“Symphony concerto cho violin và cello giọng Rê trưởng” là tác phẩm giao hưởng trong đó là phần dành riêng cho Violon và Cello độc tấu cùng giàn nhạc, được sáng tác bởi François-Joseph Gossec với thời lượng 11 phút rưỡi 2 chương, thực sự là một món quà làm tỉnh thức mọi tâm hồn…

Mov.I: Andantino 00:00

Mov.II: Anglaise en rondeau 06:50

Trình diễn bởi giàn nhạc: Les Agrémens
Nhạc trưởng: Guy van Waas
Violon solo:  Patrick Cohën-Akenine
Cello solo: François Poly

Âm nhạc của Gossec tạo nên những không gian tươi sáng mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần nghệ thuật cổ điển sâu đậm. Phần solo của violon rất ấm áp linh hoạt, biểu hiện một tâm hồn tinh tế thiết tha vì cuộc sống.

Phần solo của Cello là những không gian ẩn dụ tế nhị, tạo nên bề dày cân đối cho toàn bộ tác phẩm. Nhìn chung cả chương 1 và 2 đều cùng một tốc độ, và sự đột biến nghệ thuật nằm chính ở những câu solo của Violon và Cello

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Vài nét chấm phá về tác giả:

François-Joseph Gossec (1734-1829) là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà sư phạm người Pháp. Ông là một trong những nhà soạn nhạc lớn thời kỳ âm nhạc Cổ điển.

François-Joseph Gossec đã được học nhạc và hát trong dàn hợp xướng nhà thờ lớn ở Antwerp. Năm 1751, Gossec chuyển sang Paris và được Jean-Philippe Rameau giúp đỡ, nâng cao những kiến thức âm nhạc.

Gossec đã sáng tác cho Rameau bản giao hưởng đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Bản đó ra đời vào năm 1754.

Trong khoảng thời gian từ năm 1762 đến năm 1769, Gossec phục vụ hoàng thân Condé, sáng tác nhiều bản tứ tấu đàn dây.

Năm 1773, ông sáng lập “Những buổi hòa nhạc tôn giáo”, chỉ đạo những buổi đó cho đến năm 1777. Năm 1784, ông tổ chức và điều hành Trường dạy hát Hoàng gia.

Khi trường chuyển thành Nhạc viện Paris, ông đã dạy môn sáng tác tại đó trong các năm 1795-1815.

François-Joseph Gossec đã sáng tác 29 bản giao hưởng, 20 vở opera, các bản nhạc nhà thờ và hợp xướng. Đặc biệt, bản Te Deum (1790) của ông đã có số lượng người biểu diễn rất lớn. Trong số này, có khá nhiều tác phẩm hưởng ứng Cách mạng Pháp.

Kim Cương