Olena Balakina, nhà thiết kế nổi tiếng người Ukraina đã cải thiện trí tuệ và trái tim thông qua thực hành các nguyên lý tu luyện cổ truyền châu Á, và thể hiện ra trong nghệ thuật của cô. Cô đã phát hiện ra sự hài hòa trong tâm giúp cô sáng tạo ra những không gian đẹp.

Nhà thiết kế nội thất Olena Balakina đang góp phần chuyển đổi phong cách cho những căn nhà ở Kiev, Ukraina, ứng dụng các kiến thức chuyên ngành của cô về nghệ thuật cổ điển, cũng như những nguyên lý thâm sâu của một môn tu tâm tính có nguồn gốc từ châu Á.

Thành công của cô có thể kể đến việc thiết kế một trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn ở Kiev, có tên là San Pietro, nơi cô đưa vào đó tất cả vẻ đẹp siêu phàm của thời kỳ Phục hưng. Cô đã lấy phần lớn các trang trí kiểu Ý và định hình những không gian sống một cách sang trọng, với các chất liệu gỗ, đá cẩm thạch và bản đúc vương miện tinh vi.

Nhà thiết kế nội thất Olena Balakina đang giúp định hình nghệ thuật của Kiev với vai trò là một cố vấn trưởng tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật San Pietro. (Ảnh: Taste of Life)

Những cảnh vẽ trên tường và trần nhà gợi lại sự hùng vĩ của Nhà nguyện Sistine, nơi đã truyền cảm hứng rất lớn cho cô để trở thành một nghệ sĩ từ khi còn trẻ. Cô hiện đang đóng vai trò cố vấn trưởng tại trung tâm văn hóa này, giúp định hình một cảnh quan nghệ thuật đặc sắc cho thành phố.

Cốt lõi của triết lý thẩm mỹ của cô là: tâm trạng và trái tim của một nhà thiết kế sẽ tác động sâu sắc đến các bản thiết kế – một trái tim đẹp sẽ tạo ra một không gian sống đẹp.

Hoàn cảnh bên ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng bên trong, cô nói. “Bạn luôn phải biết mình đang nghĩ gì? Điều quan trọng là biết cách làm việc cùng với thế giới nội tâm của bạn, luôn giữ cho đầu óc bạn luôn minh mẫn và có nhiều suy nghĩ tốt”. Ví dụ, cô nói: “Bạn cần tạo ra một không gian nội thất với tình cảm yêu mến dành cho những người sẽ sống trong đó, thì công trình của bạn sẽ tự nhiên trở thành chu đáo, đầy đủ chức năng và tạo cảm giác thoải mái cho chủ nhân”.

Cô bắt đầu học nghệ thuật từ khi còn là một thiếu niên vào những năm 1990, cô nói rằng đó là do số phận đưa đẩy. Và ngay sau đó, cô đã tìm thấy con đường tâm linh của mình, qua một môn tu tập thiền định tên là Pháp Luân Đại Pháp, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sự phát triển tâm linh và sự trưởng thành của cô như một nghệ sĩ đã được đan xen chặt chẽ với nhau kể từ đó.

Một phong cách thẩm mỹ cổ điển tràn ngập môn giáo dục nghệ thuật của Balakina, và cô đã sử dụng toàn bộ sức mạnh để thiết kế nội thất cho Trung tâm Nghệ thuật San Pietro. (Ảnh: Taste of Life)

Miễn cưỡng trở thành người tự bảo hộ cho mình

Mặc dù người mẹ của Balakina đã cố gắng nuôi dưỡng trong cô một tình yêu nghệ thuật từ nhỏ, Balakina vẫn không thích thú và thậm chí còn chống lại điều đó. Khi mẹ cô đưa ra cho cô một sự lựa chọn giữa các lớp khiêu vũ và các lớp nghệ thuật, cô đã chọn khiêu vũ mà không một chút do dự.

Nhưng khi cô 13 tuổi, gia đình họ chuyển đến ở tại một tòa nhà chung cư có một trường nghệ thuật ở tầng một. “Sau đó, tôi hiểu rằng có lẽ đó là một dấu hiệu gợi ý rằng tôi nên học nghệ thuật, và tôi đã đến đó và bắt đầu học”, cô nói.

Nhà trường tổ chức một cuộc thi dành cho trẻ em, và Balakina quyết định dành toàn bộ nỗ lực bản thân vào cho bức vẽ dự thi. Cô đã dành hẳn hai tháng để vẽ phong cảnh một khu rừng rậm rạp bằng bút bi, trong đó cô đã cẩn thận tạo hình từng chiếc lá, từng chi tiết nhỏ.

Sau khi cô nộp bài, một giáo viên trong trường nói với cô: “Xin đừng thất vọng nhé, nhưng chúng tôi không thể tin rằng bức tranh này lại được vẽ bởi một cô gái trẻ như em. Ban giám khảo sẽ không chấp nhận cho bức tranh này được dự cuộc thi, bởi vì nó đã vượt ra khỏi khuôn khổ nghệ thuật của trẻ em”.

Gần 20 năm trước, Balakina bắt đầu thực hành môn tu luyện tâm linh thiền định có nguồn gốc từ Trung Quốc có tên là Pháp Luân Đại Pháp, và nó đã giúp cô rất nhiều trong nghệ thuật và cuộc sống. (Ảnh: facebook của nhân vật)

Những bài dự thi khác đều là những bức vẽ như mèo con và những thứ tương tự như vậy”, Balakina nói. “Nhưng đó là biểu hiện nghệ thuật đầu tiên của bản thân tôi, và tôi vẫn coi đó là một thắng lợi”.

Cô không theo học quá lâu tại ngôi trường bên trong khu nhà ở của mình nữa; tới khi 16 tuổi, cô đã tìm được một nghệ sĩ có một studio trong thành phố để hướng dẫn cho cô. Cô đã muốn nộp đơn vào Học viện Nghệ thuật Thị giác và Kiến trúc Quốc gia, nhưng cô cảm thấy mình cần rất nhiều sự giúp đỡ để bắt kịp mong muốn này. Hầu hết các sinh viên nộp đơn vào Học viện này đều đã có nhiều năm đào tạo chính quy, và thậm chí ngay cả khi đó, thường thì họ phải cố gắng nhiều lần mới thi vào được.

Balakina thì gần như chưa được đào tạo, nhưng cô chăm chỉ tự đào tạo bản thân. Cô thường đến xưởng vẽ nghệ thuật của người hướng dẫn của mình sau khi đã làm xong bài tập ở trường, và miệt mài ở đó cho đến tận đêm khuya. Người hướng dẫn đã đưa cho cô chìa khóa cửa của studio. Quyết tâm của cô đã được đền đáp; sau 6 tháng học tập và rèn luyện, cô đã trở thành một trong những sinh viên trẻ nhất được nhận vào Học viện Nghệ thuật danh giá.

“Tôi đã thường bước đi trong cuộc sống với một gánh nặng và những suy nghĩ nặng nề. Sau khi thực hành tu luyện, thế giới đã mở rộng đối với tôi”.

Trong năm đầu tiên tại Học viện, cô đã gặp một sinh viên nghệ thuật có cách cư xử khác biệt với những sinh viên khác, Vita. Cô thấy rằng cô sinh viên có tên là Vita đó thường hay chia sẻ đồ dùng nghệ thuật của mình cho mọi người một cách không do dự, không giống như các sinh viên khác. Vita cũng luôn giúp đỡ người khác, nhường chỗ ngồi tốt trong lớp cho các bạn, và nói chung cô ấy có biểu hiện tốt bụng và hòa ái.

Balakina đã kết bạn với Vita (và họ vẫn là bạn cho đến hôm nay) và nhận thấy rằng bí mật đằng sau sự tĩnh tại và vị tha của Vita là sự thực hành tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Ba nguyên tắc thực hành chính của Pháp Luân Đại Pháp mà một người tu luyện cần noi theo là sự trung thực, thiện lương và nhẫn nại (Chân – Thiện – Nhẫn). Môn tu luyện này dạy mọi người phải quan tâm đến người khác, giữ cho tâm trí trong sạch và luôn luôn cải thiện bản thân. Nó cũng bao gồm thực hành thiền định, có thể giúp một người trở nên ung dung tĩnh tại.

Bài học về tình yêu và sắc đẹp

Để trở thành một nghệ sĩ, bạn phải có rất nhiều quyết tâm và kiên nhẫn trong mọi việc”, Balakina nói. Khi bắt đầu tập Pháp Luân Đại Pháp, Balakina nhận thấy rằng cô có khả năng tập trung tốt hơn vào việc cải thiện các kỹ năng của mình. Trước đây, thật khó để cô ngồi yên trong một giờ. “Ở bên trong tôi, trước đây không có một sự tĩnh tại”, cô nói.

Cô bắt đầu giúp đỡ người khác bằng mọi cách có thể. Cô thường nói chuyện với những người phụ nữ làm mẫu vẽ khỏa thân cho các lớp học của mình, lắng nghe bằng cả trái tim khi họ chia sẻ với cô bất cứ thử thách nào họ gặp phải trong cuộc sống. Balakina thậm chí còn giúp một trong số họ chăm sóc chồng ốm và dọn dẹp nhà cửa. “Nếu tôi nghe một câu chuyện như thế trước khi tôi bắt đầu tập Pháp Luân Đại Pháp, tôi thậm chí còn không chú ý gì đến việc đó”, cô ấy nói. “Trước khi tu luyện tôi là một con người hoàn toàn khác so với bây giờ”.

Những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn trong mắt cô. “Tôi đã thường bước đi trong cuộc sống với một gánh nặng và những suy nghĩ nặng nề. Sau khi thực hành tu luyện, thế giới đã mở rộng đối với tôi“, cô nói. “Tôi bắt đầu nhận thấy những chồi non đang hình thành trên cây, lá rụng xuống như thế nào, có cảm xúc với những khoảnh khắc như thế”.

Khi Balakina thiết kế một căn nhà, cô ấy hướng đến việc tạo ra cảm giác bình yên, nhẹ nhàng và thoải mái cho chủ nhân của nó. (Ảnh: Taste of Life)

Giờ đây, sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được gần 20 năm, cô đã thấy rõ được tác dụng làm đẹp của Pháp môn này trong nhiều khía cạnh của cuộc đời và sự nghiệp của cô.

Khi cô tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật sau 6 năm học tập, cô bắt đầu làm công việc của một nhà thiết kế cho các bộ phim. Công việc này đã truyền cảm hứng cho cô để chuyển sang lĩnh vực thiết kế nội thất.

Điều rất quan trọng đối với Balakina là phát triển mối quan hệ tốt với khách hàng, để giúp cô thực sự có thể tạo ra những ngôi nhà mà họ sẽ yêu thích. Cô luôn được nhắc nhở trong quá trình tu học Pháp Luân Đại Pháp rằng phải nghĩ về khách hàng của mình trước tiên, về ngôi nhà mà sẽ thực sự khiến họ hạnh phúc nhất. Suy nghĩ đó đến từ tận sâu thẳm trong trái tim cô.

Tôi luôn nói ngay lập tức với các khách hàng về môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, giống như đưa cho họ tấm danh thiếp của tôi vậy”, cô nói. “Khi tôi giải thích những quan điểm về giá trị của tôi trong cuộc sống và trong công việc, đã thực sự làm người khác cũng cởi mở tấm lòng. Khách hàng của tôi sau đó hiểu rõ người mà họ đang giao dịch. Họ hiểu rằng tôi sẽ không bao giờ lừa dối hoặc làm họ thất vọng”.

Balakina cũng có thể xử lý tốt hơn việc giải quyết một cách sáng tạo khi có vấn đề nào đó xảy ra trong công việc của mình. Cô nói rằng Pháp Luân Đại Pháp đã dạy cô lùi lại một bước khi gặp phải vấn đề và nhìn nó từ một góc độ rộng lớn hơn.

Sáng tạo cũng giống như một dòng nước vậy. Khi gặp một hòn đá chắn ngang đường, nước sẽ chảy vòng qua nó, vì thế mà tạo ra một cảnh quan thậm chí còn phong phú hơn”, cô nói.

Sự hài hòa và cân bằng sẽ tạo ra một nơi mà “bạn cảm thấy nhẹ nhàng”

Thẩm mỹ học cổ điển luôn hấp dẫn Balakina. Học viện này tập trung rất mạnh vào các kỹ thuật và nghệ thuật cổ điển; ví dụ, sinh viên thường thực tập vẽ các bức tượng bán thân của các vị thần Hy Lạp để hoàn thiện các kỹ năng của họ. Hướng dẫn nghệ thuật hiện đại tuy cũng được giảng dạy, nhưng không phải là phần cốt lõi của chương trình học.

Tình yêu mỹ thuật này trong Balakina càng được khắc sâu khi cô đến thăm thành Rome cùng mẹ trong năm thứ ba tại Học viện. Cô đã được truyền cảm hứng để nghiên cứu nghệ thuật ở Ý; nhưng khi cô đến thăm một trường nghệ thuật ở đó và nhìn thấy các bức tranh được treo dọc theo những sảnh của trường, cô đã ngay lập tức từ bỏ khát vọng đó.

Tất cả các tác phẩm treo ở đó đều theo phong cách đương đại, hiện đại, với nhân vật và hình dạng bị phá cách, thiếu hài hòa”, cô nói. “Tôi không thể ở đó thậm chí chỉ một tháng”.

Khi Balakina thiết kế một căn nhà, cô hướng đến việc tạo ra cảm giác bình yên, nhẹ nhàng và thoải mái cho chủ nhân của nó. (Ảnh: Taste of Life)

Mặc dù cô đã hoàn toàn đưa phong cách cổ điển của mình vào trong thiết kế của trung tâm nghệ thuật San Pietro ở Kiev, cô nói rằng thiết kế cho nhà ở cần phải đơn giản hơn: “Nó cần phải hài hòa, ấm cúng và tiện dụng, nhưng đồng thời nó phải đơn giản và thoáng khí, một nơi mà bạn phải cảm thấy nhẹ nhàng”.

Một trong những ngôi nhà đáng nhớ nhất mà cô đã thiết kế đặc biệt ở chỗ có mối liên hệ giữa cô và các chủ nhân của nó. Balakina đang mang thai bảy tháng khi lần đầu tiên cô gặp gỡ một khách hàng đang tìm người trang trí cho căn hộ của mình tại Kiev. Người phụ nữ này nói với Balakina rằng sẽ chờ đợi Balakina tới khi nào cũng được.

Vị khách hàng ấy cảm tưởng có một mối liên hệ giữa chúng tôi ở mức độ tình cảm và tinh thần”, Balakina nói, điều đó khiến vị khách hàng quyết tâm thuê Balakina, chứ không phải ai khác, làm người thiết kế cho ngôi nhà của cô. Trong nhiều năm qua, Balakina vẫn tiếp tục làm công việc định kỳ cho người khách hàng phụ nữ này và các bạn bè của cô.

Khi Balakina thiết kế một căn nhà, cô hướng đến việc tạo ra cảm giác bình yên, nhẹ nhàng và thoải mái cho chủ nhân của nó. (Ảnh: Taste of Life)

Đối với tôi, những lời nói của cô ấy rất quan trọng”, Balakina chia sẻ, “Rồi tôi nhận ra một điều cũng rất quan trọng; đó là luôn cần mở rộng tấm lòng với mọi người. Rốt cuộc, công việc không phải là điều chính yếu nhất trong cuộc sống, mà chính là những người mà số phận đã dành tặng cho bạn mới là số một”.

Theo TARA DOS SANTOS (Taste of Life)
Hạo Nhiên biên dịch