So với hai người anh trai của mình trong “Tự lực văn đoàn” là Nhất Linh và Hoàng Đạo thì Thạch Lam có số lượng trang viết khiêm tốn. Cuộc đời dù yểu mệnh nhưng ông cũng kịp thời cho ra đời những tác phẩm làm ta như đắm mình trong dòng sông văn hóa dân tộc, trong những nét đẹp quê hương sao êm ái, thanh bình…

Chợt nghĩ đến một trưa hè, nghe sáo diều vi vu, xao xác ngọn nồm vương vướng tiếng ve trên những ngọn tre bờ bãi…

“Hai đứa trẻ” là kỷ niệm tuổi thơ được sống dậy trong ký ức của đứa trẻ 8 tuổi cùng chị mình ngày ngày bán hàng tạp hóa ở gần ga xép nhỏ để nhặt nhạnh vài xu còm cho cuộc sống mưu sinh của gia đình sa sút phải rời Hà Nội về quê…

Hai đứa trẻ nhớ cảnh Hà Nội xưa (Ảnh: Pinterest)

Chính quan niệm: “Không bắt chước Tàu, không bắt chước Tây… Cứ việc diễn tả tâm hồn An Nam của chúng ta!” mà Thạch Lam đã làm cho lòng người “thanh cao hơn” khi cùng ông thủ thỉ và cho ta lặng lẽ suy ngẫm những dư vị của cuộc đời.

Bức tranh phố huyện nghèo trong buổi chiều tàn xuất hiện những thân phận héo tàn cứ leo lét như những hình nhân chậm chạp quay quanh đèn cù đang cạn dầu.

Thế giới con người, thiên nhiên rời rạc, lơ sơ được Thạch Lam “điểm nhãn” và gieo cho người đọc những dư vị như sau khi đọc một tuyệt phẩm Đường Thi.

Tất cả đều cho ta cảm nhận bằng sức gợi của các hình tượng.

Nó cho ta cảm rất sâu; nhận được rất nhiều vẻ đẹp của tình quê hương, tình người và niềm hy vọng.

Qua cặp mắt của cô bé Liên ngây thơ, trong sáng, rất nhiều những cảnh vật, những âm thanh, những mùi vị, những cảm giác về thiên nhiên và con người Việt Nam bình dị, chân chất khiến ta bồi hồi.

Một tiếng trống thu không vang lên để gọi buổi chiều; một dàn đồng ca của ếch nhái kêu vang ngoài đồng nội theo gió nhẹ đưa vào. Thậm chí tiếng của những con muỗi kêu vo ve trong căn phòng tối cũng rất rõ. Và rồi, cuộc trao đổi của Liên và chị Tí dù không có nội dung nhưng cả hai đều quan tâm ái ngại cho nhau.

Đó là cảnh mặt trời như hòn than sắp tàn, khuất dần sau dãy tre làng; đó là con đường gồ ghề đi qua phố huyện ra bờ sông, lốm đốm những quầng ánh sáng.

Đó là những con đom đóm la đà bay từ bãi cỏ và đậu lại dưới những lá bàng. Đó là cả một vòm tinh tú ganh đua nhau lấp lánh… Và rồi trên nền đất mênh mang phố huyện có những kiếp người nhỏ nhoi mang theo những đóm sáng như những con đom đóm.

Khi chợ tan, bé Liên nhìn thấy những vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn. Khứu giác của bé cảm nhận mùi âm ẩm bốc lên. Đó là mùi riêng của đất, của quê hương. Những cảnh vật này tác động tới cảm giác, linh giác của con người rất tinh tế.

Đó là “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Đó là “hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một”.

(Ảnh: 36phophuong.vn)

Tất cả những sự vật mà Liên thâu nhận hội tụ lại tạo nên một thế giới mang đậm chất Việt Nam. Đó là người mẹ nghèo đói nhưng luôn giản dị và ân tình. Nó gợi cho người ta nhớ, người ta thương. 

Nguyễn Tuân đã từng nói: “Đọc Hai đứa trẻ khiến người ta bận bịu vô hạn bởi tình quê hương êm mát và sâu kín”.
Bất cứ một chi tiết nào trong “Hai đứa trẻ” đều có thể đánh động tình thương của chúng ta đối với con người. 

Cứ mỗi tối nhìn hai mẹ con chị Tí ra dọn hàng nước, bé Liên lại thêm một lần suy nghĩ và ái ngại. Cô bé biết rằng người phụ nữ côi cút này ban ngày đi mò cua bắt tép, tối đến không hề nghỉ ngơi. Chị dọn hàng nước để bán cầu may. Liên biết rằng “Chị Tí kiếm chẳng được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cùng dọn hàng từ chập tối cho đến đêm”.

Một người con không thôi suy nghĩ, cứ ngại ngần khi hàng ngày nhìn vai áo mẹ bạc màu mà chưa có cách nào may áo cho mẹ… Đó là tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Một đứa bé ngày nào cùng nhìn thấy chị Tí đi theo quy luật kiếm sống hằng đêm. Vậy mà nó không thôi quan tâm, không thôi ái ngại. Phải có một tình người sâu sắc thì mới có sự đồng cảm sâu sắc như vậy.

Chi tiết tiếp nữa là bé Liên rất ái ngại khi nhìn thấy lũ trẻ đồng trang lứa. Đang lom khom tìm tòi, phải nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre trên bãi chợ. Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để cho chúng nó.

Đó là lòng trắc ẩn của một tâm hồn thánh thiện. Liên không thể cho tiền những đứa trẻ nghèo cùng trang lứa nhưng Liên đã cho người đọc tác phẩm rất nhiều những giá trị tình người. Trong Gió lạnh đầu mùa chị em Lan và Sơn đã có cơ hội để cho bé Hiên được mặc áo ấm. Ở Hai đứa trẻ bé Liên không thể giúp đỡ gì cho những người mà nó thương. Vì thế tình thương đã đông lại thành một nỗi ăn năn day dứt. Bé Liên cảm giác như mình có tội, mình thiếu trách nhiệm với cuộc đời cơ cực của những đứa trẻ kia.

(Ảnh: Flickr)

Chi tiết thứ ba nói về tình người là quan hệ của hai đứa trẻ với bà cụ Thi. Bà cụ đến mua rượu và bé Liên rót đầy cốc rượu. Bà cụ xác nhận bé Liên là người thơm thảo bởi vì hôm nào cũng rót đầy ly cho cụ. Cử chỉ quan tâm và nhân ái của Liên đã làm cho một người hơi điên trở nên tỉnh táo. Cụ Thi khen Liên và rồi xoa đầu cô bé lúc ra về.

Thật cảm động, hai chị em Liên đã “Đứng sững nhìn theo cụ đi lần vào bóng tối”. Đây là sự đồng thương của lòng nhân ái. Chẳng ai bảo ai, nhưng hai đứa trẻ đều ái ngại với bà cụ sau khi uống rượu… Chỉ khi nghe thấy tiếng cười nhỏ dần ở phía làng thì chị em Liên mới yên tâm quay về cửa hàng tạp hóa.

Sự quan tâm tới một người bình thường đã là lòng nhân ái… Chị em Liên quan tâm tới một người điên, xác lập quan hệ bà cháu như ruột thịt thì vẻ đẹp của tình người đã trở nên lấp lánh.

Nếu bức tranh hiện thực của phố huyện khiến ta “thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm ái và sâu kín” thì “chuyến tàu ánh sáng” ở cuối tác phẩm “là thông điệp của niềm hy vọng” (Nguyễn Tuân)

(Ảnh: Youtube.com)

Mọi người dân phố huyện chờ chuyến tàu đêm với hy vọng có thể bán phở, bán nước, bán giọt đàn bầu… Riêng hai đứa trẻ chờ tàu là để nhớ về vùng sáng huyên náo, nơi cha mẹ chúng đã cho chị em được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Đó là Hà Nội của quá khứ .

Liên hứa đánh thức em dậy khi tàu đến. Cô nhìn ngàn sao, nhìn ngàn con đom đóm. “Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu.”

Đoàn tàu xuất hiện ,đến rồi đi trong khoảnh khắc. Nhưng tất cả đều mang đến một thế giới hoàn toàn khác cho mọi người. Âm thanh tiếng còi vừa “như ở đâu vang lại”. Phút chốc tiếng còi đã rít lên. Vừa nhìn thấy: “Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa”, phút chốc” tàu rầm rộ đi tới”.

Đoàn tàu vun vút trôi qua. Liên cũng vừa kịp dắt em đứng dậy. Thế nhưng, hai đứa trẻ đã quan sát rất kỹ những gì mà chúng chờ đợi, khát khao: “đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng.”

Có một thứ âm thanh náo động khác; có những con người sang trọng khác; có những thứ ánh sáng khác… Và đặc biệt, đoàn tàu đã cho ta thấy một tốc độ khác so với những gì nhờ nhợt tù đọng của phố huyện.

(Ảnh: Manhhai/flickr.com)

Hãy so sánh từng cặp sau để thấy Thạch Lam có dụng bút tỉ mỉ đến độ nào :

Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.

Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo gió xa xôi.

Bao nhiêu tiếng ếch nhái và âm thanh duy nhất của đoàn tàu; ngọn gió quẩn quanh và ngọn gió phóng khoáng của khát vọng…

Những nguồn ánh sáng đều chiếu ra ngoài phố khiến cát lấp lánh từng chỗ và đường mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối.

Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua,các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường.

Bao đèn lớn ,đèn nhỏ ,đèn dây chỉ tạo thành hột, thành khe,thành chấm ánh sáng. Chúng chỉ làm cho con đường cuộc đời của người dân gồ ghề lởm chởm. Nhưng chỉ với một thứ ánh sáng của đoàn tàu thì mặt đường ánh xạ như gương…

Đoàn tàu không mang phở tới, không cung cấp một thứ vật chất nào cho những kiếp đời tàn nhẫn nhục nơi phố huyện. Nhưng nó mang đến cho tâm hồn con người được êm mát hơn. Đó là cảm nhận về quá khứ, về tương lai:

“Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng.”

Chợt nhớ tới một câu châm ngôn phương Tây: “Bạn ơi, chừng nào còn sống đừng để mất hy vọng; thà bật một que diêm trong bóng tối còn hơn ngồi than khóc bóng tối! “

Để kết thúc, ta hãy đọc những lời bình luận của Nguyễn Tuân:

Truyện “Hai đứa trẻ” có một hương vị thật man mác. Nó gợi lên một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng gióng lên một cái gì ở trong tương lai.

Nơi cái thế giới quan của đôi trẻ ở một phố quê, hình ảnh đoàn tàu và cái tiếng còi tàu đã thành một thói quen của cảm xúc và của ước vọng.”

La Vinh