Ai Cập cổ đại kéo dài một thời gian hơn ba nghìn năm. Khí hậu khô cằn của Ai Cập cho phép bảo tồn các bức tranh tường rất cổ trong các lăng mộ của các vị chức sắc xứ này. Một số bức tranh có niên đại từ 4.000 đến 4.500 năm tuổi. Chúng ta cùng Đại Kỷ Nguyên khám phá.

Một thời kỳ hiếm có trong lịch sử nhân loại: Ai Cập cổ đại

Ai Cập cổ đại có lịch sử kéo dài hơn 3 nghìn năm. Một độ dài như vậy về triều đại văn hoá và chính trị cũng là ‘điều xưa nay hiếm’ trong lịch sử nhân loại, nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất vì, bên cạnh đó, nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã có từ hàng ngàn năm.

Tất nhiên trong khoảng thời gian đó ở Ai Cập cổ đại huyền bí cũng có xuất hiện nhiều gián đoạn, nhưng lối sống, tôn giáo, cách trị vì và văn hoá luôn trường tồn.

Ai Cập cổ đại có các đặc điểm văn hoá đồng nhất: chữ tượng hình, kiến ​​trúc (kim tự tháp, đền thờ), chạm khắc đá và các phù điêu, hội họa với những đường nét đơn giản chưa quan tâm nhiều về phép phối cảnh. Người Ai Cập yêu thích màu sắc, nên đã trang trí các bức tường, các tượng với nhiều màu.

Lăng mộ của Nefertari, họa tiết sau phục chế (năm -1250)

Sự chân chất giản đơn của hội họa Ai Cập thời cổ đại

Dường như hội họa Ai Cập cổ đại không có tham vọng như của hội họa phương Tây cổ điển. Chỉ đơn giản là như Ernst Gombrich bình luận: “tác phẩm của họa sĩ Ai Cập thời cổ đại giống như phép họa bản hơn là hội họa”.

Các họa sỹ Ai Cập cổ đại đã sử dụng kỹ thuật chia ô vuông, tức là chia diện tích cần vẽ thành ô vuông để phân định rõ vị trí mỗi phần của bức tranh.

Người ta đưa toàn bộ nội dung cần thể hiện vào không gian bức vẽ theo cách liệt kê để người xem hình dung được một dạng biên niên về đời sống thời đó. Nhiều cảnh đời sống hàng ngày xuất hiện trong các lăng mộ (lao động, săn bắt, đánh cá …). Nhưng nghệ thuật và tôn giáo là không thể tách rời tại Ai Cập cổ đại, nhiều thần của các đền thờ Ai Cập có một vị trí chủ đạo trong hội họa.

Bất biến và ổn định qua hàng ngàn năm lịch sử

Qua hàng nghìn năm lịch sử, song phong cách của các họa sĩ Ai Cập cổ đại dường như không chịu biến động sâu sắc của thời gian, bởi nó tuân theo một quy tắc thể hiện bất biến.

Một trong những minh chứng là màu sắc ở Ai Cập cổ đại. Trong sự chuyển dịch hàng nghìn năm, khuôn khổ khái niệm và thẩm mỹ vẫn ổn định.

Do đó, một người không chuyên hoàn toàn có thể nhận ra phong cách Ai Cập, tuy khó định nghĩa. Các nghệ sỹ tuy chỉ có kiến thức tương đương như thợ thủ công, nhưng đặc biệt tôn trọng và tuân thủ những bí quyết của tổ tiên.

Ở đây, ta hoàn toàn không thấy xuất hiện yếu tố dấu ấn nguồn gốc cá nhân của tác giả, không thấy những tham vọng nghệ thuật như của giới nghệ sĩ hiện tại, không thấy phá cách và phong cách riêng.

Ngược lại, người họa sĩ phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ về thể hiện để được đánh giá cao. Các biến thể về phong cách và các đặc điểm cá nhân của các nghệ sĩ, thì chỉ có các nhà Ai Cập học mới có thể nhận thấy.

Kỹ thuật của tranh tường Ai Cập

Về mặt kỹ thuật, tranh tường của Ai Cập không phải là tranh nề. Tranh nề được làm bằng cách vẽ lên lớp phủ vẫn còn ướt. Ở Ai Cập cổ đại, bức tường được phủ một lớp vữa (hỗn hợp vôi, cát và chất kết dính) và để cho khô đi.

Không gian vẽ được chia thành hai phần: một cho khắc chữ tượng hình, một cho cảnh cần thể hiện; không gian thứ hai này được chia thành ô vuông đều đặn.

Người nghệ sĩ (nhà điêu khắc cho một bức phù điêu, họa sĩ cho một bức vẽ) vẽ các họa tiết trong không gian đã được phân định. Một cách làm như vậy minh họa mối quan hệ gần gũi giữa viết và vẽ. Chữ tượng hình cũng là những hoạ tiết biểu tượng đòi hỏi phải vẽ và tô màu. Các hoạ sĩ được coi như thư lại chuyên về vẽ viền hay vẽ hình.

Tranh nước (tempera) được dùng để làm đầy các bức vẽ hoặc để phủ lên các họa tiết được khắc. Để chế tạo ra màu vẽ, các hạt màu khoáng được hòa tan trong nước với chất kết dính (ví dụ như gelatin động vật). Để biết thêm chi tiết về tranh vẽ ở Ai Cập cổ đại, mời độc giả đón đọc Nghệ thuật vẽ viền Art du Contour.

Hội họa trên giấy, trên vải lanh và gỗ cũng đã có thời Ai Cập cổ đại nhưng sự mong manh của lớp nền đòi hỏi một sự bảo tồn đặc biệt.

Thiếu vắng hoàn toàn dấu vết tôn vinh cá nhân các nghệ sĩ

Cuối cùng, điều làm nên sự quyến rũ và độc đáo của nghệ thuật Ai Cập dường như bắt nguồn từ khuôn khổ quy phạm sáng tạo rất chặt chẽ. Cá nhân phải hoàn toàn tuân theo các quy định của nhóm, sản xuất nghệ thuật có sự ổn định đặc biệt lâu dài khác với hội họa phương Tây luôn phải chịu thay đổi.. Không thể tìm thấy bản viết của thời đó vinh danh cá nhân các nghệ sĩ như đã có đối với các hoạ sĩ Hy Lạp cổ đại (Appelle, Zeuxis). Hội họa Ai Cập là nghệ thuật tập thể của những người tin vào sự bất tử, một nghệ thuật được thiết kế cho sự vĩnh hằng.

Trước khi giới thiệu những thành tựu chính của hội họa Ai Cập, cũng cần nêu lại những giai đoạn lớn của lịch sử Ai Cập cổ đại.

Các giai đoạn lớn của Ai Cập cổ đại

Ai Cập cổ đại

Vị linh mục người Ai Cập Manethon de Sebennytos (thế kỷ thứ 3 TCN) đã viết một lịch sử Ai Cập cổ đại chia thành những giai đoạn lớn và những triều đại. Các nhà sử học đương đại chấp nhận sự phân chia giai đoạn kiểu này, nhưng nó rõ ràng không phù hợp với cảm nhận của người Ai Cập cổ đại. Đối với dân tộc rất súng bái tôn giáo này, pharaon chính là thần và chế độ quân chủ là bất diệt. Dưới đây là những đường nét chính việc phân chia theo Manethon.

Giai đoạn trước khi hình thành các triều đại (khoảng 5600-3100)

Từ năm -5600, các bộ lạc sống ở Thung lũng sông Nile phát triển một nền văn hóa mà dấu vết (nhất là đồ gốm) vẫn còn lưu lại. Hai vương triều dần dần được hình thành ở Thượng và Hạ Ai Cập.

Giai đoạn Thinite (khoảng 3100-2650). Triều đại 1 và 2

Các vương triều của Thượng và Hạ Ai Cập thống nhất. Thủ đô của vương quốc là Thinis, thành phố này ngày nay đã biến mất. theo các nhà Ai Cập học, Pharaon đầu tiên là Menes hoặc Narmer.

Vương quyền cổ (khoảng 2650-2150). Triều đại từ 3 đến 6

Nền tảng của nền văn minh Ai Cập bắt đầu từ thời kỳ này: chính quyền trung ương với các nhân viên và thư lại, các kim tự tháp đầu tiên được xây dựng phỏng theo các kim tự tháp lớn có từ nền văn minh trước. Nhưng dần dần sự cồng kềnh của chính quyền trung ương dẫn đến kém hiệu quả và các quan đầu tỉnh (hoặc tri châu, là người đứng đầu các châu hay tỉnh) độc chiếm quyền lực.

Giai đoạn Chuyển tiếp đầu tiên (khoảng 2150-2060). Triều đại từ 7-11

Đây là giai đoạn rối ren với sự nổi dậy của các tri châu dẫn đến một cuộc nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam. Cuối cùng Montuhotep II đã kết thúc được chiến tranh bằng sự thống trị của triều đại Theban.

Giai đoạn Giữa (khoảng 2060-1785). Triều đại 11 và 12 (triều đại thứ 11 bắt đầu trong giai đoạn trước)

Sự ổn định chính trị được khôi phục, sự thịnh vượng kinh tế lại xuất hiện, dân số tăng lên. Một nghệ thuật giản đơn trang nhã và thanh lịch phát triển. Giai đoạn này kết thúc với những khó khăn kinh tế.

Giai đoạn chuyển tiếp thứ hai (khoảng năm 1785-1580). Triều đại 13 đến 17

Những kẻ xâm lược từ châu Á chiếm vùng đồng bằng sông Nile, buộc pharaon yếu thế phải lánh nạn tại Thebes. Những người Hyksos (người nước ngoài) cai trị đến thời điểm các pharaons xây dựng lại lực lượng quân sự và săn đuổi chúng.

Triều đại Mới (khoảng 1580-1080). Triều từ 18 đến 20

Giai đoạn này là đỉnh cao của quyền lực Ai Cập. Ảnh hưởng của nó kéo dài đến biên giới của Lưỡng Hà. Một giai đoạn thịnh vượng lớn cùng với việc làm ra các món đồ nghệ thuật với chất lượng chưa từng có. Các đền thờ tại Karnak và Luxor được mở rộng. Các lăng mộ khổng lồ của thung lũng các vị vua và các đền thờ của Abu Simbel cũng bắt đầu từ thời kỳ này, cùng với các Pharaons nổi tiếng nhất: Ramses II, Akhenaton, Tutankhamun.

Giai đoạn chuyển tiếp thứ ba (khoảng 1080-660). Triều đại từ 21 đến 24.

Người Libya định cư ở đồng bằng sông Nile và kiểm soát Ai Cập. Vào cuối giai đoạn này, xảy ra các cuộc chiến tranh với người Assyria.

Giai đoạn Cuối (khoảng 660-332). Triều đại 25 đến 30

Sự xuống dốc của nền văn minh Ai Cập được đánh dấu bởi sự gia tăng ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài: người Ba Tư và người Hy Lạp. Ai Cập thậm chí còn bị Vương quốc Ba Tư sáp nhập vào thế kỷ thứ 5. Cuối cùng, thế lực của Macedonia mạnh lên và năm 332, quốc vương Ba Tư Mazaces từ bỏ ngai vàng của Ai Cập cho Alexander Đại Đế.

Giai đoạn Ptolemme (hoặc thời kỳ Hy lạp hóa) và La Mã (khoảng 332-30)

Alexander Đại đế (356-323) tạo ra một thủ đô mới – Alexandria – năm 331. Những người kế vị của ông, các dòng vua Ptoleme, thành lập một chính quyền phù hợp với mô hình Ai Cập và tôn trọng truyền thống của người dân Ai Cập. Xung quanh thư viện Alexandria nổi tiếng, văn hóa phát triển. Sự mở rộng của nước Cộng hòa La Mã dẫn đến sự chuyển đổi Ai Cập thành một tỉnh của La Mã vào năm 30. Chính quyền Cộng hoà đã bị thay thế bởi Đế Quốc La Mã trong năm 27. Kết thúc ba thiên niên kỷ của Ai Cập cổ đại.

Tranh tường ở Vương triều Cổ (khoảng 2650-2150)

Lăng mộ của Irukaptah, chi tiết một bức tượng (khoảng năm -2400 tới -2350)

Vào thời kỳ này, kiến ​​trúc phát triển với các kim tự tháp lớn bằng đá, lớn hơn lăng mộ của các quốc vương lớn nhất. Nổi tiếng nhất là kim tự tháp lớn được dùng để an táng Pharaon Kheop (khoảng năm – 2560). Các hoàng hậu được chôn cất trong các kim tự tháp nhỏ hơn. Các kim tự tháp được bao quanh bởi một quần thể nghĩa địa dành cho các vị chức sắc cấp cao. Lăng mộ của họ là lăng mộ bằng đá vôi (mastaba), một sự pha trộn nguyên thủy với đất.

Lăng mộ el-Faraoun (khoảng năm -2470). Lăng mộ của Pharaon Chepseskaf

Nội thất của những hầm mộ được trang trí lộng lẫy với tượng và bức phù điêu màu. Các nhà nguyện của lăng mộ, là nơi thờ tự được đặt không xa phòng đặt người chết được tô vẽ các cảnh đời sống hàng ngày, như công việc nhà nông (cày cấy, thu hoạch), hoạt động chăn nuôi (với các đàn bò bò, cừu, dê và người trông giữ chúng), cảnh săn bắt, đánh cá trong các cuộn giấy papyrus, lễ vật (bánh mì, trái cây). Hội họa thường là bản chạm khắc nổi, còn các bức vẽ thuần túy thì rất hiếm. Nhưng một số họa sĩ người Ai Cập thời bấy giờ là những người vẽ màu tuyệt vời mà tác phẩm của họ khiến chúng ta choáng ngợp (xem Lăng mộ Merefnebef ở dưới).

Lăng mộ của Iasen (Ảnh Iasen G-2196)

Lăng mộ của Iasen (v. -2670-2140). Iasen là một cận thần của nhà vua, quản lý công việc trong triều. Lăng mộ của ông (mastaba) có nhiều trang trí. Bức tranh ông đang chống gậy, cùng người vợ (đứng sau ông, màu bị mờ) và con trai Meryankh- hình nhỏ hơn. Ở bên trái là hình ảnh minh hoạ một phần công việc của Iasen: chăm lo đàn gia súc của vương triều. Phía trên, là một số người dường như đang kiểm đếm đàn gia súc, người đầu tiên cầm một tờ giấy, còn người thứ hai cầm cây bút sậy. Hai hàng dưới là đàn gia súc và những người bảo vệ.

Lăng mộ Irukaptah (Ảnh Irukaptah)

Lăng mộ Irukaptah, các bức tượng nhiều màu (khoảng năm -2400 đến -2350). Irukaptah là một viên quan trung lưu, lăng mộ của ông nằm ở Saqqara. Ông có lẽ sống vào thời cuối của vương triều thứ 5, dưới sự trị vì của Menkaouhor. Nhà nguyện của lăng mộ có 14 bức tượng, một số vẫn còn có màu; các bức tượng được đặt trong một hốc đá và được làm từ đá vôi giống như bức tường của lăng mộ. Điều đặc biệt là nhiều màu sắc vẫn còn giữ được.

Lăng mộ của Irukaptah, chi tiết một bức tượng (khoảng năm -2400 tới -2350)

 

Lăng mộ của Irukaptah cùng lễ vật (khoảng năm – 2400-2350). Đối với người Ai Cập cổ, lễ vật là cần thiết để người quá cố có thể sống ở thế giới bên kia. Lễ vật gồm thực phẩm đặt trong lăng mộ. Bức ảnh trên là một ví dụ đặc biệt mà màu sắc còn giữ được chất lượng. Trên hai bàn ở giữa được đặt thức ăn. Trên bàn bên trái, trong cái rổ là hai chiếc bánh lớn hình nón.

Trên bàn bên phải, bằng gỗ sơn đỏ, là một giỏ trái cây lớn (quả vả, nho, lựu) và một ổ bánh mì bị chiếc giỏ che khuất một phần. Các nghệ sĩ muốn thể hiện hai phần kế tiếp của hiện thực (bánh mì đằng sau giỏ hàng), nhưng tất nhiên, họ chưa biết khái niệm về phép phối cảnh.

Những con ngỗng của Meïdoum

Những con ngỗng của Meïdoum (khoảng năm -2550). Tempera trên vữa, kích cỡ 27 x 172 cm, Bảo tàng Ai Cập, Cairo.

Sự sao chép này xuất phát từ một vật trang trí của lăng mộ của quan đầu triều Nefermaat và Itet-vợ ông, trong quần thể Meidoum ở Fayoum. Đây là bức tranh tường thực sự chứ không phải là sự tô màu của một bức phù điêu. Nó được làm trong thời trị vì của Snefru (khoảng năm – 2575 đến -2550), vị vua đầu tiên của triều đại thứ 4. Nefermaat là con của Snefru và vị quan đầu triều của mình, tức là người giám sát tất cả các công việc của vua. Ông đã chết trước cha. Bức tranh này được nhà Ai Cập học Auguste Mariette (1821-1881) phát hiện vào năm 1871. Màu sắc tinh tế và hình dáng của những con ngỗng làm bức tranh tường này nổi tiếng thế giới về trang trí lăng mộ.

Lăng mộ Merefnebef (Ảnh Merefnebef)

Lăng mộ của Merefnebef, săn bắt ở đầm lầy (v. -2350-2160).

Merefnebef là một vị quan triều đại thứ 6, là một người rất quan trọng điều hành vương triều. Lăng mộ của ông có những bức tranh tuyệt vời cho thấy con người đã đạt được trình độ nghệ thuật cao từ thời Triều đại Cổ. “Cảnh săn chim được vẽ trên kích thước 1,48 m x 1,18 m. Điều đáng chú ý là việc bảo tồn kỳ diệu những sắc màu nó, tạo ra một ý tưởng về ánh sáng lung linh mà căn phòng nguyên bản (gốc) phải có. […]. Ta có thể chia cảnh săn chim thành ba phần: ở giữa, Merefnebef trên thuyền; trước mặt ông là đầm lầy; phía sau ông là những người mang lễ vật”. (Thierry Benderitter)

Lăng mộ của Merefnebef, săn bắn, chi tiết 1 (khoảng năm -2350-2160).

Vẽ lá cây và những con chim đằng trước Merefnebef là sự sáng tạo của một nghệ sĩ lớn có tài năng hiếm hoi khi sắp xếp hình dạng và kết hợp màu sắc. Chúng ta có thể thấy khá rõ sự lộng lẫy của trang trí nguyên bản và kinh ngạc trước tình trạng bảo tồn của bức tranh 4.300 năm tuổi.

Lăng mộ của Merefnebef, săn bắn, chi tiết 2 (khoảng năm -2350-2160). Các con chim được thể hiện theo mặt nghiêng (mặt bên) theo cách rất thực.

Lăng mộ của Merefnebef, săn bắn, chi tiết 3 (khoảng năm -2350-2160). “phía trước cánh tay của Merefneber, một con ngỗng chạm cánh của nó vào một con bướm có đôi cánh dang rộng. »(Thierry Benderitter)

Lăng mộ của Merefnebef, săn bắn, chi tiết 4 (v. -2350-2160). “Trên nền gần như đen, những con chim được vẽ nhiều màu, nhưng hiện tại màu gần như đã biến mất. Nghệ sĩ luôn không thể hiện màu đích thực cho những con chim và đôi khi tìm kiếm một hiệu ứng trực quan, như màu xanh cho một số con chim» (Thierry Benderitter)

Hết phần 1

Theo Rivage de Bohemes

Xuân Hà biên dịch