Cố Hoằng Trung (910 – 980) người Giang Nam, họa sỹ người Nam Đường thời Ngũ Đại. Ông từng làm Họa viện đãi chiếu của triều Nam Đường. Tranh của ông nét bút viên mãn, có lực, xem giữa là các nét bút vuông uyển chuyển, sắc màu đậm diễm lệ. Tác phẩm duy nhất còn lưu truyền lại là “Hàn Hy Tái dạ yến đồ”, một trong mười bức họa đắt giá nhất Trung Hoa cổ đại.

Bức tranh “Hàn Hy Tái dạ yến đồ” miêu tả buổi dạ tiệc của Hàn Hy Tái, Trung thư thị lang triều Nam Đường. Theo “Tuyên Hòa họa phổ” quyển 7 ghi chép, bức tranh này là Cố Hoằng Trung phụng mệnh Hậu Chủ, cùng với Chu Văn Củ, Cao Thái Xung lẻn vào phủ đệ của Hàn Hy Tái xem cuộc sống xa hoa hưởng thụ của ông ta, dựa vào mắt nhìn tâm nhớ đã vẽ ra bức tranh này.

Cố Hoằng Trung giỏi miêu tả thần thái tình cảm nhân vật, xứng danh ngang với Chu Văn Củ.

“Hàn Hy Tái dạ yến đồ” là tác phẩm quan trọng trong tranh nhân vật cổ đại Trung Quốc, chiều dọc 28.7 cm, chiều ngang 335.5 cm, tranh màu bản lụa, hiện đang lưu giữ ở bảo tàng Cố Cung. Đề tài là giai thoại cuộc sống của Hàn Hy Tái, Trung thư thị lang triều Nam Đường.

Hàn Hy Tái (907 – 970), tự Thúc Ngôn, người Bắc Hải Sơn Đông, tiến sỹ cuối thời Nam Đường, là một vị quý tộc phương bắc, do chiến tranh loạn lạc, bị triều Nam Đường giữ lại sử dụng. Hậu Chủ Lý Dục kế vị, thế lực nước Nam Đường sa sút, mà triều Tống ở phương bắc lại nổi lên nhanh chóng. Lý Dục lo lắng bất an về sự tồn vong của triều đình ông. Đối với Hàn Hy Tái, Lý Dục muốn trao cho ông ta chức tể tướng, nhưng lại không yên tâm, trong lòng vô cùng mâu thuẫn. Hàn Hy Tái cũng ý thức, bề ngoài tuy chịu ân huệ của triều đình Nam Đường, nhưng rốt cuộc lại là người phương bắc, và cũng không có ý làm quan.

Hàn Hy Tái thân trong nghịch cảnh, vì để tránh gặp vận nạn có thể xảy ra, không thể không hết sức tránh xung đột với triều đình, đồng thời về sinh hoạt chọn phương thức phóng túng ngông cuồng, buông thả hưởng thanh sắc, để chuyển dịch sự chú ý của đồng liêu, che mắt tai mắt triều đình. Lý Dục chỉ cho rằng Hàn Hy Tái sinh hoạt phóng túng quá, xuất phát từ “quý tiếc tài năng hắn”, muốn thông qua hội họa để khởi tác dụng khuyên nhủ Hàn Hy Tái. Do đó, khi Lý Dục biết tin Hàn Hy Tái “Thích ca kỹ, chuyên tiệc tùng thâu đêm, tuy khách khứa nhiều, vẫn vui vẻ cuồng dật, không biết ước chế”, bèn “Lệnh cho Cố Hoằng Trung đêm đến phủ đệ hắn, xem xem, mắt thấy tâm nhớ, vẽ lại dâng lên”.

Bức tranh này vẽ lại chân thực cuộc sống về ban đêm phóng túng hưởng thụ thanh sắc của Hàn Hy Tái u uất bất đắc chí về chính trị, đã khắc họa thành công tâm cảnh phức tạp của Hàn Hy Tái, trở thành kiệt tác tranh vẽ nhân vật cổ đại.

Tác phẩm “Hàn Hy Tái dạ yến đồ” lấy bình phong làm ranh giới, chia bức tranh ra làm 5 tình tiết câu chuyện, tức nghe nhạc, xem múa, nghỉ ngơi, thổi sáo, tiễn biệt. Kết cấu toàn bộ bức tranh có căng, chùng, thưa, dày có trật tự. Nhân vật khắc họa tinh tế, xuất thần, cổ phác, khí độ, đồng thời thông qua vẽ tỉ mỉ chân dung Hàn Hy Tái, đã biểu đạt thành công trạng thái tâm lý Hàn Hy Tái năm đó.

Bức tranh tổng cộng vẽ 5 quang cảnh lớn, lần lượt kể lại như sau:

Cảnh 1: Miêu tả Hàn Hy Tái và khách đang lắng nghe nữ nhạc chơi đàn tỳ bà:

Cảnh 2: Miêu tả vũ nữ đang múa thướt tha trong khi Hàn Hy Tái đang đánh trống:


Cảnh 3: Miêu tả Hàn Hy Tái đang ngồi nghỉ ngơi trên chiếc ghế bành:


Cảnh 4: Miêu tả Hàn Hy Tái tay cầm chiếc quạt thưởng thức nữ nhạc đang thổi sáo (2 người thổi sáo, 3 người thổi khèn): 


Cảnh 5: Miêu tả và ghi chép Hàn Hy Tái và khách đanh vui đùa với nữ nhạc. Bữa dạ tiệc kết thúc ở đây: 

Bức tranh “Hàn Hy Tái dạ yến đồ” là một bức tranh do 5 cảnh nghe nhạc, xem múa, nghỉ ngơi, thưởng thức nhạc và vui đùa, vừa có thể là 5 bức độc lập, vừa là một bức tranh cuốn liên quan đến nhau. Bất kể về tạo hình, nét bút, sắc màu, đều hiển thị ra kỹ thuật nghệ thuật hội hoa cao siêu và công lực thâm hậu của tác giả.

Bức tranh có ấn “Thiệu động” của Sử Di Viên thời Nam Tống cho đến ấn ký của Trương Đại Thiên thời cận đại, tổng cộng 46 ấn. Trước lục có “Canh tý tiêu hạ ký”, “Thạch cừ bảo kê sơ biên” v.v.. Bức tranh này thông thường được các học giả cho rằng là tác phẩm của Cố Hoằng Trung, nhưng giới giám định thư họa ngày nay, có một số người cho rằng là bản phỏng lại của người Tống.

Triêu Lộ biên dịch