Chuyên mục Kiệt tác Thế giới là chuyên mục Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tới độc giả những đỉnh cao của nền văn hóa nhân loại, đã được minh chứng qua dòng chảy thời gian, với các tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn học, kiến trúc… kiệt xuất. Có thể nói đó là những dấu ấn lịch sử đã đặt định nên chuẩn mực giá trị nghệ thuật và nhân sinh vô cùng quý báu cho toàn thể nhân loại.

“Hiếm có người yêu cuộc sống như Peter Ilyich. Mỗi ngày đều có ý nghĩa riêng biệt đối với ông, và cứ mỗi ngày trôi qua ông lại cảm thấy buồn với ý nghĩ mọi điều ông từng trải qua trong ngày hôm đó đã trở thành quá khứ mà không để lại một dấu vết nào”. M.I. Tchaikovsky, em ruột nhạc sĩ, nhớ lại.

Tiểu phẩm giao hưởng “Bài hát Mùa thu” như một bức tranh diễm lệ

Tổ khúc “Bốn mùa” là một trong những tuyệt tác âm nhạc của Tchaikovsky tràn đầy thi cảm, tình yêu cuộc sống.

Trong các tiểu phẩm này Tchaikovsky đã vẽ nên những bức tranh phong cảnh với những khoảng không vô biên của những cánh đồng Nga, các phong tục tập quán ở nông thôn, các bức tranh đời sống thị thành ở Peterburg, những cảnh sinh hoạt âm nhạc của người dân Nga thời kỳ đó.

Tác phẩm của Tchaikovsky được xuất bản với 12 đề từ, là những khúc thơ nhỏ của các thi sĩ Nga:

Bên lò sưởi – Tháng giêng
A.C. Pushkin.

“Màn đêm êm ái buông
Trên góc nhỏ thanh bình
Lò sưởi dần lụi tắt
Mặc cây nến lung linh.”

Lễ Tiễn mùa đông – Tháng hai
P.A. Viazemski

“Lễ Tiễn mùa đông sắp đến rồi
Tưng bừng bàn tiệc mở khắp nơi.”

Chim sơn ca – Tháng ba
A.N. Maikov

“Ngoài đồng hoa dại lả lơi,
Nắng vàng sóng sánh khắp bầu trời,
Chim sơn ca báo xuân đến sớm
Lảnh lót trong màu xanh chơi vơi.”

Hoa xuyên tuyết – Tháng tư
1. N. Maikov

“Hoa tuyết mong manh nở
Xanh lơ nhạt tinh khôi!
Ngay bên những bông tuyết
Cuối mùa lất phất rơi…
Những giọt buồn sau cuối
Tiễn nỗi đau đã qua.
Đón những ước mơ nhỏ
Hạnh phúc không còn xa.”

Đêm trắng – Tháng năm
A.A. Fet

“Đêm đẹp sao! Vạn vật đều hạnh phúc!
Cảm ơn người, miền đất trắng nửa đêm!
Từ vương quốc của giá băng, bão tuyết
Tháng năm về trong veo, ngực căng tràn!”

Khúc hát người chèo thuyền – Tháng sáu
A.N. Plesheev

“Nào ta lên bờ thôi,
Dưới chân ta những con sóng nhỏ
Đang chờ dịu dàng hôn.
Và trên đầu ta chỉ còn
Những vì sao buồn bí hiểm.”

Bài ca cắt cỏ – Tháng bảy
A.V. Koltsov.

“Thôi nào hãy vươn vai,
Thôi nào dang thẳng cánh
Làn gió giữa trưa ơi,
Phả hương cỏ nồng nàn vào mặt!”

Mùa gặt – Tháng tám
A.V. Koltsov

“Trên đồng cả nhà ta vung hái
Cắt ngang thân lúa mạch cao cao!
Từng bông nặng trĩu hạt
Xếp thành lượm đi nào!
Rồi thâu đêm suốt sáng
Vang tiếng xe về làng.”

Đi săn – Tháng chín
A.S.Pushkin

“Lên đường, lên đường, tiếng tù và vang vang:
Người và chó sẵn sàng;
Mới hửng sáng người đã trên lưng ngựa
Lũ chó kéo căng dây cương.”

Bài ca mùa thu – Tháng mười
A.K. Tolstoi.

“Mùa thu lá rụng khắp vườn nghèo
Nhuộm vàng cả gió cuốn bay theo…”.

Trên xe tam mã – Tháng mười một
N.A.Nhecrasov.

“Đừng nhìn đường rầu rĩ thế em yêu
Và đừng vội chạy theo xe tam mã
Nỗi khắc khoải trong tim em buồn bã
Dập tắt nhanh, dập tắt vĩnh viễn thôi”.

Hội mùa đông – Tháng chạp
N.A.Nhecrasov

“Chiều muộn Hội mùa đông
Đám con gái má hồng
Cởi giầy ném ra ngõ
Xem hướng đi lấy chồng.”

Về “Bài ca mùa thu” – Tháng mười: nơi gửi gắm tình yêu nước Nga

“Bài ca mùa thu” chiếm một vị trí hết sức đặc biệt trong tổ khúc. Bởi màu sắc thấm đẫm suy tư và nỗi buồn của mình, nó trở thành trung tâm, thành đoạn tổng kết tất cả mọi điều đã được kể về cuộc sống Nga và thiên nhiên Nga.

Mùa thu ở Nga là mùa được ca ngợi và mô tả nhiều nhất trong văn học nghệ thuật. Vẻ đẹp hiếm có của phong cảnh thiên nhiên Nga được mùa thu khoác cho bộ cánh vàng lộng lẫy, xen lẫn với vô vàn các sắc màu khác. Nhưng cũng có những thời điểm thu hoàn toàn khác – mùa buồn, bởi đó là mùa thay lá của thiên nhiên, gắn liền với nỗi buồn về mùa hè đã qua, mà mùa hè là biểu tượng của cuộc sống.

Trong giai điệu tràn đầy những nốt buồn, như những tiếng thở dài. Đoạn hai xuất hiện đôi chỗ cao trào, như sự thể hiện hy vọng vào cuộc sống, và nỗi buồn cao thượng. Nhưng phần ba, nhắc lại phần đầu, trở lại với những tiếng thở dài buồn bã, những suy tư sâu thẳm.

Nhạc sĩ đã viết: “Ngày ngày tôi đi dạo rất xa, cố tìm cho mình một góc nhỏ ấm áp trong rừng và tận hưởng bầu không khí thu tràn ngập mùi lá rụng, sự yên tĩnh và cái quyến rũ của phong cảnh mùa thu với những sắc màu đặc trưng của nó”.

Những ai đã gắn bó, đã yêu nước Nga, đã đặt chân tới nơi đây, hẳn có thể gửi gắm lòng mình và tình yêu của mình vào tiểu phẩm tuyệt đẹp này.

Để có thể thưởng thức giao hưởng một cách sống động mỹ mãn nhất, chúng ta nếu không thể ngồi trực tiếp trong nhà hát lớn một cách trang nghiêm chăm chú, thì với link nhạc hay đĩa CD như ở đây, độc giả hãy cố tạo cho mình 1 không gian tĩnh lặng riêng, đeo tai nghe, nhắm khẽ mắt để có thể thưởng thức tương đối trọn vẹn những kiệt tác này của nhân loại ….

Hà Phương Linh