Trương Nhất Nguyên nhấn mạnh: “Múa chính là trong lòng bạn có thứ gì thì sẽ bày ra thứ đó, nếu tiêu chuẩn đạo đức thấp thì hôm đó trạng thái cũng không tốt, có thể nhìn ra rất rõ điểm này. Trong khi diễn, bạn sẽ mang đến cho người xem một loại tín tức, nếu tín tức của bạn là thiện lương, là tốt, người xem cũng nhất định sẽ được thụ hưởng lợi ích”…

Nghệ thuật là một phương tiện truyền tải văn hóa, nó không chỉ phản ánh tiêu chuẩn đạo đức của người nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng đến quan niệm đạo đức của người xem. Trương Nhất Nguyên, một thí sinh 19 tuổi, từng tham gia “Cuộc thi Múa Cổ điển Trung Quốc Thế giới” do Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) tổ chức. Anh có chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Nghệ thuật là không có giới hạn”, khi không ngừng nâng cao tu dưỡng bản thân, kỹ năng mới sẽ không ngừng có những đột phá”.

Cuộc so tài mang tầm vóc quốc tế

“Cuộc thi Múa Cổ điển Trung Quốc Thế giới lần thứ 11” do NTDTV tổ chức sắp khai mạc tại miền Đông Hoa Kỳ. Trương Nhất Nguyên 19 tuổi, đã học múa được 4 năm, hiện là nghệ sĩ múa mới trong lĩnh vực múa cổ điển Trung Quốc, anh cũng đăng ký tham dự. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu động lực gì đã khiến Trương Nhất Nguyên tham dự cuộc thi và tại sao anh lại tham gia so tài lần này. 

Đề cập đến việc anh làm thế nào học được bộ môn múa cổ điển Trung Quốc nhanh đến vậy, hơn nữa còn có cơ hội bước lên sân khấu đẳng cấp thế giới để biểu diễn? Trương Nhất Nguyên chỉ trả lời rất ngắn gọn: “Tôi liên tục cọ xát”. 

Với kỹ năng mạnh mẽ, khí thế hừng hực, trên sân khấu, Trương Nhất Nguyên thể hiện các điệu múa một cách tự nhiên. Anh vẫn nhớ lúc 8 tuổi ngồi dưới khán đài xem người anh họ, là một vũ công của đoàn nghệ thuật Shen Yun biểu diễn, anh bị thu hút bởi dáng vẻ hiên ngang như một anh hùng của người anh họ khi đang biểu diễn. 

Trương Nhất Nguyên nói: “Từ lúc nhỏ tôi đã đi theo anh họ, anh ấy đang biểu diễn tại Shen Yun. Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi chương trình biểu diễn kết thúc có một màn cảm ơn, mỗi lần anh đều lộn nhào ra chào khán giả. Sau đó tôi rất thích động tác lộn nhào đó, bởi vì tôi cảm giác anh bật được rất cao và rất đẹp”. 

Những tháng năm khổ luyện

Theo chân người anh họ, Trương Nhất Nguyên bước vào nghiệp múa cổ điển Trung Quốc. Tiếp theo đó là ngày này qua ngày khác, anh khổ công luyện tập. Điều này khiến Trương Nhất Nguyên nhận ra rằng: đằng sau sự rực rỡ tươi đẹp trên sân khấu là những giọt mồ hôi rơi trên sàn tập cùng sự kiên trì bền bỉ của các diễn viên múa, và quá trình luyện tập không ngừng nghỉ ngày qua ngày. Đây chính là trạng thái chân thật và sống động của các vũ công. Kỳ thực, ngay ngày đầu tiên bước vào lớp học múa, thầy giáo liền nói với Trương Nhất Nguyên về tầm quan trọng của các kỹ năng cơ bản. Do đó, hầu như ngày nào anh cũng tập luyện kỹ năng cơ bản như ép chân, hạ eo, bước hông… 

Lúc đó, cảm thụ lớn nhất của Trương Nhất Nguyên chính là “đặc biệt đau đớn, vô cùng mệt mỏi, rất là buồn chán”. Anh thường tự hỏi mình: “Mình vì điều gì mà làm việc này? Khi nào mới đạt được kỹ năng nhào lộn?” Nhưng Trương Nhất Nguyên cũng phải thừa nhận, khi đối diện với những bài tập khắc khổ và tẻ nhạt lại chính là lúc tôi luyện ý chí. Vì vậy anh đã cắn răng kiên trì tiếp tục tập luyện. Tuy nhiên, đối với anh mà nói, thách thức lớn nhất lại chính là “thân vận” (biểu đạt ý tứ, thần thái, tình cảm thông qua thân thể; như qua thế tay, dáng người, v.v…) trong các động tác giơ tay, nhấc chân, bởi vì nó được bắt nguồn từ căn bản của văn hóa truyền thống Trung Quốc. 

Múa cổ điển Trung Quốc có nội hàm phong phú. Mỗi động tác đều bộc lộ sức hấp dẫn độc đáo của văn hóa truyền thống Trung Quốc 5000 năm, cũng chính là phương diện biểu đạt qua “Thân vận”. Các động tác với độ khó cao có thể hoàn thành thông qua học tập siêng năng và luyện tập chăm chỉ, nhưng việc nắm chắc thân vận phải dựa vào hiểu biết văn hóa cùng cảm ngộ của từng diễn viên. 

Trương Nhất Nguyên nhấn mạnh: “Nếu bạn không mang theo nội hàm… bạn múa cũng như không, chỉ giống như thực hiện động tác mà thôi. Bởi vì tôi lớn lên ở nước ngoài, cho nên tôi có chút khó cảm nhận được, nhưng nhờ vào múa, tôi dần dần ngộ được tầng sâu của nội hàm văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tôi cũng hiểu được múa cổ điển Trung Quốc đã thẩm thấu trí tuệ của người Trung Quốc trong năm nghìn năm, vì vậy khi bạn múa và thực hiện các động tác, bạn có thể từ từ trải nghiệm nền văn hóa đó”.

Thông qua quan sát cẩn thận, Trương Nhất Nguyên phát hiện động tác của giáo viên dạy múa, mặc dù tay đưa từ vị trí này sang vị trí kia, đường đi rất đơn giản nhưng lại khiến người xem cảm nhận được rất rõ điểm đặc sắc của múa cổ điển. Bản thân anh cũng thực hiện động tác đó nhưng lại thiếu đi nội hàm trong đó. Thầy giáo nói: “Không đúng, trò chỉ đang làm động tác chứ không phải đang múa”. 

Lúc này, Trương Nhất Nguyên mới nhận ra vấn đề, đây là do sự khác biệt về văn hóa. Anh đang sử dụng “tư duy của người nước ngoài” để thực hiện điệu múa cổ điển Trung Quốc, nên chỉ có hình mà không có thần thái. Thầy giáo nói cho anh biết, người Trung Quốc xưa múa là có nội hàm ẩn sâu trong đó. Trương Nhất Nguyên giải thích: “Không phải tất cả đều buông lỏng, trong nhu có cương. Kể cả người vũ công nam, rất mạnh mẽ nhưng lại không cứng nhắc, còn động tác của mình thể hiện ra rất có lực… đây cũng là điểm khác biệt giữa văn hóa phương Tây và Trung Quốc” 

Sau khi Trương Nhất Nguyên bước vào bộ môn khiêu vũ cổ điển Trung Quốc, anh bắt đầu tập luyện chăm chỉ ngày này qua ngày khác, và chứng kiến những giọt mồ hôi cùng sự kiên trì khổ luyện đằng sau của các vũ công (Nguồn ảnh: Epoch Times).

Trương Nhất Nguyên chia sẻ: “Tôi không biết làm thế nào để vượt qua nó, chỉ có thể một mực rèn luyện”. Trong mỗi tiết học, Trương Nhất Nguyên đều cố gắng chăm chú nghe giáo viên giảng, đem những gì lĩnh hội được đưa vào trong động tác múa của mình. Điều này là thứ rất khó có thể truyền đạt bằng lời. 

Tại “Học viện nghệ thuật Phi Thiên” (FTAA) ở Mỹ, Trương Nhất Nguyên may mắn học được một kỹ năng quý giá đã từng thất truyền, đó là “Thân đới thủ, khố đới thối” (Thân theo tay, hông theo chân). Trong giới vũ đạo, loại kỹ năng này trước đây mới chỉ nghe danh nhưng chưa từng thấy hình. 

Trương Nhất Nguyên nói: “Nếu muốn phát lực từ trong tâm thì thân thể phải dùng sức. ‘Thân theo tay’ chính là dùng thân di chuyển tay để múa. Bằng cách này, khi múa bạn tỏ ra rất mạnh mẽ, rất sung sức, nhưng bản thân lại đang trong trạng thái rất lỏng và thuận. Đối với ‘Hông theo chân’ cũng vậy. Bạn bắt đầu dùng lực từ hông. Nếu như nói từ hông đến chân là ngắn, thì khi di chuyển chân, nếu dùng lực từ hông đứng lên thì sẽ khiến người xem có cảm giác khoảng cách đó là dài. Cho nên lúc làm động tác này, nếu dùng lực từ hông thì sẽ khiến bản thân cảm thấy rất nhẹ nhàng”. 

Tham dự cuộc thi để hoàn thiện bản thân

Với mong muốn không ngừng đột phá chính mình, Trương Nhất Nguyên đã xem “Cuộc thi Múa Cổ điển Trung Quốc Thế giới” lần thứ 9 do Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) tổ chức và tham dự cuộc thi lần này với tấm lòng chân thành muốn học hỏi các kỹ năng. 

Trương Nhất Nguyên tin rằng cuộc thi là một cơ hội rất tốt để hoàn thiện bản thân. Khi một mình đứng trên sân khấu, vì khán giả mà chuẩn bị hết những thứ tốt nhất để mang ra biểu diễn. Nhưng anh cho rằng, cùng với đó là những điểm chưa tốt của bản thân cũng sẽ hiển lộ rõ ràng. 

Trương Nhất Nguyên nói: “Ban đầu tôi rất khó buông lỏng vì sợ bị người khác nói mình sai. Nhưng tôi đã phát hiện, đó cũng là một trở ngại cho sự học hỏi của bản thân. Kỳ thực, người khác nói bản thân sai ở chỗ nào đó thì đấy là một chuyện tốt, có vậy tôi mới biết cách cải thiện chính mình”. 

Nghệ thuật là thứ dùng để truyền tải văn hóa, không chỉ phản ánh tiêu chuẩn đạo đức của người nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng đến quan niệm đạo đức của khán giả. Trương Nhất Nguyên cảm thán nói: “Nghệ thuật không có giới hạn”. Chỉ khi tu luyện nội tâm khiến nó không ngừng thăng hoa thì kỹ nghệ mới sẽ không ngừng đột phá. 

Trương Nhất Nguyên nhấn mạnh: “Múa chính là trong lòng bạn có thứ gì thì sẽ bày ra thứ đó, nếu tiêu chuẩn đạo đức thấp thì hôm đó trạng thái cũng không tốt, có thể nhìn ra rất rõ điểm này. Trong khi diễn, bạn sẽ mang đến cho người xem một loại tín tức, nếu tín tức của bạn là thiện lương, là tốt, người xem cũng nhất định sẽ được thụ hưởng lợi ích”. Vì vậy, trong lúc múa, bạn cần loại bỏ hết các suy nghĩ lung tung, toàn tâm nhập vào vai diễn. 

Trương Nhất Nguyên tràn đầy kỳ vọng cho cuộc thi múa cổ điển Trung Quốc sắp tới. Anh ấy cảm thấy rằng cuộc thi sẽ cung cấp cho anh những nền tảng tốt nhất để dũng cảm đối mặt với chính mình. Mặc dù lần đầu tiên tham gia cuộc thi sẽ rất hồi hộp, đoán xem mình được xếp thứ hạng nào, nhưng anh đã nhanh chóng chấn chỉnh tâm lý: “Tham gia cuộc thi này là để hoàn thiện bản thân”.

Trương Nhất Nguyên mong rằng mình có thể mang đến một màn trình diễn chân thành và xuất sắc trong cuộc thi. Anh nói: “Bạn phải thực sự đối mặt với chính mình”. Bằng cách này, bạn có thể buông bỏ mọi phiền nhiễu, duy trì trạng thái tâm hồn trong sáng, không bị cản trở, và “khiến bản thân phát huy khả năng tốt nhất có thể”.

Theo Phục Duy – Vision Times
San San biên dịch