Tài sắc chỉ là sự cuốn hút ban đầu, còn vẻ đẹp nội tâm mới là viên ngọc tỏa sáng rực rỡ nhất. Lý trí sáng tỏ cùng tấm lòng đạo đức thiện lương và hiếu nghĩa khiến trời xanh cảm động, Thần Phật an bài cho phần đời còn lại với sự hạnh phúc và đủ đầy. Tì Bà Ký là một vở hí kịch nổi tiếng thời kì Minh sơ, thế kỉ XIV của tác giả Cao Minh đã làm nổi bật thông điệp đó. 

Trong văn hóa thưởng thức nghệ thuật của người Trung Quốc cổ đại, hí kịch là một loại hình nghệ thuật gần gũi và mang theo nhiều bài học giáo huấn, đạo lí nhân sinh có tác dụng tích cực trong việc duy trì trạng thái đạo đức của xã hội con người thời đó.

Có những vở diễn đặt định nền tảng quy phạm đạo lí làm người. Một trong những vở diễn như thế là Tì Bà Ký. Một tác phẩm nghệ thuật sân khấu không chỉ là nơi diễn xuất mà hơn hết là sự tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của con người, đồng thời phê phán và lên án những thói hư tật xấu, những bại hoại trong tư tưởng của con người.

(Ảnh: Youtube.com)

Vở kịch thấm đượm tình nghĩa phu thê, đạo lý làm vợ, làm dâu của nàng Ngũ Nương

Nhà viết kịch Cao Minh viết vở Tì Bà Ký gây ra tiếng vang lớn trong xã hội thời đó. Vở kịch có nội dung về câu chuyện phu thê của Sái Ung và Triệu Ngũ Nương cuối thời Đông Hán.

Truyện kể rằng: Vào cuối đời Đông Hán, ở quận Trần Lưu có Sái Ung, tự Bá Giai, học rộng tài cao, thờ cha mẹ chí hiếu nhưng gia cảnh lại nghèo nàn, khốn khó.

Sái Ung có vợ là Triệu Ngũ Nương có tài sắc, lại giỏi ngón đàn tỳ bà. Vừa lấy vợ được hai tháng thì Sái Ung được quan bản quận tiến cử lên kinh đô Lạc Dương ứng thí.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh phí đi thi cũng chẳng có. Vợ chàng thắt lưng buộc bụng, tẩn tảo sớm hôm lấy tiền đưa cho chồng để lên đường vào kinh ứng thí. Ngày tiễn chồng lên kinh, người vợ trẻ đặt trọn niềm tin vào sự thành danh của chồng.

Về phía Sái Ung, nghĩ đến cha mẹ già, vợ mới, nhà nghèo, có ý không muốn đi. Nhưng cha ép, lại được ông láng giềng họ Trương giúp đỡ nên mới đành lòng đi thi.

Kỳ ấy, chàng đỗ Trạng nguyên, vua cho xem hoa, dự yến. Có vị thừa tướng họ Ngưu góa vợ chỉ có một tiểu thư, bèn ép gả cho Trạng. Trạng dâng biểu, xin từ hôn, từ quan. Nhưng chỉ dụ ban ra, bổ Trạng làm Nghị lang, lại nhất quyết ép hôn. Trạng phải chịu nhận, nhưng lòng vẫn không nguôi nhớ cha mẹ, nhớ người vợ tần tảo tào khang nơi quê nhà.

Năm đó nghe tin quê nhà mất mùa, đói kém, muốn nhắn về hỏi thăm tin nhà. Một gã lừa đảo bèn giả tiếng người vùng Trần Lưu, đem trình một thư giả. Trạng vui mừng viết phúc đáp cho gã đem đi, nhưng chỉ mất tiền vô ích. Trong lòng Trạng nóng như thiêu như đốt, muốn biết tin ở nhà khiến chàng bồn chồn đứng ngồi không yên. Thấy Trạng không vui, tiểu thư gạn hỏi dò la, Trạng đem câu chuyện về gia đình mình, về người vợ hiền thảo, tần tảo sớm hôm từng ngày ngóng đợi tin chồng. Tiểu thư thấu hiểu tình chồng bèn xin thừa tướng cho phép theo chồng về quê. Thừa tướng không muốn xa con, bàn bạc mãi, rồi sai gia nhân Lý Vượng về đón ông bà họ Sái cùng Triệu Ngũ Nương.

Về phần Ngũ Nương, từ khi chồng lên kinh ứng thí, Ngũ Nương dốc lòng phụng dưỡng bố mẹ chồng. Cảnh nhà túng bấn, nàng phải bán dần tư trang lo cơm nước nuôi nấng mẹ cha chồng.

Rồi vùng Trần Lưu ba năm liền mất mùa đói kém, quan sở tại phát chẩn. Nàng đem thân đi lĩnh chẩn, bị một viên Lý chánh họ Miêu cướp mất. May sao ông Trương láng giềng lĩnh được san cho một phần, nàng mới có gạo nấu cơm dâng cha mẹ chồng, riêng mình ăn cám dưới bếp. Tấm lòng thơm thảo của con dâu khiến mẹ chồng chua xót mà thương nàng gấp bội.

(Ảnh: Amefird.com)

Càng thương con dâu, bà càng buồn bã mong ngóng tin con trai. Rồi khổ bệnh mà qua đời. Bố chồng cảm thương, cũng sinh bệnh nặng, trước lúc từ trần ông lạy tạ ơn nàng và cho chữ để nàng đi cải giá, nhưng nàng quyết thủ tiết đợi chồng. Lúc Sái ông mất, cửa nhà không còn gì, nàng phải cắt tóc đem bán lấy tiền tống táng cho cha mẹ chồng, nhưng không ai mua, may nhờ Trương công giúp mới chu toàn việc hiếu. Nết hiếu của nàng làm cảm động thần linh, Sơn thần sai âm binh đắp mộ giúp. Cũng theo lời Sơn thần báo mộng, nàng ăn mặc giả dạng đạo cô, mang đàn tỳ bà lên đường tới kinh thành Lạc Dương tìm chồng. Trước lúc đi, nàng còn vẽ hình bố mẹ chồng đem theo để tiện bề cúng vái. Khi Lý Vượng về tới Trần Lưu thì Triệu Ngũ Nương đã đi rồi, chỉ nhờ gặp Trương lão mà biết chuyện.

Triệu Ngũ Nương đến gần Lạc Dương, thấy một ngôi chùa đông người đang dự một đàn chay, bèn vào chùa. Nàng giở cây tỳ bà gảy khúc Hành hiếu. Rồi thấy sư trưởng đến thỉnh đàn, nàng bèn giở bức hình ra định khấn vái, bỗng nghe tiếng quân hầu dẹp đường, nàng vội lánh ra, bỏ quên bức hình. Vị quan vào chùa chính là Sái Ung. Thấy bức hoạ, chàng cho lính đem về phủ. Triệu Ngũ Nương trở lại chùa không tìm thấy bức hoạ, bèn dò la đến phủ quan, vừa gặp lúc Ngưu tiểu thư cần tuyển thị tỳ, nàng liền ứng mộ.

Tiểu thư hỏi tên chồng, nàng thưa là Tế Bạch Bài (tức là Sái Bá Giai nói chệch đi), lại kể một đoạn đời sầu thảm của mình. Ướm thấy tiểu thư là người cũng khá, nàng bèn nói tên thật. Tiểu thư vừa thương vừa kính, vội nhường làm đích thất, xin nàng ngồi lên để lạy tạ công hiếu phụng thay cả phần mình.

Lại thấy nàng ăn mặc lam lũ, nét mặt âu sầu, sợ ông chồng do hổ thẹn mà sinh lòng phụ bạc, bèn mời nàng vào thư quán, đề thơ giãi tình cho chàng cảm động. Nàng vào, thấy bức hoạ của mình treo đó, bèn đề một bài thơ xưng tụng những người hiếu tử nghĩa phu, chê trách những kẻ phụ bạc. Quan trạng đi chầu về, ngắm bức hoạ, nhận đúng cha mẹ mình. Rồi vợ chồng gặp nhau, hỏi han than khóc. Ba vợ chồng lại vào xin thừa tướng cho về Trần Lưu chịu tang. Họ lập lều cỏ ở bên mộ Sái ông Sái bà suốt ba năm, hiếu tâm cảm động đến trời. Trong lúc ấy ở kinh, thừa tướng xin vua phong tước cho cả nhà họ Sái, khởi phục cho Sái Ung vào kinh nhậm chức, lại không quên cho tiền bạc để họ Sái trả nghĩa họ Trương. Từ ấy chồng vợ xum họp vui vầy, phúc lộc toàn vẹn, tiếng thơm truyền mãi.

Vở kịch là sự tôn vinh giá trị nhân phẩm đạo đức làm người

Ngay khi được biểu diễn ra công chúng, vở kịch đã nhận được sự thu hút và có được rất nhiều lời tán dương.
Trước tiên vở diễn coi trọng tình nghĩa phu thê, vợ chồng vì yêu thương, hi sinh mà gắn kết tơ hồng. Người vợ được khắc họa là sự tảo tần chịu thương chịu khó, tiết kiệm dè xẻn mà dành dụm để lo lộ phí cho chồng lên kinh ứng thí. Rồi ngợi ca tấm lòng thơm thảo của một người con dâu trọn vẹn đạo hiếu. Hay sự chung thủy sắc son một lòng phò chồng mà giữ gìn tiết hạnh. Phải chăng đây chính là một hình ảnh đẹp và cao thượng của phụ nữ mang trong mình đầy đủ đức hạnh và phẩm giá cao quý. Tài sắc chỉ là sự cuốn hút ban đầu, nhưng vẻ đẹp nội tâm chính là viên ngọc tỏa sáng rực rỡ nhất. Chính tâm tri sáng tỏ ấy với tấm lòng đạo đức thiện lương khiến trời xanh cảm động, quỷ cũng phải khóc sầu mà Thần Phật an bài cho phần đời còn lại với sự hạnh phúc và đủ đầy.

(Ảnh: Mtime.com)

Hay ngợi ca tấm lòng am hiểu sự đời, thấu tình đạt lí của nàng tiểu thư con gái thừa tướng khi lắng nghe và cảm thông nỗi khổ tâm và sự bất hạnh của người vợ ôm đàn lên kinh tìm chồng. Rồi cúi lạy người vợ cả và nhận mình làm lẽ để như tạ ơn sự hiếu thuận mà nàng Ngũ Nương đã làm thay phận mình, và để tạ ơn cho những lam lũ, vất vả, cơ cực mà Ngũ Nương trải qua khi tiểu thư đang hạnh phúc êm đềm bên người chồng làm Trạng. Rồi cho sửa soạn sắp xếp để phu thê đoàn tụ mà dẹp bỏ đi vị tư ích kỉ hay sự ganh ghét cho kiếp chung chồng.

Vở diễn cũng khắc họa một người chồng biết tôn trọng công sức người vợ. Biết ơn người đã thay mình phụng dưỡng cha mẹ già. Không phải là kẻ tham sang phụ khó, than khó phụ bần. Khi vinh hoa cũng vẫn nhớ tới nghĩa tình của người vợ quê nhà vẫn tần tảo sớm hôm.

Phải nói rằng Tì Bà Kí là một vở diễn xuất sắc với sự ca ngợi tôn vinh giá trị đạo đức và nhân phẩm của con người. Vở kịch tạo tiếng vang lớn trong xã hội thời đó. Có thể thấy rằng, khi nghệ thuật mang theo trong mình sứ mệnh về khôi phục và tôn vinh những vẻ đẹp về đạo đức con người thì nó cũng đóng góp vai trò rất to lớn trong việc xây dựng và duy trì đạo đức của xã hội. Vào thời điểm xã hội con người với đạo đức, nhân phẩm tha hóa, thì những vở kịch như thế này rất cần được bảo tồn và gìn giữ để tôn tạo nét truyền thống trong lối sống thuần túy của con người.

Tịnh Tâm