Trong hồ sơ ghi chép về phỉ thúy triều đại nhà Thanh có ghi chép lại rất nhiều vật phẩm được sản xuất và cất giữ tại nội vụ phủ, số lượng lớn chủ yếu là nhẫn đeo tay bằng phỉ thúy. Thời điểm phỉ thúy tiến vào triều đại nhà Thanh không quá muộn, bắt đầu từ năm thứ 11 của hoàng đế Ung Chính (1733), sau đó rất phát triển trong thời vua Càn Long.

Đồ dùng trang trí nội thất hoàng gia

Thiết kế ngọc phỉ thúy để làm đồ trang trí trong cung điện Thanh triều cơ bản về mục đích, quá trình tương đối giống nhau, ảnh hưởng rất lớn từ hội họa cung đình. Thậm chí có nhiều họa sĩ cung đình trực tiếp tham gia chế tác, vì thế mà tác phẩm có tính nghệ thuật cao. Có thể nhìn thấy qua những văn dạng trên tác phẩm, nhân vật, muông thú trên bình phỉ thúy, bình phong… đều có kết cấu, chủ đề, bố cục tầng thứ thể hiện rõ nét phong cách hội họa cổ.

Những tác phẩm chế tác muông thú có tạo hình rất chính xác, qua đó ta có thể thấy được kỹ năng phác họa của tác giả. Ngoài ra còn một số tác phẩm cùng dụng cụ như cốc, lư hương được khắc họa mặt thú, hoa văn quỳ long… Loại cổ vật này được tạo ra vào giữa triều đại nhà Thanh.

Bình cắm hoa bằng phỉ thúy, hoa văn hoa điểu, cao 25cm, đường kính 5.9x8cm (Ảnh: big5.china)

Màu sắc hiện lên là màu xanh biếc, phân giữa có màu xanh lá đậm và pha chút màu nâu vàng. Bình cắm hoa hiện lên trong hình dạng của một gốc cây, bên ngoài có điêu khắc hoa mẫu đơn, ở giữa hướng lên là chim muông, bên dưới chạm khắc gỗ đỏ để làm đế.

Đây là đồ dùng để trang trí nội thất, phía trong có thể cắm thêm hoa. Trong những đồ dùng từ phỉ thúy thời nhà Minh sớm đã có thiết kế bình hoa, chủ yếu là hình ống. Đến đời Thanh, bình cắm hoa có khá nhiều dạng thức, trong đó chủ đề gốc cây là điển hình.

Lư hương phỉ thúy, hoa văn mặt thú, cao 10.3cm, đường kính 9.2cm (Ảnh: hk.saowen)

Sắc ngọc của lư hương có màu thanh bạch, phần giữa có một phần màu xanh lục. Lư hình tròn, bụng được trang trí với mặt thú nhô lên. Có hai tai đối xứng hai bên, ba chân trụ ngắn bằng phẳng, nắp cao bằng nụ hoa, bề mặt nắp cũng được trang trí bằng văn sức mặt thú.

Lư hương bằng ngọc thường được sử dụng để đốt hương, hiện nay vẫn lưu giữ được tác phẩm từ thời Tống. Đời Minh, lư hương bằng ngọc được sản xuất với số lượng lớn, không có nắp, tính thực dụng cao. Đời Thanh nối tiếp và kế thừa quá trình sản xuất từ thời Minh, tăng thêm hiệu ứng hoa văn, đa phần dùng để trang trí phòng.

Khánh thanh phỉ thúy thái bình, cao 25.5cm, rộng 26.5cm, dày 1.4cm (Ảnh: big5.china)

Tính chất của miếng ngọc này rất ưu mỹ, màu sắc rất đậm. Tác phẩm là một miếng phiến, hình dáng một chú voi. Trong đó một mặt khắc hoa văn vân mây, ở giữa khắc 4 chữ triện “Thái bình hữu tượng”. Giá của chiếc khánh làm bằng gỗ tử đàn, có chạm khắc hoa văn lá cây.

Tác phẩm là một mô hình bằng phẳng, chứa đựng ý nghĩa thiên hạ thái bình. Trong “Hán sách – Vương Mãng truyện” có ghi: “Thiên hạ thái bình, ngũ cốc thành thục”, đây chính là lý tưởng về trạng thái xã hội mà cổ nhân theo đuổi.

Phỉ thúy với đồ dùng thường ngày trong hoàng cung

Đối với cuộc sống thường ngày trong cung đình triều Thanh, đồ dùng ăn uống chiếm một vị trí trọng yếu, chủ yếu bao gồm chén, đĩa, ly, chậu rửa, hộp… Do kích thước của những đồ dùng hàng ngày khá lớn, nên các tác phẩm chế tác từ phỉ thúy hơi ít. Những tác phẩm được chế tạo cũng thường có thân mỏng, mịn màng, vì không đủ độ dày nên không điêu khắc hoa văn, vì thế mà nhìn thấy rất rõ kết cấu của phỉ thúy.

Ly đĩa phỉ thúy, thời Càn Long, cao 5cm, đường kính 7cm (Ảnh: xuehua)

Phỉ thúy có màu xanh lục, điểm xuyết những màu xanh lục đậm và sâu, mịn màng. Phần trên cùng của ly và đĩa đều có màu đỏ nhạt, có thể là do nhân công nhuộm màu. Ly hình tròn, hai bên có đôi tai hình ly long. Phần đáy có hoa văn hình múi, tổng cộng có 8 múi, phối hợp cùng ly long trông rất đẹp mắt. Chiếc đĩa phía dưới có khắc chữ triện “Càn Long niên chế”.

Kiểu cốc này phổ biến trong thời Minh và Thanh, dạng thức rất nhiều, đời Thanh tác phẩm tinh xảo hơn. Vào thời nhà Thanh, sự giao lưu văn hóa giữa đại lục và Trung Á rất gần gũi, các tác phẩm bắt chước phong cách Trung Á xuất hiện khá lớn trong việc sản xuất thủ công mỹ nghệ. Lúc đó lưu hành hình vẽ dây leo hay lá hoa sen.

Đồ rửa tay bằng phỉ thúy, dạng quả đào, cao 3.8cm, đường kính 24.8cm (Ảnh: 1wwtx)

Sắc ngọc màu xanh nhạt, điểm một chút xanh lục. Tác phẩm giống như một chiếc đĩa, mỏng và có hình dáng quả đào. Phần dưới có trang trí hai cành đào được chạm khắc hoa đào.

Đồ rửa tay là một dụng cụ cần thiết trong hoàng thất, bắt đầu xuất hiện vào thời Tần và thời Hán. Có thể thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ học, số lượng đồ rửa bằng ngọc khá lớn, hiện được cất giữ tại Bảo tàng Cố cung.

Chén phỉ thúy, thời Thanh, cao 8.3cm, đường kính 12.4cm. Chất ngọc của chiếc bát màu xanh nhạt, miệng bát hướng ra ngoài, kiểu dáng đơn giản (Ảnh: newsancai)

Phỉ thúy dùng làm đồ trang sức cho hoàng cung

Trang sức mà chúng ta cần nhắc đến đầu tiên hẳn phải là nhẫn, dây chuyền, vòng đeo tay. Trang sức phỉ thúy trong cung đình nhà Thanh gồm có trâm cài đầu, vòng tay, nhẫn, dây chuyền. Trong quy trình sản xuất y phục cũng sử dụng phỉ thúy làm trang sức, ví như hạt cườm đính trên áo, trang sức trên quạt, trên gậy, tùy theo ý thích của chủ nhân món đồ mà thiết kế. Những đồ trang sức phỉ thúy được cất giữ nhiều vào cuối triều Thanh, thường được làm bằng loại ngọc hảo hạng, độ trong suốt cao, chủ yếu dùng để thể hiện điềm may mắn, cát lành.

Nhẫn phỉ thúy, hoa văn con dơi, đường kính 2.2cm (Ảnh: pzyiqj)
Trâm kim tương phỉ thúy, dài 16.2cm (Ảnh: sohu)
Trụy phỉ thúy khắc hoa sen, dài 2.8cm (Ảnh: collection.sina)

Hoa sen là một chủ đề trang trí truyền thống trong các triều đại Minh và Thanh, giới văn học chủ yếu sử dụng chủ đề hoa sen như một bức tranh thanh mát, lấy ngụ ý giàu sang. Kết hợp với phỉ thúy quả là một tác phẩm trân quý, xinh xắn và thanh cao.

Theo sohu.com
Uyển Vân biên dịch

Từ Khóa: