Tăng Quốc Phiên là cháu đời thứ 70 của Tăng Tử thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Ông là chính trị gia, chiến lược gia, triết học gia, văn học gia xuất sắc thời Mãn Thanh, và là Thống soái của Tương quân. Đáng nói là, thuở thiếu thời ông cũng chỉ là một người phàm phu nóng nảy, nhờ không ngừng tu tâm sửa tính mà tiêu trừ tai hoạ, có được tiền đồ xán lạn, trở thành Thánh nhân.

Thời niên thiếu, Tăng Quốc Phiên thích động, không thích tĩnh, nói lời luôn chua chát, ngay thẳng. Vì vậy, ông đắc tội với rất nhiều người, để lại nhiều tai họa tiềm ẩn trong tiền đồ của bản thân.

Khi nhận thức được thiếu sót của mình, ông đã học cách tĩnh tâm, thay đổi lời nói và tính khí. Điều này đối với ông giống như bốc thuốc đúng bệnh, khiến cho ông ngày càng tiến bộ, cảnh giới tinh thần thăng hoa.

Cũng chính nhờ vào những thay đổi trong thời điểm này, Tăng Quốc Phiên đã loại bỏ được không ít chướng ngại có thể gặp phải về sau. Đồng thời, ông mới có được những mối quan hệ hữu ích trong tương lai.

Tăng Quốc Phiên tổng cộng có mười hai phương thức tu thân, đây cũng là bí quyết thành công trong cuộc sống của ông. Thời kỳ còn ở kinh đô, Tăng Quốc Phiên theo học Đường Giám. Khi để tang cha, ông nghiên cứu về Lão Tử, không ngừng dùng đạo lý sách vở để tu thân. Ông đem những đạo lý và trí tuệ học được dung nhập vào cuộc sống hằng ngày, dung hòa vào chính bản thân ông.

Nhờ tu sửa tâm tính mà làm nên cơ đồ rạng rỡ của Tăng Quốc Phiên. (Ảnh: ĐKN)

Sửa tính chính là tiêu tai

Trần Hồng Thọ, người nhà Thanh có một câu đối liễn như thế này: “Khóa tử khóa tôn tiên khóa kỷ, thành Tiên thành Phật thả thành nhân”. Có nghĩa là: Muốn con cháu ưu tú thì bản thân trước tiên phải là một tấm gương tốt, cầu Thần cầu Phật không bằng tự bản thân tu thân sửa tính.

“Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”. Có nghĩa là họa phúc trong cuộc đời con người không phải tự nhiên mà có, đều do con người tự gọi đến.

Những người lương thiện, trong lòng có Phật thì cho dù không đi chùa miếu cũng được Trời Phật phù hộ, những kẻ độc ác đa đoan cho dù có đi cầu Trời bái Phật cũng sẽ không nhận được sự bảo hộ. Muốn tiêu tai tích phúc đầu tiên phải tu thân sửa tính.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói: “Quá bất luận cửu cận, duy dĩ cải vi quý”. Dịch nghĩa: Không cần biết thời gian bao lâu, dài hay ngắn, điều quan trọng duy nhất, đáng quý nhất chính là có thể sửa chữa.

Trong “Luận Ngữ” cũng có một câu danh ngôn: “Quá nhi bất cải, thị vi quá hĩ”. Dịch nghĩa: Biết sai nhưng không chịu sửa mới là cái sai quá mức.

Muốn chân chính tiêu trừ tai họa, đầu tiên cần phải sửa chữa những vấn đề của bản thân. Trí tuệ cao nhất của con người chính là có thể hiểu rõ tất cả nhược điểm của bản thân. Chỉ khi sửa chữa những sai lầm của bản thân mới có thể chân chính tiêu trừ tai họa.

Trong cuộc sống, khi gặp phải khó khăn, hay chuyện xấu thì không nên phàn nàn, mà cần tổng kết, phân tích, mỗi một chuyện đều có nhân quả của nó. Chúng ta cần làm rõ, tìm hiểu nguyên nhân vì sao dẫn đến kết quả như vậy, bản thân còn tồn tại vấn đề gì. Sau khi biết được sai lầm của mình nên tích cực cải chính, không để mắc thêm lỗi này một lần nữa.

Người quân tử tu sửa tâm tính có thể hóa giải mọi tai kiếp khó khăn. (Ảnh: Youtube)

Tu thân là tích phúc

Phúc khí không phải là thứ có thể cầu được, mà được tích lũy từng chút một từ cuộc sống. Phía sau phúc khí và vận tốt đều tồn tại một sự nỗ lực.

Đức Phật dạy rằng, Phật Pháp giống như hoa quỳnh, tồn tại trong chớp mắt, đợi những người thuần khiết đến truy cầu. Còn phúc khí giống như cam lộ, đang đợi chờ những người tu thân lập đức.

Tu thân không những cần nội tâm phong phú, tăng cường trí tuệ trong cuộc sống, còn bao gồm dùng thái độ bình tĩnh ôn hòa đối mặt với những phiền não, bất hạnh trong cuộc sống hàng ngày. Dùng thiện tâm đối đãi với người khác, dùng thái độ như ánh mặt trời đối diện với thế giới, có như vậy người khác và cả thế giới mới dùng thiện tâm và ánh sáng mặt trời đáp lại bạn, điều này cũng chính là tích phúc.

Trong bức thư viết cho em trai mình, nhiều lần Tăng Quốc Phiên đề cập tới tầm quan trọng của “đức”, tức nhân phẩm của con người. Ông nói: “Ngày nay tích một phần đức, cũng coi như tích một đấu ngũ cốc”.

Con đường tu thân của Tăng Quốc Phiên mặc dù dài lâu, chậm rãi nhưng lại vô cùng đáng giá. Trong quá trình tu thân, ông hiểu ra rất nhiều đạo lý, ví dụ như “Cho dù gặp phải bất cứ chuyện gì thì cứ xem như không có gì, khiến sự việc trở nên đơn giản, xem việc lớn như việc nhỏ”, “Khi gặp chuyện cứ nhường ba phần thì trời cao biển rộng, lưu lại một mảnh đất trong tâm hồn thì hạt giống mới có thể nảy mầm”. Những đạo lý này đã cổ vũ Tăng Quốc Phiên tiếp tục bước về phía trước, cuối cùng trở thành Thánh nhân.

Theo Soundofhope
Khải Phong biên dịch