“Ồ! Tôi thật không ngờ ở đó có bức tranh”. Trong hơn 40 năm qua, đây là những từ mà họa sĩ chuyên vẽ tranh trên cạnh sách Martin Frost đã nghe thấy nhiều nhất khi mọi người lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm của ông, và câu nói đó mang tới một niềm vui mà ông chưa bao giờ chán nghe.

Một nghệ sĩ quý hiếm với một nghề quý hiếm

Frost vẫn tiếp tục công việc vẽ tranh trên cạnh sách cực kỳ quý hiếm và đang bị nguy cấp của Vương quốc Anh, đặc biệt là vẽ tranh trên cạnh trước, một nghề thủ công khéo léo, theo đó các bức tranh được vẽ trên các cạnh trang của cuốn sách và do đó ẩn dưới các cạnh mạ vàng của trang giấy.

Các bức tranh ẩn trên cạnh trước của sách chỉ có thể được nhìn thấy khi các trang sách được uốn ở một góc nhất định. (Nguồn ảnh: Foredgefrost)

Trong danh sách vinh danh nhân dịp năm mới 2019, Frost đã được vinh danh nhờ những đóng góp trong việc bảo tồn nghệ thuật vẽ tranh ẩn trên cạnh sách và được trao tặng danh hiệu thành viên của Giai tầng Đế chế Anh (Order of the British Empire), một niềm vinh dự cấp quốc gia.

Bức tranh sông Thames của London trên cạnh sách của Frost chạy dọc theo các cạnh của một phiên bản vào khoảng năm 1880 của cuốn sách The Thames. (Nguồn ảnh: Foredgefrost)

Dưới đây, Frost chia sẻ suy nghĩ của ông về một truyền thống đang mai một là vẽ tranh trên cạnh sách và tiết lộ cách xem những bức tranh ẩn. 

Cuộc phỏng vấn

The Epoch Times: Xin vui lòng cho chúng tôi biết về công việc của ông.

Martin Frost: Vẽ tranh ẩn là một hình thức nghệ thuật trang trí sách không giống như bất kỳ môn nghệ thuật nào khác. Tôi trang trí một cuốn sách theo cách vô hình, trừ khi bạn biết cách mở sách đúng cách thì nó mới hiển thị hình ảnh. Đây là một thứ rất đậm chất Anh; chúng tôi là người Anh, nên chúng tôi nổi tiếng là những người thích làm những điều có đôi chút lạ lùng. Chúng tôi thích điều lạ, thích sự kỳ quặc, thích sự khác thường; và một bức tranh ẩn trên cạnh sách chắc chắn sẽ mang lại những điều đó.

Martin Frost vẽ những bức tranh trên cạnh sách trong phòng tranh của ông ở Worthing, Anh quốc. (Foredgefrost)

Tôi là một họa sĩ; Tôi không tự gọi mình là một nghệ sĩ vì một nghệ sĩ sẽ tạo ra những bức tranh mới. Tôi đã vẽ lại rất nhiều bức tranh mà tôi đã thu thập được từ nơi khác, vì vậy, tôi chính là đang làm một số lượng lớn các bản sao. Nhưng tôi đúng là một họa sĩ, vì tôi vẽ tranh; và tôi vui nhất là khi cầm cây cọ vẽ trong tay. Không chỉ là công việc; về cơ bản đó chính là niềm vui.

Bức tranh Martin Frost vẽ lại bức “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci là một lựa chọn phổ biến cho sách Kinh thánh và các sách cầu nguyện. (Ảnh: Foredgefrost)

Chẳng hạn, tôi làm rất nhiều bản sao của bức “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci, chủ yếu là trên các quyển Kinh thánh và sách cầu nguyện, nhưng mỗi phiên bản đều hơi khác nhau. Đó là niềm vui của công việc thủ công. Bạn có thể đặt một chút của bản thân mình vào đó; đó là điều không thể có khi bạn làm công việc in ấn thương mại, nơi bạn chỉ tạo ra một hình ảnh và sau đó lặp đi lặp lại hàng ngàn lần. In ấn hàng loạt như thế có rất ít niềm say mê.

Những bức tranh trên cạnh sách trên Kinh thánh là một ủy nhiệm thường xuyên cho Martin Frost. (Foredgefrost)

The Epoch Times: Cơ duyên nào khiến ông trở thành một họa sĩ vẽ tranh trên cạnh sách?

Frost: Chà, tôi đã luôn là một họa sĩ. Cha tôi đã là một họa sĩ chuyên nghiệp. Ông ấy là thành viên của Hội Pastel, vì vậy khi tôi lớn lên, tôi thường xuyên tiếp xúc với những bức tranh và công việc về vẽ, nên tôi không có sự ngại ngùng khi tiếp xúc với nghệ thuật. Vẽ tranh chính là công việc của chúng tôi.

Thực ra lúc đầu tôi không muốn vẽ tranh; mà muốn làm một cái gì đó có một chút khác biệt, vì vậy thực tế tôi được đào tạo về chuyên môn nhà hát. Tôi làm các thiết kế dựng cảnh, thiết kế sân khấu, trang phục, đạo cụ và phông nền.

Đó là khi tôi còn đang làm việc tại Glyndebourne, một nhà hát opera địa phương. Cơ duyên đã cho tôi gặp Don Noble, một đồng nghiệp cũng đang làm công việc sân khấu.

Noble đã vẽ tranh trên cạnh sách trong nhiều thập kỷ, và ông ấy cho tôi xem những gì ông ấy đã làm. Và tôi nghĩ, tôi có thể làm được việc đó; Việc đó khá đơn giản. Tôi sẽ dấn thân vào công việc này.

Và tôi đã bắt tay vào làm. Trước tiên tôi vẽ thử vài quyển và đưa chúng cho một hiệu sách địa phương; và họ nói: ”Không tệ; chúng tôi sẽ mua“.

Một cảnh lấy trực tiếp từ “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” của nhà văn Mark Twain trên cạnh phiên bản tiếng Anh đầu tiên của cuốn sách năm 1885. (Forgedgefrost)

Phải thừa nhận rằng, tôi đã mất vài năm để thực sự rời xa công việc của mình ở nhà hát, và sau đó tôi chuyển sang thiết kế báo chí, sắp chữ và in ấn, nhưng tôi vẫn thường xuyên vẽ tranh trên cạnh sách.

Trở lại những năm 1980, đã có một sự hồi sinh của bức tranh trên cạnh sách, vì vậy lúc đó đã có đủ công việc để tôi thực sự tự gọi mình là một họa sĩ vẽ trên cạnh sách chuyên nghiệp toàn thời gian, cho tới nay.

The Epoch Times: Bạn có thể cho chúng tôi một cái nhìn tổng quan về lịch sử hội họa trên cạnh sách không?

Frost: Những ví dụ đầu tiên về tranh trên cạnh sách mà chúng ta biết hiện nay không có nghĩa chúng là những bức tranh sớm nhất, mà chỉ là những bằng chứng đưa ta quay trở lại London khoảng năm 1650. Chúng có xu hướng là các huy hiệu, gia huy, chữ và biểu tượng. Chúng không đẹp như tranh vẽ, nhưng chúng thực sự ẩn xuống dưới lớp mạ vàng.

Khoảng một trăm năm sau, vào cuối thế kỷ 18, Edward ở Halifax, Yorkshire, đã hồi sinh nó. Gia đình Edwards thực sự thương mại hóa các tác phẩm tranh ẩn trên cạnh sách, và họ đã làm được một số tác phẩm và bìa sách rất đẹp. Họ vốn chủ yếu là thợ đóng sách, nhưng luôn thích thử nghiệm cả những thứ khác. Họ đúng là những người tiên phong, và tác phẩm của họ bây giờ vẫn được các nhà sưu tầm săn lùng. Họ đã tạo ra trên các cạnh của cuốn sách những bức tranh ẩn đẹp như tranh vẽ truyền thống; đó là khung cảnh của những ngôi nhà, cảnh biển và cảnh quan thành phố, giống loại tranh được treo trên tường vào thời điểm đó.

Thông thường, các bức tranh trên cạnh sách phản ánh sở thích của chủ sở hữu cuốn sách hơn là chủ đề của cuốn sách. Trong ví dụ này, những người chơi golf trên một phiên bản năm 1874 của “The Heir of Redclyffe”, một cuốn tiểu thuyết lãng mạn của Charlotte M. Yonge. (Ảnh: Foredgefrost)

Câu chuyện vẽ tranh trên cạnh sách cũng như sự hình thành những con sóng: Nó xuất hiện, được phổ biến, sau đó trôi qua, và sau đó nữa nó lại được khôi phục lại bởi một thế hệ sau đó. Đó thực sự là những gì đã xảy ra trong thời gian của cuộc đời tôi. Trở lại những năm 1980, đó là cao trào, rất phổ biến vào thời gian đó.

Bây giờ nó không còn phổ biến như lúc đó. Chúng tôi bán được ít hơn; chúng tôi cũng sản xuất ít hơn, bởi vì nó thực sự là một thứ thời trang đã qua.

Tôi bắt đầu vẽ tranh trên cạnh sách vào khoảng năm 1970 và đã sản xuất được khoảng 3.500 tác phẩm cho đến nay.

The Epoch Times: Ông có thể cho chúng tôi biết về quy trình thực tế để làm ra một bức tranh trên cạnh sách không?

Frost: Kỹ thuật tôi sử dụng là mở cuốn sách ra như chiếc quạt, sau đó tôi đặt nó vào máy ép, và một cái kẹp sẽ giữ yên cuốn sách ở vị trí phù hợp để tôi thực hiện bức tranh.

Một tờ báo mở ra “Vụ ám sát Abraham Lincoln: Một chỉ báo của các quốc gia”, xuất bản năm 1867. Đây là một ví dụ về các bức tranh cạnh sách kép tách đôi, trong đó một cuốn sách lớn được chia ra làm hai và vẽ lên. (Ảnh: Foredgefrost)

Những cuốn sách không phải luôn dễ dàng để tạo thành hình quạt; đôi khi nếu trang giấy quá cứng, khá khó để tạo thành quạt. Nếu giấy quá mỏng, chúng sẽ xòe ra quá mức; do đó, có những loại sách tối ưu để làm công việc này.

Bức tranh thực sự là một chút lạ. Tôi sử dụng màu nước của Anh vì tôi muốn gợi lại một chút truyền thống. Tuy nhiên, vẽ tranh bằng màu nước của Anh thường là một quy trình rất ẩm ướt. Trước tiên phải thấm nước xuống giấy, sau đó mới thêm màu vào, từ đó sẽ có được một vệt màu mờ và sự pha trộn đáng yêu. Nhưng không thể làm thế với một bức tranh trên cạnh sách bởi vì nếu thêm nhiều nước lên cạnh hình quạt của cuốn sách, các trang giấy sẽ bị gợn sóng và kết quả thu được là một cuốn sách rất lung lay.

Một cảnh trong phiên bản năm 1930 của “Moby Dick” của Herman Melville. (Ảnh: Foredgefrost)

Vì vậy, tôi bắt buộc phải dùng kỹ thuật cọ khô, một kỹ thuật rất bất thường khi vẽ với màu nước của Anh, nhưng tôi thấy đó là kỹ thuật phù hợp với công việc của tôi.

Một bức tranh trên cạnh sách trên phiên bản năm 1897 của “Alice ở xứ sở thần tiên”. (Ảnh: Foredgefrost)

The Epoch Times: Ông chỉ vẽ trên những cuốn sách cổ?

Frost: Không ai nghĩ đến việc kết hợp bìa sách hiện đại với tranh trên cạnh sách cho đến khi tôi thực sự tham gia. Tôi nhận thấy thị trường đã thay đổi. Thị trường của những cuốn sách cổ đã bắt đầu ảm đạm và tôi nghĩ rằng kỹ thuật vẽ tranh ẩn trên cạnh sách có thể được áp dụng cho những cuốn sách hiện đại cũng dễ dàng như những cuốn sách cổ, miễn là bạn có liên quan đến làm bìa sách và có thể áp vàng lên cạnh sách, vì sách hiện đại không có cạnh mạ vàng. Rồi sau đó cần phải tìm ra cách đóng lại sách và mạ vàng những cuốn sách hiện đại để che đi bức tranh. Vì vậy, việc vẽ tranh lên cạnh sách trên những cuốn sách hiện đại sẽ mất công hơn rất nhiều so với việc đi ra ngoài mua một cuốn sách bằng da cũ với các cạnh mạ vàng đã có sẵn trên đó và chỉ việc vẽ tranh.

Tôi có sở thích là luôn tạo ra phương pháp đóng sách mới thay vì sử dụng phương pháp sản xuất cũ. Tôi thích làm việc với các chất liệu da và vàng, sử dụng các kỹ thuật thủ công cổ, các phương pháp đóng sách cổ, vì vậy tôi đúng là đang làm việc trong một môi trường truyền thống.

Những bức tranh trên cạnh sách tách đôi, trên một phiên bản năm 1863 của “The Works of William Shakespeare”. (Ảnh: Foredgefrost)

Bạn có thể sản xuất một số tác phẩm hiện đại rất thú vị. Nhưng tôi có xu hướng không làm điều đó: Tôi có một chút là người theo chủ nghĩa truyền thống. Một số kỹ thuật mà tôi sử dụng để khôi phục sách là những phương pháp tương tự mà những người thợ đóng sách đã sử dụng trong 400 năm qua.

The Epoch Times: Ông đã học các kỹ năng đóng sách và mạ vàng ở đâu?

Frost: Tôi học nó qua công việc; không có người đi học việc này trong thời đại ngày nay. Các nhà đóng sách cũ đã biến mất, vì vậy tôi đã phải tự học các kỹ năng cần thiết. Nhưng tôi có rất nhiều người bạn cũng là những người làm công việc đóng sách trong một thời gian dài, vì vậy tôi đã tích cực hỏi han họ.

Những người đóng sách thủ công đó, về cơ bản họ cũng giống như tôi: Tất cả họ đều yêu thích công việc đang làm và luôn vui vẻ truyền nghề cho những ai quan tâm.

Bây giờ tôi đúng là một thợ thủ công “một cửa”. Tôi có thể đưa các trang in trực tiếp tới thành phẩm; và tôi tự mình làm hết các công đoạn. Tôi là người duy nhất vẽ tranh trên cạnh sách, mạ vàng sách, mạ vàng các trang, và luôn cả đóng sách.

Đây là một công việc thủ công, là một kỹ năng, và tính đến nay tôi đã làm công việc này được hơn 40 năm, và đó cũng là thời gian khiến tôi trưởng thành tới mức độ như hiện giờ. Nó không phải là thứ gì đó mà bạn chỉ cần xem trên YouTube và nói, “ồ, làm việc đó như thế”. Đó là thứ mà bạn phải làm một cách chậm chắc, và phải đạt đến được trình độ mà mọi người phải tấm tắc khen ngợi”

Hai cỗ xe đua với nhau trong một cảnh từ thời La Mã cổ đại ở cạnh của sách “Lịch sử Vũ trụ được minh họa của Cassell”, phiên bản năm 1887. (Ảnh: Foredgefrost)

Trên thực tế, tôi thích nghĩ rằng nghề thủ công kiêm nghệ thuật này đang tận hưởng một chút hồi sinh. Mọi người đang nói: “Có, chúng tôi có thể nhận được iPhone của mình. Chúng được sản xuất ra tới hàng trăm ngàn chiếc. Chúng là thứ tuyệt vời, nhưng thực sự không mang tính nhân bản”.

Bây giờ một cuốn sách từ rất bản chất của nó đã là một vật thể giàu xúc giác, rất có giá trị thưởng thức. Bạn có thể nhặt nó lên, đặt nó xuống, bạn có thể cảm nhận nó và thậm chí bạn có thể ngửi nó nếu nó là một cuốn sách có bìa da. Điều đó khá đặc biệt, và sau đó nếu bạn có thể tìm thấy một bất ngờ bí mật đặc biệt đã được làm thủ công cho riêng cuốn sách đó, nó sẽ trở thành một thứ gì đó thực sự đặc biệt. Và theo suy nghĩ của tôi, đó là tất cả cái hay của nghề thủ công này. Đây là những sản phẩm có một không hai. Những gì bạn có với một bức tranh trên cạnh sách là hoàn toàn độc đáo trong tay bạn, và sẽ không bao giờ có một bức tranh nào khác giống như vậy.

The Epoch Times: Xin cảm ơn ông rất nhiều vì những chia sẻ vừa rồi.

Một cảnh trên phiên bản năm 1912 của “Những tác phẩm thơ của Longfellow”, của nhà thơ người Mỹ Henry Wadsworth Longfellow. (Foredgefrost)

Theo The Epoch Times
Hòa Bình biên dịch

Xem thêm: