban đầu. Nó được hoàn thiện và mang theo vẻ đẹp độc đáo.

Đến nhà Thanh, nút dây đã phát triển đến một mức độ rất cao, kiểu loại và chức năng phong phú đa dạng, làm cho nút dây từ đồ trang trí nâng cấp thành đồ mĩ nghệ.

Nguyên liệu chính dùng trong thắt nút dây của người Trung Quốc là các loại dây gồm lụa, bông, gai, ni lông, sợi pha trộn, v.v.. Đặc điểm lớn nhất của thắt nút dây là từ đầu đến cuối đều được thực hiện trên một sợi dây, cách thắt nút dây phải tuân theo quy luật riêng tùy theo hình dạng và ngụ ý sử dụng nó.

Người Trung Hoa cổ xưa chuộng ngọc, những đồ vật thanh nhã như ngọc bích thường đi kèm với một chuỗi dây được bện tết rất đẹp, sự phối hợp màu sắc để tôn lên vẻ đẹp của miếng ngọc, khiến miếng ngọc trở nên tươi sáng lộng lẫy hơn.

Họ thường sử dụng những sợi dây cùng với sự kết hợp màu sắc hài hòa để làm nổi bật lên đồ vật cần trang trí và toát lên được ngụ ý thâm sâu của mỗi món đồ.

(Ảnh: Youtube.com)

Thắt nút dây của người Trung Hoa không chỉ là thể hiện trí tuệ của người tiền cổ, mà nó là một loại hình nghệ thuật mang tính biểu cảm rất lớn. Do vậy mà mỗi dịp Xuân mới về, hay những sự kiện hỉ sự trọng đại, người Trung Quốc luôn treo trong nhà những mảnh dây được bện tết rất đẹp và trang nhã dùng để trang trí hay làm quà tặng cho người thân bạn bè. Những hình dạng tinh xảo thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và ý tứ thâm sâu của người làm nó là thước đo cho hàm ý cầu mong bình an và tốt lành ẩn chứa bên trong.

Tịnh Tâm