Lời toà soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

“Thi Tiên” Lý Bạch, diệu bút sinh hoa

Lý Bạch là một thiên tài thơ ca, người đã mở ra thời kỳ hưng thịnh của Đường thi. Trong hơn sáu mươi năm cuộc đời, Lý Bạch đã sáng tác hàng ngàn tác phẩm, bài thơ nào cũng tràn đầy khí phách, tiêu dao tự tại, thấm đẫm phong thái siêu trần, thoát tục, quả không hổ danh là một bậc “Thi Tiên”.

Mở đầu bài “Tương tiến tửu”, ông viết:

“Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!
Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty mộ thành tuyết”

Dịch thơ:

“Há chẳng thấy,
Sông Hoàng Hà lưng trời tuôn nước
Xuống biển rồi có ngược lên đâu
Lại chẳng thấy,
Lầu cao gương xót mái đầu
Sớm còn tơ biếc tối hầu tuyết pha”

Tô Đĩnh đọc thơ Lý Bạch đã từng ca ngợi rằng: “Ông thiên tài hoa lệ, hạ bút không dừng. Tuy phong cách chưa định hình nhưng có thể thấy cốt cách riêng, nếu học rộng thêm, có thể sánh cùng Tương Như đó”. Bản thân Lý Bạch cũng từng thổ lộ:

“Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai

Dịch thơ:

“Trời sinh ta ắt sẽ dùng
Nghìn vàng tiêu hết lại trông thấy về”

Trong bài “Nam Lăng biệt nhi đồng nhập kinh”, ông viết:

“Ngưỡng thiên đại tiếu xuất môn khứ,
Ngã bối khởi thị bồng hao nhân!”

Dịch thơ:

“Cả cười ngửa mặt trông trời
Đời ta há chẳng vốn người phiêu lưu!”

Sách “Thiên Bảo di sự” viết, Lý Thái Bạch lúc thiếu thời mơ thấy các cây bút ông đã dùng trên đầu đều sinh hoa, sau này thiên tài vòi vọi, nổi danh khắp thiên hạ. Người đời sau thường nói đến câu “Diệu bút sinh hoa” (đầu bút nở hoa) là có xuất xứ từ đây.

“Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”

Dịch thơ:

“Bay thẳng từ trên ba ngàn thước,
Cứ ngỡ Ngân Hà tuột khỏi mây”

Những câu thơ lưu truyền thiên cổ, hào hùng phóng khoáng, tươi mới phiêu dật như thế này, cũng giàu sức tưởng tượng như thế này, dạt dào tình cảm như thế này, khiến người ta bất giác phải vỗ bàn mà khen hay tuyệt. Thảo nào cổ nhân nói: “Lý Bạch so tài với cổ nhân, ba chữ chín lời, xuất quỷ nhập thần”.

Và đây là những câu phiêu du trong bài “Há Giang Lăng”:

“Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú,
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san”

Dịch thơ:

“Đôi bờ tiếng vượn kêu không dứt,
Non nước muôn trùng thuyền nhẹ trôi”

Ngâm thơ Lý Bạch, say thơ Lý Bạch, đã có rất nhiều người nuối tiếc không thể xuyên việt thời gian để trở về đời Đường, cùng với bậc “Thi Tiên” nâng chén uống rượu, thưởng nguyệt vịnh hoa, cùng nhau ngao du sơn thuỷ…

Nhưng có điều, người ngày nay không biết, cuộc đời Lý Bạch ngoài rượu, ngoài kiếm, ngoài thơ ra, thì còn có “Đạo”.

Những câu thơ lưu truyền thiên cổ, hào hùng phóng khoáng cùng ngao du sơn thủy (Ảnh: ĐKN)

Kết duyên với Đạo

Lý Bạch tự Thái Bạch, sinh năm 701 tại thành Toái Diệp, Tây Vực (thuộc Kyrgyzstan ngày nay, đương thời là An Tây đô hộ phủ do vương triều Đường xây dựng). Trong truyện “Tân Đường Thư” có kể, mẫu thân của Lý Bạch khi sắp sinh đã mơ thấy sao Thái Bạch từ trên trời giáng hạ, rơi đúng vào trong bụng bà.

Bà giật mình tỉnh dậy, đêm đó sinh ra Lý Bạch, vì vậy có người cho rằng ông là Thái Bạch Kim Tinh hạ phàm. Tên của ông chính là có nguồn gốc từ sao Thái Bạch. Khi Lý Bạch khoảng 5 tuổi cả nhà di cư đến làng Thanh Liên, huyện Xương Long, châu Cẩm Thục Trung (huyện Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay). Cha ông Lý Khách là địa chủ kiêm kinh doanh thương nghiệp, gia cảnh rất khá giả.

Triều Đường là vương triều cực thịnh của văn hóa Trung Hoa, về phương diện tín ngưỡng cũng có mức độ bao dung rất lớn. Trong các hoàng đế họ Lý các đời, có người tín Đạo, có người tín Phật, mà cao nhân ở ẩn trong dân gian thì cũng như vậy. Khu vực Ba Thục mà Lý Bạch sinh sống chính là nơi Trương Đạo Lăng sáng lập Đạo giáo, làng ông cách Thánh địa Đạo giáo núi Tử Vân chỉ có 40 dặm.

Quyển 25 “Lý Thái Bạch toàn tập” của Vương Kỳ đời Thanh chú thích: “Núi Tử Vân, 40 dặm phía tây nam huyện Chương Minh, châu Cẩm… Có Đạo cung xây dựng ở đó, tên là Sùng Tiên Quán, trong quán có Hoàng Triện Bảo Cung”. Do đó Lý Bạch viết thơ tự hào nói: “Gia bản tử vân sơn, đạo phong vị luân lạc” (Nhà ở núi Tử Vân, Đạo phong vẫn thường hưng).

Lý Bạch từ nhỏ đã vô cùng thông minh, 5 tuổi thông lục giáp (Lục giáp là thuật số của Đạo giáo), 10 tuổi biết ngâm thơ làm câu đối. Phụ thân chỉ bảo ông đọc thơ “Tử Hư phú” của Tư Mã Tương Như đời Hán, ông vừa đọc liền lĩnh hội ngay. Ngoài ra, ông còn đọc hết Bách gia Chư tử, “Chiêu minh văn tuyển” và Sở từ, Cổ nhạc phủ và các tác phẩm của các thi nhân nổi tiếng thời Hán Ngụy lục triều. Ngoài thời gian đọc sách, Lý Bạch còn bái sư luyện kiếm thuật, nghiên cứu Đạo thuật, trong thơ ca của ông phần nhiều nói lên ước nguyện và miêu tả đối với Đạo và Thần tiên.

Sử sách ghi chép, Lý Bạch từ thời niên thiếu đã thường xuyên lên núi Đới Thiên tìm các Đạo sĩ trong Đạo quán đàm luận Đạo kinh. Ông tự thuật:

Thập ngũ du Thần Tiên,
Tiên du vị tằng yết.
Xuy sênh ngâm tùng phong,
Phiếm sắt khuy hải nguyệt.
Tây sơn Ngọc Đồng Tử,
Sử ngã luyện kim cốt.

Dịch thơ:

Mười lăm du ngoạn cõi Thần Tiên,
Du Tiên chẳng nghỉ khắp bao miền.
Thổi khèn ngâm vịnh nghe tùng hát,
Dạo đàn ngắm trăng biển vô biên.
Ngọc Đồng Tử núi Tây Sơn,
Bảo ta cách luyện Kim Đơn tu hành.

Núi Đới Thiên, còn có tên núi Đại Khang (cũng gọi là Đại Khuông), ở phía tây huyện Xương Long châu Cẩm, Lý Bạch đã từng đọc sách ở chùa Đại Minh tại đây. Ông đã từng viết bài thơ “Phỏng Đới Thiên sơn Đạo sỹ bất ngộ” (Thăm Đạo sỹ núi Đới Thiên không gặp):

Khuyển phệ thuỷ thanh trung,
Đào hoa đới lộ nùng.
Thụ thâm thì kiến lộc,
Khê ngọ bất văn chung.
Dã trúc phân thanh ái,
Phi tuyền quải bích phong.
Vô nhân tri sở khứ,
Sầu ỷ lưỡng tam tùng.

Dịch thơ

Chó kêu tiếng suối trong,
Hoa đào ngậm sương nồng.
Rừng sâu nai thấp thoáng,
Suối trưa vắng tiếng chuông.
Rặng trúc chia mây biếc,
Thác nước vắt non xanh.
Người đi nào ai biết,
Sầu dựa mấy gốc tùng.

Mở đầu bài thơ miêu tả cảnh quan thiên nhiên thú vị đầy sức sống. Tiếp theo, thông qua khắc họa nơi ở của đạo sĩ là cõi thanh tịch u tĩnh, ám chỉ đạo sĩ đi vắng. Cuối cùng viết bản thân đã hỏi bao nhiêu người, nhưng chẳng ai biết đạo sĩ đi đâu; dựa lưng hết mấy gốc tùng trước cửa nhà đạo sĩ, đạo sĩ vẫn chưa về, do đó trong lòng buồn bã rầu rĩ.

Sau này Lý Bạch cùng một vị đạo sĩ tên hiệu là Đông Nham Tử ẩn cư ở núi Mân Tứ Xuyên, tu tâm hướng Đạo. Họ ở trong núi rừng, đã nuôi được rất nhiều loài chim lạ. Những con chim xinh đẹp lại thuần dưỡng này, do được nuôi dưỡng quen rồi, cứ đến giờ lại bay đến đòi ăn. Chúng dường như nghe hiểu tiếng người vậy, hô lên một tiếng, liền từ tứ phía bay đến trước thềm, thậm chí có thể mổ ngũ cốc trên tay người, không hề sợ sệt chút nào.

Việc này được xem như là chuyện lạ, được lan truyền khắp địa phương. Sau này, đến cả thứ sử châu Cẩm cũng đích thân vào núi ngắm xem tình hình những chú chim này ăn. Thứ Sử cho rằng hai ông có Đạo thuật, nên tiến cử tham dự kỳ thi Đạo khoa, nhưng cả hai đều khéo léo từ chối.

Khoảng 20 tuổi, Lý Bạch được đạo sĩ trao cho phù triện trường sinh. Trong thơ “Kinh loan ly hâu thiên ân lưu Dạ Lang ức cựu du thư hoài tặng Giang Hạ Vi thái thú Lương Tể”, ông viết: “Tiên nhân phủ ngã đỉnh, kết phát (nhị thập tuế) thụ trường sinh” (Tiên nhân vỗ đầu tôi, kết tóc (20 tuổi) thụ nhận phép trường sinh). Phù triện Đạo giáo là vật đạo sĩ hộ thân trừ tà, trị bệnh cứu người, “Trường sinh triện” là một loại phù triện có thể kéo dài tuổi thọ của con người.

(Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Thục quốc nhiều núi Tiên, Nga My xa khó sánh

Lý Bạch từng đọc sách du ngoạn ở Tứ Xuyên. Vào năm Huyền Tông Khai Nguyên thứ 7 và thứ 8 (năm 720, 721), ông đã lên thăm núi Nga My, sau đó để lại bài thơ nổi tiếng “Đăng Nga My sơn”.

Câu đầu “Nước Thục nhiều núi Tiên, Nga My xa khó sánh”, làm nổi bật ý tứ rằng: Trong số rất nhiều núi Tiên ở Tứ Xuyên, Nga My sơn là đặc biệt nổi danh, không gì sánh được. Núi Nga My là Thánh địa Đạo gia, có danh xưng là “Đệ nhất động Tiên”, do đó Lý Bạch gọi đó là núi Tiên đất Thục không đâu sánh bằng.

Câu tiếp “Xanh sẫm mở cửa Trời, rực rỡ tựa như tranh”, làm nổi bật lên núi Nga My cao lớn sừng sững, tú lệ vô song, kỳ quang dị thái, như thể bản thân đang trong bức tranh vậy.

Câu cuối “Réo rắt mây tía bay, như đắc thuật cẩm nang”, miêu tả cảm nhận sau khi leo lên đỉnh núi, chìm đắm trong ráng đỏ mây biếc, tâm hòa với Trời, như tham ngộ được bí mật của Trời Đất, thưởng thức kỳ quan của vũ trụ, đồng thời đắc được thuật cẩm nang của Tiên gia.

“Giữa mây vang sáo ngọc,
Trên đá tiếng bảo đàn.
Bình sinh tâm nguyện nhỏ,
Vui cười đã thỏa lòng”,

Bốn câu thơ đã triển hiện ra hình ảnh của bậc thi tiên vui với Đạo: Lý Bạch sau khi miêu tả núi Tiên, ông thổi khúc sáo ngọc giữa tầng mây, chơi bảo đàn trên đá núi, thật tiêu diêu tự tại, cũng đạt được tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời.

Phần cuối cùng:

“Khói mây dung nhan ấy,
Trần ai gột sạch bong.
Tiên cưỡi dê nếu gặp,
Dắt tay bay lên trời.

Đoạn thơ nói lên Phật quang kỳ ảnh trên đỉnh núi Nga My, khiến cho người ta có cảm giác vũ hóa thành Tiên, muôn vạn suy tư chốn trần gian cũng vì vậy mà tiêu tán sạch. Do đó Lý Bạch nói, nếu lúc này gặp được Tử Cát Do, Tiên nhân cưỡi dê, nhất định sẽ dắt tay du Tiên, bay lên thiên giới, giã từ nhân gian.

Bức tranh “Thái Bạch đi đường ngâm thơ” của Lương Khải đời Nam Tống, hiện lưu giữ ở Bảo tầng quốc lập Tokyo Nhật Bản.

Trong cuộc đời Lý Bạch, ông đã kết giao với rất nhiều đạo sĩ và người tu Đạo, trong đó có 4 vị ảnh hưởng sâu sắc tới ông là Tư Mã Thừa Trinh, Hạ Tri Chương, Nguyên Đan đạo sĩ và Ngô Quân.

Bậc thầy của đế vương Tư Mã Thừa Trinh khen Lý Bạch là có “Tiên căn”

Tư Mã Thừa Trinh (647–735) là bậc tông sư đời thứ 12, tông Mao Sơn, phái Thượng Thanh của Đạo giáo. Ông được Võ Tắc Thiên, Đường Duệ Tông yết kiến, và được Đường Huyền Tông lễ ngộ đặc biệt. Những năm Khai Nguyên, Tư Mã Thừa Trinh là đạo sĩ nhưng lại làm thầy của đế vương, danh vọng lên đến đỉnh cao.

Năm Khai Nguyên thứ 9 (năm 721), Tư Mã Thừa Trinh 3 lần phụng chiếu vào kinh, được Đường Huyền Tông lưu lại nội cung. Huyền Tông thọ “Pháp lục” của ông, hỏi phép dưỡng sinh trường thọ. Năm sau, Huyền Tông giá lâm Lạc Dương, mệnh Tư Mã Thừa Trinh tùy giá đông hành.

Năm Khai Nguyên thứ 10, Tư Mã Thừa Trinh tuổi gần bát tuần chán ghét nơi đô thị ồn ào, kiên quyết yêu cầu trở về núi Thiên Thai, Chiết Giang. Năm Khai Nguyên thứ 13 (năm 725), ông lên đường qua Giang Lăng. Cũng năm này, Lý bạch khi đó 25 tuổi rời nhà đi viễn du, đi qua Ba Du, qua Tam Hiệp, đến Giang Lăng, đồng thời ngưỡng mộ danh tiếng nên đến bái kiến Tư Mã Thừa Trinh. Hai nhân vật vĩ đại trong lịch sử đã tương ngộ nơi đây.

Tư Mã Thừa Trinh không những đạo hạnh thâm hậu, mà văn thái phi dương, xuất khẩu thành chương, thi văn phiêu dật như tiên. Lý Bạch cùng ông đàm đạo, lòng rất ngưỡng mộ, bèn đem thơ văn của mình cho ông xem. Tư Mã Thừa Trinh thấy Lý Bạch khí vũ hiên ngang, cử chỉ bất phàm, vốn đã vô cùng tán thưởng, lại xem thơ văn Lý Bạch, càng khen ngợi không dứt, ca ngơi ông là “Có Tiên phong Đạo cốt, có thể cùng Thần du ngoài bát cực”, đồng thời khen Lý Bạch có “Tiên căn”.

Lý Bạch tuổi còn trẻ được nhân vật như thế này tán thưởng, vô cùng vui thích, liền viết “Đại bằng ngộ hy hữu điểu phú” (Bài phú chim đại bằng gặp chim hiếm), tự ví mình là “chim bằng”, ví Tư Mã Thừa Trinh là “chim hiếm”, nói lên chí hướng to lớn của mình như đại bằng giương cánh vẫy vùng. Trong bài phú có viết:

“Đại Bằng vĩ đại thay! Thật là thỏa chí. Cánh phải của tôi che kín cực Tây, cánh trái phủ kín cõi Đông, vượt qua đất lớn, bay lượn vòm trời, lấy mơ hồ làm tổ, lấy hư vô làm chỗ chơi. Tôi mời anh du ngoạn, tôi với anh cùng bay”.

Đây là đại danh tác thành danh đầu tiên của Lý Bạch. Từ đó, Lý Bạch và Tư Mã Thừa Trinh trở thành đôi bạn vong niên, thường có thơ phú giao lưu. Tư Mã Thừa Trinh còn liệt Lý Bạch là một trong “Tiên tông thập hữu” (10 người bạn dòng Tiên) trong nhóm thơ ca ông kết giao.

Sau khi từ biệt Giang Lăng, hai người chưa từng gặp lại. Năm Khai Nguyên thứ 15 (năm 727), Đường Huyền Tông mời Tư Mã Thừa Trinh vào kinh vấn Đạo, thấy rõ núi Thiên Thai đường xá xa xôi không tiện, Huyền Tông bèn xây dựng Dương Đài Quán trên núi Vương ở Ốc Tể Nguyên cho ông, đồng thời còn đích thân viết đề chữ Đạo quán gửi cho ông, ngoài ra còn đưa em gái mình là Ngọc Chân công chúa đi theo Tư Mã Thừa Trinh học Đạo. Sau khi Lý Bạch biết tin, liền viết bài thơ “Tống Tư Mã luyện sư quy Thiên đàn” (Tiễn Tư Mã Đạo sư về Thiên đàn):

Ta xưa nơi Đông Hải,
Ăn mây tía núi Lao.
An Kỳ Công tặng táo,
Như trái dưa ăn vào.
Trung niên vua triệu kiến,
Chẳng thích lại hồi gia.
Dung nhan sắc xuân kém,
Bạc đầu sự nghiệp sa.
Chỉ mong đắc kim dịch,
Cưỡi xe mây trời xa.
Nguyện cùng Phu Tử Thiên Đàn dạo,
Cùng với Tiên nhân quét lạc hoa.

Năm 735, Tư Mã Thừa Trinh lìa đời ở Dương Đài Quán, an táng ở Tùng Đài núi Vương Ốc. Lý Bạch khắc cốt ghi tâm, ông nhiều lần leo lên núi Thiên Thai, chiêm ngưỡng những di tích tu Đạo của Tư Mã Thừa Trinh, đồng thời đã viết rất nhiều bài thơ. Ví dụ bài thơ tứ ngôn “Thướng Dương Đài” (Lên Dương Đài):

“Thượng Dương Đài thiếp” bút tích thư pháp truyền thế duy nhất của Lý Bạch, hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Sơn cao thủy trường,
Vật tượng thiên vạn,
Phi hữu lão bút,
Thanh tráng khả cùng

Dịch thơ:

Núi cao sông dài,
Vạn vật biến hóa,
Không cây bút già,
Chẳng còn thanh – tráng.

(Còn nữa)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nam Phương biên dịch