Với những ai say mê âm nhạc của Beethoven, hẳn không thể quên nghe tuyệt phẩm được dệt lên bởi tâm hồn tràn đầy sinh lực, lãng mạn trong tình yêu và phảng phất đâu đó là sự hy sinh thầm lặng cao cả cho tình yêu trong bản Piano Sonata “Pathetique” Op. 13

Là bản Sonata dành cho độc tấu Piano thứ 8 của Beethoven trên giọng Đô thứ, nằm trong Opus số 13. Sonata số 8 thường được gọi là Sonata Pathétique (Bi hùng), được viết vào năm 1798 khi nhà soạn nhạc được 27 tuổi, và được xuất bản năm 1799.

Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Beethoven dâng tặng tác phẩm này cho bạn mình là Hoàng tử Karl Von Lichnowsky.

Tác phẩm có thời lượng khoảng 19 phút, gồm 3 chương:

Chương 1: Grave (Từ từ, với sự trang nghiêm) – Allegro di molto e con brio. Nhanh chóng, với nhiều sinh lực)
Chương 2: Adagio cantabile (Từ từ, theo phong cách hát)
Chương 3: Rondo: Allegro (Nhanh)

DKN xin gửi đến độc giả cùng thưởng thức Piano Sonata “Pathetique” Op. 13 (full 19 phút) được biểu diễn bởi nghệ sĩ Daniel Barenboim:

videoinfo__video3.dkn.tv||663eba174__

Cảm nhận về khát khao được sống với tình yêu của Beethoven trong chương nhạc đầy lãng mạn

Đó là chương 2 của bản Piano Sonanta “Pathetique” Op. 13 có tựa: Adagio cantabile. Được biểu diễn bởi nghệ sỹ piano Annie Fischer:

videoinfo__video3.dkn.tv||abc155d2e__

Đây là chương nhạc được đánh giá là vô cùng đẹp và có sức lôi cuốn mãnh liệt bởi sự lãng mạn của tình yêu được lan tỏa mênh mang như bất tận. Từng nét nhạc dễ dàng gợi lên những cảm xúc cao thượng, bí ẩn, yên bình và thầm lặng.

Tại sao Beethoven lại có thể viết được chương nhạc tuyệt vời đến vậy?

Phải chăng nó bắt nguồn từ câu chuyện cuộc đời của ông?

Beethoven được biết đến là người thất bại trong tình yêu. Những cuộc tình đổ vỡ khiến trái tim ông không ít tổn thương và buồn bã. Có lẽ vì điều đó mà trái tim của nhà soạn nhạc thiên tài này luôn luôn khát khao cháy bỏng được yêu, được hy sinh cho tình yêu. Ông cũng mang trong mình nỗi ước vọng về một chốn bình yên cuộc đời. Nhưng người ta vẫn thấy trong cuộc đời ông là nỗi cô đơn lẻ bóng.

Ảnh: wallpaperflare.com

Nhưng đó không làm cho âm nhạc của Beethoven cũng mang theo nỗi bi ai của cuộc đời. Ông biến những trang nhạc của mình thành khát khao, thành những gì đẹp nhất mang dư vị ngọt ngào nhất, cao thượng nhất và lãng mạn nhất mà tình yêu trong tâm hồn ông dành cho cuộc đời.

Có lẽ chính vì vậy mà âm nhạc của ông khơi gợi lên cảm xúc, niềm tin và sức sống mãnh liệt trong tâm của những ai yêu dòng nhạc Beethoven.

Sự đồng điệu đến kinh ngạc của 2 nhà soạn nhạc thiên tài được tìm thấy ở bản Piano Sonanta “Pathetique” Op. 13

Các nhà âm nhạc nổi tiếng tranh luận liệu Pathétique có được lấy cảm hứng từ sonata piano của Mozart K. 457 hay không, vì cả hai đều sáng tác đều trên giọng Đô thứ và có ba chương rất giống nhau. Chương 2 cũng là “Adagio cantabile”, đặc biệt, sử dụng một chủ đề khá giống với chương 2 của sonata của Mozart. Tuy nhiên, sonata của Beethoven sử dụng một dòng motif duy nhất trong suốt chương, một sự khác biệt lớn từ sự sáng tạo của Haydn hoặc Mozart.

Thính giả hãy tham khảo K. 457 của Mozart tại link dưới đây:

videoinfo__video3.dkn.tv||7dcb122e1__

Quả thật tại phút 3:11 thính giả sẽ rất bất ngờ vì giai điệu của chủ đề. Rõ ràng nếu được nghe Mozart trước, chúng ta sẽ thấy một phần của Mozart sống trong trái tim của tác phẩm Sonata No. 8

Điều này minh chứng cho sự ngưỡng mộ của Beethoven dành cho Mozart. Thủa thiếu thời ông ước mơ được theo học Mozart nhưng điều đó đã không thực hiện được vì lúc đó nhà soạn nhạc thiên tài này quá bận bịu. Hơn nữa, Beethoven cũng chỉ ở Viên được hai tháng thì mẹ ông bị bệnh nặng nên ông đành quay về Bonn. Không bao lâu sau khi ông trở về Bonn thì mẹ ông cũng qua đời. Beethoven trở thành trụ cột chính cho gia đình nên ông không có điều kiện học thêm mà phải vừa đi biểu diễn vừa đi dạy học để kiếm tiền.

Nên người ta không quá ngạc nhiên nếu như tìm thấy một phần hồn nhạc của Mozart trong trái tim của tác phẩm Sonata No.8 này

Với sự hăng say và nỗ lực miệt mài, Beethoven đã cống hiến cho đời những thành quả tuyệt vời. Danh tiếng và tài sản lớn nhất của ông không phải là tài sản tiền bạc, mà chính là vị thế chiếm lĩnh trong trái tim người yêu nhạc qua các thế hệ dành cho những tác phẩm của ông.

Giá trị tinh thần mà những người yêu nhạc Beethoven cảm nhân được chính là sức sống mãnh liệt, niềm tin cuộc sống và trái tim khát khao yêu thương của một tâm hồn đậm chất nghệ sỹ lãng mạn. Nó khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho những ai say mê dòng nhạc này. Có lẽ vì thế mà hậu nhân gọi âm nhạc của ông với cái tên trìu mến: Liều thuốc cho tâm hồn.

Kim Cương