Tiếp theo: Tử Lộ lần đầu bái kiến Khổng Tử – Khổng Tử Gia Ngữ (Quyển 5 P.19)
Sở Chiêu Vương mời Khổng Tử đến chu du nước Sở. Khổng Tử cùng học trò đến bái tạ Sở Chiêu Vương. Trên đường đi ngang qua nước Sái và nước Trần. Quan đại phu của nước Trần và nước Sái bàn với nhau rằng: “Khổng Tử là vị Thánh hiền, những gì ông ta châm biếm và chỉ trích đều nhắm trúng vấn đề của các chư hầu. Nếu ông ta được nước Sở chọn dùng, thế thì nước Trần và nước Sái của chúng ta sẽ nguy mất”. Bèn cho quân lính ngăn chặn Khổng Tử.
Khổng Tử không thể tiến về phía trước, hết lương thực trong bảy ngày, cũng không liên lạc được với thế giới bên ngoài, mấy thầy trò bị bỏ đói, chỉ có thể húp nước cháo cầm hơi. Lúc này, Khổng Tử càng hăng say truyền thụ học vấn, điềm nhiên ngồi trước nhà gảy đàn ca hát. Đức Khổng Tử cho gọi Tử Lộ đến và hỏi rằng: “‘Kinh Thi’ nói rằng: ‘Không phải bò rừng không phải hổ, nhưng tất cả đều đến nơi hoang dã này’. Phải chăng đạo của thầy có chỗ không đúng, cớ sao chúng ta lại đến bước đường này?”.
Tử Lộ mặt đầy oán khí, bất mãn nói: “Người quân tử sẽ không bị thứ gì quấy nhiễu được. Thiết nghĩ nhân đức của thầy còn chưa đủ, nên người ta vẫn chưa tin tưởng chúng ta; thiết nghĩ trí tuệ của thầy vẫn chưa đủ, nên người ta mới không nguyện ý phổ biến chủ trương của chúng ta. Hơn nữa ngày trước con từng nghe thầy nói rằng: ‘Người làm việc thiện trời ban phúc lành, kẻ làm việc ác trời giáng tai ương’. Ngày nay thầy tích lũy đức hạnh, lòng ôm nhân nghĩa, chủ trương của thầy đã được truyền bá trong thời gian rất dài, sao lại lâm vào tình cảnh khốn cùng như vậy?”.
Khổng Tử nói: “Tử Do à, con vẫn chưa hiểu sao! Thầy sẽ nói cho con hiểu. Con cho rằng người có đức hạnh sẽ được người ta tin tưởng sao? Nếu thế thì Bá Di và Thúc Tề sẽ không chết đói trên núi Thủ Dương. Con cho rằng người có trí tuệ nhất định sẽ được chọn dùng ư? Thế thì vương tử Tỷ Can sẽ không bị moi tim. Con cho rằng người trung thành sẽ có báo ứng tốt sao? Thế thì Quan Long Phùng sẽ không bị giết hại. Con cho rằng lời trung can gián sẽ được tiếp thu sao? Nếu thế thì Ngũ Tử Tư sẽ không bị buộc phải tự tử. Gặp được bậc quân vương sáng suốt hay không, ấy là chuyện thời vận; có hiền hay không, ấy là chuyện tài năng. Người quân tử học thức uyên bác, nhìn xa trông rộng nhưng không gặp được thời vận thì có quá nhiều, chứ đâu riêng gì ta! Vả lại, chi lan sinh trưởng trong rừng sâu, sẽ không vì chẳng ai quý trọng mà không tỏa hương thơm ngát; quân tử tu dưỡng thân tâm, vun bồi đạo đức, sẽ không vì cảnh nghèo khó mà thay đổi tiết tháo. Nên làm thế nào là ở tự thân, sống hay chết là ở số phận. Vậy nên, khát vọng bá chủ của Trùng Nhĩ nước Tấn bắt nguồn ở Tào Vệ; khát vọng bá chủ của Câu Tiễn bắt nguồn ở Cối Kê. Bởi vậy mới nói, người ở địa vị thấp hơn mà không lo lắng gì, ấy là không nhìn được xa; người trong cảnh khốn cùng mà luôn muốn an nhàn, ấy là chí hướng không lớn, làm sao có thể biết được cái kết trước sau của anh ta đây?”.
Khi Tử Lộ ra ngoài, Khổng Tử gọi Tử Cống đến và hỏi lại câu hỏi tương tự. Tử Cống nói: “Đạo của thầy thật sự quá cao thâm, cho nên thiên hạ không thể dung nạp được, sao thầy không hạ thấp tiêu chuẩn xuống, thế có hay hơn không?”.
Khổng Tử trả lời: “Tử Cống à! Một người nông dân giỏi trồng cây không có nhất định là có được thu hoạch tốt. Một người thợ tay nghề điêu luyện không nhất định hài lòng được tất cả mọi người. Người quân tử thực thi và tuyên dương đạo nghĩa, đó là hi vọng người thiên hạ có thể tuân theo quy tắc đạo nghĩa mà đối nhân xử thế quay về với thiên lý. Làm sao có thể hạ thấp chuẩn mực đạo nghĩa để phù hợp với con người thế tục? Như hôm nay con không nghĩ làm sao tu dưỡng đạo đức học vấn của con, mà lại suy nghĩ làm sao để thiên hạ dung nạp, điều này nói rõ chí hướng của con không đủ lớn, tư tưởng không đủ xa đó!”.
Sau khi Tử Cống đi rồi, Nhan Hồi bước vào, Khổng Tử hỏi ông câu hỏi tương tự. Nhan Hồi đáp: “Đạo của thầy thật quá rộng lớn, thiên hạ cũng không dung nạp được. Dù là như vậy, thầy vẫn dốc lòng thúc đẩy. Người đời không dùng, đó là nỗi nhục của kẻ đương quyền, thầy hà tất phải buồn vì điều này? Đạo của thầy không được tiếp nhận, thế mới nhìn ra thầy là bậc quân tử”.
Khổng Tử nghe vậy, mừng rỡ cảm thán nói: “Con nói đúng lắm! Nếu con có thật nhiều tiền, thầy sẽ làm quản gia cho con”.
Khổng Tử bị mắc kẹt ở đất Trần và đất Sái, và những người theo bảy ngày không có cơm ăn. Tử Cống lấy đồ vật mang theo người, lẻn ra khỏi vòng vây, cầu xin dân làng đổi cho một ít gạo, kết quả đổi được một thạch gạo. Nhan Hồi, Trọng Do nấu cơm bên trong gian nhà bằng đất, bất ngờ một mảnh bụi đen rơi vào trong nồi cơm, Nhan Hồi vội bóc phần cơm bẩn ra và ăn. Tử Cống ở cạnh giếng trông thấy vậy, rất lấy làm không vui, nghĩ rằng Nhan Hồi đã ăn vụng cơm.
Chàng đi vào nhà và hỏi Khổng Tử: “Người đức hạnh trong sạch trong cảnh khốn cùng liệu có thay đổi tiết tháo không?”.
Khổng Tử nói: “Nếu đã thay đổi tiết tháo thì sao còn có thể gọi là người đức hạnh trong sạch được nữa”.
Tử Cống hỏi: “Người như Nhan Hồi sẽ không thay đổi tiết tháo của mình chứ ạ?”.
Khổng Tử đáp: “Đúng vậy!”.
Tử Cống đem chuyện Nhan Hồi ăn vụng cơm nói lại với Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Từ lâu thầy đã tin rằng Nhan Hồi là người nhân đức, tuy con nói như vậy, nhưng thầy vẫn không nghi ngờ cậu ta. Nhan Hồi làm như vậy nhất định là có nguyên do. Con cứ ở lại đây, ta sẽ hỏi dò cậu ta”.

Khổng Tử gọi Nhan Hồi vào và nói: “Mấy ngày trước thầy mơ thấy tổ tiên. Đây phải chăng là tổ tiên linh ứng phù hộ chúng ta? Con nấu xong cơm rồi hãy mau dọn lên đây để thầy cúng tổ tiên”.
Nhan Hồi nói: “Bẩm thầy, khi nãy có bụi đen rơi vào trong cơm, nếu để trong cơm thì sẽ làm bẩn cả nồi cơm, còn nếu vứt đi thì lại thấy tiếc, nên con đã ăn phần cơm bẩn đó rồi, cơm này không thể dùng cúng tổ tiên được nữa”.
Khổng Tử nói:“ Nếu đổi lại là thầy, thầy cũng sẽ ăn phần cơm bẩn đó”.
Sau khi Nhan Hồi đi ra ngoài, Khổng Tử nhìn các học trò và nói: “Thầy tin tưởng Nhan Hồi, không phải chỉ đợi đến hôm nay thôi đâu!”. Các môn đệ do vậy đều thán phục Nhan Hồi.
Theo Huệ Minh, Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch