Các họa sĩ theo chủ nghĩa Tự nhiên đã tạo ra các tác phẩm có hiệu ứng giống như thật và vô song trong lịch sử nghệ thuật, như một phản ứng theo cách riêng của họ trước sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của máy ảnh vào đầu thế kỷ 19. Có ba bức tranh có thể đại biểu cho trường phái này.

Bức tranh thứ nhất:The Hay Wain” (1821) bởi họa sĩ John Constable

Bức tranh phong cảnh tinh túy theo chủ nghĩa tự nhiên này mô tả một một loại xe ngựa kéo (Hay-Wain) đi qua một dòng suối nông, điều khiển bởi một nông phu. Những con ngựa dường đang dừng lại giữa dòng, như thể để cho người xem chú ý hơn tới quang cảnh xung quanh. Khi lướt trên bức tranh, mắt người xem được cuốn vào những đường cong mềm mại của bờ sông, và được hút vào vô số chi tiết tinh tế: những hình phản chiếu lốm đốm trên mặt nước, những tán cây, và cánh đồng phía xa chan hòa ánh nắng, nơi một nhóm nông dân dỡ cỏ khô như vừa mới ra đồng làm việc.

Bức “The Hay Wain” (ảnh: YouTube).

Phong cảnh này là ở East Bergholt, Suffolk, vùng đông nam nước Anh, cũng là nơi họa sĩ Constable ra đời vào năm 1776. Giống như nhiều bức tranh khác của Constable, “The Hay Wain” mô tả một vùng đất thuộc sở hữu của cha ông. Khung cảnh này vì thế với ông là một điều quen thuộc từ thời thơ ấu; Constable thường tuyên bố rằng “Tôi gắn bó ‘tuổi thơ vô lo của mìnhvới tất cả những gì nằm trên bờ sông Stour; chính những cảnh đẹp đó đã khiến tôi trở thành một họa sĩ“.

Ảnh: Middle-earth & JRR Tolkien Blog.

Tuy bức tranh này vẽ về những người lao động ở vùng nông thôn nhưng Constable nhấn mạnh vào phong cảnh thiên nhiên xung quanh hơn là chính nhân vật. Đây chính là điều trái ngược với các họa sĩ thuộc trường phái Hiện thực (Realism) – họ khai thác mạnh mẽ hình tượng người lao động và chỉ lấy môi trường xung quanh làm nền. Tác phẩm như “The Hay Wain” được tôn vinh do vẽ lên một khung cảnh thân thuộc của thế giới tự nhiên, đồng thời toát ra những phẩm chất thi vị, đầy chất thơ của nó: con người nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Vì lý do này, ảnh hưởng của phong cách Constable đã mở rộng ra toàn bộ sự phát triển tiếp theo của hội họa phái Tự nhiên, đặc biệt là ở Pháp, nơi tác phẩm của ông được chấp nhận và tôn vinh sớm hơn nhiều so với ở nước Anh quê hương ông.

Bức tranh thứ hai:Mặt trời mọc ở Catkills” (1826) bởi họa sĩ Thomas Cole

Bức tranh này cho người xem một cái nhìn từ cự ly gần tới dãy núi Catskill, khi sương mù buổi sáng sớm bốc lên từ thung lũng sâu bên dưới. Một gờ đá, với những tảng đá lởm chởm, cây đổ và bụi cây chằng chịt, tạo nên một cái khung cho tiền cảnh, đặc trưng cho vùng đất hoang vu của nước Mỹ.

Bức “Mặt trời mọc trên núi Catskill” (ảnh: WikiArt).

Sunrise in the Catskills” là một trong những tác phẩm đầu tiên được vẽ bởi họa sĩ phong cảnh người Mỹ gốc Anh Thomas Cole, mô tả cảnh quan vùng nông thôn của bang New York, đặc biệt là các khu vực xung quanh Thung lũng sông Hudson. Sinh ra ở vùng công nghiệp tây bắc nước Anh, Cole đã di cư sang Mỹ cùng với gia đình từ khi còn là một thiếu niên, và là họa sĩ đầu tiên áp dụng thẩm mỹ học của tranh phong cảnh lãng mạn châu Âu vào nước Mỹ. Tác phẩm này cho thấy quang cảnh của Núi Vly ở Catskills, một phong cảnh được trời phú cho tất cả sự lộng lẫy như Bohemia hoặc Bờ biển Baltic trong tranh của Caspar David Friedrich.

“Mountain Sunrise Catskill”, họa sĩ Thomas Cole (ảnh: Painting and Paintings).

Công trình này được xem là tác phẩm đầu tiên của Cole sử dụng các kỹ thuật hội họa của Chủ nghĩa Tự nhiên để truyền tải vẻ đẹp tuyệt vời của vùng thiên nhiên hoang dã nước Mỹ. Vì vậy nó có ảnh hưởng lớn và tạo tiền đề cho những kiệt tác sau này của Cole, đồng thời ảnh hưởng đến các họa sĩ Bắc Mỹ nổi tiếng khác như Frederic Edwin ChurchAlbert Bierstadt. Những nghệ sĩ này tập hợp thành Trường phái “Sông Hudson”, một phong trào hội họa thống trị nghệ thuật nước Mỹ thế kỷ 19, và là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển của hội họa phái Tự nhiên trên bình diện rộng lớn hơn. Thomas Cole do đó cũng được coi ‘cha đẻ’ của trường phái “Sông Hudson”.

Bức tranh thứ ba:Quang cảnh khu rừng Fontainebleau” (1830) bởi họa sĩ Jean-Baptiste-Camille Corot

Bức tranh này là của họa sĩ người Pháp Camille Corot, mô tả địa hình gồ ghề của khu rừng Fontainebleau, nơi các họa sĩ của trường phái tự nhiên Barbizon được thành lập trong những năm 1820-1830. Những cây sồi lớn của khu rừng đổ bóng sâu xuống khắp khung cảnh. Dòng suối ở trung tâm bức tranh tràn ngập trong ánh nắng mặt trời. Ở tiền cảnh, một phụ nữ trẻ nằm đọc sách trong một tư thế kiểu cách, bên bờ một dòng suối.

Bức “Quang cảnh khu rừng Fontainebleau” (ảnh: WikiArt).

Sinh năm 1796, Corot đã được đào tạo về truyền thống Tân cổ điển của Học viện Pháp, nhưng trong những chuyến đi đầu tiên đến Ý vào những năm 1820, ông đã bắt đầu từ bỏ các khía cạnh của phong cách Tân cổ điển sắc sảo, quay lưng lại với các chủ đề nhấn mạnh vào huyền thoại và lịch sử của nó. Năm 1829, ông đến thăm những khu rừng xung quanh Barbizon, nơi ông đã thiết lập một số quan hệ bạn bè với các nghệ sĩ sáng tạo ở đó và sáng tác nhiều tác phẩm về khu vực này. Bức tranh này là thành quả của một năm miệt mài vẽ phác thảo sơ bộ và nghiên cứu về sơn dầu, được hoàn thành trong studio Corot’s Paris và trưng bày tại Salon năm 1830.

Bức “Forest of Fontainebleau”, họa sĩ Camille Corot, 1846 (ảnh: Painting Valley).

Điều thú vị là trong bức tranh này còn có dấu ấn của mỹ học Tân cổ điển, qua hình tượng nhân vật được cho là Mary Magdalene, mà sự hiện diện của cô có thể làm cho bức tranh được xếp vào thể loại “phong cảnh lịch sử”, nhờ đó sẽ được Salon sẽ phê duyệt. Tuy nhiên, điểm sáng thực sự của bức tranh là khu rừng tươi tốt bao quanh: trong một ý nghĩa so sánh, con người ở trong đó trở thành nhỏ bé, tạo cảm giác quy mô cho những cây sồi cao chót vót, rực rỡ với bóng đổ và ánh sáng đan xen.

Về hội họa phái theo chủ nghĩa Tự nhiên

Họa sĩ Camille Corot đã nói:

Bạn phải diễn giải thiên nhiên bằng toàn bộ sự đơn giản và theo tình cảm cá nhân của bạn, hoàn toàn tách rời khỏi những gì bạn biết từ các bậc thầy cũ hoặc những người đương thời. Chỉ bằng cách này, bạn mới tìm được cảm giác thực sự cho tác phẩm.

Hội họa theo “Chủ nghĩa tự nhiên” (Naturalism) là một thuật ngữ có lịch sử phức tạp và bắt nguồn từ việc phê bình nghệ thuật. Từ thế kỷ 17 nó đã được sử dụng để chỉ bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cố gắng thể hiện khía cạnh thực tế của chủ đề mà không quan tâm đến các quy ước ràng buộc, hoặc các khái niệm đã đóng khung về ‘cái đẹp’. Từ cuối thế kỷ 19, nó đã được sử dụng cho một phong trào hội họa xuất phát từ nước Pháp, rồi sau đó mở rộng ra khắp thế giới. Trường phái này cố gắng miêu tả chủ đề con người trong mối quan hệ hợp thành của nó với môi trường sống tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, với độ chính xác trực quan gần sát với nhiếp ảnh. Nhận ảnh hưởng từ các yếu tố của Chủ nghĩa lãng mạn (Romanticism) và Chủ nghĩa hiện thực (Realism), Chủ nghĩa Tự nhiên đã có một giai đoạn là xu hướng chủ đạo trong nghệ thuật phương Tây, sau đó bị chủ nghĩa Ấn tượng làm lu mờ.

Trong khu rừng Fontaineubleau (ảnh: FineArtAmerica).

Chủ nghĩa Tự nhiên thừa hưởng một phần di sản của Chủ nghĩa Hiện thực – một trường phái hội họa của Pháp nổi lên vào giữa thế kỷ 19, tập trung vào những cảnh đời thường. Chủ nghĩa Tự nhiên đương thời hay bị đánh đồng với Chủ nghĩa hiện thực và chỉ được định định nghĩa rõ ràng sau vài thập kỷ – Thời kỳ hoàng kim của Chủ nghĩa Tự nhiên là những năm 1870-1880. Nó vượt lên Chủ nghĩa Hiện thực nhờ độ chính xác trong bố cục hình ảnh siêu thực, cùng với việc tích hợp nhân vật một cách nhuần nhuyễn vào trong khung cảnh hoặc một kịch bản. Theo ý nghĩa này, thành tựu độc đáo của Chủ nghĩa Tự nhiên có lẽ là kết quả của sự hợp nhất giữa ý thức hệ của Chủ nghĩa Hiện thực với các kỹ thuật và hiệu ứng của trường phái tranh phong cảnh Lãng mạn.

Theo THE ART STORY

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__