Thời Đường là thời đại văn hóa, nghệ thuật, xã hội phát triển tột đỉnh. Trong hội họa ngoài các đề tài sơn thủy, hoa điểu, nhân vật, hội họa bắt đầu chú tâm vào các đề tài chuyên biệt và cụ thể hơn. Trong đó chủ đề vẽ về ngựa là một chủ đề rất được ưa chuộng và thịnh hành thời đó. Thế nhưng những bức họa về ngựa lại không nhiều bởi vì người vẽ được ngựa rất hiếm. Thời đó Hàn Cán là một họa sĩ vẽ ngựa thành công mà trước đó thì có Tào Bá là một họa sĩ bậc thầy trong họa mã và cũng là sư phụ của Hán Cán.

Hàn Cán (706-783) là một họa sĩ Trung Quốc dưới thời nhà Đường. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo ở Lam Điền – Thiểm Tây.

Lúc còn trẻ, tài năng của Hàn Cán được Vương Duy, một nhà thơ nổi tiếng đường thời, nhận ra và chính Vương Duy đã hỗ trợ ông trong việc rèn luyện tài nghệ. Sau quá trình học tập và khổ luyện, Hàn Cán vào cung và trở thành nhà họa sĩ cung đình của nhà Đường.

Hàn Cán là tác giả của nhiều bức tranh chân dung và các bức tranh về đề tài Phật giáo; tuy nhiên ông được biết tới nhiều nhất bởi các họa phẩm về ngựa. Các bức tranh về ngựa của ông không chỉ miêu tả được hình thể của ngựa mà còn thể hiện thành công cái “thần” của nó. Hàn Cán thành công trong đề tài này tới mức mà các họa sĩ thế hệ sau này khi vẽ về ngựa đều phải nghiên cứu và tham khảo các bức tranh của ông.

Hàn Cán và bức “Mục mã đồ” (Ảnh: Wikipedia.org)

Bút pháp nghệ thuật trong nét họa mã của Hàn Cán

Hàn Cán là một họa sĩ với khả năng vẽ tranh về ngựa rất giỏi. Ngựa mà ông vẽ mang theo thần thế uy phong, nó không đơn thuần là tranh vẽ ngựa mà hơn hết nó thể hiện ra đặc tính, tính cách cũng như cái hồn của con ngựa.
Trong quá trình tự bồi dưỡng kĩ năng vẽ của mình. Ông đã miệt mài suốt nhiều giờ trong chuồng ngựa. Nhiều người lấy làm kì lạ. Nhưng thực chất ông ở trong đó để ngắm ngựa, để tìm hiểu từng động tác, từng thói quen hay những biểu hiện của ngựa. Sự quan sát tỉ mỉ chi tiết ấy, đã giúp ông khắc họa rất thành công thần thái của một chú ngựa từ những chi tiết vô cùng nhỏ.

Đường Huyền Tông là một vị vua rất thích sưu tầm ngựa, ông có rất nhiều ngựa tốt. Khi được nhà vua yêu cầu vẽ ngựa. Hàn Cán đã vẽ theo yếu chỉ của vua. Người ta vẫn nói, vẽ ngựa là vẽ theo ý của vua, nhưng họa được cốt cách của ngựa lại là ý của họa sĩ.

Đường Huyền Tông ngỡ ngàng trước những họa của Hàn Cán, nên đã hỏi ông: Tại sao khanh lại có thể vẽ được ngựa thần tình như vậy?. Hàn Cán trả lời rằng ông không học ở đâu cả, mà chính những chú ngựa trong chuồng của hoàng đế là những người thầy của ông.

Điều này minh chứng cho việc ông đã rất nhọc công trong việc quan sát và khắc họa tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ của ngựa mà thể hiện nó sống động nhất trong bức tranh của mình.

Tô Thức đã từng viết như sau:

‘‘ Cán duy họa nhục bất họa cốt
Nhi huống thất thực không dư bì…
Quân bất kiến Hàn sinh tự ngôn vô sở học
Cứu mã vạn thất giai ngôn sư’’

Đại ý: Hàn Cán vẽ thịt mà không vẽ xương, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là vẽ da ngựa. Và ý: Hàn tiên sinh không học ai cả, chuồng ngựa vạn con đều là thầy tôi.

Bản thân Tô Thức cũng là một họa gia nổi tiếng, ông đang nhìn ngắm và bình phẩm tranh của Hàn Cán dưới góc độ của một họa gia, nên lời ông đưa ra quả thực rất sâu sắc và thần tình.

Đây là lời khen mà Tô Thức dành cho Hàn Cán, chỉ với nét họa mềm mại uyển chuyển, nét họa có phần mỏng nhưng lại không yểu điệu. Nét họa mềm mà lại người xem lại như thấy được từng bộ phận cơ thể của ngựa, thấy được sức sống mãnh liệt của lục phủ ngũ tạng. Tuy chỉ là vẽ da mà không vẽ xương, nhưng người ta lại thấy được thần thái và sức mạnh của con ngựa.

Hàn Cán mang theo triết lí, không chú trọng vẽ những chi tiết quá nhỏ như sợi lông, không mô tả từng cơ bắp, từng xương khớp, không vẽ tất cả mọi thứ để bức họa trở nên trống rỗng. Bức họa như một tấm da ngựa trải ra trước mắt nhưng lại có thể tung vó bất kì lúc nào mà phi thẳng ra ngoài bức tranh mà ông đặt nó vào.

Hàn Cán và những giá trị nghệ thuật để đời

Bức họa được coi là nổi tiếng nhất của Hàn Cán là bức: Chiếu dạ bạch đồ. Bức vẽ về con ngựa chiến quý giá của Đường Huyền Tông. Bức họa là tranh cuốn giấy bản, dạng trang thủy mặc, cao 30.8 cm rộng 33.5 cm.

Người xem khi chiêm ngưỡng bức họa này đều nhận định rằng, bức họa dường như không phải là vẽ ngựa chiến. Bởi ông không vẽ những sức mạnh từ gân cốt, cử động cương mãnh của con vật. Nhưng lại dễ dàng nhận thấy được thần thái và hồn cốt mà chú chiến mã này được khắc họa dưới cây bút của Hàn Cán.

Họa sĩ không dụng bút để tập trung miêu tả từng đường nét tỉ mỉ trên thân thể con người như gân cốt, cơ bắp… nhưng ông lại có thể lột tả được vẻ đẹp và sức mạnh cũng như uy phong của ngựa qua đôi mắt của nó. Con ngựa đang bị buộc lại, không tung vó, hất bờm, cổ vươn lên ngạo nghễ.

Người ta liên tưởng như chú ngựa này đang đứng ở thảo nguyên mênh mông bao la hay trên chiến trường hùng tráng. Nhưng đôi mắt của nó lại chứa đựng một sức mạnh phi thường, dũng mãnh và can trường. Đâu đó trong đôi mắt ấy lại chứa đựng cả một sự khao khát được tự do tung vó giữa đất trời.

Trong bức họa này, nét vẽ của tác giả rất mỏng nhẹ nhưng tròn trịa. Cái tài của Hàn Cán chính là ông vẽ nó mà người xem tranh có thể mường tượng ra như thể cái dây buộc kia chỉ cần tháo là con ngựa sẽ cất vó với tiếng hí dũng mãnh vô song. Quả là một chú chiến mã sung sức cho lâm trận.

Con ngựa tuy mang dáng vẻ gọn gàng nhưng sức lực lại bền bỉ và mạnh mẽ. Đây như lời họa mà tác giả dành tặng cho hoàng đế Đường Huyền Tông khi miêu tả chú ngựa như thể để ca ngợi cho uy phong và sức mạnh tiềm tàng của nhà vua.

Chiếu Dạ có màu lông trắng sáng như thể nó có thể xé tan màn đêm bằng bộ lông của mình. Ông cũng mô tả sức mạnh của nó khi vẽ nó có bộ hàm khỏe, ngực chắc, bợm dựng lên tua tủa, mũi hất lên, bốn vó chắc chắn khinh khoát, đôi mắt sáng ngời.

Bức Chiếu dạ bạch đồ (Ảnh: Baidu.com)

Một bức họa về ngựa không thể không nhắc tới đó là Mục mã đồ, thiết mầu. Cao 27.5 cm, rộng 34.1 cm.

Bức họa vẽ về một người đàn ông để râu đĩnh đạc cưỡi trên lưng một con ngựa trắng đồng thời đang cầm dây ghìm giữ một con ngựa ô. Hai con ngựa này đều mang theo sức mạnh và sự sống mãnh liệt.

Ở bức họa này người ta thường nói rằng, đây không chỉ là vẽ mã mà còn là ngụ ý ca ngợi cho sự sung túc giàu có của thời nhà Đường mà được Hàn Cán ngụ ý trong bức tranh.

Ngoài ra ông còn có những bức họa mà ở đó tài năng của ông được người xem trầm trồ thán phục như: thần tuấn đồ, hồ nhân hiện mã đồ

Mục mã đồ (Ảnh: Baidu.com)
(Ảnh: Baidu.com)
(Ảnh: Baidu.com)

Cách vẽ ngựa mà không chú trọng thể hiện vào từng chi tiết như cơ bắp hay khớp xương và cử động mà dựa vào sự ẩn giấu sức mạnh bên trong của hình thể. Dưới làn da đầy sức sống và ánh mắt mà Hàn Cán thể hiện trong bức họa của mình thể hiện lên thần thái và hồn khí của con ngựa. Thủ pháp nghệ thuật này không phải ai cũng có thể làm được.

Tịnh Tâm