Thơ Đường vốn ý ở ngoài lời, được coi là “ký thác”, nói lên tâm tình của người viết, ghi lại cảm xúc thật sự của mình trước hiện thực đời sống. Các nhà thơ sau thời Sơ Đường, mà điển hình là Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị, đã làm thơ “ký thác” theo 2 khuynh hướng chính là trữ tình, lãng mạn, hoặc hiện thực xã hội… Và trải qua bao nhiêu bể dâu những bài thơ ấy vẫn còn sừng sững cho đến ngày nay…

Những kiệt tác Đường thi 

Thơ Đường hay Đường thi (唐詩) là toàn bộ thơ ca đời Đường được các nhà thơ người Trung Quốc sáng tác trong khoảng từ thế kỉ 7 – 10 (618 – 907). Các sáng tác của hàng nghìn nhà thơ đời Đường được bảo tồn trong cuốn “Toàn Đường thi” gồm khoảng 5000 bài.

Có thể chia Thơ Đường làm 4 giai đoạn: Sơ Đường (618 – 713), Thịnh Đường (713 – 766), Trung Đường (766 – 835), Vãn Đường (835 – 907). Thơ Đường là ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời), phản ánh văn hóa tu luyện của người xưa. Tuỳ người sáng tác theo đạo Nho, đạo Phật hoặc theo Lão Trang mà các bài thơ Đường mang màu sắc phong cách khác nhau.

Thời Sơ Đường, các nhà thơ đã đổi được phần nào phong khí uỷ mị của thơ các triều đại trước và theo tinh thần phong nhã của “Kinh thi” và “phong cốt Hán Ngụy”. Thơ Đường thực sự là ý ở ngoài lời, được coi là “ký thác”, là nói lên tâm tình của mình, ghi lại cảm xúc thật sự của mình trước hiện thực đời sống, bỏ hẳn thơ sắc tình đời Lục triều. Các nhà thơ sau thời Sơ Đường, mà điển hình là Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị, đã làm thơ “ký thác” theo 2 khuynh hướng chính là trữ tình, lãng mạn, hoặc hiện thực xã hội. Có thể kể đến các loại: thơ “biên tái”, thơ “điền viên” , thơ “tân nhạc phủ”, thơ “chính nhạc phủ” và theo khuynh hướng hiện thực.

Nhân Nhật Lập Xuân: Nguyện với Mai hoa mãi thanh tân

Lôi Đồng 盧仝 (778-835), quê ở Tế Nguyên, Hà Nam, là một nhà thơ thời Trung Đường. Ông nhiều lần thi tiến sĩ không đỗ, suốt đời áo vải. Lôi Đồng nổi tiếng về thơ bí hiểm, là một nhà thơ của “Hiểm quái thi phái”. Ông đã cống hiến cho Đường thi nhiều bài thơ rất hay. Trong “Toàn Đường thi” còn có 3 quyển thơ của ông.

Nhân dịp đất trời vào tiết Lập xuân, Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu bài thơ “Nhân nhật lập xuân” của nhà thơ “bí hiểm” Lôi Đồng.

(Ảnh: Zenquiz.net)

Nguyên tác tiếng Hán:

人日立春

春度春歸無限春,

今朝方始覺成人。

從今克己應猶及,

愿與梅花俱自新。

Nhân nhật lập xuân

Xuân độ xuân quy vô hạn xuân,
Kim triêu phương thuỷ giác thành nhân.
Tòng kim khắc kỷ ưng do cập,
Nguyện dữ mai hoa câu tự tân.

Dịch nghĩa:

Ngày Con Người 7 Tháng Giêng

Xuân đến xuân đi, xuân không cùng,
Sáng nay mới biết đã thành con người.
Từ nay phải kịp thời tự kiềm chế,
Nguyện cùng hoa mai cùng đổi mới.

Dịch thơ :

Nhân nhật lập xuân

Xuân độ, Xuân về, vô hạn Xuân
Sáng nay, phát giác mình thành Nhân
Khắc kỷ từ giờ, phải kiềm chế
Nguyện với Mai hoa, mãi thanh tân.

(Bản dịch của Thái Quang Vinh)

Trước hết nói về Nhân Nhật – ngày Con Người.

“Nhân Nhật ” là tên gọi ngày mùng 7 tháng Giêng. Theo “Bắc sử”, người đời Tấn gọi ngày Tết Nguyên đán là con gà, ngày Mùng 2 là con chó, ngày Mùng 3 là con lợn, ngày Mùng 4 là con dê, ngày Mùng 5 là con trâu, ngày Mùng 6 là con ngựa và ngày Mùng 7 là con người.

“Lập xuân” là nói đến thời điểm bắt đầu của mùa Xuân. Nói đến tiết Lập xuân là nói đến tiết khởi đầu trong 24 tiết khí được tính theo lịch của nhiều nước Phương Đông. Lập xuân cũng giống như lập hạ, lập thu, lập đông, đều là tiết khí phản ánh sự chuyển giao của bốn mùa.

Lập xuân (Ảnh: Kienthuc.net)

Lập xuân là một khái niệm trong việc lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Nhiều người lầm tưởng rằng lịch của người Trung Quốc, cũng như Việt Nam cổ đại, là âm lịch thuần túy nên thường cho rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất. Kỳ thực, lịch Trung Quốc cổ đại, nếu giải thích theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay, thì nó được tính theo vị trí của Trái Đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt Trời.

Nếu tính thời điểm Xuân phân là gốc (kinh độ Mặt Trời bằng 0°) thì vị trí của điểm Lập xuân là kinh độ Mặt Trời bằng 315°. Do vậy ngày bắt đầu tiết Lập xuân được tính theo dương lịch hiện đại và nó thông thường rơi vào ngày hoặc 5 tháng 2 dương lịch và kết thúc vào khoảng ngày 18 (hay 19 tháng 2 tùy theo từng năm), trong lịch Gregory (Công lịch) theo các múi giờ Đông Á khi tiết vũ thủy bắt đầu. Ngày Lập xuân năm nay vào ngày 4/2/2018 (tức 19/12 năm Âm lịch Đinh Dậu).

Khi đất trời vào tiết lập xuân tức là không khí mùa xuân bắt đầu tràn về. Đó chính là lúc nhiệt độ không khí, lượng mưa và ánh sáng mặt trời đồng thời tăng lên. Những biến đổi của vạn sự vạn vật lúc này như là khúc nhạc dạo đầu báo hiệu mùa xuân đến. Nhưng ngay từ ngày đầu vào tiết xuân, tức là ngay sau khi rời tiết Đại hàn, sự biến đổi trên thực tế đôi khi cũng chưa thật rõ ràng. Nhưng trước cảnh khí trời dần ấm lên, thời kì lạnh nhất đã qua, thì chúng ta bắt đầu nhận ra hơi thở của mùa xuân.

Trong cách tính của người xưa, tiết lập xuân được phân làm ba thời:

Nhất hậu đông phong giải đống,
Nhị hậu triết trùng thủy chấn,
Tam hậu ngư trắc phụ băng.

Sự phân chia này có nghĩa là: trong năm ngày đầu, gió xuân chuyển ấm, băng trên mặt đất dần tan chảy; năm ngày sau, các loài côn trùng đang ngủ trong kén đã thức dậy; lại qua năm ngày nữa, lớp băng trên sông bắt đầu tan chảy, cá bơi lội trong làn nước, nhưng lúc này các tảng băng vẫn chưa tan hoàn toàn, những con cá trông như đang gánh băng lên để bơi bên dưới.

Bài thơ Nhân nhật lập xuân được xem là trang nhật ký tự răn mình, tự soi mình của một người tu luyện.

“Xuân đến xuân đi, xuân không cùng,
Sáng nay mới biết đã thành con người
Từ nay phải kịp thời tự kiềm chế,
Nguyện cùng hoa mai cùng đổi mới.”

Trong những ngày Lập Xuân, hồn người thường trong veo như nước hồ lặng không gợn sóng. Thế mà, có những con sóng ngầm dưới tầng sâu. Thấy mình như một đứa trẻ được sinh ra lần đầu. Nhưng là một đứa trẻ đã có nhiều trải nghiệm và bám nhiều tục lụy.

Sự phủ định ngầm những Danh, Lợi, Tình làm ô trọc tâm hồn mình dưới thế gian.

(Ảnh: Pinterest.com)

Bắt đầu khởi thủy cho một cuộc sống mới.

Muốn trở về cái Thiện thuở “nhân chi sơ” thì phải biết “khắc kỷ phục lễ” để chế ước dục vọng bản thân. Phải làm bạn với loài hoa khí tiết, nở và tỏa hương ngay khi mặt đất trắng tuyết lạnh.

Ngày nay, khi muốn tìm hiểu tư tưởng của người xưa trong thơ văn hoặc trong lối cư nhân xử thế, chúng ta thường tự hào lấy cơ điểm của con người văn minh để nhìn những sản phẩm lỗi thời.

Đâu biết rằng người xưa sống với những quy phạm đạo đức làm đầu. Ngày xưa đi học từ cách cầm bút, mài mực, ngồi đả tọa cho đến chiếc chiếu trải ngay ngắn… Đều phải khắc kỷ điều tức. Văn hóa tu luyện đã chế ước con người bản năng.

Bất cứ Đạo Gia hay Phật Gia đều cho rằng, con người là anh linh của vạn vật. Đây là sinh mệnh có Nguyên Thần, Phó Nguyên Thần và vô vàn Sinh Mệnh Thể độc đáo. Hàng tỷ tỷ các sinh mệnh, vật chất hữu cơ hay vô cơ; động vật hay thực vật trên trái đất đều vì con người mà tồn tại… Chỉ có con người mới được tu luyện; mới có thể trở về nơi chính ngày xưa mình đã ra đi.

Ngày lập xuân không ngẫu nhiên là ngày thứ 7, là ngày Con Người; sau khi đã trải qua những con vật khác.

Câu thơ:

“Xuân đến xuân đi, xuân không cùng,”

Nhìn thì giản dị. Nhưng nó dễ cho ta nhận thức cả một bài thơ nổi tiếng về “Đêm qua sân trước một cành mai” của Mãn Giác Thiền Sư.

Đó là cái an nhiên khi nhìn mọi sự vật trôi chảy. Xuân đến, rồi đi. Và chu kỳ ấy lại vậy. Có điều nhiều lúc mình quên cái nhận thức thực tại ấy. Mình sống lọt vào Danh, Lợi, Tình, mình đã xa rời bản chất tiên thiên và quên nghĩa vụ “phản bổn quy chân”. Mùa xuân đến. Đặc biệt cái ngày Lập Xuân đến như một chiếc gậy “bổng hát” gõ vào đầu để nhớ về những quy phạm Đạo Đức mà mình đã sao lãng. Thời gian của thiên nhiên vẫn vậy.

Nhưng mình lại sực nhớ “mình” nên bất ngờ:

“Sáng nay mới biết đã thành con người”

Người xưa không cho hưởng thụ, tranh tranh đấu đấu; kẻ lừa người gạt để đạt quyền lợi vật chất, đạt phóng đãng trong Tình mới là giá trị sống.

Họ tin, họ chính là các vị Thần từ tầng cao vì không đủ phẩm chất nên phải rớt xuống tầng đáy của nhân loại này. Cái nơi mà Đức Phật nói là cõi Mê. Nguyễn Du đứng ngoài gọi mỉa mai là “cõi người ta”.

“Nguyện cùng hoa mai cùng đổi mới”. (Ảnh: Vforum.vn)

Vì thế mà con người tu luyện trấn áp, nghiêm khắc với con người tục lụy. Khổng Tử đề xuất: Khắc kỷ phục Lễ (nghiêm khắc với chính mình thì mới ổn định được Đạo đức xã hội).

Ở Phương Tây có cả một trường phái “khắc kỷ”. Điôzen đã bỏ cả chiếc muỗng ăn khi nhìn thấy thằng bé chăn cừu vốc tay uống nước. Ông khước từ mọi ân huệ của vua; xin vua tránh ra để ông có ánh sáng mà …đọc sách!

Câu thơ cuối nhắc tới hoa mai.

“Nguyện cùng hoa mai cùng đổi mới”.

Đây là một đề tài bất tận. Có những nhà thơ chuyên viết về Mai như Lục Du. Bài thơ được viết trên nền nhạc “Bốc toán tử” này rất nổi tiếng:

“Ngoài dịch trạm bên cầu,
Lặng lẽ hoa không chủ.
Riêng giữa chiều buông đã tự sầu,
Lại thêm mưa với gió.

Không có ý giành xuân,
Ganh ghét tuỳ hoa cỏ.
Rơi rụng ngày sau hoá đất bùn,
Chỉ biết thơm như cũ.”

(Cao Tự Thanh dịch)

Tác giả này là vị Minh Quân Lê Thánh Tông:

MAI

“Trội cành nam chiếm một chồi,
Tin xuân mãi mãi điểm cây mai.
Tinh thần sáng, thuở trăng tĩnh,
Cốt cách đông khi gió thôi.

Tiết cứng trượng phu thông ấy bạn,
Nết trong quân tử, trúc là đôi,
Nhà truyền thanh bạch dăng từng khối,
Phỉ xứng danh thơm đệ nhất khôi!”

(Ảnh: Pinterest.com)

Lư Mai Pha, một thi nhân đời Tống, đã so sánh mai và tuyết qua hai câu:

“Mai tu tốn tuyết tam phân bạch
Tuyết khước thâu Mai nhất đoạn hương”

(Mai nên nhường tuyết ba phân trắng
Tuyết phải thua mai một bậc thơm)

Thật độc đáo chính Lô Đồng cũng để lại một đêm tương tư rất thánh thiện nhờ có hình tượng hoa Mai:

“Hỡi ơi! Người đẹp ta đâu?
Mưa chiều mây sớm, ai hầu biết ai?
Nhớ nhau suốt một đêm dài,
Trước song trắng toát hoa mai lúc nào!
Ngỡ mình chẳng phải mình sao?”

(Tản Đà dịch)

Hết phần 1. Mời độc giả đón đọc phần 2. 

La Vinh