Chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả tiểu thuyết “Nước mắt của những vì sao”, tiểu thuyết giả tưởng mang khuynh hướng thần thoại của tác giả Nam Minh, được đăng đều đặn vào thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần. Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.

>> Tiểu thuyết ‘Nước mắt của những vì sao’ (chương 10): Chàng ngốc trò chuyện cùng hoa lá, lời nguyền bí hiểm mãi chẳng buông

Chương 11: Võ Trung Đường thí luyện nhập môn, người khắp nơi đổ về như hội

Ở đại quốc Kim Mã, một cá nhân có thể thành đạt bằng hai con đường: văn hoặc võ. Văn ôn võ luyện, không điều gì là dễ dàng, tuy nhiên đại quốc Kim Mã là đại quốc của các chiến binh nên võ học có phần nổi trội hơn.

Vùng Thiên Nam cũng như nhiều nơi khác trên đại quốc, trẻ em được cha mẹ định hướng cho theo học võ đạo ngay từ thuở bé để sau này có thể bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình và nếu là một tài năng thì sẽ dấn thân vào con đường thi đấu trong các Đại Hội Võ Thuật, trở thành một đại nhân vật có danh vọng, tiền bạc, rạng rỡ tổ tông…

(Ảnh: tripadvisor.com)

Nhưng võ học là con đường thập phần chông gai, trong đám nhi đồng không phải ai cũng có tố chất học võ. Muốn phát huy hết năng lực bản thân thì không những phải có thiên phú võ thuật, được sự dạy bảo bởi người sư phụ giỏi mà còn cần một thái độ vô cùng kiên định.

Thông thường những kẻ theo con đường võ học đều chỉ được coi là những “tán sĩ”, đó là những kẻ mua một vài môn công pháp phổ thông về tự học lấy hoặc xin theo học một thầy dạy nào đó một thời gian. Những người này rất ít kẻ học đến nơi đến chốn, thật khó có thể thành danh.

Muốn thành công trên con đường võ học thì phải gia nhập các môn phái võ học, nơi có những vị sư phụ giỏi cùng với các bí kíp võ công trác tuyệt.

Những môn phái võ thuật để tồn tại được đều có những thiên tài võ học tọa trấn, luôn chăm chút cho đám đệ tử của mình để sản sinh ra các thiên tài võ học, giúp thế lực môn phái ngày càng lớn mạnh. Cũng vì vậy những người trở thành môn sinh trong môn phái được hưởng lợi rất lớn, nhất là những đệ tử chân truyền, những người được các vị trưởng bối coi là người gánh vác tương lai của môn phái, được rèn luyện cực kỳ chu đáo, quyền lợi và quyền lực đều lớn hơn các đệ tử khác.

Nhưng gia nhập các môn phái võ học là điều vô cùng khó bởi các môn phái là nơi con người đề thăng thực lực chứ không phải là nơi chứa những kẻ bất tài. Thông thường những tán sĩ hay những võ sinh con nhà nghèo may mắn thì chỉ có thể vào được các môn phái nhỏ. Còn những đại tông môn thường có những cuộc thi vô cùng khắc nghiệt để kén chọn võ sinh.

Võ Trung Đường là một trong số những môn phái nổi danh nhất ở vùng Thiên Nam, cũng là thế giới mơ ước của nhiều đấng nam nhi muốn tìm kiếm danh phận trên con đường võ học thành tài. Trong những cuộc khảo thí cực kỳ khốc liệt, chỉ một phần trăm trong số các võ sinh tham dự trở thành đệ tử. Cuộc khảo thí thường được tổ chức ba đến năm năm một lần, mỗi lần chọn ra hai mươi đệ tử, năm đệ tử nội môn và mười lăm đệ tử ngoại môn.

(Ảnh: tinhhoa.net)

Võ Trung Đường cũng như nhiều môn phái khác, đệ tử được chia làm ba loại: đệ tử ngoại môn, đệ tử nội môn và đệ tử chân truyền.

Đệ tử nội môn là những kẻ chỉ chuyên tâm vào học võ, đề thăng thực lực bản thân và hầu như từ đây sản sinh ra các tài năng võ học, trở thành chân truyền đệ tử. Đệ tử ngoại môn là những đệ tử ngoài việc rèn võ, còn phải lao động để duy trì môn phái. Tuy vậy, với tuyệt đại đa số võ sinh, vào được đệ tử ngoại môn cũng là mãn nguyện, có thể tiêu diêu tự tại sống trong môn phái và được học các bí kíp võ công mà so với đám tán sĩ vẫn là một khoảng cách một trời một vực.

Hơn nữa là đệ tử ngoại môn cũng không hẳn số phận đã an bài, những đệ tử ngoại môn xuất chúng có thể trở thành đệ tử nội môn nếu thách đấu và thắng hai đệ tử nội môn trở lên trong một đợt thi thố do các trưởng lão môn phái đứng ra tổ chức. Nhưng số người từ đệ tử ngoại môn trở thành đệ tử nội môn là cực kỳ hiếm, bởi hầu hết những kẻ trở thành đệ tử ngoại môn tố chất cũng chỉ đến vậy, hơn nữa lại không được chuyên tâm tập luyện như đệ tử nội môn, thành ra võ công ngày càng thua xa, họa lắm mới có trường hợp đệ tử ngoại môn thắng được hai đệ tử nội môn trở nên, ở Võ Trung Đường trong vòng mười năm nay mới có một trường hợp đệ tử ngoại môn trở thành nội môn đệ tử thông qua hình thức tranh đấu này.

Cũng vì gia nhập vào một môn phái khó đến vậy mà những người võ sinh của Võ Trung Đường, cho dù chỉ là đệ tử ngoại môn thì cũng có thể tự hào khi bước ra ngoài đường. Tuy nhiên các môn phái đều rất hạn chế môn nhân của mình ra ngoài để tránh lộ công pháp võ học và đồng thời tránh gặp những chuyện không hay ảnh hưởng đến danh tiếng của môn phái. Mặt khác các môn phái cũng không muốn các thế lực khác biết được thực lực. Trên đời này không thiếu những tông môn một thời vang bóng nhưng nay chỉ còn là một môn phái nhỏ, thậm chí đã biến mất hoàn toàn, những môn công pháp đỉnh cao được truyền thừa trong vài đệ tử chân truyền, nhưng sau vài đời không chừng bị thất lạc, lưu hành chốn nhân gian.

Nhưng đó là chuyện thịnh suy trăm năm, hiện tại Võ Trung Đường có vài thiên tài võ học tọa trấn, dưới trướng lại có vài chục chân truyền đệ tử tư chất cực tốt, rất hi vọng sau này có thể nổi danh, trong vòng vài chục năm tới nếu không xảy ra sự biến kinh thiên thì không cần quan tâm đến sự tồn vong. Hơn nữa chuyện tồn vong cũng là một việc quá lớn, các môn nhân bình thường căn bản không can thiệp được.

(Ảnh: sohu.com)

Năm nay đúng là năm Võ Trung Đường mở hội thí luyện nhập môn. Cuộc khảo nghiệm lần này được tổ chức chủ yếu dựa vào đám ngoại môn đệ tử, còn đám nội môn đệ tử tuyệt đối không coi việc này vào mắt. Nhưng với những người dân quanh vùng, cuộc khảo nghiệm năm năm một lần này là một cơ hội lớn để những người con, đứa cháu mình có thể trở thành một võ sĩ tài năng làm rạng danh dòng họ. Vì thế gần đến ngày khảo nghiệm không khí khắp vùng trở nên náo nức dị thường

Tại chân núi Long Sơn, nơi Võ Trung Đường lấy làm địa phương của mình, khung cảnh lúc này thật náo nhiệt người đi qua đi lại.

Những người ở đây đa phần là thanh niên chừng mười tám, đôi mươi, độ tuổi đủ để theo đuổi một môn công pháp võ đạo nào đó, những người trên ba mươi lăm tuổi thì không có quyền tham gia thi khảo nghiệm bởi với Võ Trung Đường, những người này dù có trở thành đệ tử thì cũng sớm thành một gánh nặng.

– Các người đứng vào hàng ngay ngắn, từng người một tiến vào điểm danh, kẻ nào không nghe lời tước quyền ứng thí!

Một nam tử độ tuổi trung niên đứng trên bục cao dõng dạc hô to. Hắn tên là Trần Lâm, có vẻ rất có quyền uy trong đám ngoại môn đệ tử.

Những thí sinh nghe thấy vậy, ngay lập tức đứng vào hàng để lấy số báo danh, vẻ mặt ai cũng hiện ra những nét lo âu, bởi với nhiều người, cuộc thi này chẳng khác nào một cuộc vượt vũ môn để hóa rồng của lũ cá chép truyền thuyết.

Khi Thanh Trúc và Tử Linh đến chân dãy núi Lạc Vân Sơn thì đám người tham gia khảo thí đã ghi danh gần hết. Nhìn đám người nườm nượp ghi danh, Thanh Trúc quay sang nhìn Tử Linh, lúc này đã hóa trang thành nam giới.

(Ảnh: thienvanhanoi.org)

– Tử Linh, cô nương vẫn muốn tham gia thí luyện nhập môn chứ?

Tử Linh nhìn đám thanh niên ghi danh đông đến hàng trăm người, ánh mắt có chút lo âu, nhưng rồi nàng kiên quyết gật đầu:

– Thanh Trúc đại ca, muội muốn đề cao thực lực, chí ít thì cũng có thể tự bảo vệ được mình. Hơn nữa vẫn trong thời gian muội đi tuần thú, muốn tìm hiểu hơn đây một phen!

Thanh Trúc nhớ lại trận chiến hôm nào với đám sát thủ, hôm đó có vài trăm người liều chết để bảo vệ cô gái này, hẳn đó là đả kích không nhỏ. Bây giờ Thanh Trúc đã không còn vướng bận gì, ngoài việc đi theo bảo vệ cô gái chàng cũng không có ý định gì khác. 

– Vậy chúng ta đến báo danh thôi kẻo muộn!

Lúc này Tử Linh đã cải trang thành nam nhân nên không tạo ra sự chú ý, hai người nhanh chóng ghi danh vào nhóm thí sinh tham gia thí luyện.

Sau khi ghi danh kết thúc, đám thí sinh được di chuyển đến địa điểm thi đấu.

Nam Minh