Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 

Xem thêm:  Phần 1,  Phần 2,  Phần 3,  Phần 4,  Phần 5,  Phần 6,  Phần 7,  Phần 8

Can đảm nghĩa hiệp

Nếu có một thứ có thể sánh ngang với thơ ca Lý Bạch thì đó chính là kiếm thuật và lòng nghĩa hiệp của ông. Lý Bạch từng tự kể về mình là: “15 tuổi yêu thích kiếm thuật, cầu kiếm khắp các chư hầu”. Lưu Toàn Bạch trong “Đường cố Hàn lâm học sỹ Lý Quân kệ ký” viết về Lý Bạch như sau: “Thiếu thời hành hiệp, không màng sản nghiệp, danh tiếng khắp kinh sư”. Ngụy Hiệu trong “Lý hàn lâm tập tự” cũng tả Lý Bạch “Thiếu thời hành hiệp, có thể một tay giết mấy người”.

Bản thân Thi Tiên cũng tự nói về mình: “Kết tóc còn chưa hiểu sự đời, kết giao toàn anh hùng hào kiệt”, “Nâng thân trong kiếm sáng, giết người cõi hồng trần” (Tặng tòng huynh Tương Dương thiếu phủ Hạo). Tuổi trung niên, ông rời Trường An, du ngoạn Tề, Lỗ ngoài mục đích tu đạo còn là để học kiếm. Khi ấy ông và bằng hữu ngồi hàn huyên, vẫn bừng bừng phấn khích hồi ức về chuyện cũ năm xưa đánh phá vòng vây của lũ ác nhân Ngũ Lăng. (Tự cựu tặng Giang Dương Tể Lục điệu). 

Lý Bạch thích hành hiệp từ thuở thiếu thời, “khinh tài thích bố thí”. Cả đời ông đã viết rất nhiều thơ ca tụng nghĩa sĩ, những anh hùng hào hiệp trong lúc quốc gia nguy cấp dũng cảm xả thân mà chẳng kể công, không tham tước lộc. Bài thứ 10 “Cổ phong” ca ngợi Lỗ Trọng Liên “Anh hùng nổi danh đẩy lui Tần, rạng ngời hậu thế ngưỡng mộ danh”. Đồng thời ông cũng nói “Ta cũng như anh đều phóng khoáng, phủi áo bỏ đi chẳng màng danh”. Lý Bạch sở dĩ đồng cảm với những anh hùng nghĩa hiệp lịch sử kia là bởi chính ông cũng mang trong mình một tính cách hào hiệp, trượng nghĩa vậy. 

Lý Bạch đồng cảm với những anh hùng nghĩa hiệp lịch sử là bởi chính ông cũng mang trong mình một tính cách hào hiệp, trượng nghĩa. Ảnh dẫn theo xiacheba.com

Lý Bạch từ nhỏ yêu thích múa kiếm, 15 tuổi theo Tả Lân Kích Kiếm Lão Nhân học kiếm thuật, 20 tuổi thường đeo kiếm cưỡi ngựa đến các đô thị, trang ấp. Trong thơ “Kết khách thiếu niên trường hành ông viết:

Tuấn mã mắt lửa vàng
Rung rinh tung bờm xanh
Bình minh cùng đua ngựa
Lạc Dương cửa thành đông
Thiếu niên học kiếm thuật
Chém chết Bạch Hầu Công
Áo bào tung đai gấm
Phóng dao giết chim hồng
Sức vạn phu thần dũng
Rút kiếm nổi hùng phong
Kết giao toàn Kịch Mạnh
Mua rượu đến Tân Phong
Nói cười trong chén rượu
Giết người giữa đô thành
Thẹn nghe Dịch Thủy lạnh
Tráng khí vút cầu vồng
Yên Đan sự bất thành
Cung Tần tráng sỹ vong
Vũ Dương vô tích sự
Kinh Kha  mới chẳng thành

Rời đất Thục, ông đến phương nam du ngoạn hồ Động Đình, ngắm trông Ngô Việt, ngụ cư An Lục, sau di cư đến Vấn Môn miền đông nước Lỗ (Lý Bạch Trang ở Tứ Thủy, Sơn Đông ngày nay). Trong lúc ngao du khắp các vùng đất, ông luôn đeo bên mình thanh bảo kiếm, cần cù khổ luyện. Trong rất nhiều bài thơ của ông có nhắc đến thanh bảo kiếm đó, như “Mũ cao đeo bảo kiếm, vái chào Hàn Kinh Châu”, “Bên hông Diên Lăng kiếm, dây ngọc áo minh châu”… Lý Bạch rất mê bảo kiếm, quả là như hình với bóng chẳng rời.

Rời đất Thục, ông đến phương nam du ngoạn hồ Động Đình. Ảnh dkn.tv

Chúng ta cùng thưởng thức bài thơ “Hiệp khách hành” (bản dịch của Trần Trọng San) để hiểu rõ hơn con người nghĩa khí, tráng chí ngút trời của Lý Bạch:

Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
Gươm Ngô câu rực rỡ tuyết sương
Long lanh yên bạc trên đường
Chập chờn như thể muôn ngàn sao bay
Trong mười bước giết người bén nhạy
Nghìn dặm xa vùng vẫy mà chi
Việc xong rũ áo ra đi
Xoá nhòa thân thế, kể gì tiếng tăm
Rảnh rang tới Tín Lăng uống rượu
Tuốt gươm ra, kề gối mà say
Chả kia với chén rượu này
Đưa cho Châu Hợi, chuốc mời Hầu Doanh
Ba chén cạn, thân mình xá kể!
Năm núi cao, xem nhẹ lông hồng
Bừng tai, hoa mắt chập chùng
Mống tuôn hào khí mịt mùng trời mây
Chùy cứu Triệu vung tay khảng khái
Thành Hàm Đan run rẩy, kinh hoàng
Nghìn thu tráng sĩ hai chàng
Tiếng tăm hiển hách, rỡ ràng Đại Lương
Thân dù thác, thơm xương nghĩa hiệp
Thẹn chi ai hào kiệt trên đời
Hiệu thư dưới gác nào ai?
Thái huyền, trắng xoá đầu người chép kinh 

Lý Bạch ở Vấn Dương, Đông Lỗ học kiếm 3 năm với tinh thần “mài sắt nên kim”, ngày đêm khổ luyện, trường kỳ không nản, kiếm thuật đạt đến trình độ cao siêu, nhiều lần được Bùi Mân ca ngợi. (Thơ ca Lý Bạch, múa kiếm Bùi Mân, chữ thảo Trương Húc, được ca ngợi là “Đại Đường Tam tuyệt” – ND). Bản lĩnh bắn tên của ông cũng rất cao, đi săn ở U Châu, “một mũi xuyên hai hổ”, “Quay lưng rụng hai diều” (Tặng Tuyên Thành Vũ Văn thái thú kiêm Trình Thôi thị ngự). 

Lý Bạch đến Sơn Đông học kiếm, trừ bạo an dân, giúp người khó nạn, được anh hùng hào kiệt các nơi kính trọng. Ngụy Hiệu trong “Lý hàn lâm tập tự” viết rằng, Lý Bạch xử việc bất bình, vì dân trừ bạo, đã từng đâm chết mấy tên. Khi kết giao với các hiệp khách, Lý Bạch được bằng hữu Giang Nam tặng thanh Long Tuyền kiếm. Trong thơ “Lưu biệt Quảng Lăng chư công” ông viết: “Tuấn mã dây cương vàng, Long Tuyền gấm treo ngang” là nói đến thanh kiếm này.

Lý Bạch thích Lỗ Trọng Liên, như trong “Tặng tòng huynh Tương Dương thiếu phủ Hạo” có viết: “Kết tóc còn chưa biết sự đời, kết giao anh hào tuấn kiệt thôi. Lui Tần công lớn đâu cần thưởng, dẹp Tấn đâu bởi danh truyền đời”. Lý Bạch kết giao bằng hữu rất trọng nghĩa, chẳng chịu khom lưng theo quyền quý.

Chân dung Lý Bạch trong “Chân dung cổ nhân các triều đại”. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung

Chúng ta lại cùng thưởng thức bài thơ “Kết miệt tử” của ông quan bản dịch của Trần Trọng San:

Ngô Môn có bậc anh hào
Lòng đàn bụng cá giấu dao tung hoành
Đền ơn vua, quyết dâng mình
Một gieo núi Thái, nhẹ tênh lông hồng

Lý Bạch từng du ngoạn khắp Thục Trung, xách kiếm đi ngang dọc giang hồ, phía nam đến tận Thương Ngô, phía đông đến Minh Hải. Sau khi rời kinh đô hồi hương, du ngoạn Đông Lỗ, ngao du 10 năm ròng, đời ông có thể nói là đời ngao du, đến đâu cũng để lại dấu chân tầm tiên phỏng đạo, cũng để lại hào khí nghĩa hiệp, giao kết bằng hữu, múa ca uống rượu.

Lý Bạch khinh tài thích bố thí, lúc tuổi trẻ viễn du, tiền vàng trong người khá nhiều. Mỗi khi đến một nơi nào đó, ông đều lấy tiền giúp riêng những người thất thế mà mình kết giao, đến nỗi trong một năm, đã “bỏ tiền ra hơn 30 vạn” (Thượng An châu Bùi trưởng sử thư). Nhưng khi tiền dùng hết, khi không còn tiền tài để giúp bằng hữu được nữa, Lý Bạch cũng không mất đi nghĩa khí. Trước quyền thế, chính trực không hạ mình, với bạn bè, can đảm quan tâm, lo liệu.

Lần đầu tiên Lý Bạch viễn du sau khi đến Giang Lăng là cùng đi với bạn học ở Thục Trung là Ngô Chỉ Nam. Lần du ngoạn này sau này được Lý Bạch gọi là “Phía nam đến tận cùng của Thương Ngô”. Thương Ngô theo truyền thuyết là nơi an táng vua Ngu Thuấn. Từ Thương Ngô trở về, đúng lúc họ đang vui thích ngao du hồ Động Đình, Ngô Chỉ Nam bỗng nhiên mắc bạo bệnh mà chết.

Lý Bạch ôm thây khóc lớn, thậm chí khóc ra máu, ngay cả người đi đường cũng nghe thấy tiếng khóc cũng đều cảm thấy thương tâm. Khi đang trông coi thi thể, một con hổ lao đến, Lý Bạch vì giữ thi thể Ngô Chỉ Nam, kiên trì không lùi một bước, sau đem thi thể Ngô Chỉ Nam chôn tạm bên hồ. (Thượng An Châu Bùi Trưởng sử thư). 

Ba năm sau, ông quay lại nơi này, đào thi hài Ngô Chỉ Nam, đem từng chiếc xương xuống hồ, dùng dao cạo rửa sạch sẽ, sau đó cõng đến Ngạc Thành, mượn tiền hậu táng Ngô Chỉ Nam. 

Chính khí ngùn ngụt

Không lâu sau khi Lý Bạch hậu táng Ngô Chỉ Nam, liền đến An Lục cư trú. Lúc đó, bạn thân ông là Đan Khâu Sinh cũng ẩn cư ở An Lục. Lý Bạch tự gọi là khoảng thời gian này là “Rượu ẩn An Lục, bỏ phí 10 năm“. Lý Bạch kết hôn sinh con, lân cận có các bạn tu đạo thân tình như Đan Khâu Sinh, Hồ Tử Dương…

Khi du ngoạn Tương Dương, ông còn kết giao với Mạnh Hạo Nhiên ẩn cư ở Lộc Môn Sơn. Mạnh Hạo Nhiên hơn Lý Bạch 12 tuổi, lúc đó tiếng thơ cũng đã vang xa. Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên đều ẩn cư trong núi rừng, lấy thơ rượu làm vui, đều là người cương trực có tình có nghĩa, không muốn khom lưng theo quyền quý.

“Tân Đường thư” có ghi chép, một lần Mạnh Hạo Nhiên do mải uống rượu đàm đạo với bạn mà lỡ hẹn với Hàn Triêu Tông, một yếu nhân của triều đình. Hàn Triêu Tông bèn nổi giận, không tiến cử Mạnh Hạo Nhiên nữa, mà còn muốn ông phải rời khỏi Trường An. Nhưng Mạnh Hạo Nhiên chẳng hề vì việc này mà hối hận.

Lý Bạch trong thơ Tặng Mạnh Hạo Nhiên” đã rất tán thưởng Mạnh Hạo Nhiên thẳng thắn hào sảng, “không thờ vua“. Trong bài thơ này, Lý Bạch nói lên lòng kính trọng của ông đối với Mạnh Hạo Nhiên không chỉ bởi tài hoa trác việt của mà còn bởi đức hạnh của Mạnh, thà ẩn cư nơi tùng xanh mây trắng chứ không để công danh trói buộc. Tấm lòng ấy thực khiến cho người ta phải ngưỡng mộ vậy. 

Cùng thưởng thức bài thơ “Tặng Mạnh Hạo Nhiên” của Lý Bạch qua bản dịch của Trần Trọng Kim:

Mạnh phu tử đáng yêu thay
Phong lưu nổi tiếng đấy đây tương truyền
Trẻ trung chẳng thiết quý quyền
Già nua vui chốn lâm tuyền cùng mây
Dưới trăng là thánh khi say
Mê hoa đâu có đoái hoài thờ vua
Ngửng trông chót vót núi gò
Bấy nhiêu cũng đủ thơm tho nhẹ nhàng

Nhiều năm sau, Lý Bạch thêm một lần nữa tình cờ gặp Mạnh Hạo Nhiên ở Giang Hạ. Lúc ly biệt, họ leo lên lầu Hoàng Hạc, uống rượu chuyện trò vui vẻ. Lý Bạch đã viết bài thơ nổi tiếng “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”. Lý Bạch trọng tình bằng hữu, tình cảm nhớ thương sâu sắc bè bạn của ông sống động trên từng trang giấy.

Hãy cùng đọc lại một lần nữa “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

Dịch thơ (Ngô Tất Tố):

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời

Mạnh Hạo Nhiên, trong tập tranh truyện “Vãn tiếu đường họa truyện” của Thượng Quan Châu đời Thanh

Khoảng năm Khai Nguyên thứ 23 (năm 725), anh họ Đan Khâu Sinh mời Lý Bạch du ngoạn Thái Nguyên. Trong thời gian đó, Lý Bạch kết giao với Quách Tử Nghi khi đó vẫn còn là một anh lính. Nghĩa khí đã gắn kết hai nhân vật phong lưu thiên cổ này với nhau, đã lưu lại giai thoại thiên cổ xả thân cầu nghĩa.

Lý Bạch thích uống rượu thỏa thích, lại giỏi cưỡi ngựa bắn cung, cũng rất tự nhiên trở thành hình mẫu nhân luân mà người thời đó mong muốn hướng tới. Để được chiêm ngưỡng phong độ, thần thái Lý Bạch, Nhiệm Hoa, Ngụy Vạn chẳng quản ngàn dặm xa xôi tìm đến theo ông. Hạ Tri Chương, được xưng tụng là “Tứ Minh cuồng khách”, vừa thấy Lý Bạch liền kinh ngạc gọi một tiếng “Trích tiên nhân“, lấy “Kim quy đổi rượu“. Môn nhân Võ Thất thì nguyện vượt nước sôi lửa bỏng, vượt qua khu vực quân phản loạn An Lộc Sơn chiếm đóng đến Đông Lỗ mà đón các con của Lý Bạch. 

Cùng thưởng thức bài thơ “Tặng Võ Thập Thất Ngạc tính tự” (Thơ và lời tựa tặng Võ Ngạc, hiệu Thập Thất):

Môn nhân Võ Ngạc, là người trọng nghĩa. Khí chất vốn trầm tĩnh dũng mãnh, ngưỡng mộ phong thái Yêu Ly, ẩn mình nơi sông biển, chẳng để tâm đến chuyện thế gian. Nghe tin Trung Nguyên có loạn, bèn đến phía tây tìm tôi. Con trai tôi Bá Cầm ở nước Lỗ. Võ Ngạc hứa mạo hiểm vượt qua binh loạn đến đón. Rượu say cảm kích, đưa bút viết tặng.

Tuấn mã như dải lụa
Ngày mai vượt Ngô môn
Xứng danh Yêu Ly khách
Nghe loạn liền báo ơn
Cười rút Yên chủy thủ
Lau bóng chẳng ngữ ngôn
Lạc Dương quân chó sủa
Thiên Tân bức tường ngăn
Ái tử kẹt Đông Lỗ
Bi thương nát tâm can
Lâm Hồi bỏ ngọc bích
Ngàn dặm trường cõng con
Ông vì tôi đến đó
Mạo hiểm vào Trung Nguyên
Chân thành theo thiên đạo
Chẳng thẹn hào kiệt hồn

Từ khi dời Trường An, đến năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755), xảy ra loạn An Sử, Lý Bạch luôn trong tình trạng ngao du khắp nơi. Trong 10 năm đó, triều đình hủ bại ngày càng hiện rõ, mà Lý Bạch trên đường du ngoạn thì ác mộng nối nhau kéo đến. Đầu tiên là Hạ Tri Chương khuất núi, sau đó là Thôi Thành Phủ bị giáng chức, Lý Thích bị buộc phải tự tử, Lý Ung, Bùi Đôn Phục đều bị đánh đến chết.

Đối diện với hiện thực nịnh thần lộng hành, mặc sức phỉ báng vu cáo, bậc hiền năng bị bức hại, Lý Bạch viết “Đáp Vương Thập Nhị hàn dạ độc chước hữu hoài”. Trong thơ, Lý Bạch đả kích mãnh liệt triều đình hủ bại. Lý Bạch thấy rằng bất bình lên tiếng như thế rất có thể sẽ bị bọn Lý Lâm Phủ đang nắm quyền bức hại, nhưng ông vốn nghĩa hiệp, cương trực, đã định trước sẽ không chịu cúi đầu trước nịnh thần, quyền quý.

Cùng thưởng thức “Đáp Vương Thập Nhị hàn dạ độc chước hữu hoài” (Trả lời Vương Thập Nhị – Cảm nghĩ đêm lạnh uống rượu một mình) qua bản dịch của Nguyễn Minh:

Đêm qua trên đất Ngô, trong tuyết
Tử Du ngồi chợt tuyệt hứng cao
Mây trên núi biếc dồi dào
Vầng trăng cô quạnh trôi vào trời xanh
Dải Ngân hà bên trăng lạnh lẽo
Sáng sao hôm, Bắc đẩu đang tàn
Uống nhìn sương, nỗi nhớ tràn
Băng trên giếng ngọc, trục vàng chênh vênh
Sống trăm tuổi bon chen vội vã
Cũng nên vui vẻ với rượu chè
Ông không học thú chọi gà
Cũng không nín thở, thổi qua cầu vồng
Không học Kha tung hoành Thanh Hải
Lấy được thành Thạch Bảo lập công
Ngâm thơ làm phú nơi song
Muôn lời so nước, không bằng một ly
Nghe thứ đó người ta đầu lắc
Như gió đông thổi tốc tai lừa
Ngoài ra mắt cá cũng vừa
Bị cười vì tưởng đó là ngọc ngư
Chật hẹp ngựa hoa lưu bị buộc
Chậm chạp lừa đắc chí hí vang
Hoàng với Chiết, khó ca chung
Uổng bài Thanh giác vì vương nghe đàn
Ai khẳng định Ba, Dương hoà được?
Sở coi thường các ngọc chưa mài
Tiền vàng sạch, hết mối mai
Nhà Nho tóc bạc bị đời coi khinh
Một đàm tiếu cũng kinh thất sắc
Huống nhặng xanh mặc vóc chê bai
Tằng Tham há giết người sao?
Ba người cùng dối, lao đao mẹ hiền
Nắm tay ông chữ tâm bàn bạc
Về phần tôi vinh nhục thế nào?
Phụng lân đức Khổng thương sao?
Đổng Long có đúng hạng gà chó không?
Cả đời khổ không ai hòa hợp
Ân với sơ trái ngược có đa
Nghiêm Lăng cao vái xuống vua
Đâu cần mang kiếm vào ra triều đình
Dẫu thành đạt không màng phú quý
Cùng cực rồi nào có buồn đau
Dân thường Hàn Tín còn e
Nễ Hành xấu hổ nếu theo bọn tồi
Ông biết chăng Lý nơi Bắc Hải,
Rất anh hùng có mãi còn đâu!
Biết chăng ông thượng họ Bùi
Mộ sâu ba thước dãi dầu cỏ gai!
Tuổi xanh mong tới Ngũ Hồ
Thấy gương để bớt làm đồ giàu sang 

Bài thơ này viết năm Thiên Bảo thứ 9 (năm 750). Nhạc Sử trong “Lý hàn lâm tập tự” viết: “Lý Bạch có hát rằng: “Ngâm thơ làm phú cửa bắc song, vạn lời chẳng đáng chén nước trong””. Than có thời cơ mà không có địa vị. Than ôi! Với tài danh hàn lâm, gặp Huyền Tông tri ngộ, mà lại tả tơi như thế này”. Bài thơ này dài 51 câu, chủ đề tập trung, tầng thứ rành mạch, ngôn từ vô cùng sắc bén, ví von rất sinh động.

Lý Bạch chẳng cúi đầu trước quyền quý, đúng như trong thơ ông nói: “Xưa ở Trường An say liễu hoa, ngũ hầu thất quý chén rượu hòa. Khí phách vượt trên bao hào kiệt, phong lưu chẳng dưới các anh hào”. (Lưu Dạ Lang tặng Tân phán quan) và “Chợt trong bụi cỏ chết ngay thẳng, chẳng muốn lồng vàng sống cúi đầu” (Thiết tịch tà kỹ cổ xúy trĩ tử ban khúc từ). 

Mã Viễn đời Nam Tống vẽ theo ý thơ “Nguyệt hạ độc chước” của Lý Bạch.

Có một giai thoại khá thú vị về lòng cương trực, cao ngạo, không khuất phục trước cường quyền của Lý Bạch được lưu truyền rộng rãi như sau:

Lý Bạch một lần đến phủ Tể tướng, nói gia môn báo tể tướng là “Lý Bạch – khách câu ngao trên biển”. Tể tướng cười hỏi: “Tiên sinh ra biển câu ngao lớn, lấy gì làm lưỡi câu, dây câu?”.

Lý Bạch nói: “Lấy trăng sáng làm lưỡi câu, lấy cầu vồng làm dây câu”. Tể tướng lại hỏi: “Vậy lấy gì làm mồi câu?”. 

Lý Bạch cao giọng trả lời: “Dùng kẻ sĩ đại phu bất nghĩa khí nhất thiên hạ làm mồi câu”. Tể tướng nghe bất giác rợn tóc gáy.

Mấy trăm năm sau, Tô Đông Pha bình luận rằng “Đùa bỡn vạn thặng (quan lớn tể tướng) như đồng liêu, coi các công hầu như cỏ rác”. Đó thực sự là một cuộc luận câu cá khí phách chấn động sơn hà, uy danh chấn áp tiểu nhân, biểu lộ đậm nét Lý Bạch nghĩa khí can đảm, cao nhã du nhàn.

“Đường tài tử truyện” chép rằng, Lý Bạch trôi nổi tứ phương, muốn leo Hoa Sơn, đang say cưỡi lừa qua huyện phủ, quan huyện tể không biết, nổi giận, dẫn ra công đình nói: “Nhà ngươi là ai, dám vô lễ!”. Lý Bạch không viết tên tuổi lên tờ cung, mà viết “Từng nôn mửa khăn vua, vua pha chế canh mời, Quý phi bưng nghiên mực, Lực Sỹ cởi dây giầy. Trước cửa thiên tử còn ung dung cưỡi ngựa. Huyện Hoa Âm này chẳng được cưỡi lừa sao?”. 

Huyện tể kinh hồn, bái tạ nói: “Không biết Hàn Lâm đến đây”. Lý Bạch chỉ cười một tràng rồi bỏ đi.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Nam Phương biên dịch