Chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả tiểu thuyết “Nước mắt của những vì sao”, tiểu thuyết giả tưởng mang khuynh hướng thần thoại của tác giả Nam Minh, được đăng đều đặn vào thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần. Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.

>> Tiểu thuyết ‘Nước mắt của những vì sao’ (chương 15): Nhập môn Võ Trung Đường

Chương 16: Hồi ức về cố hương

Làng Mưa là một ngôi làng nằm ở phía nam của thành Thiên Nam. Người dân gọi là làng Mưa bởi vì nơi đây là trung tâm của những cơn mưa đặc biệt lớn, khi trời đổ mưa, nước trút xuống như thể một dòng sông chảy từ trên trời xuống vậy.

Một con đường lát đá gồ ghề, hai bên đường hoa cỏ may thi nhau mọc. Trừ những ngày lễ hội, mùa gặt hái, và những lúc bọn trẻ đánh gia súc ra bãi chăn thả vào buổi sáng rồi từ bãi về lúc chiều tối, trên con đường đó hàng ngày vẫn vắng bóng người qua lại. Người dân làng Mưa hài lòng với thế giới nhỏ bé của mình. Hầu như không có mấy người có ý định bước ra khỏi làng. Họ rất thích nghe những câu chuyện ở nơi khác, nhưng chẳng bao giờ có ý nghĩ rằng nơi đó mình có thể đến được mà chứng kiến tận mắt những câu chuyện của những người qua đường kể lại.

(Ảnh: Báo du lịch Việt Nam)

Nơi vui vẻ nhất sôi nổi nhất ở miền quê thanh bình này có lẽ là đồng cỏ, nơi ấy bọn trẻ tụ tập lại tổ chức những trò chơi hết sức vui nhộn. Đó là một bãi đất bằng phẳng và rộng lớn, lác đác đâu đó những mô đất thấp. Theo người già trong làng kể lại thì những mô đất ấy là những nấm mồ của người xưa, thời ông bà họ còn sống cũng không biết được nó đã nằm đấy tự bao giờ. Đó là dấu tích cuối cùng của những con người đã từng sống, từng làm đất trồng trọt, từng uống nước sông Bạc gần đó, từng yêu thương nhau, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái,… để rồi cuối cùng là trở về cái thế giới vĩnh hằng và bí ẩn, thế giới của sự lãng quên.

Những nấm mồ ấy, lúc đầu bọn trẻ cũng hơi sợ, chăn trâu chăn bò thường tránh xa độ vài bước chân. Nhưng khi trên bãi cỏ ầm ĩ tiếng nô đùa nghịch ngợm thì những mẩu chuyện ma quái gắn liền với những nấm mộ ấy chẳng còn gây ra sự sợ hãi nữa, thậm chí khi chơi đuổi bắt hay đánh nhau, trong lúc vội vã bọn chúng còn nhảy qua các nấm mồ nằm riêng lẻ, chẳng biết kiêng kị như lời người lớn đã cảnh báo trong những câu chuyện khủng khiếp. Dần dần những nấm mồ kia đi vào tuổi thơ của chúng một cách tự nhiên và gần gũi. Tuy nhiên có một ngôi mộ đá nằm ở gốc cây đa thì không một ai dám bén mảng tới gần. Bởi câu chuyện về ngôi mộ ấy thực sự khiến cho người nghe phải rợn người.

Câu chuyện kể rằng: Ngày xưa, đã lâu lắm, đến nỗi những cụ già nhất làng cũng không biết được câu chuyện này xảy ra vào thời nào, có một vài người tham của, định đào ngôi mộ cổ lên hi vọng có thể tìm thấy vàng bạc trong đó nhưng vừa giáng nhát búa đầu tiên thì một cơn gió đen từ đâu thổi tới quật ngã họ, biến họ thành những kẻ tàn phế và bị ám ảnh nặng nề. Những người này sợ hãi kể rằng trong cơn gió đen, họ nhìn thấy một con ma nữ mình đầy máu, xung quanh con ma nữ ấy là hàng ngàn bộ xương người cùng hàng ngàn tiếng la hét và tiếng binh khí chạm vào nhau của một đạo âm binh rất hùng hậu. Những người này bị ám ảnh đến nỗi mỗi khi họ thấy bất kì người phụ nữ nào mặc áo trắng hoặc áo đỏ, họ đều như bị phát điên, quỳ lạy và xin tha thứ rối rít. Số phận của những người này về sau rất bi thảm, tất cả bọn họ đều tự sát vì không thể chịu nổi ám ảnh khủng khiếp đó.

Ở trên ngôi mộ vẫn còn lưu lại một số dấu vết của những nhát chém. Có lẽ điều đó làm tăng thêm sự chân thực của câu chuyện và qua thời gian, ngôi mộ vẫn được bảo vệ bởi nỗi khiếp sợ vô hình của dân làng.

(Ảnh minh họa: webdulichhue.com)

Đồng cỏ cũng là nơi đầu tiên nhìn thấy những điều đặc biệt xảy ra đối với làng Mưa thanh bình yên ả. Những đứa trẻ ở đồng cỏ đặc biệt nhạy cảm với những cái mới từ thế giới bên ngoài, những người từ nơi khác tới mang theo cả kho tàng những chuyện lạ làm thỏa mãn trí tò mò của bọn chúng.

Cách đám trẻ không xa, Thanh Trúc ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi. Những gì trải ra trước mắt chàng tạo cho chàng một cảm giác thân quen mơ hồ. Ánh mắt của chàng hiện lên vẻ phức tạp nhìn những cảnh vật trải ra trước mắt.

Đồng cỏ này thật không dễ quên được. Hồi bé chàng đã từng nhìn những đứa trẻ chăn bò nơi đây nô đùa mà khao khát được hòa mình với bọn chúng. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã gần hai mười năm trôi qua rồi.

So với ngày ấy, làng Mưa hôm nay không khác đi bao nhiêu, mùa xuân của đất trời vòng đi vòng lại năm này qua năm khác và vẽ lên khung cảnh những sắc màu giống nhau. Chỉ có con người là thay đổi, khi dời làng ra đi, Thanh Trúc mới chỉ là một cậu bé lên sáu, nhìn cái gì cũng thấy lạ lẫm và sợ hãi, còn bây giờ, chàng đã là chàng trai hai mươi ba tuổi, bình thản trước mọi sóng gió cuộc đời.

Tuy vậy, ký ức của chàng về làng Mưa cũng không nhiều lắm, chỉ như một câu chuyện cổ tích mờ sương. Chỉ có hình ảnh duy nhất được rõ ràng, đó là hình ảnh người mẹ với vẻ đượm buồn, cô đơn trong một ngôi nhà nhỏ. Chàng vẫn đeo tấm ngọc bội, kỷ vật duy nhất mà mẹ chàng còn lưu lại, là mối liên hệ duy nhất của chàng với mẹ.

Và tình yêu thương của người mẹ bất hạnh dành cho chàng lại không ngừng như con sóng từ hồi ức trỗi dậy khiến lòng chàng không khỏi chùng xuống.

Là một người trải qua nhiều năm tu Đạo, tâm Thanh Trúc lúc nào cũng bình lặng. Nhưng lúc này , đối diện với chàng không chỉ là tấm ngọc bội, mà là cảnh cũ người xưa. Ngôi làng này là quê hương của chàng, là nơi người mẹ bạc mệnh của chàng đã yên nghỉ.

Thanh Trúc nhắm mắt lại để tâm hồn tĩnh lại, nhưng âm vang từ quá khứ như con sóng mãnh liệt trùng kích lên suy nghĩ khiến chàng không thể loại bỏ sự bi thương của kiếp người ra khỏi đầu.

Chàng mở mắt, thở dài một hơi:

– Xem ra, ta phải trở về quá khứ một chuyến vậy!

(Ảnh minh họa: vantho.net)

Thanh Trúc bước đến khu nghĩa địa của làng, nơi yên nghỉ của hàng ngàn người dân làng Mưa sau khi qua đời. Nhưng tìm khắp một lượt chàng cũng không thể tìm thấy ngôi mộ nào có tên của mẹ chàng. Để tránh phiền phức, chàng hóa trang thành một tán sĩ và tìm đến một quán trà, nơi dễ dàng tiếp cận được các nguồn thông tin.

Chàng gọi một cốc trà, ngồi lắng nghe những câu chuyện của các khách nhân ngồi xung quanh để biết đại khái tình hình xảy ra ở vùng Thiên Nam gần đây. Với một người đã tu luyện nhiều năm như chàng, các giác quan đã trở lên cực kỳ tinh nhạy, thậm chí có người cách đó mấy chục trượng thì thầm với nhau thì chàng cũng nghe rõ như đang ở bên cạnh vậy.

Trong số những thông tin nghe được, Thanh Trúc có nghe tới một tin ít nhiều có liên quan đến Tử Linh. Đó là việc quan quân khâm sai của triều đình bị một nhóm sát thủ tấn công, diệt hết, nhưng trong số những người chết không tìm thấy xác quan khâm sai đâu. Bây giờ vùng Thiên Nam đang náo loạn đi tìm cho ra vị quan khâm sai này, nghe nói rằng vị quan khâm sai này tuy còn trẻ nhưng là một nhân vật cực kỳ quan trọng của triều đình, nếu tìm không ra, quan quân và người dân vùng Thiên Nam sẽ chịu liên lụy lớn. Hiện nay thành chủ Thiên Nam đang treo thưởng rất lớn cho ai tìm ra được vị quan khâm sai này. Tuy nhiên, có một việc kỳ lạ là thông thường để truy tìm một ai đó thì thường họa lại chân dung người đó và dán cáo thị khắp nơi, nhưng trong trường hợp của quan khâm sai này thì chỉ có cáo thị mà không có họa hình. Thành ra khiến khắp nơi bàn tán xem vị quan khâm sai này là nam hay nữ, già hay trẻ.

Thanh Trúc nghĩ về Tử Linh và cái đêm nàng cùng đoàn quân hộ tống bị phục kích. Tuy cũng suy đoán rằng nàng có thân phận không đơn giản, nhưng với việc gây ra náo loạn lớn như vậy thì có vẻ suy đoán của Thanh Trúc vẫn còn đánh giá hơi thấp thân phận của nàng.

Thanh Trúc cũng cảm thấy Tử Linh không phải là một người thiếu nữ xinh đẹp và yếu đuối như vẻ ngoài của nàng. Mà là người có nhiều tâm cơ. Nàng trở về vùng Thiên Nam với danh nghĩa là quan khâm sai đã chứng tỏ trí tuệ của nàng không tầm thường rồi. Việc nàng không xuất đầu lộ diện đến gặp thành chủ thành Thiên Nam cũng như việc không trở về đô thành Mặt Trời ngay mà thay tên đổi phận, ẩn mình trong giang hồ, chứng tỏ rằng nàng là một người làm việc cực kỳ cẩn thận. Trong thời gian hai người ở cùng nhau, Tử Linh luôn là người kín kẽ, không tiết lộ điều gì về bản thân cho chàng. Khi chàng dạy võ, nàng học với một sự quyết tâm vô cùng. Tử Linh có thể làm được những điều mà người phụ nữ bình thường không thể làm được.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Đang trầm ngâm suy nghĩ, chợt có tiếng của vị chủ quán:

– Vị huynh đài này từ đâu đến vậy? Hình như đây là lần đầu tiên ta nhìn thấy?

Thanh Trúc nhìn người chủ quán trong giây lát, rồi bình thản trả lời:

– Tại hạ đích xác là người từ nơi khác đến tìm một người họ hàng xa.

– Vậy à? Không biết huynh đài đã tìm ra người đó chưa? Ta tuy giao thiệp không rộng lắm, nhưng tình hình của dân chúng quanh vùng này cũng biết được đại khái, hi vọng có thể giúp được huynh đài!

Dĩ nhiên, một cơ hội để biết thông tin như vậy thì Thanh Trúc cũng bỏ lỡ, sau một lúc trầm ngâm chàng chầm chậm nói:

– Nhưng người ta tìm lại không phải là người sống!

Vị chủ quán có chút giật mình nhưng vẻ mặt nhanh chóng bình thản.

– Thì ra huynh đài trở lại đây để thăm cố nhân, tại hạ thất lễ rồi!

Vị chủ quán chắp tay tỏ vẻ hối lỗi. Thanh Trúc không để ý đến hành động của người chủ quán, chàng uống một hớp trà rồi bình thản hỏi:

– Không biết chưởng lão gia đã sống ở đây bao năm rồi? Có phải là người làng Mưa?

Vị chủ quán gật đầu:

– Tại hạ đúng là người làng Mưa.

Thanh Trúc trầm ngâm trong giây lát rồi nói:

– Vậy ngài có biết một người phụ nữ tên là Vũ Nương, đã mất cách đây đại khái khoảng mười bảy, mười tám năm trước không?

– Vũ Nương ư?

Lời của Thanh Trúc khiến vị chủ quán chấn động, không ngừng liếc qua người thanh niên trước mặt mình để tìm kiếm một điều gì đó. Vẻ mặt Thanh Trúc vẫn bình thản, không có biểu hiện gì.

– Tại hạ trông huynh đài cũng có phần giống với vị giai nhân đó, là thân nhân chắc hẳn không sai. Về việc của vị Vũ Nương đó thì tại hạ cũng có biết một chút, thật đáng tiếc nàng ấy ra đi quá sớm! Nhưng chuyện đó xảy ra quá lâu rồi, sau bao năm không ngờ lại có người nhắc lại.

Thanh Trúc uống tiếp một ngụm trà, im lặng chờ đợi. Vị chủ quán sau một lúc trầm ngâm, ngẫm câu chuyện của mình nếu kể ra cũng không động chạm với ai liền thành thật kể:

– Nghe nói vị Vũ Nương đó trước khi đến vùng này chính là tiểu thư trong gia đình đại quyền quý trong thành Thiên Nam. Do tình yêu với một kiếm sĩ giang hồ nhưng không được gia đình chấp thuận mà phải trốn đến nơi đây. Nhưng tay kiếm sĩ này cũng thật là tệ, đến khi vị tiểu thư lá ngọc cành vàng kia sinh hạ cho hắn một đứa bé thì hắn lại đột nhiên biến mất tăm tích để lại nàng cùng đứa con. Vì vị tiểu thư này là giai nhân tuyệt sắc, vẻ ngoài quý phái phi thường, nên dù nàng đã trải qua một đời chồng cũng rất nhiều nam nhân quyền quý đến cầu hôn. Nhưng hết thảy nàng đều cự tuyệt, vẫn một lòng chờ đợi kẻ kiếm sĩ kia đến tàn úa mà chết. Thương tiếc cho người phụ nữ chung thủy mà bất hạnh, dân làng đã để nàng yên nghỉ trên một quả dồi u tĩnh nhìn ra dòng sông Bạc, hy vọng nàng có được cuộc sống bình yên, thanh thản ở thế giới bên kia.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Thanh Trúc nghe nói vậy, hai mí mắt không khỏi giật giật, bàn tay đã nắm lại lúc nào không biết. Chén trà trên tay chàng bị bóp vỡ, nổ tan trên tay. Người chủ quán giật mình, đôi mắt nheo lại, những vị khách gần đó cũng nhìn về phía hai người, ánh mắt dò xét. Dù vậy, bề ngoài Thanh Trúc vẫn tỏ ra bình thản như đang nghe một câu chuyện xa lạ.

– À không có gì, không có gì, tại cái chén cũ quá đấy mà! Để ta đổi cho quý khách một cái chén khác!

Viên chủ quán chắp tay xin lỗi rối rít rồi đi vào bên trong lấy ra một cái chén khác. Nhưng khi trở ra, vị trí thanh niên vừa nãy ngồi chỉ còn chiếc cái ghế trống và một đĩnh bạc trên bàn.

Nam Minh