Chuyên mục “Chữ và Nghĩa” chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực, nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta đang dùng trong đời sống hiện đại. Nếu chúng ta hiểu không đúng nghĩa của từ, chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không đọc được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi sự liên hệ với quá khứ. Do vậy, chúng tôi xin giúp độc giả phạt cỏ dọn cành ngõ hầu phát quang lối cũ về với người xưa. Và cũng nhân đó giúp cho độc giả có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.

Có chuyện kể rằng…

Tâm Cầu là một chàng trai mới ngoài đôi mươi. Cậu vừa ra khỏi cơ quan trong ngày làm việc cuối cùng sau sự cố 1 tuần trước. Lúc này cậu đang thất thểu lê bước trên con đường ngoại ô buổi trưa vắng.

Nhớ lại hôm ấy, bất mãn vì cách điều hành quan liêu của trưởng phòng mới, cậu vung tay chỉ mặt anh ta mà mắng mỏ: “Anh chỉ là một kẻ con ông cháu cha bất tài!”. Gần 3 năm làm việc miệt mài, cống hiến không nghỉ cho cơ quan và nhận lại bao lời khen ngợi, cậu những tưởng sẽ được đề bạt xứng đáng. Nào ngờ, kẻ thiếu năng lực nhất cùng phòng lại được đưa vào vị trí trưởng phòng còn trống chỉ vì hắn là con của ngài giám đốc. Ai cũng bảo chỉ có Tâm Cầu xứng đáng với vị trí ấy. Vậy mà…

Chiều qua, cậu cũng mới chia tay người bạn gái, kết thúc mối tình 5 năm từ khi cả hai còn học chung trường đại học. Cô bạn cau mày mím môi không nói gì nhiều, chỉ nói rằng cả hai không hợp và dứt khoát chia tay. Nhưng cậu biết, lý do thực sự là vì cô ấy cảm thấy tương lai bấp bênh khi gắn bó với cậu, một anh chàng kém may mắn. Thêm nữa, cậu cũng không biết cách chiều chuộng. Mà con gái có thì. Cậu cũng tỏ ra ngang tàng không thèm níu kéo, nhưng trong lòng cậu có cái gì vỡ ra, và thình lình trái tim như chìm xuống trong bùn.

Giữa trưa mà mây ùn ùn, trời xám xịt. Tâm Cầu miên man trong suy tư nặng nhọc, chân bước thấp bước cao. Cậu chẳng biết bước chân dẫn mình về đâu. Bỗng cậu sực tỉnh thấy mình đang đứng ở lối vào một ngôi cổ tự. Ngôi chùa thật sạch sẽ, nhưng chẳng thấy bóng người qua lại, chẳng thấy khói hương mù mịt. Chỉ có sân chùa tịch mịch vắng lặng, nghe được cả tiếng lá đa rơi sẽ sàng trên nền sân gạch. Tuy vậy, hình như không khí nơi đây có gì đó an hòa dễ chịu, tâm sự giăng giăng của chàng trai bỗng trùng xuống, vơi nhẹ.

“Mình đã bao lâu không vào chùa rồi nhỉ? Ừ, lúc này vào chùa cũng hay”. Tâm Cầu quyết định đi thẳng vào gian giữa mà cậu nghĩ là chính điện. Ngồi ở đó lạy Phật, biết đâu cậu sẽ cầu được ước thấy, tình yêu và công việc sẽ quay trở lại.

Ảnh minh họa: Flickr.

Trước điện thờ Tam Bảo là một nhà sư già cả đầu đội mũ vải kéo xuống quá tai đang chăm chú đọc cuốn sách gì đó đã ngả vàng và quăn cả mép. Chắc là Kinh Phật.

–  Thầy gì ơi…

Im lặng.

– Chào thầy!

Nhà sư già như sực tỉnh, đầu ngẩng lên:

– Không dám, chào thí chủ.

Tâm Cầu cảm thấy hơi buồn cười. Giờ này vẫn có người gọi là thí chủ. Cái tính thích cãi bướng lại nổi lên.

– Thầy ơi, bây giờ còn ai gọi là thí chủ? Chẳng lẽ các thầy vẫn nhận bố thí à?

– Vâng, bần tăng ở đây cũng tự trồng cấy nuôi thân. Nhưng không từ chối bố thí. Thí chủ cũng biết, xưa Đức Phật Thích Ca dẫn đệ tử đi hóa duyên và nhận lại bố thí đồ ăn của người đời. Nên gọi người bố thí là thí chủ.

– Vậy à. Con thấy bây giờ ở nhiều chùa, các thầy giàu lắm, không nhận bố thí đâu. Cũng không xưng là bần tăng, vì họ có nghèo đâu. Họ làm rất nhiều dịch vụ: dâng sao giải hạn, trừ tà đuổi vong, cầu tài cầu lộc giúp thân chủ… Những chỗ ấy, người ra người vào tấp nập, có mấy chùa như chùa ta đâu thầy.

– Thế ạ. Tôi ở đây chỉ chăm chỉ học Kinh Phật. Thí chủ nào muốn trao đổi về Phật lý, hay muốn tâm an tịnh hơn thì tôi sẵn sàng giúp cho một vài ý kiến. Có bố thí hay không cũng không sao ạ.

Thái độ từ tâm của nhà sư làm Tâm Cầu cảm thấy ấm áp, lòng cũng yên ả một chút, tạm quên đi nỗi dằn vặt trong tâm. Lòng kính trọng đối với nhà sư cũng tăng lên mấy phần. Nhưng cậu vẫn hỏi:

– Thưa thầy, lúc con vào thấy thầy đội mũ kín cả tai. Nói vô phép thầy, con lại nghĩ đến câu: “Mũ ni che tai”?

– Không biết thí chủ nghĩ thế nào về câu nói ấy?

– Theo con hiểu, ý câu ấy là để chỉ  “thái độ bàng quan, tiêu cực, trốn tránh sự đời, thủ tiêu đấu tranh”. Những người đời cầu an, dĩ hòa vi quý, thậm chí hèn nhát không dám đấu tranh hay bị gọi là “mũ ni che tai”.

– Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thành ngữ ấy là từ điển tích của giới tu hành. “Nhờ có chiếc mũ rộng vành che đôi tai lại mà một nhà sư không bị âm thanh bên ngoài của một đôi chim sẻ can nhiễu cuộc thanh tu. Và vì vậy mà đắc Đạo”.

Đối với đệ tử của Đức Phật Thích Ca như chúng tôi, tinh yếu của tu luyện là “Giới, Định, Huệ”. Chúng tôi phải Giới trước, tức là hạn chế tất cả những yếu tố cản trở tu hành nào khiến tâm chúng tôi sinh ra dục vọng, giận dữ, sự mê mờ hay còn gọi là tham sân si. Và hạn chế cả cái tình riêng với ngoại vật nữa. Vì vậy, chúng tôi phải tu trong chùa, hay trong rừng sâu núi thẳm, cách xa thế nhân, thân thích. Chúng tôi còn phải hạn chế rất nhiều điều khác trong sinh hoạt thì tâm chúng tôi mới tĩnh lại được. Đó là hình ảnh chiếc mũ ni che tai của chúng tôi đấy.

Ảnh minh họa: Wikipedia.

Nhà sư già dừng lại chừng như để Tâm Cầu kịp lĩnh hội, rồi tiếp:

– Khi tâm tĩnh được thì lúc đả tọa mới Định được. Định được thì dần dần sẽ sinh ra trí huệ, ấy là Huệ. Và cuối cùng tiến đến giải thoát, lên cõi Niết Bàn, là mục tiêu cao nhất mà Đức Phật Thích Ca đã để lại cho chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi không lý gì đến sự đời.

– Vậy thì câu thành ngữ “mũ ni che tai” chỉ dành cho người chân tu trong Phật giáo, áp dụng cho người đời là không tương đương phải không thầy?

– Đúng vậy, ngộ tính của thí chủ thật tốt.

– Thưa thầy, con không thông minh như thầy nói đâu ạ. Con không biết khôn khéo ứng xử với sếp, với bạn gái, không biết dò tâm đoán ý để làm vừa lòng họ.

Lần đầu tiên vẻ mặt nhà sư già thoáng hiện một nụ cười hiền từ trong đôi mắt lấp lánh có thần.

– Ngộ ở đây không phải là thông minh cách ấy đâu thí chủ ạ. Ngộ ban đầu là danh từ của đệ tử nhà Phật chúng tôi. Ngộ tính có nghĩa là trong khi học Phật Pháp thì có thể lý giải đến đâu đối với mỗi sự việc ở mỗi tầng Pháp lý. Có đốn ngộ và tiệm ngộ.

Đốn ngộ tức là việc đột ngột khai mở tất cả khả năng nhận thức về Pháp lý khi viên mãn sau một quá trình tu hành. Tức là một người chịu nhiều gian khổ để tu hành nhưng không thấy chút gì thay đổi trên bề mặt. Thực chất là nó không biểu hiện ra ngoài ngay mà chờ đến một thời điểm. Như một đóa hoa bừng mãn khai từ một cái nụ bé xíu còi cọc suốt tháng ngày dầu dãi nắng mưa. Như một cái mầm xanh từ dưới đất vụt trở thành cái cây cổ thụ.

Còn tiệm ngộ thì là quá trình nhận thức ra Pháp lý, cảm nhận sự biến đổi cơ thể và những biến hóa xung quanh một cách từ từ. Như một nụ hoa mỗi ngày hé nở một chút.

– Ồ, vậy là việc đồng nhất ngộ tính với thông minh khôn khéo trong sự việc đời thường là sai rồi, phải không thầy? Vậy ngộ tính cao cũng không giúp con giải quyết vấn đề đời thường phải không?

– Có chứ, nếu thí chủ có ngộ tính cao, thí chủ sẽ hiểu rằng không có việc gì là không có lý do. Thí chủ có nhìn thấy hay không mà thôi.

– Thưa thầy, nghĩa là sao ạ?

– Thí chủ gieo nhân tốt, có đức lớn ở đời này, thì đời sau đắc phúc báo, được quả ngọt. Lúc ấy thí chủ sẽ có thể phát tài, thăng chức hoặc có hạnh phúc ấm êm, tình cảm tốt đẹp mà người thường chỉ đơn thuần coi như một sự may mắn. Thậm chí phúc báo sẽ đến cả khi thí chủ chẳng có khả năng gì. Người ta hay nói “may hơn khôn” là như vậy đấy. Ngược lại, nếu thí chủ tạo nhiều ác nghiệp thì đời sau sẽ trả nợ, gặp nhiều thất bại, tai họa, đau khổ. Nếu đời này hưởng phúc, mà không biết tiếp tục tu bổ cái đức, thì phúc báo sẽ hết, lại đeo thêm nợ nghiệp. Đời là vô thường mà.

Tâm Cầu cảm thấy chấn động hồi lâu. Hình như nhà sư này biết rõ câu chuyện của mình thì phải. Cậu chăm chú quan sát nét mặt của ông, vẫn một vẻ bình thản hiền hòa như từ mẫu, nhưng đôi mắt sáng suốt như nhìn thấu ruột gan cậu.

– Bạch đại sư, sao lại vô thường ạ?

Thường hằng là vĩnh viễn, như Phật, như Đạo, như vũ trụ này. Vô thường là ngắn ngủi, là giai đoạn, như hoa nở hoa tàn, như người còn người mất. Cũng như đời hết vui thì đến buồn, hết tan rồi lại hợp. Có gì quan trọng đâu. Bần tăng xin tặng lại thí chủ câu thơ này của Tô Đông Pha cư sĩ đời Tống: “Đời người vui buồn ly hợp. Trăng cũng đầy vơi mờ tỏ”. Chỉ mong thí chủ luôn luôn không coi sự được mất làm trọng, ung dung trong xử thế, tạo phúc nhiều cho thế nhân, thì trời sẽ tự khắc có an bài tốt đẹp. Đấy là bí quyết hạnh phúc vậy.

Tâm Cầu lắng nghe như nuốt từng lời, cậu lẩm nhẩm: “coi nhẹ được mất, tạo phúc cho thế nhân, ấy là hạnh phúc”. Bỗng nhiên mắt cậu sáng lên, thần thái rạng rỡ như đã tìm ra chân lý cuộc đời.

– Bạch đại sư, con không biết lấy gì cảm ơn ngài đã cho con bài học quý giá.

– Cảm ơn thí chủ. Bần tăng trong tâm không cầu điều gì cả. Khiến thí chủ minh bạch là món quà lớn nhất với bần tăng rồi.

Tâm Cầu xúc động hai mắt nhòa lệ, cậu vội sụp xuống lạy nhà sư vô danh. Ông đỡ lấy người cậu, nhẹ gật đầu hiểu ý. Rồi lại quay lại với dáng vẻ trầm mặc như pho tượng đá tạc với những trang kinh Phật cũ kỹ.

Tâm Cầu quay mình ra về. Trời thu xanh ngắt và cao vời vợi, nắng lên phơi phới làm sáng bừng cả không gian, mặt người cũng sáng bừng như nắng. Gió thu lay động vòm lá lao xao như hát. Con đường trước mắt trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.