Nghe lại bản gốc tuyệt đẹp là loạt bài qua đó chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên trân trọng dành tặng quý độc giả những ca khúc gốc bất hủ của các phiên bản tiếng Việt mà khán giả Việt Nam vốn say mê, nhưng có thể chưa biết đến sự hiện diện của những bản gốc lộng lẫy và câu chuyện lịch sử đầy xúc động xung quanh của chúng… Chúc quý độc giả những giây phút thưởng thức đầy thú vị và thăng hoa…

Ở đâu có mẹ, ở đó có quê hương…

Mẹ ơi, xa quê biền biệt đã ba mươi mấy năm trời, quá nửa đời người, mang quốc tịch xứ người, làm công dân xứ người, nhưng trái tim con vẫn chỉ có một quê hương thôi, mỗi tháng mỗi ngày con đều tự hỏi: nơi này sao dường như vẫn xa lạ, vẫn chưa trở thành quê hương? Rồi chợt hiểu ra “mẹ chính là quê hương thôi”… Liền nhấc điện thoại gọi ngay về cho mẹ trong nức nở nghẹn ngào…

Hôm nay chợt nghe Robertino Loreti cất giọng lanh lảnh “Tim con vang lên khi nghe tiếng mẹ”, bỗng như rụng rời, tiếng hát như cứa vào tim, và muốn qua Đại Kỷ Nguyên để gửi về cho mẹ trái tim con hòa nhịp với Mama… trong tiếng gọi tha thiết Mẹ ơi, con sẽ về với mẹ…

Thấp thoáng nơi đây mai vàng nở
Chạnh lòng con nhớ mảnh vườn quê
Nhớ mẹ chiều nay ngồi đun cám
Lửa phập phù… gian bếp chật khói rơm.

Nhớ mẹ chiều nay ngồi đun cám / Lửa phập phù… gian bếp chật khói rơm. (Ảnh: pixabay.com)

Con vẫn nhớ mưa đông dầm dề lắm.
Nên củi, rơm ướt nhẹp khó đun.
Mẹ thổi mãi… khói vào cay mắt mẹ
Nồi cám lăn tăn, đợi mãi không sôi.

Mẹ thổi mãi… khói vào cay mắt mẹ / Nồi cám lăn tăn, đợi mãi không sôi. (Ảnh: pixabay.com)

Lưng mẹ còng hơn, bậc thềm thành cao quá.
Chợ gần nhà, giờ hóa chợ xa
Miếng trầu giòn thơm ăn từ thời con gái
Giờ cối giã rồi, mẹ chỉ ngậm không nhai…

Miếng trầu giòn thơm ăn từ thời con gái / Giờ cối giã rồi, mẹ chỉ ngậm không nhai…(Ảnh: pixabay.com)

Con xa nhà khi chưa đến mười lăm,
Đường học rộng cứ ngỡ mình cao lắm,
Hơn hẳn mẹ thầy chỉ lớp bốn bình dân.
Có ai hiểu thời gian kì lạ quá,

Hết nửa đời người càng thấy mẹ lớn lao.
Mẹ dạy con chẳng có triết học nào,
Chỉ giản dị, ca dao truyện cổ,
Cứ mỗi chuyện vận vào đôi câu hát,

Nên đến giờ con vẫn thuộc như in.
Câu hát ngọt ngào mẹ ru con, ru cháu
Chẳng danh ngôn Khổng Mạnh xa vời.
Mà sâu xa mà đủ đầy đến thế

Thật dễ, thật gần mà đi mãi còn xa…

Mà sâu xa mà đủ đầy đến thế / Thật dễ, thật gần mà đi mãi còn xa… (Ảnh: pixabay.com)

Mẹ hiền từ, mẹ nhân hậu bao la.
Chuyện cửa nhà, chuyện cháu con, hàng xóm
Không trách giận chi ai, không đòi hỏi điều gì
Kết mọi việc bằng câu đơn giản:

“Một đời ta, ba bảy đời người”.

Kết mọi việc bằng câu đơn giản: / “Một đời ta, ba bảy đời người”. (Ảnh: pixabay.com)

Mẹ ơi! Tết sang, đào vườn ta lại nở
Mười hai tháng xa con chắc mẹ già thêm
Con thấy đâu đây vẩn vương mùi khói bếp
Mẹ lần tay, men bậc cửa xuống sân nhà

Tay già yếu run run bê nồi cám
Quặn lòng con mỗi sáng thấy mai vàng…

Tay già yếu run run bê nồi cám / Quặn lòng con mỗi sáng thấy mai vàng…(Ảnh: pixabay.com)

Mẹ ơi, và trong sự trở về, Mamma chính là sự trở về của con với mẹ

Còn Robertino Loreti, cậu bé người Ý giờ đây đã là một người đàn ông 70 tuổi. Cậu bé ngày xưa ấy là con thứ tư trong một gia đình nghèo tám người con.

Khi mới 10 tuổi người cha ngã bệnh và cậu đã phải lao đi kiếm sống để phụ giúp gia đình kiếm tiền chữa bệnh cho cha bằng cách cách đưa bánh mì cho các nhà hàng và lao động cật lực như các em bé nghèo khổ khác.

Cậu bé ấy lảnh lót như một chú sơn ca trên đường, cứ hát mãi hát mãi hết bài hát dân gian này đến bài dân gian khác trên con đường mưu sinh nhọc mệt.

Và giọng hát của cậu bắt đầu được nhiều người chú ý. Người ta mời cậu hát giúp vui cho các đám cưới trong nhà hàng….

Rồi một ngày, cuộc sống đã mỉm cười với cậu. Tại quán cà phê Cafe Grand Italia, nơi diễn viên Neapolitan Totò và nhà sản xuất truyền hình Volmer Sørensen có mặt ở đó, họ đã chú ý tới cậu bé thần đồng và Thượng đế đã trao cho cậu món quà thành danh nức tiếng khắp thế giới với bài ca về Mẹ:

Tim con vang lên khi nghe tiếng mẹ.

Ôi thân yêu như tiếng ca ban chiều
Vang bên tai con bao lời ân tình
Nghe sao bao âu yếm sưởi ấm tâm hồn
Mẹ mừng vì giờ đây con đã trở về
Mẹ nhìn con mỉm cười âu yếm

Ôi mẹ!
Cả cuộc đời con chỉ ôm ấp hình bóng mẹ

Ôi mẹ!
Thật đẹp tuyệt vời bao hạnh phúc sống bên mẹ
Con ca lên khúc ca ân tình
Nay bao xa cách đã qua rồi
Con nâng niu ôm lấy cánh tay mẹ yêu
In trong tim con mẹ mến yêu

Ôi mẹ!
Dịu dàng âu yếm như con ngày ấu thơ
Qua rồi, năm tháng mong chờ
Từ nay con sẽ sống bên mẹ mến yêu trọn đời.

Mẹ chờ con về mẹ nhé.

Con của mẹ

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Robertino Loreti, cậu bé Ý hát Mamma khi 14 tuổi…

Cô bé Hải Vân năm nào cất giọng oanh vàng hát Mama khiến người nghe sững sờ….

Bài thơ trong lá thư trên của tác giả Huệ An.

Còn tác giả phần nhạc của bài hát nổi tiếng đến mức người ta gọi là dân ca Ý này là Cesare Andrea Bixio, một nhà soạn nhạc người Ý, sinh ngày 11/10/1896. Ông đã sớm bộc lộ tài năng âm nhạc, viết bài hát đầu tiên của mình khi chỉ mới 13 tuổi. Phần lời do Bruno Cherubini viết năm 1941, với tên nguyên thủy bài hát là “Mamma son tanto felice” (Mẹ ơi, con rất vui).

Bài hát đã được nhiều nghệ sĩ lớn trình diễn như Benjamino Gigli, Connie Francis, Luciano Pavarotti, Luciano Tajoli…Trong đó, tại Việt Nam, được yêu thích nhất là cậu bé người Ý Robertino Loreti hát Mamma vào năm 1961 với giọng oanh vàng thánh thót.

Năm 1977, cô bé Hải Vân còn là một diễn viên thiếu nhi của đoàn Sơn Ca, đài Tiếng Nói Việt Nam. Trong tiếng đệm đàn Piano của nghệ sĩ Hoàng My, cô bé đã cất những nốt cao tuyệt mỹ để diễn tả xúc động Mama bằng tiếng Ý và tiếng Việt.

Hiện nay Hải Vân sống ở Đức, và cô không còn theo nghiệp hát nữa. Thật kỳ lạ, điều này cũng giống như Robertino Loreti, cậu bé gần như cũng chỉ vụt sáng với Mamma. Duy nhất để đời một bài hát về Mẹ và vẫn còn vang mãi dù đã quá bốn mươi năm có lẻ.

Giọng hát trẻ thơ trong sáng và cao vút, không chút suy tư. Mời độc giả thưởng thức phần trình diễn của Hải Vân bằng hai thứ tiếng: Tiếng Ý và tiếng Việt:

Ca sĩ Phương Nga, giảng viên Khoa Thanh Nhạc- Nhạc Viện Quốc Gia Việt Nam trình bày bằng giọng cao soprano tuyệt đẹp, với sự đằm thắm của một người con đã trưởng thành thể hiện ca khúc Mama bằng tiếng Ý và tiếng Việt.

Hà Phương Linh