Tiếp theo: Bàn về phương sách trị nước – Khổng Tử Gia Ngữ (Quyển 3, P.14)

Khổng Tử nói: “Lập thân hành sự có sáu điều căn bản, rồi sau mới có thể trở thành người quân tử. Lập thân có nhân nghĩa, thì lấy hiếu đạo làm nền tảng; cử hành tang sự có lễ tiết, thì lấy đau buồn làm nền tảng; dàn trận giao chiến có hàng ngũ, thì lấy lòng dũng cảm làm nền tảng; điều hành đất nước có trật tự, thì lấy nông nghiệp làm nền tảng, cai quản thiên hạ có nguyên tắc, thì lấy việc chọn người kế vị làm nền tảng; sáng tạo của cải, thì lấy cần lao nền tảng. Nền tảng không củng cố thì sẽ không thể làm tốt việc trồng trọt được; nếu không thể khiến họ hàng vui lòng thì không chớ quản việc người ta; làm việc không thể có thủy có chung, thì đừng kinh doanh nhiều ngành nghề; tin đồn lan truyền nơi đầu đường xó chợ thì đừng nên nói nhiều; nếu không thể ổn định được chỗ gần, thì chớ bình định những chỗ xa xôi. Bởi vậy, quay về cái gốc của sự vật, bắt đầu từ chỗ gần, ấy là con đường mà người quân tử theo đuổi”. 

Khổng Tử nói: “Lập thân hành sự có sáu điều căn bản, rồi sau mới có thể trở thành người quân tử. Lập thân có nhân nghĩa, thì lấy hiếu đạo làm nền tảng (Ảnh minh họa: Tranh vẽ “Tự mình nếm thuốc” của họa sư Chu Bách Sinh thời Trung Hoa Dân quốc).

Khổng Tử cũng nói: “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng. Thương Thang và Chu Võ Vương vì có thể nghe được những lời trực ngôn can gián mà làm cho nước nhà hưng thịnh, Hạ Kiệt và Thương Trụ bởi chỉ thích nghe những lời xu nịnh mà nước mất mạng vong. Quân vương không có bề tôi dám nói thẳng can ngăn, người cha không có con cái dám nói thẳng can ngăn, huynh trưởng không có người em dám thẳng thắn khuyên ngăn, kẻ sĩ không có bạn bè thẳng thắn khuyên ngăn, nếu muốn không phạm sai lầm là điều không thể. Vậy nên nói: ‘Quân vương có sai lầm, bề tôi đến bổ cứu; anh trai có sai lầm, em trai đến bổ cứu; bản thân có sai lầm, bạn bè đến bổ cứu’. Như vậy, quốc gia sẽ không có nguy cơ diệt vong, gia đình sẽ không có chuyện xấu đi ngược lẽ phải, giữa cha con, anh em sẽ không có sự bất hòa, bạn bè cũng sẽ không đoạn tuyệt qua lại”.

Một lần, Khổng Tử ở nước Tề, ngụ trong quán trọ thì có Tề Cảnh Công đến thăm. Ngay khi chủ khách vừa gửi lời chào hỏi, có người đến báo với Cảnh Công rằng: “Sứ thần nước Chu vừa đến, nói rằng tông miếu của tiên vương đã bị cháy”.

Cảnh Công gặng hỏi: “Miếu của ai bị cháy vậy?”.

Khổng Tử nói: “Đây nhất định là miếu của Ly Vương”. 

Cảnh Công hỏi: “Tiên sinh làm sao biết được?”.

Khổng Tử nói: “Kinh Thi’ nói: ‘Thượng thiên vĩ đại, những gì ông ban cho đều không có sai chạy. Thượng thiên ban việc lành, nhất định sẽ hồi báo cho người có mỹ đức, tai họa cũng là như vậy. Ly Vương đã thay đổi chế độ của Văn Vương và Võ Vương, hơn nữa chế tác các món trang sức màu sắc hoa lệ, cung điện cao ngất, xe ngựa xa hoa, thật đúng là không có thuốc cứu chữa. Vậy nên, trời cao đã giáng tai họa lên ngôi đền của ông ta. Hạ thần dựa vào điều này mà đưa ra suy đoán như vậy”.

Khổng Tử chuyện trò với Tề Cảnh Công (Ảnh minh họa: Tranh vẽ “Khổng Tử Thánh Tích Đồ” của họa sư Cừu Anh đời nhà Minh.

Cảnh Công nói: “Tại sao thượng thiên không giáng tai họa vào người ông ta mà lại muốn trừng phạt tông miếu của ông ta đây?”.

Khổng Tử nói: “Có lẽ là bởi Văn Vương và Võ Vương chăng? Nếu giáng tai họa lên người ông ta, thì đời sau của Văn Vương và Võ Vương không phải bị diệt sạch rồi sao? Bởi vậy giáng tai họa xuống miếu của ông ta để chỉ rõ sai lầm của ông ta”.

Một lúc sau, có người báo rằng: “Đúng thật là miếu của Ly Vương đã bị cháy”.

Cảnh Công giật mình đứng dậy, lần nữa hành lễ với Khổng Tử, nói rằng: “Trí tuệ của thánh nhân đúng là vượt trên người thường rất nhiều”.

Theo Huệ Minh, Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch