Chụp ảnh phơi sáng lâu rất hấp dẫn. Nó làm cho những phong cảnh ta nhìn thấy hàng ngày trở nên khác lạ, đôi khi như những bức ảnh chụp từ giấc mơ. Thú vị là, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là để màn trập mở trong khoảng thời gian lâu hơn mà thôi.

Để có được những bức ảnh phơi sáng lâu tuyệt đẹp, cũng không cần phải có chuyên môn đặc biệt. Nếu bạn có chân máy, có thể nhả màn trập tùy ý bằng một chiếc điều khiển từ xa (hoặc trực tiếp dùng cáp nhả) và với một chiếc máy ảnh có chế độ B, là đủ để bạn lên đường đi chụp những bức ảnh phơi sáng lâu gây kinh ngạc.

Dải Ngân hà. (Ảnh: Stephen Humpleby)

Một thiết bị bổ sung duy nhất bạn có thể cần đến chính là kính lọc mật độ trung tính (ND filter). Kính lọc tối này lắp trùm lên ống kính của bạn và chặn đứng ánh sáng, cho phép bạn có thể giữ cửa trập mở lâu hơn ngay cả trong môi trường có ánh sáng mạnh. Nó cần thiết cho việc chụp phơi sáng lâu vào ban ngày, nhưng nếu bạn không có loại kính lọc này, chỉ nên đi chụp vào ban đêm hoặc trong một khung cảnh tối ở trong nhà.

Chìa khóa để chụp được những tấm ảnh có độ phơi sáng lâu đáng kinh ngạc không nằm ở các thiết bị đắt tiền; mà nằm ở thời gian, chăm chỉ thực hành và sự kiên nhẫn.

Cây ngã đổ. (Ảnh: Andy Farmer)

Không giống như những bức ảnh thông thường, động tác chụp chỉ mất một phần nhỏ của giây, chụp phơi sáng lâu mất ít nhất vài phút cho mỗi tấm ảnh. Ngay cả khi chụp phơi sáng không lâu lắm, như 5 hoặc 10 giây chẳng hạn, bạn vẫn phải thiết lập chân máy, điều chỉnh các chế độ cài đặt máy ảnh, đặt bộ lọc, v.v.. Như vậy bạn cũng có thể phải cần tới vài phút (hoặc lâu hơn) để có được sự phơi sáng đúng.

Vì lý do này, ý tưởng tốt là lên kế hoạch cho việc chụp và bố cục của bạn, trước khi bạn thực sự chụp. Nếu không, bạn sẽ cần phải dành một vài phút cho mỗi bức ảnh phơi sáng lâu, chỉ để phát hiện ra rằng nếu chụp ở một góc khác thì sẽ tốt hơn.

Hoàng hôn ở Reine. (Ảnh: Marco Battini)

Khi lập kế hoạch cho bức ảnh của bạn, hãy nhớ rằng trong những tấm ảnh phơi sáng lâu tốt nhất thường có cả thứ gì đó chuyển động và thứ gì đó tĩnh. Ví dụ, bạn có thể chụp những đám mây đang di chuyển hoặc nước chảy cùng với những ngọn núi hoặc những tòa nhà chọc trời tĩnh lặng. Sự tương phản giữa các yếu tố tĩnh và mờ ảo này sẽ tạo ra kịch tính và thể hiện rằng thời gian đang trôi qua.

Vào ban đêm, các nguồn ánh sáng cũng có thể được coi là các yếu tố “di chuyển”, ngay cả khi chúng đứng yên. Mặc dù chúng có vẻ tĩnh đối với mắt thịt của chúng ta, nhưng chúng thực sự đang phát ra các sóng ánh sáng di chuyển theo một hướng cụ thể. Máy ảnh của bạn sẽ ghi lại chuyển động này của ánh sáng, làm cho nó có vẻ sáng hơn và kịch tính hơn khi nhìn ngoài đời thực. Giống như nước chảy hoặc mây trôi, ánh sáng chuyển động này cũng sẽ mang đến cho người xem cảm giác thời gian đang trôi đi.

Vệt sao trời trên Vịnh Ansteys. (Ảnh: Mark Frost)

Tìm kiếm sự cân bằng giữa chuyển động và tĩnh tại có thể mất một thời gian. Bạn cần phải dự đoán một cảnh tượng sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian, điều này có thể là thách thức ngay cả đối với các nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm. Nếu vài lần chụp đầu tiên của bạn gây thất vọng, cũng đừng vội bỏ cuộc! Mỗi lần chụp sẽ giúp bạn hiểu rõ môi trường hơn. Cuối cùng, tất cả sẽ đều đáng giá, khi bạn chụp được một bức ảnh phơi sáng lâu tuyệt vời cho riêng mình.

Ảnh: Bailiwick Studios

Nếu bạn đang hào hứng với ý tưởng chụp phơi sáng lâu nhưng không biết bắt đầu từ đâu, trước tiên hãy thử thu hẹp thể loại phơi sáng lâu mà bạn muốn thực hiện. Có khá nhiều các khả năng, nhưng nhìn chung chụp ảnh phơi sáng lâu sẽ rơi vào 7 loại sau đây.

1. Nước

Các đại dương, thác nước, đài phun nước và sông đều là các chủ đề cổ điển cho chụp phơi sáng lâu. Dòng nước chảy là một lựa chọn khá phổ biến vì nó rất đẹp và dễ đoán. Không giống như nhiều đối tượng chuyển động khác, như mây chẳng hạn, bạn có thể thấy rằng các thực thể nước không thay đổi nhiều từ ngày này sang ngày khác. Tính chất dễ dự đoán này có thể làm cho việc lập kế hoạch chụp của bạn trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Suối chảy về sông. (Ảnh: R Casey)

Tuy nhiên, mức độ phổ biến của chụp ảnh nước phơi sáng lâu cũng có nghĩa là sẽ có yêu cầu cao hơn cho ảnh của bạn. Để làm cho bức ảnh của bạn nổi bật so với của những người khác, bạn phải thêm vào đó một chút suy nghĩ sáng tạo. Hãy thử các góc chụp thú vị bằng cách đặt máy ảnh của bạn cao hơn hay thấp hơn, hoặc từ một vị trí khác. Bạn thậm chí có thể lội xuống nước và đặt chân máy ở khu vực nước nông (nhưng cần đảm bảo rằng bạn có mặc đồ bảo hộ khi lội xuống nước lạnh).

La Testa de Ventilegne. (Ảnh: Jean-Jacques Mattei)

2. Chụp ảnh thiên văn

Một trong những cách tốt nhất và duy nhất để chụp bầu trời đêm đầy sao là bằng cách phơi sáng lâu. Với thời gian phơi sáng lâu, các ngôi sao sẽ trở nên rõ ràng và sáng hơn, thay vì hầu như không đáng chú ý khi chụp nhanh thông thường. Trong khi hình ảnh chụp thiên văn có thể trông khá phức tạp bởi vì nó làm bạn hoa mắt, nhưng trên thực tế nó lại khá đơn giản.

Bầu trời đầy sao, hồ Pangong. (Ảnh: Nimit Nigam)

3. Bức tranh ánh sáng

Trong một đêm trời nhiều mây, hoặc nếu bạn sống ở một nơi bị ô nhiễm ánh sáng, bạn vẫn có thể chụp được những bức ảnh phơi sáng lâu đẹp vào ban đêm. Tất cả điều kiện bạn cần chỉ là một nguồn ánh sáng có tác dụng như một chiếc bút để “vẽ ánh sáng” lên các bức ảnh mà bạn chụp. Một chiếc đèn pin, đèn nhấp nháy, hoặc đèn LED đều có thể cho kết quả tuyệt vời.

Họa sĩ ánh sáng – DNA. (Ảnh: Stephen Humpleby)

Bạn cũng có thể muốn mời ai khác giúp bạn vẽ nên bức tranh ánh sáng này (bạn chỉ là người chụp). Mặc dù bạn chắc chắn có thể tự mình thử nghiệm kỹ thuật này, nhưng có thêm một đôi bàn tay phụ trợ là rất tốt. Ít nhất thì một người bạn cũng có thể canh máy ảnh và thiết bị của bạn trong khi bạn vẽ bằng nguồn sáng, để bạn yên tâm rằng đồ nghề sẽ không bị ai lấy trộm.

4. Vệt sáng đèn từ xe cộ

Nếu bạn bị đang mắc kẹt trong thành phố, chụp ảnh những vệt sáng đèn xe có thể là một lựa chọn tuyệt vời để giết thời gian vào buổi tối. Chụp như này cũng khá dễ dàng. Giống như khi chụp những vệt sao trời, thử thách chính là tìm ra một địa điểm phù hợp để đặt chân máy. Chỉ khác ở chỗ thay vì một bầu trời đêm ngoạn mục, bạn có thể tìm kiếm một con đường nhỏ hoặc đường cao tốc có ánh sáng đèn xe nổi bật.

Ánh sáng trên cầu Tháp London. (Ảnh: Giovanna Tucker)

Trên thực tế không có kiểu đường nào hoàn hảo cho chụp ảnh đèn xe. Có nhiều địa điểm có thể tạo hiệu ứng nổi bật, từ những cây cầu cho đến những con đường nông thôn. Tuy nhiên, có lẽ bạn muốn một cái gì đó thật cuốn hút trong bức ảnh. Điểm cuốn hút này có thể là hậu cảnh, chẳng hạn như một tòa nhà đẹp, hoặc có thể chính là các công trình giao thông. Nhìn chung, những đường vòng, đường cao tốc lớn và giao lộ độc đáo đều có thể tạo ra những vệt sáng đèn xe thú vị.

5. Các nguồn sáng khác

Trong khi ô tô và các vì sao là những đối tượng phổ biến nhất cho chụp ảnh phơi sáng lâu vào ban đêm, vẫn còn vô số nguồn sáng khác mà bạn có thể chụp. Đường hầm, đèn máy bay, chớp sét, đèn giao thông, buồng điện thoại là một vài ví dụ. Bất kể bạn sống ở đâu, bạn đều có thể tìm thấy quanh bạn những nguồn ánh sáng độc đáo để chụp phơi sáng lâu.

Hạn chế tới gần. (Ảnh: Mark Thompson)

6. Kiến trúc

Hầu hết các đối tượng chụp ảnh phơi sáng lâu đều bị giới hạn vào ban đêm hoặc ban ngày. Ví dụ, một bãi biển có thể là một chủ đề đẹp vào ban ngày, nhưng một khi bóng tối xuất hiện, nó có thể biến mất hẳn khỏi tầm nhìn. Tương tự như vậy, khi mặt trời mọc, một bầu trời đêm tuyệt đẹp sẽ biến mất tăm.

Các tòa nhà thì lại là một ngoại lệ của quy luật này. Chúng có thể nổi bật như nhau dù ngày hay đêm. Miễn là tòa nhà được chiếu sáng vào ban đêm, bạn có thể chụp ảnh nó bất cứ khi nào bạn muốn.

Hoàng hôn tại đền Jama. (Ảnh: Nimit Nigam)

Khi chụp ảnh kiến ​​trúc vào ban ngày, hãy nhớ bao gồm một cái gì đó chuyển động trong bức ảnh của bạn. Trong hầu hết các trường hợp, là mây trôi hoặc người đi ngang qua. Với những đám mây, thử thách chính của bạn là quan sát và chờ đợi thời tiết thích hợp, để có một sự cân bằng tốt giữa những đám mây và bầu trời xanh, tạo nên nhiều sự tương phản và kịch tính hơn.

Nếu bạn bị mắc kẹt với nhiều ngày không có mây hoặc trời u ám, bạn có thể thử đưa nhiều người vào trong ảnh của mình. Cách tiếp cận này sẽ giúp bạn linh hoạt hơn khi đối phó với thời tiết không thuận lợi, mặc dù bạn vẫn cần lên kế hoạch cẩn thận cho việc chụp của mình. Chẳng hạn, bạn có thể có được những bức ảnh đẹp hơn khi chụp trong giờ cao điểm, so với sáng sớm, khi có khá ít người đi ra ngoài.

Hoàng hôn trên Keizersgracht. (Ảnh: Marco Battini)

Bất kể bạn chụp vào thời điểm nào, hãy đảm bảo rằng bạn không chắn lối của người đi bộ và các phương tiện giao thông khác. Nó vừa làm cho bạn an toàn hơn, vừa ít thu hút sự chú ý của nhân viên bảo vệ. Nếu bạn cần phải cản đường người đi bộ thì mới có một bức ảnh đẹp, thay vào đó bạn hãy thử chụp vào ban đêm. Tới lúc đó, bạn sẽ không cần những đám mây hay người qua lại, chỉ cần một chút ánh sáng để nhìn thấy công trình.

7. Chụp phơi sáng lâu trong nhà

Hầu hết các ảnh phơi sáng lâu trông sẽ đẹp hơn khi bao gồm các chuyển động, trừ các ảnh chụp trong nhà. Bạn không cần đối tượng nào di chuyển khi chụp phơi sáng lâu trong nhà, vì mục tiêu của bạn là khác. Thông thường, với những bức ảnh chụp trong nhà, bạn không muốn cố gắng mô tả thời gian trôi, mà chỉ là để giải quyết vấn đề ánh sáng yếu.

Ngày 231. (Ảnh: Srinivasan Venkatesan)

Nếu bạn chụp một bức ảnh thông thường trong một tòa nhà thiếu ánh sáng, bạn sẽ có hai lựa chọn cơ bản: sử dụng ISO cao sẽ cho ảnh sắc nét nhưng có nhiều nhiễu loạn hơn, hoặc chọn ISO thấp sẽ làm cho ảnh mờ nhưng ít nhiễu hơn.

Như vậy, nếu bạn muốn có một bức ảnh sắc nét và không bị nhiễu, bạn phải chọn chụp phơi sáng lâu. Bởi vì ánh sáng đã được “cường hóa” sau một thời gian lâu, bạn có thể sử dụng ISO thấp mà ảnh không bị mờ, nhưng trong trường hợp này đòi hỏi bạn phải sử dụng chân máy và chụp ảnh các đối tượng tĩnh.

(Ảnh: Zed the Dragon) – Eglise Saint Christophe de Javel, Paris

Kỹ thuật này có thể chính xác là điều bạn cần để ghi lại bầu không khí tâm linh trong một nhà hát cổ hoặc những mảng kính màu đẹp trong một nhà thờ. Mặc dù bạn không thể chụp được nhiều ảnh ở những nơi đó, nhưng bù lại những bức ảnh bạn chụp sẽ có chất lượng cao hơn. Và bởi vì tất cả những gì bạn thực sự cần là một bức ảnh hoàn hảo, nên mất thêm một chút thời gian vẫn sẽ rất xứng đáng.

Theo STEPHANIE KAY-KOK (thephotoargus.com)

Thiện Quang biên dịch

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||2947a11d8__