Lời toà soạn: Hiện nay là thời đại bùng nổ thông tin, lượng thông tin quá nhiều nhưng không chắc trong đó là thông tin chân thật, thậm chí có những kiến giải lệch lạc, đảo loạn logic. Loạt bài ‘Mạn đàm văn hoá biến dị’ này mong muốn đưa ra một loạt ví dụ thực tế, để quý độc giả có được cái nhìn chân thực, thấy được tư duy chính thường, từ đó có được quyết định đúng đắn trong tương lai.

Ở Trung Quốc có một cách nói như thế này: ‘Mọi vấn đề trong phát triển, phải dựa vào phát triển để giải quyết’. Nhưng có trường hợp dỡ nhà/lấy đất để làm công trình, thì chi phí bồi thường không thể mua được nhà hoặc chỗ ở mới.

Thế thì có người sẽ biện hộ rằng, đây là vấn đề trong phát triển (phát triển mở rộng đô thị, làm thêm công trình) thì phải chờ phát triển hơn nữa mới có thể giải quyết. Cách nói này cũng có nét giống với bài trước là ‘kinh tế phát triển rồi sẽ có tự do dân chủ’ (nâng tố chất người dân lên thì sẽ có tự do dân chủ).

Ở Trung Quốc những vấn đề như: tham ô hủ bại, chênh lệch giàu nghèo v.v. cũng là vấn đề trong phát triển, vậy dựa vào phát triển để giải quyết, hay là đâu mới là căn nguyên của mọi vấn đề?

Trường cảnh

Sau khi người dẫn chương trình là cô Phương Phi và bác Kim Nhiên chào hỏi khách mời là Giáo sư Chương Thiên Lượng, mọi người sẽ vào phần trường cảnh.

Trường cảnh là cuộc nói chuyện trực tiếp giữa 3 người, trong có đó 2 vợ chồng đang ở nước ngoài (người chồng tên Vinh), 1 người còn lại là một cô bạn (tên Huệ) của vợ chồng kia mới từ Trung Quốc trở về nước ngoài, rồi kể tình hình ở Trung Quốc. Trong đó: 

Cô bạn bấm chuông, người vợ nói:

Ai đấy?

Cô Huệ nói: 

Tôi đây.

Người vợ nói:

Tiểu Huệ đó hả, từ trong nước (Trung Quốc) về rồi à. 

Người chồng (anh Vinh) nói:

Ngồi đi ngồi đi. Lần này đi hơn nửa năm rồi nhỉ. Tình hình trong nước như thế nào rồi?

Cô Huệ nói:

Đã thay đổi rồi, đến đâu cũng là lầu cao nhà lớn, ăn gì, chơi gì, muốn gì có nấy. Đến độ tôi không muốn trở về (hải ngoại) nữa đấy.

Người vợ nói:

Ai dà. Được rồi tiểu Huệ à. Nghe bạn nói khó tin quá. Em trai em gái tôi vừa bị dỡ nhà đuổi đi xong. Tiền bồi thường căn bản không mua được nhà, làm tụi nó không có chỗ ở. 

Cô Huệ nói:

Hả. Thật á. Nhưng tôi nói câu này có thể bạn không vui, ‘quốc gia chúng ta vừa mới phát triển, vấn đề trong phát triển phải dựa vào phát triển để giải quyết’.Đúng không Vinh ca. Dần dần sẽ tốt thôi mà.

Ảnh cô Huệ và vợ chồng anh Vinh trong trường cảnh.

Ai là giai tầng đặc quyền ở Trung Quốc?

Khi xem xong trường cảnh, Giáo sư Chương nói ‘vấn đề trong phát triển phải giải quyết trong phát triển’, trên thực tế bản thân nó là một mệnh đề giả. Bởi vì Trung Quốc có rất nhiều vấn đề mà quan chức cũng thừa nhận, ví như: vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề chênh lệch giàu nghèo, vấn đề (tham ô) hủ bại v.v. các quan chức cho rằng đây cũng là vấn đề trong phát triển.

Ví dụ về hủ bại là một ví dụ rất điển hình. Đối với ĐCSTQ mà nói, năm 1989 có thể nói là một vạch ranh giới, bởi vì trong quá khứ họ vẫn còn nghĩ về hình thái ý thức của chủ nghĩa cực quyền. Nhưng sau năm 1989, đã xảy ra ‘Liên Xô giải thể, Đông Âu cự biến’, toàn bộ hình thái ý thức của chủ nghĩa cực quyền bị phá sản.

Cô Phương Phi cho rằng từ sau Lục Tứ 1989, rất nhiều người không còn tin hình thái ý thức của ĐCSTQ nữa.

Giáo sư Chương nói đúng thế, lúc đó vốn dĩ mọi người chạy theo chủ nghĩa cực quyền, nhưng chủ nghĩa cực quyền đã không còn, mọi người hà tất phải chạy theo, họ liền nắm lấy lợi ích hiện thực. Cho nên đây là một thay đổi rất lớn.

Lúc này ĐCSTQ cũng biết rằng hình thái ý thức của mình bị phá sản, phải làm sao? Vì để tập hợp lòng dân, ĐCSTQ đã dùng hủ bại để mua chuộc sự trung thành của đảng viên. Tuy rằng ĐCSTQ không phải là một cơ cấu sản xuất, nó cũng không sinh ra tài phú, vậy thì nó dựa vào điều gì để mua chuộc đảng viên? Nó dựa vào ‘cướp đoạt’ (thưởng kiếp – 搶劫), tức là cướp tiền của người dân, để phân chia cho lợi ích đoàn thể.

Giáo sư Chương nói, giống như những người cỡ tuổi Giáo sư Chương trở lên (tiết mục năm 2006, lúc đó Giáo sư Chương 33 tuổi), họ đều nghe một từ gọi là ‘xí nghiệp quốc doanh’. ‘Xí nghiệp quốc doanh’ có nghĩa là quốc gia kinh doanh. Người chủ là ai? Sở hữu toàn dân, xí nghiệp chính là của mọi người chúng ta. 

Sau này được len lén đánh tráo, từ ‘xí nghiệp quốc doanh’ thành ‘xí nghiệp quốc hữu’, từ ‘quốc gia kinh doanh’ thành ‘quốc gia sở hữu’, tức không phải sở hữu của mọi người mà là sở hữu của quốc gia. Như thế ĐCSTQ đã bắt đầu cái gọi là ‘hoá công vi tư’ (化公為私: biến cái công thành cái tư), đem xí nghiệp quốc doanh tiến hành ‘tư hữu hoá’. 

Tư hữu hoá rơi vào túi của ai? Chúng ta nghĩ xem một xí nghiệp quy mô lớn, đoạn thời gian trước đây đã xem qua tạp chí ‘Kinh tế Tài chính’ của Đại lục đã tiết lộ sự kiện công ty Lỗ Năng (魯能 Luneng) của Sơn Đông, đây là một doanh nghiệp năng lượng vô cùng lớn, tài sản có thể vượt quá 70 tỷ NDT (khoảng 240 nghìn tỷ đồng). Công ty này bị một nhân vật thần bí mua lại với giá 3,7 tỷ NDT (12 nghìn tỷ đồng).

Chúng ta thử nghĩ xem, ai có đủ quyền lực và tiền bạc để mua một doanh nghiệp lớn như thế? Chính là giai tầng đặc quyền của ĐCSTQ. Người ấy đã đem xí nghiệp này thế chấp cho ngân hàng, sau đó lấy một phần tiền rồi mua lại xí nghiệp. Điều này giống như một người tiến vào nhà của bạn, lấy tiền của bạn, sau đó còn bán căn nhà của bạn. Trong quá trình này đã xuất hiện một nhóm ‘giai tầng bạo phú’, bạo phú (暴富) tức là giàu có nhanh chóng, giàu trong một đêm. 

Giai tầng bạo phú này không chỉ dựa vào hủ bại để đạt được một loại lợi ích nào đó, mà còn đem toàn bộ tài phú cướp đoạt của xã hội đưa vào túi.

Đến đây người dẫn Kim Nhiên hỏi rằng, từ góc độ trên, thì dường như ĐCSTQ cướp đoạt có tính kế hoạch trong giai đoạn này, nhưng đối với người dân mà nói, bởi vì đa số họ đều làm việc tại xí nghiệp quốc doanh, hoặc trong đơn vị làm việc, họ cảm nhận được xí nghiệp quốc doanh này đều không làm ra tiền, không có lợi nhuận. Dưới tình huống này, xác thực cần phải thay đổi, cần phải cải cách v.v. Người dẫn Kim Nhiên hỏi Giáo sư Chương nhìn nhận như thế nào về góc độ của người dân.

Giáo sư Chương nói, việc thay đổi không thể trả giá bằng việc hy sinh ‘công chính xã hội’. Nếu sự thay đổi này là một sự thay đổi chính thường, vậy thì mỗi người ít nhất cũng có thể đạt được lợi ích bình đẳng. Nhưng chúng ta thấy rằng, trong quá trình ĐCSTQ thay đổi, chính là dùng một loại tước đoạt phong cuồng (điên cuồng). 

ĐCSTQ cắt hết tất cả những thứ mà nó từng thừa nhận. Ví như trước đây là ‘lương thấp nhưng phúc lợi cao’, có dưỡng lão, có trị bệnh, có giáo dục; nhưng hiện nay đã cắt hết, làm cho công nhân không mua được nhà, không khám được bệnh. Hơn nữa ĐCSTQ còn đem một lượng lớn tiền tập trung vào trong tay một nhóm thiểu số. 

Điều này quay trở lại vấn đề mà chúng ta vừa nói: Rốt cuộc ai có loại năng lực đó để mua những doanh nghiệp quy mô lớn? Chính là giai tầng đặc quyền của ĐCSTQ.

Vì sao ĐCSTQ cho phép hủ bại?

Cô Phương Phi nói, hiện nay rất nhiều người phẫn nộ đối với hủ bại, bản thân ĐCSTQ cũng biết hủ bại là nguy cơ đối với sự thống trị của nó. Cô Phương Phi hỏi Giáo sư Chương rằng: vì sao ĐCSTQ dung nhẫn (容忍: dung thứ) hủ bại?

Là người hiểu bộ logic hành xử của ĐCSTQ, Giáo sư Chương nói, bởi vì trên thực tế ĐCSTQ cũng biết nó là đảng chính trị độc tài, mà đảng chính trị độc tài này không có bất cứ thứ gì có thể giám sát nó, gồm cả việc bản thân nó có thể cưỡi lên chế độ. Lúc này lại không có một mục tiêu trước mắt (để tập trung hướng nhìn của mọi người), lại không có hình thái ý thức để kết nối, cho nên nó biết rằng hủ bại là một kết quả không thể tránh khỏi. Vậy phải làm sao? ĐCSTQ đã lấy hủ bại để duy trì sự thống trị. 

Ở đây có hai tầng diện. Một là, ĐCSTQ để các quan chức từ nhỏ đến lớn đều hủ bại. Các quan chức biết rằng lợi ích của họ, tham ô hủ bại, cướp đoạt… đặt dưới sự bảo hộ của ĐCSTQ, cho nên quan chức vì để duy trì lợi ích, họ sẽ bảo vệ chết cứng lợi ích của ĐCSTQ. Như thế ĐCSTQ đã tập hợp được một nhóm người duy trì nó. Đây là điểm thứ nhất. 

Thứ hai, ĐCSTQ lợi dụng hủ bại để làm thủ đoạn đấu tranh quyền lực. Nghĩa là, dù mọi người đều hủ bại, nhưng nếu có một người ‘hai lòng’, thì ĐCSTQ sẽ lựa người ấy để xử lý nghiêm khắc, nhằm thanh minh cho việc phản hủ bại (chống tham nhũng) của nó.

Ví như Trần Lương Vũ, sự hủ bại của ông ta không phải là xảy ra trong năm nay (2006), mà vào thời đại Giang Trạch Dân đã rất nghiêm trọng rồi. Vì sao lúc đó không tiết lộ, nhưng hiện nay là tiết lộ? Bởi vì có đấu tranh chính trị cấp cao ở đằng sau. Giang Trạch Dân cho rằng Trần Hy Đồng không nghe lời, liền bắt Trần Hy Đồng làm điển hình của hủ bại. 

Hồ Trường Thanh nói: ‘ĐCSTQ 10 năm nữa sẽ hạ đài, cho nên chúng ta hiện nay phải chuẩn bị đường lui’. Khi Hồ Trường Thanh biểu hiện hai lòng, ĐCSTQ liền bắt người ấy lại.

Cho nên Giáo sư Chương nhìn nhận ĐCSTQ:

  • Thứ nhất, ĐCSTQ khuyến khích hủ bại.
  • Thứ hai, ĐCSTQ lấy hủ bại là cơ chế đấu tranh quyền lực. 

Như vậy sẽ khiến ĐCSTQ phái sinh những hiện tượng tiếp theo, đó là: những người thanh liêm sẽ là đối tượng bị ĐCSTQ đả kích (đánh).

Vào năm 2003, có một người tên là Hoàng Kim Cao là bí thư huyện ủy huyện Liên Giang, tỉnh Phúc Kiến, ông đã nói rằng: ‘Vì sao áo chống đạn theo tôi 6 năm?’. Bởi vì ông ấy đả kích hủ bại. Trong quá trình đả kích hủ bại (vì bản thân ông là thanh liêm), cho nên đã đắc tội hết thảy những quan chức hủ bại từ lớn đến nhỏ xung quanh, gồm cả: Quan chức cấp tỉnh, cho đến trung ương như Giả Khánh Lâm. 

Hoàng Kim Cao và câu nói: ‘Vì sao áo chống đạn theo tôi 6 năm’.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc là Chu Dung Cơ từng nói: ‘Tôi chỉ muốn sau khi rời nhiệm sở, người ta có thể nói tôi là quan thanh liêm là được rồi’. Vì sao ông nói câu đấy? Bởi vì thật sự là thanh liêm thì rất khó đứng trong quan trường của Trung Quốc.

Người dẫn Kim Nhiên hỏi rằng, theo lời của Giáo sư Chương thì ĐCSTQ là tổ chức thống trị độc tài, ví như có một vài sự việc ‘sấm rền gió giật’ như trấn áp Lục Tứ, quân đội tiến vào trấn áp người dân. Nếu ĐCSTQ thấy hủ bại nguy hại đối với xã hội, đối với sự thống trị của ĐCSTQ, thì tổ chức này có thể dùng biện pháp độc tài để chỉnh trị hủ bại. Vì sao ĐCSTQ không dùng?

Giáo sư Chương nói, đối với ĐCSTQ mà giảng, điều lớn nhất là ‘việc khó hai đầu’. Chúng ta thường nghe một câu là: ‘Chống hủ bại thì vong đảng, không chống hủ bại thì vong quốc’. Vì sao? Có một câu nói rất chân thực rằng: ‘Nếu đem cán bộ từ sơ cấp đến thượng cấp lôi ra xử bắn, thì chắc chắn có oan. Nhưng nếu cách một người và bắn một người, thì khẳng định có bỏ sót’. Sự hủ bại của ĐCSTQ đã đạt đến độ không chỉ là 50 %, mà đã đạt tới 60 70 80 % trở lên. Nếu ĐCSTQ chỉnh trị hủ bại, thì có thể 90 % quan chức ĐCSTQ vào ngục, vậy thì đảng không tồn tại nữa. ĐCSTQ rất rõ điểm này, cho nên nó không thể chống hủ bại một cách nghiêm túc.

Vì sao hủ bại là nhân tố ác tính?

Cô Phương Phi nói rằng, từ góc độ người dân mà giảng, cô biết hiện nay có rất nhiều người có cuộc sống cũng không tệ, mua nhà, cũng có tăng lương v.v. Họ cho rằng hủ bại cách rất xa họ, kiểu như ‘tôi chỉ cần vật chất sinh hoạt, hủ bại để nói sau vậy’. Cô Phương Phi hỏi Giáo sư Chương nhìn nhận việc này như thế nào.

Giáo sư Chương nói, ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là, việc xã hội thay đổi không thể đánh đổi bằng việc hy sinh công bình chính nghĩa của xã hội. Bởi vì chúng ta biết rằng, khi kinh tế tốt thì hủ bại có thể chấp nhận được, chỉ là: ‘vốn dĩ bạn đến được nhiều hơn, hiện nay bạn không được nhiều như thế, nhưng cũng được một phần. Như thế bạn cho rằng hủ bại có thể cho phép’.

Nhưng nếu rất nhiều người hủ bại làm người khác không có cơm mà ăn (do ĐCSTQ cướp đoạt), đẩy rất nhiều người đến bờ vực không có việc làm, không có thu nhập. Dưới tình huống như vậy, họ ngay cả cơm cũng không có mà ăn sẽ khiến xã hội xáo động, thì đối với ai cũng không phải việc tốt. Đây là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, hủ bại là một nhân tố ác tính đối với nền kinh tế. Hoàn cảnh ở Trung Quốc bị xấu đi cũng có quan hệ rất lớn với điều này (hủ bại). Bởi vì ĐCSTQ là chính phủ không phải do dân tuyển, nó phải tìm tính hợp pháp cho việc chấp chính, vậy phải làm thế nào? ĐCSTQ lấy kinh tế phát triển làm nguồn gốc của tính hợp pháp.

Vậy thì cấp trên áp xuống cấp dưới, ví như GDP tăng 8 %, trung ương sẽ áp xuống tỉnh, tỉnh sẽ áp xuống thành phố. Cho nên các quan chức ĐCSTQ từ lớn đến nhỏ sẽ lấy tăng trưởng GDP làm dấu hiệu thăng quan. Vậy làm thế nào có thể đạt được lợi nhuận nhiều hơn? Giảm lương công nhân, không xử lý ô nhiễm môi trường. 

Ví như tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở hai bên bờ sông Hoài Hà. Nếu ĐCSTQ thật sự muốn xử lý, đóng cửa những xí nghiệp này, thì địa phương sẽ không làm. Bởi vì nếu xí nghiệp này đóng cửa, lợi nhuận của xí nghiệp không có, thì con đường thăng chức của các quan sẽ bị đoạn tuyệt. Gồm cả việc ĐCSTQ có lối nghĩ đấu với tam tài Thiên Địa Nhân, cũng khiến cho hoàn cảnh sinh thái của Trung Quốc nghiêm trọng hơn các nước khác.

‘Ai bảo bạn bất hạnh sinh ra ở Trung Quốc’

Người dẫn Kim Nhiên nói, đúng ra quốc gia đang phát triển như Trung Quốc nên có một tiền đề là ‘hậu phát ưu thế’ (後發優勢: ưu thế của nước phát triển sau), bởi vì những vấn đề như ô nhiễm môi trường, thì ban đầu những quốc gia phát triển đã xuất hiện rồi, hơn nữa đã qua đường vòng mà giải quyết, vậy thì Trung Quốc nên lấy kinh nghiệm để tham khảo, vì sao không tham khảo.

Giáo sư Chương nói, đúng là như thế. Nếu người khác té ở đây, thì bạn không nên nối gót té theo. Nhưng chúng ta thấy rằng phương pháp giải quyết vấn đề của quốc gia khác, ví như quốc gia khác giải quyết vấn đề tham nhũng hủ bại như thế nào? Họ dựa vào lập pháp để giải quyết. Mỹ thông qua một loạt các đạo luật, nó có vài nhân tố rất quan trọng.

  • Thứ nhất là người dân phải có quyền biết.
  • Thứ hai là truyền thông giám sát, có thể đem sự việc đưa ra ánh sáng.
  • Thứ ba phải có tư pháp độc lập để ức chế những thứ này.

Nhưng ĐCSTQ biết rằng, nếu nó thật sự có tư pháp công bình chính nghĩa, hoặc mở cửa truyền thông, thì những việc xấu nó làm sẽ bị mọi người biết. Như thế, ĐCSTQ sẽ đối mặt với khủng hoảng thống trị rất lớn. Cho nên những biện pháp mà quốc gia khác từng sử dụng, ĐCSTQ không thể sử dụng. 

Nhưng ở đây lại mang đến một vấn đề đó là: rất nhiều quốc gia mà đằng sau nó không có những thứ của ĐCS, nó cho phép những vấn đề xã hội được cô lập. Vấn đề hủ bại, vấn đề sinh thái, vấn đề chênh lệch giàu nghèo là cô lập/độc lập với nhau, không có mối liên hệ tất nhiên gì với nhau.

Nhưng Trung Quốc có ĐCSTQ đằng sau, nó đem những sự việc này hoà làm một mớ, biến việc ấy thành phức tạp đan xen. Chúng ta thấy rằng ở Trung Quốc, hủ bại mang đến chênh lệch giàu nghèo. Trên thực tế hủ bại là cướp đoạt, thì người giàu rất giàu, 0,5 % người Trung Quốc nắm giữ 70 % tài phú xã hội, còn người nghèo thì rất nghèo. Loại thù hận giữa họ, không chỉ là người nghèo thù người giàu, mà người giàu cũng thù hận người nghèo. 

Mọi người xem, có một người là người bị sa thải, người thất nghiệp, họ sống không được nữa, họ mở ‘xe ôm’ (xe thồ). Sau đó họ hỏi ‘Tôi làm sao sống’, cảnh sát nói ‘Tôi quản anh sống như thế nào ư?’. Một nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp làm Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nói: ‘Người như bạn không đáng sống’. Dùng cách nói của Hà Tác Hưu (何作庥, có bản dịch là Hà Tộ Hưu) là: ‘Ai bảo bạn bất hạnh sinh ra ở Trung Quốc’.

Do hủ bại mang đến chênh lệch giàu nghèo, cải tạo thành thù hận xã hội rất lớn.

Cô Phương Phi hỏi rằng, theo cách nói của Giáo sư Chương, vấn đề của Trung Quốc do ĐCSTQ gây ra đã không có cách nào giải quyết. 

Giáo sư Chương nói đúng là như thế. ĐCSTQ không chỉ không giải quyết được vấn đề, mà còn là người gây ra vấn đề. Đương nhiên chúng ta không nói rằng: ‘Không có ĐCSTQ, thì vấn đề được giải quyết’; nhưng ít nhất không có ĐCSTQ chúng ta có khả năng giải quyết vấn đề, hoặc là những cách nghĩ để giải quyết vấn đề.

Đến đây người dẫn Kim Nhiên đã hỏi Giáo sư Chương một câu rất hay gặp. Người dẫn Kim Nhiên nói, rất nhiều người cho rằng ĐCSTQ vẫn thống trị ở đây, dù sao thì ‘nhất thời nửa khắc’ ĐCSTQ cũng không hạ đài, vậy thì chúng ta thảo luận vấn đề ở đây như ‘vấn đề trong phát triển phải dựa vào phát triển để giải quyết’, nó có ý nghĩa gì hay không.

Giáo sư Chương nói, khi người dẫn Kim Nhiên nói vấn đề này thì mình đã ý thức được, chính là: sự tồn tại của ĐCSTQ đã tạo thành những vấn đề không cách nào giải quyết. Trên thực tế điều chúng ta muốn nói là: đây không phải là vấn đề trong phát triển, cũng không thể trong phát triển mà giải quyết được. Đương nhiên muốn giải quyết vấn đề ĐCSTQ lại là một vấn đề khác.

Cô Phương Phi nói, đây là một vấn đề khá rộng, xem ra chỉ có thể lưu lại vào lần sau để thảo luận.

Đến đây thời lượng chương trình đã hết. Quý độc giả nhìn nhận như thế nào về vấn đề này, hãy bình luận ở phần bên dưới. Hẹn quý độc giả trong những bài viết tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Link ‘Mạn đàm văn hoá biến dị’ tập 25 trên nền tảng Youmaker. 

(**) Ảnh trong bài chụp từ ‘Mạn đàm văn hoá biến dị’ tập 25.