Giữa những năm Thuận Thiên triều Nguyên, phường Ngô Xu, phủ Tô Châu, vùng Giang Tô có một người tên là Thi Tế, thuở bình sinh thích bố thí hành thiện. Tuổi đã gần 40 mà vẫn không có lấy một mụn con, ông bèn phát nguyện, nếu có thể sinh được một cậu con trai, nguyện quyên góp 300 lạng bạc để trùng tu ngôi chùa thờ phượng Quan Âm Bồ Tát.

Ngày thường, ông rất thành tâm tụng niệm kinh Phật. Ba năm sau quả nhiên đã sinh hạ được một đứa bé trai, đặt tên là Thi Hoàn, ý là không quên thực hiện lời hứa của mình. Vợ chồng hai người đều vô cùng mừng rỡ, Thi Tế bàn bạc cùng vợ là Nghiêm thị, quyết định mang theo 300 lượng bạc đến điện Thủy Nguyệt Quan Âm, núi Hổ Khâu thực hiện lời hứa của mình.

Ông đến chùa Quan Âm, chính ngay lúc đang muốn bàn giao số bạc cho vị tăng chủ sự, bỗng nghe thấy bên ngoài chùa có tiếng khóc vọng lại. Ông vội vàng chạy ra ngoài điện, nhìn thấy một người đàn ông trung niên vừa khóc vừa đi về phía hồ nước, muốn gieo mình xuống nước tự vẫn. Ông vội vàng chạy đến giữ chặt lấy, nhìn thử thì hóa ra là người bạn học cùng thời niên thiếu, tên gọi là Quý Phú Ngũ. Thi Tế bèn hỏi bạn mình vì sao lại muốn tìm đến cái chết. Quý Phú Ngũ nói:

“Vốn dĩ tôi sống bằng nghề trồng trọt, có ruộng đất nhà cửa, cuộc sống cũng được tính là khá giả. Về sau, bởi nghe lời người ta bỏ bê ruộng vườn chuyển sang buôn bán, lấy nhà cửa và đất đai cầm cố 300 lượng bạc làm vốn liếng kinh doanh, chẳng ngờ kết quả bị thua lỗ sạch sành sanh. Chủ nợ là Lý Bình Chương tìm đến đòi cả vốn lẫn lãi, dù có bán sạch nhà đất, cộng thêm một vợ hai con nữa cũng đủ không trả hết số nợ đó được, còn ép tôi đi vay thêm của bạn bè thân thích, tôi chẳng còn chỗ để đi vay mượn nữa, chỉ muốn gieo mình xuống nước tự vẫn cho xong, coi như chấm hết mọi chuyện”. Nói xong, không nén được đau thương, liền khóc òa lên.

Thi Tế nghe xong, không chút do dự liền lấy ra 300 lượng bạc mang theo trên người đưa cho bạn mình trả nợ. Quý Phú Ngũ nhận lấy số bạc, cảm ơn không thôi, tỏ ý ngày sau nhất định sẽ cố gắng báo đáp ân tình này. Rồi lại chạy đến trước tượng Quan Âm, thành tâm phát nguyện: “Ân nghĩa cứu mạng của ân nhân, nếu đời nay không thể báo đáp, nguyện đời sau làm thân trâu ngựa đáp đền”. Khấn nguyện xong xuôi, lòng hớn hở từ biệt Thi Tế về nhà trả nợ. Thi Tế nói lại nguyên nhân với vị tăng chủ sự, ngay hôm sau lại gom góp đủ 300 lượng bạc đến hoàn nguyện như đã hứa.

Quý Phú Ngũ chạy đến trước tượng Quan Âm, thành tâm phát nguyện: “Ân nghĩa cứu mạng của ân nhân, nếu đời nay không thể báo đáp, nguyện đời sau làm thân trâu ngựa đáp đền”… (Ảnh: 500px.com)

Lại một ngày kia, Quý Phú Ngũ dẫn theo vợ là Tôn thị, con trai lớn Quế Cao, con trai thứ là Quý Kiều đến cảm tạ ân cứu giúp của Thi Tế. Thi Tế nhìn thấy cả nhà bạn mình đoàn tụ, rất lấy làm vui mừng, liền bày rượu làm cơm ân cần khoản đãi. Trong bữa tiệc, nghe Quý Phú Ngũ nói cả nhà hiện giờ không có nơi để ở, cũng không có kế sinh nhai, bèn rộng rãi nói: “Giúp người thì giúp đến cùng, ngoài làng tôi đây có một mảnh vườn trồng dâu trồng táo, khu đất ấy cũng hơn chục mẫu, nhà cửa cũng có mấy gian, nếu không ngại thì cả nhà ông hãy đến đó ở, nếu siêng năng canh tác trồng trọt, cũng có thể sống qua ngày”.

Cả nhà Quý Phú Ngũ nghe nói đều vô cùng cảm ân, và tỏ ý sẽ quyết sẽ không vong ân phụ nghĩa, nếu không đời sau sẽ chuyển sinh thành thân chó ngựa để báo đáp. Nghiêm thị nghe nói Tôn thị lúc này đã mang thai được hơn năm tháng, hai bên thỏa thuận nếu như sinh con gái, hai nhà nguyện ý kết thành thông gia. Sau khi cơm rượu no nê, vui vẻ rời đi. Từ ngày cả nhà họ Quý chuyển đến, nhà họ Thi cũng thường tiếp tế muối gạo, tiền vật. Nhà họ Quý càng cảm kích không thôi. Đầu tháng chín năm đó, Tôn thị quả nhiên sinh hạ một bé gái. Nghiêm thị càng thường xuyên mang gạo thịt đến, tình cảm hai nhà ngày một gắn kết.

Lại nói Quý Phú Ngũ một lần nhìn thấy có một con chuột trắng chui vào trong một cái hang dưới cây ngân hạnh trong vườn, vợ chồng hai người bèn dùng cuốc sắt đào lên, bất ngờ dưới lòng đất đó có chôn một cái hũ, trong hũ có hơn một nghìn năm trăm lượng bạc. Nguyên là cha của Thi Tế lúc còn sống thấy con trai trọng nghĩa khinh tài, sợ tiêu tán hết tài sản, nên đã lén chôn xuống mấy hũ bạc. Một ngày kia, khi ấy ông đã ngoài 90 tuổi, trong lúc ngủ đã qua đời, chưa kịp nói lại với con trai mình.

Hai vợ chồng Quý Phú Ngũ bất ngờ đào được dưới lòng đất một cái hũ, trong hũ có hơn một nghìn năm trăm lượng bạc. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Hai vợ chồng Quý Phú Ngũ giữ kín như bưng, lặng lẽ mang theo hơn một nghìn lượng bạc đến chỗ một người thân thích ở Cối Kê, mua ruộng đất ở đó. Năm nào cũng đều lấy cớ đi thăm người thân qua đó thu tiền thuế má. Mấy năm sau, đã trở thành một đại tài chủ, và cũng đã mua sắm được nhà cửa khang trang. Ngày thường, cả nhà đều ăn mặc rách rưới, không để lộ bản thân là người có tiền chút nào. Nhà họ Thi cũng không hay biết chút gì, vẫn thường gửi đồ tiếp tế sang như trước đây.

Bất giác đã ba năm qua đi, Thi Tế bất ngờ mắc phải cơn bệnh nặng, chạy chữa thế nào cũng không khỏi, cuối cùng đã qua đời. Vợ chồng Quý Phú Ngũ bàn tính với nhau, đây thật đúng là cơ hội tốt để cả nhà mình thoát thân, bèn mang theo một con gà, một vò rượu đến nhà họ Thi chia buồn. Quý Phú Ngũ bái tế xong rồi về trước, còn Tôn thị nán lại nói với Nghiêm thị rằng: “Cả nhà em may nhờ ơn anh chị cứu giúp, ngày đêm chẳng lúc nào dám quên. Ân tình trời biển của anh chị, vợ chồng em vạn phần chưa báo đáp được một. Ngày nay ân nhân đã mất, vợ chồng em cũng không dám chiếm giữ ruộng nhà thêm nữa, quyết định đến nơi khác mưu sinh, chuyện hôn nhân hai bên cũng không cần nhắc đến nữa. Hôm nay vợ chồng em xin được cáo từ ở đây”. Nghiêm thị dùng mọi cách khổ sở giữ lại không được, đành phải nước mắt ngậm ngùi đưa tiễn. Nhà họ Quý dọn đến Cối Kê sinh sống, giống như con chim được sổ lồng, một đi không trở lại nữa.

Lại nói đến nhà họ Thi, bởi Thi Tế vui thích bố thí, trong nhà từ lâu đã trống không. Lại trải qua một lần tang lễ này nữa, khó tránh mắc nợ một vài khoản nợ bên ngoài. Cộng thêm Nghiêm thị tuy hiền đức có thừa nhưng tài cán lại không đủ, mẹ góa con côi dần dần bán sạch hết ruộng đất, tài sản trống không, thật đến bước đường cùng, không thể sống tiếp được nữa. Người hiền đức được Trời soi rọi, vừa khéo lúc này một người bạn thân thời còn đi học của Thi Tế năm xưa tên Chi Đức, giờ đã từ quan về quê không làm nữa, sau khi được biết cảnh ngộ của gia đình bạn thân của mình, liền đến chia buồn. Trông thấy gia cảnh người bạn nghèo rớt mồng tơi, không khỏi nước mắt lã chã tuôn rơi, từ đó thường gửi tiền vật giúp đỡ, sau đó lại còn gả con gái cho Thi Hoàn.

Chi Đức thấy gia cảnh người bạn nghèo rớt mồng tơi, từ đó thường gửi tiền vật giúp đỡ, sau đó lại còn gả con gái cho Thi Hoàn… (Ảnh: youtube.com)

Chi Đức ngày trước là quan thanh liêm, cũng không có tích cóp gì, làm sao có thể gánh nổi khoản chi của hai nhà đây? Về sau, nghe biết được ân đức của nhà họ Thi với nhà họ Quý năm xưa, lại nghe nói nhà họ Quý ở Cối Kê đã trở nên giàu có, liền khuyên mẹ con Thi Hoàn đến xin giúp đỡ, ít nhất cũng có thể xin về 300 ngân lượng lúc đầu.

Tuy vậy, đến nơi lại không được như ý nguyện. Thi Hoàn thu xếp cho mẹ ở trong quán trọ, còn mình trước sau đến nhà Phú Quý Ngũ ba lần, thấy nhà họ Quý giờ đây nguy nga đồ sộ, chủ tớ áo quần hoa lệ, nhưng đối với mình lại tỏ ra vô cùng thờ ơ lãnh đạm, giống hệt như người xa lạ. Cuối cùng, nói nể mặt ân tình của cha mình ngày trước mà đưa cho 20 lạng bạc. Nghiêm thị nhờ người quen biết với nhà họ Quý đi đòi lại 300 lượng bạc ngày trước. Tôn thị lại thề thốt phủ nhận không có chuyện này, nói Nghiêm thị vì túng quẫn quá, nên thần trí hồ đồ mất rồi, và bảo nhà họ Thi lấy giấy nợ ra làm chứng mới chịu đưa cho ngân lượng. Mẹ con hai người uổng công một chuyến, Nghiêm thị uất ức thành bệnh, ôm hận qua đời.

Thi Hoàn nén chịu nỗi đau, sau khi ôm hận đưa tang mẹ, gia cảnh càng thêm nghèo túng, hơn nữa nợ nần ngập đầu. Bố vợ bảo con rể hãy dọn đến nhà mình ở. Thật đúng là thiện hữu thiện báo, trong lúc tháo gỡ gian nhà ông nội sinh sống ngày trước, lại bất ngờ phát hiện một cuốn sổ sách, bên trong có ghi chép địa điểm chôn cất số bạc. Chàng cùng bố vợ đào thử, quả nhiên đào được mấy nơi chôn bạc, tính gộp lại cũng có mấy vạn lượng bạc, chỉ có cái hũ chôn dưới gốc cây ngân hạnh ở vườn dâu vườn táo là trống không. Thi Hoàn mừng khôn kể xiết, sau khi trả hết nợ nần lại gây dựng lại nhà cửa, trở thành người giàu nhất vùng. Chàng cũng đón bố mẹ vợ về nhà phụng dưỡng.

Thật đúng là thiện hữu thiện báo, trong lúc tháo gỡ gian nhà ông nội sinh sống ngày trước, lại bất ngờ phát hiện một cuốn sổ sách, bên trong có ghi chép địa điểm chôn cất số bạc… (Ảnh minh họa: youtube.com)

Lại nói Quý Phú Ngũ giàu mà bất nhân, vong ân phụ nghĩa, cuối cùng quả báo cũng đến. Ông ta bỏ ra một khoản tiền lớn đến kinh thành nhờ người mua giúp chức quan, không ngờ lại bị lừa. Ông ta quyết tâm muốn giết chết kẻ lừa đảo đó để hả giận. Ngay đêm hôm đó, ông ta mơ thấy một giấc mộng kỳ quái: Mơ thấy vợ mình cùng hai đứa con trai đều biến thành chó đến nhà họ Thi trả nợ. Ông giật mình hỏi vợ, Tôn thị nói với ông rằng, lẽ nào đã quên mất lời thề ở chùa Quan Âm ngày trước rồi chăng? Ông cùng con gái, sau khi dương thọ hết rồi, cũng sẽ phải đến đây trả nợ!

Ông ta từ trong mộng giật mình tỉnh dậy, biết được bản thân mình bị người ta dối gạt, đây cũng là báo ứng vong ân phụ nghĩa của mình, vậy nên cũng từ bỏ ý định trả thù. Ông ta vội vội vàng vàng trở về nhà, nhìn thấy giữa sân đặt ba cỗ quan tài, cô con gái đang ở đó khóc lóc thảm thiết. Hỏi ra mới biết con trai thứ hai là Quý Kiều, ở bên ngoài cờ bạc gái gú rượu chè, ném tiền qua cửa sổ, hơn nữa còn lén bán nhà cửa đất đai cho Vạn tổng quản, mấy ngày trước bị bệnh lao mà chết. Cậu con trai lớn là Quý Cao tìm Vạn tổng quản nói lý, bị đánh chết tươi. Người mẹ khóc thương hai đứa con trai quá độ, mấy ngày sau cũng chết.

Quý Phú Ngũ đành phải bán hết số tài sản ít ỏi còn lại để chôn cất ba mẹ con, giờ đây đã trở thành kẻ nghèo xơ nghèo xác. Lúc này, ông ta mới nhớ lại hôn ước của cô con gái với nhà họ Thi, nghĩ lại thật có ý hối hận, cũng rất sợ mai này sẽ phải chuyển sinh thành chó trả nợ. Thế là quyết định gả cô con gái yêu quý của mình cho kẻ nghèo xác Thi Hoàn để thực hiện lời hứa ngày trước, cũng xem như chuộc tội phần nào.

Ông dẫn theo con gái đến nhà họ Thi xem thử, thấy nhà cao cửa rộng, cơ ngơi còn đồ sộ hơn cả trước đây. Ông mấy lần nhờ người hầu thông báo muốn gặp chủ nhân. Thi Hoàn bởi căm hận cả nhà ông ta vong ân phụ nghĩa, khiến mẹ mình ôm hận lìa đời, vậy nên cự tuyệt không gặp. Về sau, nhờ vợ và bố mẹ vợ nhiều lần khuyên bảo, mới chịu nạp con gái họ Quý làm thiếp, và thu nhận Quý Phú Ngũ.

Một ngày kia, có ba con chó bất ngờ chạy vào trong nhà, quấn quýt Quý Phú Ngũ vô cùng thân thiết, dường như có nghìn vạn lời muốn thổ lộ cùng ông. Ông nhìn thấy trên mình con chó lớn nhất kia có một đốm trắng, giống hệt chú chó vợ mình biến thành trong mơ. Thế là, ông bèn tin vào chuyện thiện ác hữu báo. Ông kể lại với con gái chuyện này, con gái cũng tin là thật. Từ đó trở đi, đối xử tốt với ba chú chó này, và thường xuyên tụng niệm kinh Phật tỏ lòng cầu khẩn. Một ngày kia, cô con gái mơ thấy mẹ và hai người anh trai đến nói lời từ biệt, cảm tạ nàng đã tụng kinh siêu độ, nhờ vậy họ được chuyển sinh sớm hơn. Ngày hôm sau, phát hiện ba con chó này đều đã chết cả.

Từ đó trở đi, cô gái đối xử tốt với ba chú chó này, và thường xuyên tụng niệm kinh Phật tỏ lòng cầu khẩn. Một ngày kia, cô con gái mơ thấy mẹ và hai người anh trai đến nói lời từ biệt, cảm tạ nàng đã tụng kinh siêu độ… (Ảnh: youtube.com)

Từ đó, chủ nhân nhà họ Thi càng thích bố thí hành thiện. Thê thiếp đều chung sống hòa thuận, cả nhà hạnh phúc mỹ mãn, con cháu đầy nhà, đều là những người tài đức, cũng có người thi đỗ tiến sĩ. Thật đúng là:

“Vong ân bội nghĩa giàu mau hết, mẹ con ba người đều chết mau.

Lời thề ứng nghiệm hóa kiếp chó, mới hiểu lẽ Trời chẳng thể khinh.

Ăn năn hối cải thì tránh họa, nhân nghĩa thiện lương phúc thọ trường.

Khuyên người hãy biết làm việc thiện,  trời xanh chẳng giúp kẻ bất lương”.

(Theo “Cảnh Thế Thông Ngôn”)

Nguồn: secretchina.com
Thuận An biên dịch