Một bản giao hưởng được viết cho khiêu vũ đã làm sống lại vẻ đẹp đầy lãng mạn của người thiếu nữ phương Tây thủa ấy. Sự lôi cuốn, nét kiêu sa đầy cá tính nhưng không thiếu đi sự trong sáng, sang trọng, quyến rũ mà mãnh liệt trong giai điệu đã làm nên một bản nhạc sống mãi với thời gian của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức – Ludwig van Beethoven

12 German Dances for Orchestra, WoO 8 là một tuyển tập gồm 12 bản German Dances dành cho dàn nhạc của Beethoven viết vào năm 1795, trong đó các German Dances được sáng tác trên những cung nhạc như sau:
1. German Dance (C major) cung Đô trưởng
2. German Dance (A major) cung La trưởng
3. German Dance (F major) cung Fa trưởng
4. German Dance (B♭ major) cung Si giáng trưởng
5. German Dance (E♭ major) cung Mi giáng trưởng
6. German Dance (G major) cung Sol trưởng
7. German Dance (C major) cung Đô trưởng
8. German Dance (A major) cung La trưởng
9. German Dance (F major) cung Fa trưởng
10. German Dance (D major) cung Rê trưởng
11. German Dance (G major) cung Sol trưởng
12. German Dance (C major) cung Đô trưởng

12 German Dances for Orchestra được các những nhà soạn nhạc khác chuyển thể sang dành cho độc tấu piano hoặc piano 4 tay…

Trong dòng nhạc giao hưởng cổ điển, đây là tuyển tập mang trong mình những giai điệu trẻ trung, sôi động, lãng mạn và lôi cuốn đầy mê hoặc đối với những ai yêu dòng nhạc này

Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc trọn vẹn 12 bản German Dance được biểu diễn bởi dàn nhạc Kammerorchester Berlin và nhạc trưởng Helmut Koch:

videoinfo__video3.dkn.tv||bad4dd3d2__

12 German Dances for Orchestra được người nghe cảm thụ như câu chuyện về vẻ đẹp của thiếu nữ tuổi xuân thì

Mở đầu bản giao hưởng là nhịp độ nhanh đầy phóng khoáng dường như đưa người nghe hình dung được sự xuất hiện của một cô nàng thiếu nữ đầy trẻ trung, sôi nổi. Với những bước nhảy tự do trong khoảng không trang trọng lịch lãm, cô gái choáng ngợp cả khán phòng bởi sự thanh tao ngay từ khi vừa xuất hiện

Ảnh: jianshu.com

German Dance No. 1 pha trộn cùng kỹ thuật nảy tiếng Staccatto và liền tiếng Legatto, đồng thời những sắc thái nhấn sf xuất hiện vào những điểm rất đắt giá khiến No. 1 trở nên sắc nét, gọn gàng súc tích khiến cho sự mở màn đầy huy hoàng sang trọng.

Vẫn giữ nhịp độ và kỹ thuật như ở German Dance No. 1,German Dance No. 2 mang theo chất nhạc lãng mạn, đắm say toát lên vẻ đẹp vô bờ trong tâm hồn của tác giả.

Với nhịp valse nhanh giống như bản No. 1 được đưa làm chủ đạo tiết tấu. Ta như bị cuốn theo từng bước nhảy nhịp nhàng trong chiếc váy xoè xoay nhẹ như một bông hoa đang nở chậm. Nàng thơ trong hồn của nhà soạn nhạc tài ba vẫn đưa ta dập dìu theo từng giai điệu ngọt ngào.

Ảnh: wallpaperup.com

Không chỉ sở hữu vẻ đẹp tự do phóng khoáng đầy sức sống, nét đẹp trong âm thanh của Beethoven tiếp tục đưa người nghe chinh phục một cô nàng dịu dàng, ngọt ngào thơ mộng khi có sự góp mặt của dàn Violin trong German Dance No. 3.

Được đánh dấu nổi bật bằng những điểm luyến hoa mỹ của dàn Violin và phần đệm quãng cao của Violin để làm nền cho bè trầm tỉa những giai điệu hiền hòa qua giai điệu của dàn kèn thể hiện đã mời gợi cho người nghe về thế giới nội tâm, vẻ đẹp tiềm ẩn của cô gái với vẻ ngoài lộng lẫy được ẩn dấu bên trong là nét dịu dàng, ngọt ngào.

Chủ đạo cho tiết tấu bản No. 3 vẫn là nhịp valse nhanh đầy lôi cuốn.

Vẫn giữ nguyên tiết tấu nhịp độ, German Dance No. 4 chuyển về cung nhạc Si giáng trưởng, nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven lại đưa người nghe tới giai điệu của những thanh âm lãng mạn, người ta dường như cảm nhận được ánh mắt xa xăm lơ đễnh đầy quyến rũ của cô gái làm không gian nhuốm màu của tình yêu ngọt ngào.

Ảnh: Pinterest

Tiết tấu nhanh và Valse làm chủ đạo, Beethoven nhấn mạnh hơn đặc điểm trong sáng và sang trọng của dòng nhạc cổ điển ở chương nhạc này.

Để lột tả được vẻ đẹp của thiếu nữ phương Tây thời ấy bằng âm thanh. Beethoven một lần nữa chinh phục được người nghe bởi những biến tấu tuyệt vời ở German Dance No. 5 chuyển về cung nhạc Mi giáng trưởng với cách viết valse trên nhịp nhanh 3/4 làm nổi bật những giai điệu của dàn nhạc dây khi tiếng trống bass giao hưởng hòa theo sự vui nhộn lên cao trào thì bè Violin thả vào giai điệu tinh khôi khỏe khoắn để chương nhạc rơi về hợp âm chủ, và giai điệu ấy cũng được tác giả dùng để kết chương.

Chưa dừng lại ở đó, âm thanh của chương nhạc tiếp theo lại đưa người nghe hướng về sự tinh khôi trong sáng qua các nốt nhạc ở German Dance No. 6 khi chuyển về cung nhạc Sol trưởng.

Với nhịp valse nhanh 3/4 được tác giả viết vô cùng tinh tế. No. 6 gồm hai phân đoạn chính A và B, với cách chơi A-B-A rất tròn trịa, chuẩn chỉ bố cục cổ điển, đặc biệt những nét nhạc khi chuẩn bị kết khổ nhạc A là những nét nhạc hoàn hảo của No. 6.

Âm nhạc rung động và đồng điệu tâm hồn là bút pháp tài hoa của nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven

Bút pháp nghệ thuật điêu luyện, nhà soạn nhạc đã thể hiện xuất sắc tài hoa của mình khi viết lên German Dance No. 7. Được chọn lối chơi rất nhanh, lãng mạn mà lại sôi nổi kịch tính, nó tiến tới sự lộng lẫy xúc tích hoàn hảo trong bút pháp soạn nhạc của tác giả, vẽ nên những không gian tinh thần tinh tế vô giá và đầy màu sắc.

Cái tài hoa của Beethoven một lần nữa lại toả sáng khi ông dùng chính âm thanh của mình chạm tới tận sâu tâm hồn của người nghe. Sự rung cảm đầy tự do tự tại trong tầm hồn ông được thính giả cảm nhận sâu sắc ở German Dance No. 8. Chương này xoay về cung nhạc La trưởng và biểu diễn niềm lạc quan chứa đầy nhựa sống của tình yêu và niềm tin cuộc sống.

Ảnh: Pinterest

Những nét nhạc là những ý thơ trong sáng, vừa như tự đặt ra câu hỏi và rồi lại tự trả lời đưa ta vào một thế giới của sự tự do, của niềm hy vọng và đâu đó là những khát khao được toại nguyện mang theo cảm xúc hạnh phúc trào dâng ở German Dance No. 8

Với Beethoven, người ta luôn được sống trong thế giới của sự sáng tạo. Không có khuôn mẫu nào hay những gì là vĩnh cửu bất biến, bởi với ông cuộc sống là đổi thay, con người là đột phá. Nếu ta cứ đóng khung lại chính mình theo một hình mẫu nào đó, thì chính là ta đang khoá lại những cánh cửa tâm hồn của mình.

Cho nên Beethoven đã không ngừng sáng tạo, không ngừng bứt phá. Phong cách sống đó được thể hiện rất rõ nét ở Dance No. 9 mở đầu bằng phong cách chạy cảm rất hay xuất hiện trong những tiểu phẩm nhỏ của tác giả, vẫn là nhịp valse nhanh, nhưng thính giả đã được thưởng thức những sáng tạo mới, những biến tấu mới. No. 9 chuyển về cung nhạc Fa trưởng.

Đối với German Dance No. 10 khi được tác giả chuyển về cung nhạc Rê trưởng với nhịp độ rất nhanh và đầy lôi cuốn, làm tăng sự hấp dẫn tới từng chi tiết nhỏ khi có sự tham gia của bộ gõ phụ họa tạo cảm giác vô cùng quan trọng và hoành tráng với thính giả, chưa kể những hòa âm biến đổi thần tốc trong sự bay bổng lãng mạn.

Ảnh: 500px

Tâm hồn Beethoven là vui tươi, hài hước. Cái duyên trong sự hóm hỉnh ấy lại được dệt lên bởi tiết tấu âm thanh, đây là một dạng thể hiện của ngôn ngữ tuyệt vời nhất đưa con người với con người trở lên gần gũi nhau hơn. Điều này được minh chứng ở German Dance No. 11 khi ông chuyển về cung nhạc Sol trưởng và bộc lộ nét hài hước kinh điển của mình, sự hài hước dí dỏm đặc trưng trong thời kỳ giữa của ông. Tác giả vẫn dùng bút pháp này để đẩy mạnh sự tương phản cảm xúc trong những tác phẩm của mình. Và sự hài hước vui tươi không phải chỉ là mua vui thông thường mà nó là lối trình diễn chiều sâu tâm hồn và cách khoe trí tuệ khéo léo đầy khiêm nhường của riêng ông.

German Dance No. 12 chuyển về cung nhạc Đô trưởng và biểu diễn trên nhịp độ rất nhanh, sôi nổi, mạnh mẽ, lãng mạn. Nó kiều diễm trong kỹ thuật láy nốt tremolo của dàn nhạc dây khi kết chương. Đồng thời phần mở đầu được điền vào những sắc thái FF rất mạnh đi kèm theo sau là câu nhạc mềm mại tôn cho nhau những vẻ đẹp kỳ diệu, mà từ đó thăng hoa lên khúc hát solo tuyệt vời của kèn để hòa cùng dàn nhạc kết chương

Âm nhạc là ngôn từ tinh tế nhất, nó có sức manh diệu kỳ trong việc bày tỏ những suy tư, trăn trở hay những cảm xúc mà không thể nói bằng lời. Âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn và đưa con người trở về với cảm xúc chân thật của tự thân.Nhạc cổ điển thể hiện sức mạnh tuyệt vời nhất những điều đó.

Bằng tài năng thiên phú, Beethoven đã dệt lên những cảm xúc huy hoàng nhất, đưa cho con người những điều quý giá nhất để có thể phát huy tốt nhất năng lượng từ não bộ qua những tác phẩm để đời. Kho tàng quý báu mà ông để lại cho đời là thành tựu vô giá mà con người mãi mãi ghi nhận.

Mời quý độc giả thưởng thức lại bản nhạc giao hưởng “12 German Dances for Orchestra, WoO 8” :

videoinfo__video3.dkn.tv||bad4dd3d2__

Kim Cương – Tịnh Tâm