“Thành, trụ, hoại, diệt” là quy luật lịch sử của vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Loạt tranh phong cảnh “Hành trình của Đế chế” bởi họa sĩ Mỹ thế kỷ 19 Thomas Cole là một điểm nhấn nghệ thuật mạnh mẽ minh họa cho quy luật này, biểu hiện tại cấp độ xã hội con người.

Họa sĩ vẽ phong cảnh Thomas Cole được biết đến như là cha đẻ của Trường phái “Hudson River”, tuy nhiên ý tưởng của ông có những khác biệt với những họa sĩ thế hệ sau của trường phái này. Điều này thể hiện trong loạt tranh từ 1834-1836 của ông có tên “The Course of Empire”, mô tả quá trình một nền văn minh xuất hiện từ nơi hoang dã trở thành một cộng đồng thôn quê, và sau đó là một thành phố sang trọng của những hàng cột trắng lấp lánh, rồi rơi vào cảnh hỗn loạn. Trong bức tranh cuối cùng của loạt tranh này, mặt trăng trong sáng mọc trên thiên nhiên đang che lấp dần những tàn tích của thành phố lộng lẫy thuở nào.

Bức tranh thứ 5: “DESOLATION” (Cảnh hoang tàn) (ảnh: The Metropolitan Museum of Art)

Vào cuối những năm 1820, chàng trai trẻ Thomas Cole nhanh chóng xây dựng sự nghiệp thành công với tư cách là họa sĩ vẽ phong cảnh sông Hudson, nhưng ông nuôi dưỡng tham vọng biến hình thức tranh phong cảnh thành mục đích giáo dục lớn hơn. Đầu năm 1827, ông đã thai nghén trong óc một loạt tranh minh họa cho sự phát triển và sụp đổ của một nền văn minh. Vài năm sau, ông bắt đầu phác thảo và phát triển ý tưởng của mình.

Nghệ sĩ đã cố gắng nhưng không thành công khi thuyết phục Robert Gilmor, một người bảo trợ ở Baltimore, ủy thác cho loạt tranh này. Chỉ tới năm 1833, ông mới được bảo đảm về sự ủy nhiệm từ một thương nhân ở New York là Luman Reed để vẽ một loạt 5 bức tranh cho phòng trưng bày nghệ thuật trong nhà. Kết quả là, với loạt tranh “The Course of Empire (Hành trình của Đế chế”, Cole đã trình bày một cái nhìn mang tính chu kỳ về lịch sử, trong đó một nền văn minh xuất hiện, trưởng thành và sụp đổ.

Bức tranh thứ 4 “DESTRUCTION” (Sự phá hủy) (ảnh: Highlark)

Tầm nhìn bi quan khác biệt này của Cole khác với tầm nhìn của nhiều đồng nghiệp lúc đó. Trong những năm đầu của lịch sử Hoa Kỳ, tương lai của đất nước này được coi là vô hạn. Tuy nhiên Cole đã rút ra bài học từ một số nguồn tư liệu văn học, chẳng hạn như “Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã” của Gibbon, và sử thi của Byron “Cuộc hành hương của Childe Harold. Phương châm mà ông gắn liền với loạt tranh được lấy từ bài thơ nổi tiếng của Byron: “Tự do tới đầu tiên, sau đó là vinh quang. Khi nó thất bại, của cải, tội ác, bại hoại.” Cuối cùng, họa sĩ đã tìm được một cái tên cho loạt tranh này vào năm 1835, lấy từ bài thơ của Đức Giám mục George Berkeley viết năm 1729 có tiêu đề “Những câu thơ về triển vọng của nghệ thuật trồng trọt và học tập ở Mỹ“, bắt đầu bằng câu “Hành trình của đế chế tiến về phía Tây“.

Khi vẽ loạt tranh “Hành trình của Đế chế” Cole cũng dựa vào những bức tranh mà ông đã thấy trong chuyến đi tới Châu Âu trước đó (1829-32), bao gồm cả các tác phẩm của J.M.W. Turner và Claude Lorrain. Năm bức tranh của ông đi theo một cung trần thuật đầy kịch tính, được neo lại bởi ngọn núi không bị thay đổi ở hậu cảnh và được thể hiện bằng các hệ thống biểu tượng phong phú và phức tạp minh họa lịch sử thế giới tưởng tượng này, bao gồm cả hành trình mặt trời trên bầu trời, mối quan hệ thay đổi của con người với thiên nhiên, vai trò của động vật, nghệ thuật và quân đội.

Bức tranh thứ nhất “THE SALVAGE STATE” (Đất nước được cứu) (ảnh: Met Museum)

Điều đáng tiếc là Luman Reed, người bảo trợ hào phóng của Cole, đã không sống đến lúc hoàn thành của loạt tranh. Ông mất vào tháng 6 năm 1836, nhưng gia đình của Reed vẫn khuyến khích Cole hoàn thành công việc. Vì thế bộ tranh này đã được trưng bày và được hoan nghênh nhiệt liệt tại New York vào cuối năm đó. “Hành trình của Đế chế”, cùng với phần còn lại trong bộ sưu tập của Reed, đã trở thành giá trị cốt lõi của Phòng trưng bày Mỹ thuật New York. Nhóm tác phẩm đó đã được tặng cho Hội lịch sử New York vào năm 1858, tạo thành nền tảng của bộ sưu tập tranh phong cảnh nổi tiếng của Mỹ.

Bức tranh thứ hai: “ARCADIA” hay “PASTORAL STATE” (Đất nước của mục đồng) (ảnh: Wkimedia Commons)

Cole dự định bức tranh thứ ba là sẽ là cao trào trực quan của bộ tranh, nên ông đã chọn một tấm toan lớn hơn một chút và bỏ nhiều thời gian và công sức vào bố cục của bức tranh. Ông đã lên kế hoạch để mô tả “một thành phố tuyệt vời, với những đám rước lộng lẫy hoành tráng trong vịnh, và tất cả những gì có thể kết hợp lại để thể hiện sự thịnh vượng tối đa“. Sự phong phú của các đặc điểm kiến trúc được sắp đặt cẩn thận dựa trên bức tranh “Dido Building Carthage” của JM Turner mà Cole đã thấy ở London. Trong quan niệm ban đầu của Cole cho loạt tranh này, ông gọi giai đoạn này là “Sang trọng (Luxury)”, đề cập đến thời điểm bấp bênh trong nhãn quan của Byron khi “vinh quang” suy giảm thành “của cải, tội ác và suy đồi“. Hình ảnh một thành phố phức tạp và được xây dựng quá cầu kỳ của ông là một sáng tạo trực quan tuyệt đẹp, nhưng Cole muốn nói rằng cảnh tượng đó là một lời cảnh báo, chứ không phải là một tấm gương phát triển mẫu mực.

Bức tranh thứ ba này là công việc khó khăn nhất đối với Cole. Sau vài tháng, ông tuyên bố rằng đã “mệt mỏi với sự hào nhoáng và lấp lánh” của cảnh vật trong tranh. Ở giai đoạn này, thành phố trao quyền cai trị quân sự cho một nhân vật trông giống như hoàng đế, được đưa ra cây cầu ở tiền cảnh trong tình trạng tuyệt vời dưới ánh sáng chói lóa giữa ban ngày. Tất cả các nghệ thuật của con người đã được nhắm vào việc tôn vinh người cai trị này. Ngay cả thiên nhiên cũng được thuần hóa để phục vụ ông ta, thể hiện ở con voi kéo cỗ xe và những bông hoa được trồng và những chậu cây trang trí cho lãnh địa của ông ta. Nhìn lướt qua toàn bộ khung cảnh trong vai một người quan sát câm lặng là một bức tượng của Minerva, cầm trong tay một hình tượng chiến thắng có cánh. Vị Nữ thần của trí tuệ này đứng ở trên cao nhưng đã bị cả thành phố phớt lờ.

Bức tranh thứ ba: The Consummation (Sự hoàn mỹ) (ảnh: The Velvet Rocket)

Một số học giả đưa ra giả thuyết rằng người chinh phục mặc áo choàng đỏ trong tranh là một hình tượng ẩn dụ của Tổng thống đương nhiệm lúc đó là Andrew Jackson. Họ cho rằng Cole dự định loạt tranh này trở thành một thông điệp cảnh báo cho chính quyền của ông ta, chính quyền mà một số người cho là độc đoán tới mức nguy hiểm. Thời điểm này xảy ra sự hủy diệt sinh thái để phát triển không kiểm soát và chính quyền của Andrew Jackson đã đẩy mạnh sự bành trướng về phía tây bằng cách loại bỏ người dân bản địa và phê chuẩn chế độ nô lệ ở các vùng lãnh thổ.

Tuy lo lắng về sự phát triển kỹ thuật nhanh chóng lấn át thiên nhiên, Cole không phải là người có hành động cực đoan. Học giả Carl Pfluger đã viết rằng “Cole đã thực sự nổi giận, trong các tác phẩm như “Phong cảnh nước Mỹ”, khi chống lại sự tàn phá của lưỡi rìu trong những khu rừng mà ông yêu quý; nhưng ‘chủ nghĩa bảo tồn” của ông luôn luôn cho phép một mức độ phát triển vừa phải và nuôi dưỡng hy vọng về sự chung sống hài hòa giữa con người và tự nhiên“.

Theo New York Historical Society và JSTOR Daily

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||8d12f6814__