Có lần, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử về đạo trị quốc. Khổng Tử trả lời: “Phương lược trị quốc của Chu Văn Vương, Chu Võ Vương được ghi chép lại trong các cuốn thẻ tre. Hiền nhân giống như họ vậy khi còn sống thì các phương sách trị quốc của họ có thể thực hành được; nhưng khi họ tạ thế thì các phương sách trị quốc của họ không thể thực hành nữa. Đạo của trời chính là siêng năng hóa sinh vạn vật, đạo của người chính là siêng năng xử lý công việc chính trị, đạo của đất là khiến cho cây cối sinh trưởng mau lẹ. Chính trị, mau lẹ như loài ong lỗ lấy con của tò vò biến nó thành con đẻ của mình, một khi được sự giáo hóa thì có thể thành công rất nhanh, bởi vậy điều quan trọng nhất trong việc điều hành đất nước là phải có được nhân tài”.

Khổng Tử nói tiếp: “Tuyển chọn người tài nằm ở tu dưỡng tự thân, tu dưỡng đạo đức cần lấy chữ Nhân làm gốc. Nhân, chính là phải có lòng yêu người, yêu thương người thân là lòng nhân từ lớn nhất; Nghĩa, chính là mọi việc làm sao cho vừa phải, tôn trọng người hiền là Nghĩa lớn nhất. Yêu thương người thân thì cần phân rõ kẻ gần người xa, tôn trọng người hiền phải có thứ bậc, chính nhờ điều này mà sinh ra Lễ. Lễ, đây là cái gốc của chính trị, bởi vậy quân tử cần phải tu thân. Nếu muốn tu thân thì phải phụng dưỡng cha mẹ; mà nếu muốn phụng dưỡng cha mẹ thì phải hiểu người; nếu muốn hiểu người thì phải hiểu trời”.

Khổng Tử cũng nói về năm cái đạo: “Đạo lớn nhân luân phổ quát thiên hạ có năm điều, đức hạnh để thực hiện năm đạo lớn nhân luân này thì ba có loại. Đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo vợ-chồng, đạo anh-em, đạo bạn bè, năm điều này là đạo lớn phổ quát thiên hạ. Ba loại phẩm đức là Trí, Nhân, Dũng, là đạo đức phổ quát thiên hạ. Mục tiêu thực hiện những điều này đều là nhất trí với nhau. Có người trời sinh đã biết, có người thông qua học tập mới biết được, có người trải qua khó khăn rồi mới biết, cuối cùng đều biết cả, đây là chỗ giống nhau. Có người yên tâm thoải mái mà thực hành, có người vì danh lợi mà thực hành, có người bị bức bách phải thực hành, cuối cùng đều thành công, đều là như nhau cả”.

Lỗ Ai Công nói: “Tiên sinh nói rất hay, và đã đến chỗ cực điểm, nhưng quả nhân thật sự quá thô lậu, không đủ để thành tựu những điều này”. 

Chân dung Khổng Tử. (Tranh vẽ của họa sư Kanō Sansetsu, Nhật Bản)

Khổng Tử nói: “Chăm chỉ học hành thì có được trí tuệ, cố gắng thực hành thì có được lòng nhân, biết liêm sỉ thì có được dũng khí. Biết được ba điều này thì ắt biết cần phải tu thân thế nào; biết tu thân thế nào thì mới biết làm sao để quản lý con người; biết quản lý con người thế nào thì có thể hoàn thành nhiệm vụ quản lý đất nước”.

Lỗ Ai Công hỏi: “Việc trị lý quốc gia đến đây là hết rồi ư?”

Khổng Tử nói: “Có chín nguyên tắc để cai trị thiên hạ, đó chính là: tu dưỡng tự thân, tôn trọng người hiền, yêu thương người thân, kính trọng bề tôi, chăm lo cho bề tôi, yêu dân như con, chiêu nạp thợ thủ công, ưu đãi khách phương xa, vỗ về chư hầu. 

Tu dưỡng tự thân thì có thể xác lập chính đạo, tôn trọng người hiền thì sẽ không cảm thấy nghi hoặc, yêu thương anh em chú bác trong họ hàng thì sẽ không oán hận, kính trọng bề tôi thì khi gặp chuyện sẽ không mê lạc, chăm lo cho bề tôi thì kẻ sĩ báo đáp càng thêm sâu dày, thương dân như con thì người dân sẽ chăm chỉ làm việc, chiêu mộ thợ thủ công thì tài vật sẽ sung túc, ưu đãi khách phương xa thì người ở bốn phương sẽ quy thuận, vỗ về chư hầu thì người trong thiên hạ sẽ kính sợ”.

Ai Công hỏi: “Quả nhân cần làm như thế nào đây?”.

Khổng Tử nói: “Tĩnh tâm, thành kính như khoác lên mình những bộ trang phục trang nghiêm những khi trai giới, kiên quyết không làm những việc không hợp với lễ nghi, đây chính là nguyên tắc tu dưỡng tự thân. Xua đuổi tiểu nhân, xa rời nữ sắc, coi thường tài vật, xem trọng đức hạnh, đây chính là nguyên tắc tôn trọng người hiền. Thăng quan tiến chức cho người có tài, cho họ bổng lộc hậu hĩnh, nhất trí sự yêu ghét với họ, đây chính là nguyên tắc khiến họ hàng càng thêm thân ái. Quan chức phần nhiều đều được bổ nhiệm, đây chính là nguyên tắc khuyến khích bề tôi. Chân tâm thành ý chọn dùng, cấp cho bổng lộc hậu hĩnh, đây chính là nguyên tắc khen thưởng khích lệ kẻ sĩ. 

Lao dịch không để lỡ vụ nông, giảm thiểu tô thuế, đây chính là nguyên tắc thương dân như con. Mỗi ngày tự xét mình, hàng tháng tự đánh giá, tiền công thóc lúa được trả tương xứng với công trạng công việc, đây chính là nguyên tắc khen thưởng khích lệ đối với quan viên. Khách đến thì vui vẻ chào đón, khi đi thì vui vẻ tiễn đưa, khen thưởng những người có việc tốt, thương xót những người có năng lực kém, đây chính là nguyên tắc ưu đãi khách từ xa đến. Tiếp nối gia tộc không người nối dõi, phục hưng nước nhỏ đã bị diệt vong bỏ hoang, xử lý hỏa loạn, nâng đỡ yếu nhược, trao tặng hậu hĩnh, xem nhẹ chuyện cống nạp, đây chính là nguyên tắc làm yên lòng chư hầu”.

Khổng Tử tiếp tục nói: “Trị lý quốc gia có chín nguyên tắc, phương pháp để thực hành những nguyên tắc này thì chỉ có một. Phàm là việc gì mà có sự chuẩn bị trước thì sẽ thành công, không chuẩn bị trước thì sẽ thất bại. Nói chuyện mà có sự chuẩn bị trước, lời nói sẽ trôi chảy; làm việc mà có sự chuẩn bị trước, sẽ không lâm cảnh khó khăn; hành động mà có chuẩn bị trước, sẽ không lưu lại sự hối tiếc; dự tính trước đường đi nước bước, sẽ tránh được trở ngại phiền toái không nên có. 

Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử về đạo trị quốc (Ảnh minh họa: Tranh vẽ “Khổng Tử Thánh Tích Đồ” của họa sư Cừu Anh đời nhà Minh).

Cấp dưới mà không có được lòng tin của cấp trên, thì không thể quản lý tốt dân chúng được. Có được lòng tin của cấp trên là có quy tắc, người không có được lòng tin của bạn bè thì không thể có được lòng tin của cấp trên. Có được lòng tin của bạn bè là có quy tắc, người không thể khiến cha mẹ vui lòng thì không có được lòng tin của bạn bè. Khiến cha mẹ vui lòng là có quy tắc, ấy là phải xét lại mình có đủ chân thành hay không. Khiến bản thân chân thành là có quy tắc, không biết thế nào là thiện thì không thể khiến bản thân mình chân thành. 

Chân thành, ấy là nguyên tắc của thiên thượng; theo đuổi chân thành, là nguyên tắc làm người. Nếu có lòng thành, có thể làm được mà không cần miễn cưỡng, có thể có được mà không phải lo nghĩ, ung dung tự tại có thể phù hợp với đạo Trung Dung, đây là hình tượng mà Thánh nhân biểu hiện xuất lai. Người chân thành, là người biết chọn mục tiêu tốt đẹp và kiên trì theo đuổi nó”. 

Lỗ Ai Công lại hỏi tiếp: “Phương pháp mà tiên sinh dạy cho quả nhân đã rất hoàn chỉnh rồi, quả nhân nên phải bắt đầu thực hiện từ chỗ nào đây?”.

Khổng Tử nói: “Dựng lập nhân ái bắt đầu từ chỗ yêu thương cha mẹ, như vậy có thể dạy cho dân chúng hòa thuận; dựng lập cung kính bắt đầu từ việc tôn kính bề trên, như vậy có thể dạy cho dân chúng vâng lời. Dạy người tử tế hòa thuận, dân chúng sẽ cho rằng người thân của mình là trân quý nhất; dạy người cung kính, dân chúng sẽ cho rằng tuân theo mệnh lệnh là điều quan trọng nhất. Dân chúng đã có thể hiếu thuận cha mẹ, lại có thể phục tùng mệnh lệnh, thì bảo họ làm bất cứ việc gì trong hạ, không việc gì là không thể”.

Lỗ Ai Công rất mực khiêm tốn nói rằng: “Từ khi quả nhân nghe những lời này, quả nhân rất sợ bản thân không thể thực hành một cách dứt khoát mà phạm sai lầm”.

Theo Minh Huệ, Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch