‘Quảng lăng tán được’ coi là một trong 10 đại danh khúc để đời cho hậu thế. Tiếng đàn mang theo một lời than khóc thê lương, một nỗi đau rỉ máu, một nỗi hận chẳng lấp đầy. Nhưng có lúc nó sắc bén như lưỡi kiếm rung lên cùng con sóng của mối hận, khiến người nghe như thót tim, nhưng khi lại mạnh mẽ khí thế như bão lớn sóng cuộn, như vùi chôn tất cả.

Được đánh giá là một đại danh khúc mà để lại cho hậu nhân nhiều suy tư, trăn trở, ‘Quảng lăng tán’ trau chuốt từng nốt nhạc, ý vị thâm sâu qua từng ngón đàn. Giai điệu khi êm đềm sâu lắng, khi sóng dữ cuộn trào, khi mang theo tâm tư triết lí, khi bi thương lúc khí phách, ngang tàng.

‘Quảng lăng tán’ gắn liền với 2 câu chuyện, nhưng được thể hiện ở hai tầng ý nghĩa khác nhau. Với 2 phong cách chơi khác nhau, dệt lên một bản nhạc huyền thoại với cái hồn khí để đời muôn thủa.

Quảng lăng tán được coi là một trong 10 đại danh khúc để đời cho hậu thế. (Ảnh: Pinterest)

Khi hận thù che đi đôi mắt lý trí, tiếng đàn kia như oán thán cùng nỗi đau rỉ máu, mối hận khôn nguôi.

Đó chính là câu chuyện kể về Nhiếp Chính, một thích khách Hàn Vương thời chiến quốc.

Chuyện kể rằng cha của Nhiếp Chính vì Hàn Vương mà đúc kiếm, do trễ ngày giao kiếm đã bị thảm sát, Nhiếp Chính chứng kiến cảnh cha tâm huyết khó nhọc đúc kiếm báu cho Hàn Vương, ngày đêm không quản ngại gian truân vất vả, tận tâm tận lực, quên ăn quên ngủ, chỉ vì trễ ngày giao kiếm mà bị Hàn Vương sát hại, cái chết của cha thê thảm, khiến Nhiếp chính không ngày nào nguôi đi nỗi đau.

Hận thù trong ông càng ngày càng lớn, đau đáu muốn rửa mối hận này, ông đã bỏ vào chốn rừng sâu, biệt tích 10 năm ròng để luyện đàn luyện kiếm.

Xuất sơn, Nhiếp Chính ôm đàn chơi giữa chợ, người đời miêu tả tiếng đàn ông khiến chim muông rung động, lục súc phải dừng chân. Vó ngựa không thể cất, vểnh đôi tai mà nghe tiếng đàn.

Tiếng tăm đồn xa, Hàn Vương nghe được liền cho mời Nhiếp Chính vào đàn.

Nếu như cổ xưa có Kinh Kha và Tiệm Ly, kẻ mang kiếm, người vác đàn thành đôi thích khách nổi tiếng. Thì nay Nhiếp Chính một kiếm một đàn, độc thân rửa hận.

Nhiếp Chính một kiếm một đàn, độc thân rửa hận. (Ảnh: pinterest.com)

Cơ hội chỉ có một lần, tiếp kiến Hàn Vương, Nhiếp Chính chơi đàn trước khi vung kiếm hành thích, tiếng đàn là lời tâm tình nỉ non đau đớn, nỗi đau của kẻ mất cha, giãi bày bộc bạch, cào xé tâm can  như khiến người nghe phải rơi lệ, xót xa.

Khi đau thương ngút trời, rồi nỗi đau đó như một cơn sóng giận dữ, âm thầm đè nén mà rồi vút trời đanh sắc như tiếng kiếm, tiếng đàn rung lên đủ sức bẻ gẫy cánh chim nhạn, tiếng kiếm vung lên kết liễu kẻ hại cha. Mối hận thù được trả. Nhiếp Chính tránh liên lụy thân nhân, ông dùng chính kiếm đó hủy hoại dung nhan, rồi tự sát.

Khúc quảng lăng tán mang theo giai điệu đó mà được lưu truyền, bộc lộ tất cả các cung bậc cảm xúc mà Nhiếp Chính mang theo, xả thân rửa hận, bi thương ai oán, nhưng lại bộc bạch khí tiết của đạo làm con, muốn chuộc rửa cho cha mối hận lòng.

Nhưng cái chết của ông là một điều nuối tiếc, hận thù đã che đi đôi mắt lý trí, để rồi ông giết mạng hủy mệnh. Ông đã lựa chọn cho mình con đường khiến Thần tiếc thương, quỷ khóc sầu cho kĩ nghệ tài đàn. Tiếng cổ cầm như tiếng khóc thương cho một sinh mệnh đời người.

Hận thù là một loại men độc, nó khiến con người như quên đi mọi đau đớn khác, nó mê hoặc tâm can người ta, nhồi nhét vào trí óc là những tủi hờn, những toan tính trả thù. Hận báo hận, thù chất thù, oan oan tương báo, đời đời chẳng dứt.

Hận thù là một loại men độc, nó khiến con người như quên đi mọi đau đớn khác, nó mê hoặc tâm can người ta, nhồi nhét vào trí óc là những tủi hờn, những toan tính trả thù. (Ảnh: pinterest.com)

Nó chính là độc dược khiến người ta phải đau khổ đến lúc nhắm mắt xua tay. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ là chuốc lấy ân oán để đời, mối thù truyền kiếp.

Phải chi hận thù hóa giải bằng sự bao dung và lòng từ bi. Phải chi tâm kia thấu hiểu, cái chết chẳng thể gột rửa hết hận thù, nút thắt trong con đường sinh mệnh chẳng bao giờ được mở, hay chỉ là lại được thắt chặt thêm, làm mối tơ lòng như rối lên cùng nỗi hận.

Cái chết của Nhiếp Chính hay khúc nhạc Quảng lăng tán thất truyền cho tới tận 600 năm sau mới được khắc họa lại. Âm thanh bi thương, chí khí ngang tàn của kẻ không sợ chết lại được cất lên khiến người đời không bao giờ quên được.

Tiếng đàn là lời nói khẳng khái của một bậc đại quân tử, khí tiết cao thượng, anh hùng trượng nghĩa.

Sáu trăm năm sau, đời Ngụy Tấn, có Kê Khang là một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” đã phát triển khúc này thành một khúc nhạc tuyệt luân.

Trên đồ sứ Trung Hoa, ta thường thấy vẽ 7 cụ già ngồi bên rừng trúc. Kẻ đánh cờ, gảy đàn, thổi tiêu, người uống rượu ngâm thơ… trông vẻ tiêu diêu tự tại. Ðó là hình ảnh “Trúc lâm thất hiền” (bảy ông hiền trong rừng trúc) đời nhà Nguỵ (220- 264) thì Kê Khang là một trong 7 vị này.

Kê Khang vốn người có tính cao khiết, giàu lòng nghĩa hiệp và cũng là một người có biệt tài về các môn: cầm, kỳ, thi, họa. Một điều lạ hơn hết là mặc dầu có tài như vậy nhưng ông không học qua một ông thầy nào. Từ nhỏ đến lớn, ông khổ công tự học, khổ luyện mà nên.

Ông vốn họ Khuê, người đất Thương Ngu, huyện Cối Kê (nay là huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Vì một sự thù oán do người gây nên, ông phải dời về ở ẩn huyện Hoa Dương, tỉnh An Huy. Gần chỗ ông ở có núi Kê (Kê Sơn) nên ông lấy tên Kê làm họ.

“Trúc lâm thất hiền” đời nhà Nguỵ (220- 264) thì Kê Khang là một trong 7 vị này. (Ảnh: blogger)

Kê Khang cũng như sáu người bạn kia đều thích an nhàn dật lạc, say mê đạo Lão Tử, ông thường bảo: “Ba ngày không đọc “Ðạo đức kinh” thì miệng thấy hôi”. Ông có ra làm quan đến chức Trung tán Ðại phu, nhưng luôn chê vua Thang, vua Võ, Khinh Văn Vương và Khổng Tử. Thơ ông có giọng triết lý:

“Mục tống phi hồng
Thủ huy ngũ huyền
Phủ ngưỡng tự đắc
Du tâm thái huyền”

Dịch:

“Mắt tiễn hồng bay
Tay gảy năm dây
Cúi ngửa tự đắc
U huyền thích thay”

(Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

 Kê Khang làm quan một thời gian rồi từ quan, mai danh ẩn tích để hưởng thụ tiêu diêu lúc về già. Nhưng thảm thay, ông muốn tránh khỏi điều phiền luỵ ở cõi trần thì lại còn lận đận, khổ luỵ vì trần.

Từ quan, Kê Khang sống một cuộc đời ẩn dật, ngày ngày ngao du sơn thuỷ, hái thuốc, vui say với vần thơ điệu đàn. Bấy giờ nhà Nguỵ họ Tào suy vi, Tư Mã Chiêu có ý muốn lật đổ nên tìm mọi cách trừ khử những phe phái chống đối.

Lúc ấy ở huyện Ðông Bình có người tên Lữ An vì ngưỡng mộ Kê Khang nên tìm đến ra mắt. Hai người kết bạn thâm giao. Không ngờ An có một người anh họ tên Lữ Tốn vốn hạ bộ thân tín của Tư Mã Chiêu, ỷ thế hoành hành, thấy vợ của Lữ An xinh đẹp, muốn chiếm đoạt nên bắt An hạ ngục.

Vì trượng nghĩa, Kê Khang đứng ra minh oan. Nhưng rồi cũng bị bọn quyền thần bắt giam. Kê Khang vốn thuộc con rể trong tông thất nhà Nguỵ, nên họ muốn tìm cách trừ tuyệt. Chúng lại dựng chứng Kê Khang dám khinh chê vua Thang, vua Võ, Văn Vương, Khổng Tử là có ý phản loạn nên kết án tử hình.

Lữ An vì ngưỡng mộ Kê Khang nên tìm đến ra mắt. Hai người kết bạn thâm giao. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Năm 262 sau Công Nguyên Kê Khang vì tội làm loạn triều chính đã bị chặt đầu giữa chợ, trước khi chết ông đã tấu khúc “Quảng lăng tán” một lần cuối cùng rồi thốt lên rằng: “Quảng Lăng Tán từ này thất truyền!”

Người đời nghe tiếng đàn của ông lúc này không phải cái bi thương ai oán, mà là khí tiết của một bậc anh hùng trượng nghĩa, dám xả thân bảo vệ hiền tài, dám khẳng khái nói lên những sai trái mà người đời không dám nói.

Tiếng đàn lưu loát thánh thót như nước chảy, mây bay, ý dụng cái chết của một quân tử nhẹ tựa lông hồng. Âm điệu sâu thẳm của tiếng đàn như lời giãi bày tự sự của Kê Khai với những anh hùng mang tâm cầu đạo, mong muốn được tự tại thong dong.

Coi danh lợi, địa vị ở đời như nước chảy bèo trôi, thi vị đời người là được tầm đạo mà học đạo, được cùng bạn hiền đàm đạo thi ca, thưởng đàn mà hiểu đạo.

Nhưng sự đời như một trò chơi của con tạo. Khiến cho ông nay phải máu chảy đầu rơi. Khúc quảng lăng tán một lần cuối cùng được cất lên, như tiếng chim phượng bay giữa trời mà cất tiếng hót.

Khí tiết và chí đạo của bậc anh tài đến nay kết thúc, như khúc nhạc kia tấu tới tận trời cao.

Âm thanh của tiếng cổ cầm trong cách chơi của Kê Khang, sắc bén, thanh trong, như cây trúc kia vươn lên trước bão tố. Chẳng cúi gập người mà cầu vinh hoa. Bậc anh tài lưu danh như khúc quảng lăng tán được người đời tán tụng.

Mời quý độc giả một lần trầm mặc thưởng thức âm điệu để đời của ‘Quảng lăng tán’: 

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tịnh Tâm